Phân tích: Việc cản trở truyền thông nhà nước phát hình trực tiếp cho thấy bất ổn chính trị trong nội bộ ĐCSTQ
Kể từ ngày bế mạc kỳ họp Lưỡng hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhiều vụ tai nạn và vụ nổ đã được báo cáo tại các thành phố trên khắp Trung Quốc. Đáng chú ý, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) do ĐCSTQ kiểm soát đã phái các phóng viên đến hiện trường một vụ nổ như vậy, nhưng họ gặp phải sự cản trở và gây phiền nhiễu từ công an địa phương nhằm kiểm duyệt việc đưa tin.
Các nhà phân tích cho rằng những sự kiện hiếm hoi như vậy cho thấy tình trạng hỗn loạn bên trong bối cảnh chính trị của Đảng này.
Nhiều vụ tai nạn
Trước đây, các vụ cháy nổ và tai nạn do sự cẩu thả của quan chức Trung Quốc không phải là hiếm, bởi vì việc thực thi không nghiêm các tiêu chuẩn an toàn là điều phổ biến ở Trung Quốc.
Sáng 11/03, một vụ hỏa hoạn bùng phát tại nhà máy nhựa đường ở thành phố Cát Thủ (Jishou), tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Các video lan truyền trên mạng cho thấy một đám mây hình nấm khổng lồ và khói dày đặc tại hiện trường, thỉnh thoảng có những ngọn lửa bùng lên. The Epoch Times không thể xác thực độc lập những video này.
Theo báo cáo chính thức của ĐCSTQ, vụ việc này khiến hai người thiệt mạng, một người bị thương nặng, và ba người bị thương nhẹ. Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy vụ hỏa hoạn là do các tia lửa điện từ việc cắt điện trong quá trình phá dỡ nhà máy.
Cùng ngày, hai vụ nổ xảy ra tại hai mỏ than khác nhau ở thị trấn Tạ Kiều (Xieqiao), tỉnh An Huy và huyện Trung Dương, tỉnh Sơn Tây. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin bảy thợ mỏ thiệt mạng trong mỗi vụ tai nạn đó.
Cũng trong ngày 11/03, một vụ cháy và nổ đã xảy ra tại một công ty công nghệ địa phương ở Lục Hợp, tỉnh Hồ Bắc. Các nhân chứng cho biết ngọn lửa bùng lên tại hiện trường, kèm theo những tiếng nổ liên tục, buộc người dân gần đó phải sơ tán. Một nhân viên trong tòa nhà tiết lộ rằng đám cháy bắt nguồn từ một cơ sở lân cận nhưng đã lan sang tòa nhà của họ, cuối cùng dẫn đến vụ nổ. Chính quyền địa phương báo cáo 3 người bị thương nhẹ và tuyên bố rằng không có trường hợp tử vong nào trong vụ việc này.
Sáng sớm hôm 13/03, một vụ nổ và hỏa hoạn đã xảy ra tại tòa nhà bốn tầng trong một khu dân cư ở thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc. Một máy ghi hình hành trình ghi lại cảnh cháy nổ, chụp được một quả cầu lửa phun ra từ tòa nhà dân cư, cao tới ba tầng lầu. Một tòa nhà gần như bị san bằng, trong khi một tòa nhà khác bị hư hại nghiêm trọng, chỉ còn lại một nửa cấu trúc của tòa nhà. Hơn 10 chiếc xe hơi trên đường phủ đầy bụi và mảnh vỡ, vì cửa kính vỡ vụn. Các mảnh vỡ của vụ nổ thậm chí còn văng sang các tòa nhà bên kia đường.
Sau vụ việc này, các báo cáo chính thức của ĐCSTQ cho rằng vụ tai nạn khiến bảy người tử vong và 27 người bị thương, nguyên nhân nghi ngờ là do rò rỉ khí gas ở một nhà hàng gần đó dẫn đến vụ nổ.
Phản ứng với sự việc này, cơ quan phát ngôn tin tức truyền hình cáp của ĐCSTQ, CCTV (xin đừng nhầm với truyền hình mạch kín), đã cử các phóng viên đến hiện trường để phỏng vấn và đưa tin trực tiếp, điều này là hết sức bình thường. Tuy nhiên, trớ trêu thay, các phóng viên lại gặp phải sự cản trở và cố gắng kiểm duyệt từ phía công an địa phương.
‘Duy trì sự ổn định’
Một đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy khoảng trưa hôm 13/03, đài CCTV đã kết nối với một phóng viên tuyến đầu có mặt tại hiện trường vụ việc. Khi phóng viên này đang miêu tả tình huống, thì hai người đàn ông mặc thường phục bất ngờ xuất hiện, chặn máy ghi hình và cưỡng chế đuổi người phóng viên đi, làm gián đoạn buổi phát sóng trực tiếp.
Khi máy ghi hình quay trở lại trường quay, người dẫn chương trình tỏ ra ngạc nhiên vì mọi nội dung trên kênh tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc này đều được kiểm soát và phê duyệt chặt chẽ từ trước. Không thể tưởng tượng được rằng có ai đó lại cản trở việc phát hình trực tiếp của đài CCTV. Video này được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc nhưng đã sớm bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc xóa vào buổi tối.
Ngoài ra, một phóng viên khác của CCTV, cô Hứa Mộng Triết (Xu Mengzhe), đã công bố một đoạn video ngắn ghi lại cảnh cô bị hơn chục công an xô đẩy và cư xử thô bạo khi đưa tin tại địa điểm vụ nổ.
Hôm 14/03, tuyên bố chính thức của chính quyền thành phố thừa nhận việc đối xử thô bạo với các phóng viên của CCTV và bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc” về vụ việc. Các quan chức địa phương đã đưa ra lời xin lỗi tới tất cả các phóng viên có liên quan.
Bất ổn chính trị trong giới lãnh đạo ĐCSTQ
Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận thời sự Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, chỉ ra rằng việc CCTV cử các phóng viên đến hiện trường vụ nổ là một hành động hiếm thấy. Việc chính quyền địa phương dám cản trở cơ quan ngôn luận tuyên truyền chính của ĐCSTQ thì cũng hiếm, và lời xin lỗi sau đó từ các quan chức địa phương cũng hiếm không kém. Ba sự kiện hiếm hoi này phản ánh tình trạng hỗn loạn trong chính trường ĐCSTQ.
Hôm 15/03, trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Trần nói rằng việc CCTV đưa tin tại hiện trường là không bình thường vì họ thường tránh đưa những sự kiện như vậy. Chương trình của cơ quan ngôn luận tuyên truyền này luôn chú trọng thể hiện một xã hội hài hòa và thịnh vượng dưới sự cai trị của ĐCSTQ.
Ông giải thích rằng các hành động của chính quyền địa phương phù hợp với các biện pháp “duy trì ổn định” của chế độ này, vốn nhằm mục đích bịt miệng những người bất đồng chính kiến và ngăn chặn bất kỳ thông tin nào có thể miêu tả tiêu cực về Trung Quốc. Bất cứ khi nào có tai nạn hoặc sự việc gì xảy ra dưới thời ông Tập Cận Bình, các quan chức địa phương đều tất bật thực hiện cái gọi là “duy trì ổn định” và kiểm soát dư luận.
Ông Trần cho rằng nếu CCTV cử phóng viên đến hiện trường, thì họ phải được cấp trên chỉ thị chứ không phải CCTV có thể tự mình đưa ra quyết định.
“Có lẽ CCTV đã tham khảo ý kiến của ông Lý Thư Lỗi (Li Shulei), hiện đứng đầu Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ, người sau đó đã tham khảo ý kiến của ông Thái Kỳ (Cai Qi), một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, vì Ban Tuyên giáo thuộc thẩm quyền của ông Thái Kỳ,” ông Trần nói. “Nếu ông Thái Kỳ đưa ra quyết định cuối cùng, thì điều đó cho thấy lệnh đó không đến từ chính ông Tập Cận Bình.”
Ông cho rằng nếu ông Tập vẫn nắm chắc quyền lực giữa lúc ông gặp các vấn đề sức khỏe, thì có thể ông Thái không dám đơn phương đưa ra quyết định như vậy và sẽ xin lời khuyên từ ông Tập. Theo tính cách của ông Tập, thì ông sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ tin tức tiêu cực nào bị lộ ra ngoài. Vì vậy, ông Thái có thể đã muốn chứng tỏ quyền lực của mình khi ông Tập đang bị bệnh, do đó đã đồng ý cho CCTV đưa tin từ hiện trường vụ việc. Về phía các quan chức địa phương, nếu là truyền thông ngoại quốc hay là báo lá cải trong nước, thì họ sẽ không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào. Lý do xin lỗi là vì sau đó họ nhận ra mình đã làm phật ý cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, có thể sẽ xúc phạm trực tiếp đến ông Thái, nên buộc lòng phải xin lỗi.
Ông Trần nhận xét: “Giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn, với những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ dẫn đến việc [các phe phái khác nhau] ban hành các chỉ thị một cách độc lập. Ông Tập Cận Bình không thể giám sát mọi thứ một cách toàn diện. Ông ấy có thể không thể đích thân quản lý vì lý do sức khỏe.”