Trung Quốc: Tướng về hưu Lưu Á Châu lãnh án chung thân, gửi một thông điệp tới tất cả các thái tử đảng
Tin tức vừa đưa ra rằng ông Lưu Á Châu (Liu Yazhou), một tướng đã về hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện đang bị giam giữ và điều tra, đã bị tòa án quân sự của ĐCSTQ kết án tù chung thân. Ông Lưu là một trong những thái tử đảng của ĐCSTQ trong quân đội và lúc đầu ủng hộ ông Tập Cận Bình khi ông Tập lên nắm quyền và đảm nhận chức vụ cao nhất. Hiện ông Lưu đã bị kết án tù nặng, các nhà phân tích cho rằng Tập muốn đe dọa các thái tử đảng và rằng các thái tử đảng này hối hận vì đã ủng hộ ông Tập.
Trong tiếng Hoa, “thái tử” là một từ ngữ mang nghĩa xấu, ám chỉ con em của các quan chức cấp cao và có ảnh hưởng của ĐCSTQ, những người đã chiến đấu trong các cuộc chiến tranh cách mạng giúp thành lập Trung Quốc Cộng sản.
Ông Lưu có lẽ là một Lý Khắc Cường khác
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ Trung Quốc, cho biết trong chương trình “Pinnacle View” rằng việc ông Lưu nhận một bản án nặng nề là một sự kiện mang tính bước ngoặt trên chính trường của ĐCSTQ.
“Tôi được biết từ một người bạn rằng ông Lưu Á Châu đã bị kết án tù chung thân vì các vấn đề kinh tế, ngoại tình, cùng nhiều tội danh khác. Sau này tôi mới biết mình là người đầu tiên tiết lộ tin này cho giới truyền thông,” ông nói.
Ông Vương, bản thân cũng là một thái tử đảng của ĐCSTQ, có mối quan hệ với những người trong cuộc vốn thân cận với các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ. Ông là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, kêu gọi cải tổ dân chủ ở Trung Quốc. Tuy hiện nay đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn là người có tiếng nói tích cực trong phong trào dân chủ.
Theo ông Vương, các thái tử đảng của ĐCSTQ đã đóng một vai trò đặc biệt trong việc ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và củng cố quyền lực. Ban đầu, ông Tập có hai thượng cấp là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, những người có quyền kiểm soát ông ở hậu trường. Ông đã đánh bại cả hai người này, phần lớn là dựa vào sự ủng hộ của các thái tử đảng của ĐCSTQ.
“Điều này là do các thái tử đảng của ĐCSTQ không tôn trọng hai ‘thượng cấp’ này, những người không có cùng dòng máu đỏ như họ. Về mặt này, họ đứng về phía ông Tập Cận Bình,” ông Vương giải thích.
“Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực và thanh trừng hai phe phái lớn đó, thì ông ấy muốn bắt đầu một chế độ độc tài và bắt đầu nhắm vào các thái tử đảng. Theo những gì tôi biết, ông ấy rất khắt khe với các thái tử đảng ở các bộ phận chủ chốt. Ví dụ, các thái tử đảng được phép đảm nhận vai trò lãnh đạo ở nhiều bộ phận khác nhau, ngoại trừ bộ phận an ninh, nơi dường như áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với nhóm cụ thể này.”
“Nói đến trường hợp của ông Lưu Á Châu, chúng ta hãy bỏ qua câu hỏi có phải vì ông ấy ở bộ phận chủ chốt hay không. Vấn đề quan trọng ở đây là việc trừng phạt ông Lưu Á Châu sẽ là tấm gương sáng nhất để đe dọa các thái tử đảng khác.”
Một số người cho rằng việc ông Lưu vẫn còn ảnh hưởng trong quân đội đã khiến ông Tập lo lắng. Ông Vương không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
“Có hai yếu tố cần cân nhắc khi thảo luận về mức độ ảnh hưởng,” ông cho biết. “Một là sức ảnh hưởng thực sự, thường dựa trên việc quý vị có kinh nghiệm thực chiến khiến người khác tôn trọng quý vị hay không, và thứ hai là quý vị đã huấn luyện được một đội quân hay chưa. Rõ ràng là ông ấy không có những kinh nghiệm này. Ông ấy là một nhà văn quân đội và thăng tiến trong quân đội nhờ ảnh hưởng của gia đình.”
Ông Lưu đã làm việc khoảng 15 năm tại Đại học Quốc phòng từ năm 2003 đến năm 2017, giữ các chức vụ từ phó chính ủy đến chính ủy. Đại học Quốc phòng được biết đến là nơi đào tạo các lãnh đạo quân sự cấp cao của PLA. Khi về hưu, ông Lưu bắt đầu tổ chức một quỹ nghiên cứu nhận tiền quyên góp từ nhiều nguồn khác nhau. Theo những người trong cuộc, ông Lưu được cho là đã biển thủ số tiền mà quỹ của ông đã quyên góp được vì mục đích cá nhân, một cáo buộc nghiêm trọng dành cho ông dẫn đến bản án chung thân.
Ai cũng biết rằng tất cả các gia đình Đỏ ở Trung Quốc đều vô cùng tham nhũng. Vì vậy, cáo buộc ông Lưu tham ô, tham nhũng chỉ là cái cớ; chắc chắn đằng sau phải có động cơ khác.
Vậy thì tại sao ông Tập lại quyết định trừng phạt ông Lưu nặng tay như vậy? Ông Vương nghi ngờ rằng nguyên nhân là do một số người quá ghét ông Tập và đặt nhiều kỳ vọng vào ông Lưu.
Ông Vương phân tích rằng, “Ông Tập Cận Bình có thể lo lắng về tình hình này, tức là cho dù ông Lưu Á Châu không có tham vọng này, thì những người khác cũng muốn đưa ông ấy lên thay thế ông Tập Cận Bình. Điều này thực sự khiến ông Tập Cận Bình lo lắng vì ông Lưu Á Châu thực sự có danh tiếng tốt trong giới quân sự và chính trị.”
Ông Vương tiếp tục phân tích rằng, điều này gợi nhớ đến việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời. Ông cho rằng ông Lý chưa bao giờ ấp ủ ý định thay thế ông Tập, nhưng ông Tập quyết tâm lấy mạng ông Lý vì có quá nhiều người đặt hy vọng vào ông ấy. Ông Vương nói thêm: “Cũng có thể qua việc áp đặt hình phạt nặng nề đối với ông Lưu Á Châu, ông Tập Cận Bình đang đe dọa các nhà lãnh đạo quân sự đang muốn thực hiện một cuộc đảo chính tiềm năng.”
Nỗi bất mãn của các thái tử đảng đối với ông Tập ngày càng sâu đậm
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của Epoch Times, cũng chia sẻ trên “Pinnacle View” rằng trường hợp của ông Lưu sẽ có tác động to lớn đến các thái tử đảng của ĐCSTQ.
Bà cho biết, “Quân đội có nền văn hóa riêng đề cao tình huynh đệ và lòng trung thành, điều này rất quan trọng trên chiến trường, nơi mạng sống của mỗi người phụ thuộc hoàn toàn vào sự tin tưởng và giúp đỡ của đồng đội. Đây là một nguyên tắc phổ quát. Ở Hoa Kỳ, những huân chương quân sự cao nhất thường được trao để tôn vinh những hành động dũng cảm như vậy, đặc biệt là giải cứu đồng đội. Một đội quân thiếu đặc tính này đơn giản là không thể hoạt động trong chiến tranh.”
Bà Quách tiếp tục, tầm quan trọng của những giá trị này thậm chí còn được thể hiện rõ ràng hơn trong các hoạt động quân sự trong thế giới thực.
“Trên toàn thế giới, đã có nhiều cuộc đảo chính quân sự và một số chính phủ quân sự, về cơ bản dựa vào truyền thống quân sự này để cai trị đất nước. Theo quan điểm của tôi, trường hợp của ông Lý Á Châu, người đã phục vụ lâu dài trong quân đội từ năm 2003 đến năm 2017 tại Đại học Quốc phòng, sẽ có tác động đáng kể. Công bằng mà nói, hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao trong 20 năm qua đều là học trò của ông, có lẽ họ ẩn chứa những tư tưởng nổi loạn ở nhiều cấp độ khác nhau chống lại giới lãnh đạo cao nhất hiện nay. Quả thực, sau khi ông Lưu Á Châu bị bắt, các cuộc thanh trừng rộng khắp trong quân đội ĐCSTQ không hề giảm bớt mà còn gia tăng, điều này có thể phản ánh những gì tôi vừa mô tả.”
Theo quan điểm của bà, nhiều người đang che giấu sự bất bình của mình trong môi trường đàn áp hiện nay nhưng chắc chắn nỗi bất bình của họ sẽ bùng phát vào một lúc nào đó.
“Khi những bất bình của họ bùng phát cùng một lúc, điều đó sẽ giống như những gì đã xảy ra dưới thời ông Mao Trạch Đông. Khi ông Mao còn sống, ai nấy đều im hơi lặng tiếng, thậm chí ủng hộ ông trên bề mặt, nhưng sau khi Mao qua đời, họ đã nhanh chóng ra tay và ủng hộ ông Đặng Tiểu Bình. Tại sao ông Đặng Tiểu Bình có thể lật đổ Bè lũ Bốn tên? Đó là bởi vì không ai trong Bè lũ Bốn tên xuất thân từ quân đội, trong khi ông Đặng có kinh nghiệm quân sự với tư cách là một chính ủy trong Quân đoàn Dã chiến Số hai,” bà nói.
Bà Quách đồng tình với ông Vương rằng khi ông Tập mới lên nắm quyền, nhóm trợ giúp ông nhiều nhất là các thái tử đảng của ĐCSTQ. Bà giải thích rằng điều này là do các thái tử đảng đã ngây thơ tin rằng họ có thể tiếp tục tận hưởng các đặc quyền của mình dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình.
“Sau những cải tổ của ông Đặng Tiểu Bình, ĐCSTQ đã áp dụng hệ thống lãnh đạo tập thể, nhưng trên thực tế, hàng trăm gia đình thượng lưu đã nắm quyền ở Trung Quốc, giống như có hàng trăm ông hoàng. Vì vậy, khi ông Tập Cận Bình sau đó sửa đổi Hiến Pháp để tập trung quyền lực cá nhân, điều đó được xem là các thái tử đảng này đã bị giáng chức, và đương nhiên là họ không hài lòng. Giờ thì họ thậm chí không thể giữ được cấp bậc cao trong giới quan chức của ĐCSTQ và bị hạn chế lên tiếng về các vấn đề quốc gia hoặc chỉ trích chính quyền trung ương, dẫn đến sự bất mãn của họ ngày càng lớn. Một số người đang phàn nàn, và một số người đã chủ động tìm cách lật đổ sự lãnh đạo của ông Tập, đây không chỉ là những tin đồn vô căn cứ,” bà Quách nhận định.
Bà tin rằng cuộc đụng độ giữa các thái tử đảng với ông Tập có thể sẽ dẫn đến một tuồng chính trị có sức ảnh hưởng lớn.
“Bây giờ, các thái tử về cơ bản đã bất hòa với ông Tập Cận Bình,” bà Quách nói. “Ông Tập Cận Bình không còn thăng chức cho bất kỳ ai có xuất thân thái tử đảng, đặc biệt là trong quân đội. Những nhân vật như ông Lý Thượng Phúc và ông Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), là con cháu của các gia đình đỏ, đã phải đối mặt với các cuộc điều tra hoặc bị tước quyền lực. Những người này có ảnh hưởng chính trị đáng kể. Do đó, tương lai vẫn chưa chắc chắn và bất kỳ sự việc nào cũng có thể leo thang thành biến cố lớn.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times