Những người quan sát tình hình Trung Quốc theo dõi chặt chẽ tiến trình ban hành Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công
Việc thông qua dự luật này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ chính thức lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công và tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
Ngày 25/06/2024 là một thời điểm mang tính bước ngoặt với các học viên Pháp Luân Công khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (H.R. 4132).” Dự luật này kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công. Dự luật yêu cầu Hoa Kỳ nhắm đến các hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những người có liên quan, trong đó có việc phong tỏa tài sản, cấm đi lại, và xử phạt hình sự. Dự luật hiện được chuyển đến Thượng viện, và nếu được Thượng viện thông qua thì sẽ chờ tổng thống ký ban hành.
Dự luật này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế và tình hình nhân quyền của Trung Quốc trên toàn cầu, như các nhà phân tích đã nói trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View), một chương trình bình luận của đài truyền hình NTD tập trung vào các vấn đề thời sự của Trung Quốc.
Hành động lập pháp này là đỉnh điểm của hàng thập niên vận động
Trong chương trình Diễn đàn Tinh anh của NTD, nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân (Li Jun) nói rằng Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công đánh dấu dự luật đầu tiên của Hoa Kỳ buộc tội ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công và tham gia hoạt động thu hoạch nội tạng do chính quyền dẫn đầu.
Khi người giới thiệu dự luật này, Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania, trình bày trước Quốc hội, ông mô tả dự luật này đã “chậm trễ 25 năm.” Dự luật yêu cầu tổng thống, trong vòng 180 ngày kể từ ngày ban hành, phải gửi một danh sách các biện pháp trừng phạt đến Quốc hội, cùng với các bản cập nhật hàng năm. Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng và các quan chức y tế phải báo cáo về các hoạt động cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ trong vòng một năm, ngăn cản sự hợp tác Hoa Kỳ-Trung Quốc trong lĩnh vực này và tăng cường hợp tác với các đồng minh quốc tế để phơi bày cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.
Ông Lý nhấn mạnh rằng việc dự luật được Thượng viện thông qua và tiếp đó được tổng thống phê chuẩn sẽ tương ứng với lần đầu tiên Hoa Kỳ chính thức lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công và tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
“Việc có thể đưa các quan chức cấp cao của ĐCSTQ vào danh sách những biện pháp trừng phạt có thể tác động đáng kể đến chính quyền này, khuyến khích những hành động tương tự của các quốc gia và tổ chức quốc tế khác, có thể cô lập những người ủng hộ ĐCSTQ,” ông nói thêm.
Những tác động toàn cầu được dự đoán sẽ theo sau dự luật của Hoa Kỳ
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, cũng có quan điểm tương tự, khẳng định rằng việc thông qua dự luật có thể gây ra một chuỗi phản ứng toàn cầu. Nhắc lại bài diễn văn của mình tại cuộc họp về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Geneva hơn một thập niên trước, bà Quách nhấn mạnh rằng ban đầu các nhà ngoại giao choáng váng như thế nào trước hành vi thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.
“Trong các cuộc thảo luận tiếp theo, bằng chứng xác thực rõ ràng đã được đưa ra, buộc gần như tất cả những người tham dự phải thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhân quyền này. Đại diện từ nhiều quốc gia ở châu Âu đã lưu ý rằng, mặc dù quốc gia của họ nhỏ và có ảnh hưởng hạn chế, nhưng họ sẽ đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ,” bà Quách nói.
Bà dự đoán thêm rằng sự khởi xướng này của Hoa Kỳ sẽ dẫn đến các hành động lập pháp và hành pháp khắp nơi trên thế giới chống lại những hành động tàn ác chà đạp nhân quyền của ĐCSTQ.
Gia tăng giám sát các cáo buộc thu hoạch nội tạng
Trong một ký ức chân thật được chia sẻ trên chương trình Pinnacle View, bà Quách đã kể lại những khó khăn mà The Epoch Times gặp phải khi đưa tin về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ kể từ lần vạch trần đầu tiên cách đây 18 năm.
Bà Quách mô tả một sự việc đáng buồn khi bà đưa các nhân chứng đến một hãng truyền thông lớn của Hoa Kỳ, sau đó mới phát hiện ra ký giả được chỉ định là một thực tập sinh đến từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), thuộc một chương trình trao đổi. Phát hiện này đã khiến một trong những nhân chứng, biết rõ tầm ảnh hưởng sâu rộng và những tác động tiềm ẩn về an ninh quốc gia Trung Quốc, đột ngột rời cuộc họp vì sợ hãi.
Cuộc chiến giành sự tín nhiệm này đã được lặp lại ở Hồng Kông, nơi ban đầu, 70 đến 80% người dân bác bỏ các báo cáo về thu hoạch nội tạng, vì “ý tưởng này vượt quá sự lĩnh hội của họ.” Quan điểm đã thay đổi đáng kể sau Phong trào Phản đối Dự luật Sửa đổi Luật Dẫn độ (các cuộc biểu tình ở Hồng Kông) năm 2019, khiến nhiều người mở rộng tầm mắt về hành vi cực đoan của ĐCSTQ.
“Những năm gần đây đã chứng kiến ngày càng nhiều người lo ngại vì không chỉ các học viên Pháp Luân Công mà cả những người trẻ, kể cả thanh thiếu niên, được cho là đã mất tích trong những hoàn cảnh đáng ngờ,” bà Quách lưu ý, nhấn mạnh thực tế đáng sợ của những trường hợp này. Đó là người ta lo sợ những thanh thiếu niên mất tích đã bị nhắm tới để lấy nội tạng; họ được xem là [nguồn cung cấp nội tạng] lý tưởng vì có sức khỏe tốt và không bị các bệnh mạn tính.
“ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều vào theo dõi và kiểm soát người dân Trung Quốc, nhưng bất chấp hệ thống giám sát rộng khắp này, họ đã không giải thích được việc những thanh niên đang mất tích này, sau đó trong số đó có vài người được phát hiện đã thiệt mạng vì bị lấy nội tạng—nhiều trường hợp vẫn chưa được giải đáp,” bà Quách nói.
“Hình mẫu này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng và sự thận trọng của người dân Trung Quốc, đặc biệt là các bậc cha mẹ, những người hiện đang cảnh giác với việc trường học xét nghiệm máu hoặc kiểm tra sức khỏe miễn phí cho con em họ.”
Bà Quách nhấn mạnh sự thay đổi xã hội dưới thời ĐCSTQ, khi mà công dân không còn được coi là những cá nhân mà là nguồn tiềm năng cho thu hoạch nội tạng. Bà lập luận rằng sự mất nhân tính này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với các tiêu chuẩn nhân quyền toàn cầu, đòi hỏi phải có sự quan tâm và hành động khẩn cấp của quốc tế.
Sự thay đổi chiến lược trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc
Ông Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), thành viên của “Ủy ban về Mối nguy hiểm Hiện tại: Trung Quốc,” một nhóm lợi ích chính sách đối ngoại chống cộng của Hoa Kỳ, nói trong chương trình Diễn đàn Tinh anh rằng “trước đây, các đời chính phủ Hoa Kỳ đã thận trọng về mối quan hệ của họ với ĐCSTQ, tuân thủ nhiều quy tắc nội bộ và phần lớn né tránh các vấn đề về Pháp Luân Công.”
“Không giống như Cơ Đốc Giáo, Pháp Luân Công không được nhiều người biết đến, và ĐCSTQ, dưới sự lãnh đạo của [cựu lãnh đạo] Giang Trạch Dân, đã tiến hành các chiến dịch rộng lớn bôi nhọ Pháp Luân Công, dẫn đến kiến giải dần dần về Pháp Luân Công trong chính phủ Hoa Kỳ,” ông Lâm cho biết.
Ông Lâm đã trình bày chi tiết về hành trình lập pháp của “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công,” ban đầu được ông Perry giới thiệu tại Quốc hội nhiệm kỳ 117 hồi năm 2021. Dự luật đã bị gác lại do đối mặt với sự tranh cãi lớn trong Ủy ban Đối ngoại và thiếu sự đồng thuận đầy đủ.
Tuy nhiên, tại Quốc hội nhiệm kỳ 118 hiện nay, ông Perry, dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự của mình, đã nhận ra ý nghĩa của cuộc đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra 25 năm của ĐCSTQ và việc không có luật pháp quốc tế khiến những thủ phạm phải lãnh trách nhiệm. Để đáp lại, ông lại càng tăng cường nỗ lực hơn nữa, khiến dự luật vượt qua giai đoạn ở ủy ban và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Hạ viện.
“Dân biểu Perry công nhận cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm, một ‘điểm nhức nhối’ đối với ĐCSTQ. Bằng cách tập trung vào vấn đề này, Hoa Kỳ có thể tác động chiến lược đến ĐCSTQ,” ông Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh trọng tâm kép của dự luật về hoạt động thu hoạch nội tạng và cuộc đàn áp Pháp Luân Công bị cáo buộc này. Ông chỉ ra rằng “từ lâu ĐCSTQ đã nói dối cộng đồng quốc tế về những hoạt động này trong khi biến thu hoạch nội tạng thành một ngành béo bở.”
Ông tin rằng dự luật này đánh dấu một sự thay đổi then chốt và một bước ngoặt trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông Lâm nhấn mạnh rằng, không giống như các báo cáo thường niên trước đây của Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, vốn vạch ra những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ nhưng thiếu khả năng thực thi, dự luật này đưa ra các biện pháp trừng phạt. Sự bổ sung này là điều mà ông Lâm coi là một sự nâng cao đáng kể, biến những lời lên án chung chung thành những thay đổi chính sách có thể hành động được và có thể có những tác động sâu sắc đến cả mối quan hệ song phương lẫn bối cảnh nhân quyền toàn cầu.
Gia tăng động lực quốc tế cho các hành động chống lại ĐCSTQ
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một biên tập viên cấp cao của The Epoch Times, nhấn mạnh rằng những dự luật trước đây của Hoa Kỳ nhắm vào các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông đã gặp phải sự chậm trễ đáng kể.
“Chẳng hạn, dự luật Tân Cương mất gần một năm mới được Thượng viện thông qua, trong khi dự luật Tây Tạng phải đối mặt với các cuộc đàm phán kéo dài. Tính cấp thiết trong việc thông qua dự luật Hồng Kông đã tăng lên sau vụ tấn công đốt phá nhà máy in của The Epoch Times trong Phong trào Phản đối Dự luật Sửa đổi Luật Chống Dẫn độ (các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019–2020), đã thúc đẩy các hành động của Quốc hội,” ông Thạch nói.
“Vị thế độc nhất của Pháp Luân Công với tư cách là một đức tin xuất hiện từ bên trong cộng đồng dân cư Trung Quốc đa số là người Hán đã khiến môn tu luyện này ít bị vướng vào những phức tạp về sắc tộc, khu vực, và lịch sử như thấy ở Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, và Hồng Kông. Trước đây, sự khác biệt này đã khiến Hoa Kỳ ưu tiên những vấn đề khác này hơn Pháp Luân Công. Những thách thức trong việc giải quyết cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt nguồn từ sự đàn áp ở cấp quốc gia của ĐCSTQ, khiến cho việc can thiệp của Hoa Kỳ trở nên phức tạp hơn. Tình trạng này phản ánh sự thay đổi về bản chất của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc.”
Theo ông Lâm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang tích cực soạn một danh sách trừng phạt, được trợ giúp đáng kể từ các nhóm như Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG). Thời điểm và việc thi hành các lệnh trừng phạt này rất quan trọng để xác định tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt.
Ông dự đoán rằng phản ứng của quốc tế, đặc biệt là từ các hiệp hội y tế, có thể đóng vai trò then chốt.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times