ĐCSTQ do thế lực ngoại quốc thành lập, gây ra bi kịch cho gần một nửa đại biểu tại đại hội lần thứ nhất
Các xã hội tự do chỉ trích Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường bị tuyên truyền của Trung Quốc gắn nhãn là “thế lực ngoại quốc thù địch.” Tuy nhiên, lịch sử lại cho chúng ta thấy rằng các thế lực ngoại quốc đã tạo thuận tiện cho việc thành lập chính ĐCSTQ.
Hơn một thế kỷ trước, đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của ĐCSTQ được tổ chức chỉ với 15 đại biểu, trong đó có hai người ngoại quốc.
Nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ được bầu chọn, ông Trần Độc Tú (Chen Duxiu), sau đó đã thoái xuất khỏi đảng này, đồng thời nói rằng ông nhận ra rằng một nền tảng chính trị như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến chế độ độc tài của đảng và các nhà lãnh đạo đảng. Ông cũng nói rằng lòng trung thành của ĐCSTQ là với Liên Xô chứ không phải với nhân dân Trung Quốc.
Khoảng một nửa trong số 13 đại biểu Trung Quốc đã gặp phải kết cục bi thảm. Một số bị hành quyết, một số bị ĐCSTQ bức hại, và một số công khai thoái xuất khỏi đảng.
Cam kết trung thành với Liên Xô
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học Trung Quốc, cho biết những người thành lập ban đầu của ĐCSTQ là hai người Tây phương, Henk Sneevliet, còn được gọi là Mã Lâm (Maring), và Vladimir Abramovich Neiman Nikolsky.
Ông Mã Lâm, một người Hà Lan và đang bị truy nã, cùng với ông Nikolsky, một điệp viên người Nga, đã được bí mật cử đến Trung Quốc vào năm 1921.
“Theo hồi ức của các đại biểu tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ Nhất của ĐCSTQ, hai người đàn ông này đã được Cục Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản cử đến Trung Quốc để giúp thành lập ĐCSTQ. ĐCSTQ đã nhận được tài trợ trực tiếp từ họ, với mỗi đại biểu được cấp 100 lượng làm lộ phí và thêm 50 lượng làm quỹ khởi đầu sau cuộc họp,” ông Lý cho biết.
Theo ông Lý, trong giai đoạn đầu, Quốc tế Cộng sản đã cung cấp tất cả các khoản tài trợ cho ĐCSTQ, kể cả tiền thù lao cho các đảng viên đã ghi danh.
“Từ các sự kiện lịch sử, có thể thấy rằng việc thành lập ĐCSTQ thực chất là sự thành lập một chi nhánh của Cục Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản, hoàn toàn phụ thuộc vào Quốc tế Cộng sản. Sau khi cuộc xung đột Trung-Xô nổ ra vào năm 1929, ĐCSTQ đã hô vang khẩu hiệu ‘bảo vệ Liên Xô,’ hoàn toàn trái ngược với lợi ích của dân tộc Trung Hoa,” ông Lý Nguyên Hoa nói.
Cuộc xung đột Trung-Xô năm 1929 khởi phát chủ yếu là do tranh chấp quyền kiểm soát Đường sắt miền Đông Trung Quốc ở Mãn Châu. Vào tháng 07/1929, các lực lượng Trung Quốc đã chiếm giữ các phần đường sắt do Liên Xô kiểm soát, kích khởi một sự đáp trả quân sự dữ dội từ Liên Xô. Hồng quân Liên Xô đã phát động một loạt các cuộc tấn công, đánh bại các lực lượng Trung Quốc và giành lại quyền kiểm soát tuyến đường sắt này. Cuộc xung đột kết thúc vào tháng 12/1929 bằng một thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời khôi phục lại nguyên trạng trước khi xảy ra xung đột.
Bà Quách Quân, chủ tịch ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, cho biết rằng ĐCSTQ đã xuất hiện và sau đó tồn tại một phần là do môi trường chính trị độc đáo.
“Những năm 1920 là thời kỳ cởi mở nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc,” bà Quách cho biết. “Có nhiều đảng phái chính trị và học giả, xã hội tương đối cởi mở và dung hòa, với hàng trăm đảng chính trị và phe phái. Vào thời điểm đó, việc thêm hoặc bớt một đảng phái nữa dường như không đáng kể. Tuy nhiên, tình cờ cùng với sự ủng hộ toàn diện của Liên Xô, cuối cùng ĐCSTQ đã dùng vũ lực chiếm đoạt chính quyền, điều mà có lẽ lúc đầu không ai có thể tưởng tượng được. Cho nên, ĐCSTQ thực sự là một thế lực ngoại quốc.”
Nhiều đại biểu gặp kết cục bi thảm
Nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân (Li Jun) đã chia sẻ một số chi tiết về những gì đã xảy ra với 13 đại biểu Trung Quốc trong những năm cuối đời của họ.
Ông Trần Độc Tú (Che Duxiu), thành viên nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của ĐCSTQ lúc bấy giờ, đã không tham dự đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất mà cử một đại diện là ông Bao Huệ Tăng (Bao Huisheng) đến tham dự cuộc họp này cùng với một lá thư do ông viết. Tuy nhiên, ông Trần cuối cùng đã được bầu làm Tổng Bí thư thứ Nhất, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ.
“Vào thời điểm đó, ông Trần Độc Tú là đại diện cho Phong trào Tân Văn hóa ở Trung Quốc và cũng phụ trách việc thành lập ban đầu cho ĐCSTQ ở Thượng Hải. Vì vậy, các đại biểu của Quốc tế Cộng sản đã đặc biệt chỉ thị cho ông Trần Độc Tú tham dự hội nghị này, nhưng ông đã từ chối với lý do bận công vụ với chức Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Đông. Ngày nay, các học giả thường cho rằng lý do ông Trần không tham dự hội nghị khi đó có thể liên quan đến việc hội nghị này được khởi xướng, tổ chức, và lãnh đạo bởi Quốc tế Cộng sản. Ông Trần luôn phản đối ý tưởng [về việc] ĐCSTQ trở thành một phần của Quốc tế Cộng sản và cam kết trung thành với Liên Xô, vốn là điều mà ông coi là một hành động đáng xấu hổ phản bội lại đất nước Trung Quốc,” theo ông Lý Quân chia sẻ.
Ông Lý chia sẻ thêm rằng vào tháng 11/1929, ông Trần Độc Tú đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ vì phản đối khẩu hiệu của đảng này là “phòng thủ vũ trang của Liên Xô.” Sau đó ông bị vu cáo là gián điệp Nhật Bản, mà điều này đã dẫn đến nhiều cáo buộc bịa đặt khác. Trong những năm cuối đời, ông Trần Độc Tú đã viết một cuốn sách trong đó ông tuyên bố rằng thứ gọi là chuyên chính vô sản thực chất chẳng có ý nghĩa gì cả; mà đó chỉ là sự độc tài của đảng, và cuối cùng dẫn đến sự độc tài của những kẻ lãnh đạo.
Ông Lý Quân tiếp tục kể lại rằng cả 13 đại biểu Trung Quốc tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Lần thứ Nhất của ĐCSTQ đều gặp kết cục bi thảm.
“Các ông Lý Hán Tuấn (Li Hanjun), Đặng Ân Minh (Deng Enming), Hà Thúc Hành (He Shuheng), và Trần Đàm Thu (Chen Tanqiu) đã bị Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (ROC) hành quyết; ông Lý Đạt (Li Da) bị ĐCSTQ tra tấn đến mất mạng vào năm 1966 với lý do [ông] là đại diện giai cấp tư sản trong Đảng và là một học giả phản động thuộc giai cấp tư sản; ông Trương Quốc Đào (Zhang Guotao), Chủ tịch Quốc hội trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ Nhất, sau này bị coi là kẻ cơ hội cánh hữu chống Đảng vì có quan điểm khác biệt với ông Mao Trạch Đông, đồng thời bị phê bình rất gay gắt. Vào tháng 04/1938, ông Trương thoái xuất khỏi Đảng và đầu hàng chính quyền Trung Hoa Dân Quốc rồi viết đơn từ chức, đồng thời nói rằng ‘ĐCSTQ này không còn là Đảng mà tôi hằng mong mỏi và chiến đấu suốt đời;’ Ông Chu Phật Hải (Zhou Fohai) và ông Trần Công Bác (Chen Gongbo) lần lượt thoái xuất khỏi ĐCSTQ vào năm 1922 và 1924; các ông Lý Hán Tuấn (Li Hanjun), Bao Huệ Tăng (Pao Huisheng), và Lưu Nhân Tĩnh (Liu Renjing) thì từ chức hoặc bị khai trừ khỏi Đảng; ông Vương Tận Mỹ (Wang Minmei) qua đời vào tháng 08/1925 tại Thanh Đảo.”
Ông Thạch Sơn, một nhà văn kỳ cựu và là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết trong chương trình [Diễn đàn Tinh Anh] rằng lời khai của hai ông Trần Độc Tú và Trương Quốc Đào rất hữu ích cho những ai đang muốn tìm hiểu về ĐCSTQ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times