Phân tích: Huawei vượt Apple để trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc
Quy định khắt khe của chính quyền Trung Quốc đối với iPhone đã dập tắt mong muốn mua hàng của người dân.
iPhone của Apple đã mất vị trí dẫn đầu tại Trung Quốc, bằng chứng là doanh số của sản phẩm này đã sụt giảm trong hai tháng liên tiếp. Trong khi đó, doanh số của Huawei tăng vọt đều đặn. Các nhà quan sát chính trị tin rằng sự thay đổi này là kết quả của việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thao túng thị trường địa phương.
Trong tháng Một, Apple đã xuất xưởng khoảng 5.5 triệu chiếc tại Trung Quốc, giảm 39% so với năm trước; trong tháng 2, số lượng iPhone xuất xưởng tiếp tục giảm, khoảng 2.4 triệu chiếc, giảm 33%.
Theo một báo cáo được công bố hôm 05/03 của Counterpoint Research, trong sáu tuần đầu năm nay, tổng doanh số bán điện thoại thông minh ở Trung Quốc đã giảm 7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó các hãng nội địa lớn như Oppo và Vivo đều có mức giảm hai con số. Doanh số bán hàng của Apple cũng giảm mạnh 24%.
Doanh số bán điện thoại thông minh giảm là điều hiếm thấy trong một thập niên mà Trung Quốc là thị trường quan trọng thứ hai về doanh số bán iPhone, chiếm khoảng 20% tổng doanh số.
Tuy nhiên, việc Mate 60 mới ra mắt đã khiến doanh số bán hàng chậm chạp của Huawei tăng 64% trong mùa này, vượt qua doanh số bán iPhone và đưa công ty trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc.
Ông Tạ Điền (Xie Tian), giáo sư chủ nhiệm tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học South Carolina, nói với The Epoch Times, “Rõ ràng là ĐCSTQ đang can thiệp vào thị trường.”
Trích dẫn tầm quan trọng chiến lược của Huawei, ông Tạ cho rằng ĐCSTQ sẽ trợ giúp Huawei bằng mọi cách. “Hơn cả một công ty điện thoại di động dân sự, Huawei được tất cả các cơ sở truyền thông liên quan đến quốc phòng trợ giúp. Hơn nữa, ĐCSTQ có dụng ý sử dụng các sản phẩm dân sự để trợ giúp cho việc thăm dò và khai triển công nghệ và thiết bị liên lạc quân sự của họ: đây là động cơ chính trị [của ĐCSTQ].”
Ông Tạ nói thêm: “Mục đích đàn áp Apple là để giúp Huawei.”
Apple là một trong những công ty Mỹ chịu tổn thất đáng kể tại Trung Quốc do căng thẳng thương mại và công nghệ ngày càng gia tăng cũng như áp lực địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã cấm các quan chức sử dụng iPhone và các thiết bị thông minh mang nhãn hiệu ngoại quốc khác tại nơi làm việc, lấy lý do lo ngại về bảo mật dữ liệu. Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước khác chuyển sang sử dụng phần mềm trong nước và thúc đẩy sản xuất chất vi mạch dẫn trong nước.
Bác bỏ lý do bảo mật dữ liệu của Bắc Kinh, ông Tạ nhận xét: “Apple đã đồng ý xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Quý Châu, và dữ liệu người dùng của họ vẫn ở Trung Quốc. Do đó, không có rủi ro bảo mật nào về việc công nghệ Apple sẽ làm rò rỉ dữ liệu của người tiêu dùng Trung Quốc — không giống như việc ĐCSTQ thu thập dữ liệu của người tiêu dùng phương Tây thông qua TikTok.”
Bên cạnh sự can thiệp hành chính của ĐCSTQ, một yếu tố khác đang đè nặng lên thị trường điện thoại thông minh là suy thoái kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc vốn dĩ vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp zero COVID hà khắc của ĐCSTQ.
Anh Phương Duệ (Fang Yue, bí danh), một cư dân ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nói với The Epoch Times vào hôm 27/03 rằng người dùng Trung Quốc không còn hào hứng với iPhone như trước nữa. Vì lý do kinh tế, anh sử dụng điện thoại nội địa với giá rẻ hơn.
Anh nhớ lại rằng trước đại dịch, “Mọi người đều thích điện thoại Apple vì có độ nét cao. Mặc dù giá hơi đắt nhưng hồi đó [người Trung Quốc] dễ kiếm tiền hơn và mua được những thứ xa xỉ như vậy, khiến điện thoại Apple trở thành mặt hàng được săn đón nhiều.”
Anh Phương cũng lưu ý rằng quy định nghiêm ngặt của chính phủ đối với iPhone đã dập tắt mong muốn mua hàng của người dân, chẳng hạn như việc một số tổ chức công không được phép sử dụng iPhone.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times