Người dân Nam Hàn biểu tình phản đối kế hoạch của Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển
SEOUL, Nam Hàn — Lo lắng về việc Nhật Bản sắp xả nước thải hạt nhân đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sóng thần tàn phá, hôm thứ Bảy (12/08), hàng trăm người dân Nam Hàn đã tuần hành tại thủ đô. Những người biểu tình kêu gọi Tokyo từ bỏ những kế hoạch này, và bày tỏ sự tức giận đối với Seoul vì đã tán thành việc xả thải bất chấp những rủi ro về an toàn thực phẩm.
Cuộc tuần hành hôm thứ Bảy là cuộc biểu tình mới nhất kéo dài nhiều tuần kể từ khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phê chuẩn kế hoạch xả thải của Nhật Bản hồi tháng Bảy. Lúc đó, cơ quan này cho biết quy trình sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và gây ra những tác động không đáng kể đến môi trường và sức khỏe.
Chính phủ của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol cũng bênh vực cho tính an toàn của những kế hoạch xả nước thải này. Trong những tháng gần đây, ông đã tích cực thực hiện các bước để hàn gắn mối quan hệ căng thẳng kéo dài với đồng minh Hoa Kỳ trước các mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Chính phủ Nhật Bản cho biết việc xả nước thải sẽ bắt đầu vào mùa hè này, nhưng chưa xác nhận một ngày cụ thể.
Những người biểu tình đã diễn hành qua các con đường ở trung tâm thành phố Seoul dưới trời mưa nhẹ. Họ mặc áo mưa và trên tay cầm những tấm biển có nội dung: “Chúng tôi phản đối việc xử lý nước ô nhiễm của Fukushima” và “Chẳng có chất phóng xạ nào an toàn cho biển.” Những cuộc biểu tình đang diễn ra một cách ôn hòa và trước mắt chưa có báo cáo về các cuộc đụng độ hoặc thương tích.
Nam Hàn đã và đang cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân về ô nhiễm thực phẩm và các rủi ro môi trường trước việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima xả nước thải, bao gồm mở rộng các cuộc kiểm nghiệm phóng xạ đối với hải sản tại các chợ cá lớn của nước này và thậm chí kiểm nghiệm cát từ các bãi biển phía nam và phía tây của nước này. Ông Jeon Jae-woo, một quan chức của Bộ Đại dương và Ngư nghiệp, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu (11/08) rằng đến nay không có cuộc kiểm nghiệm nào khiến người ta phải lo ngại về an toàn.
Bà Park Ku-yeon, Thứ trưởng Thứ nhất của Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ, cho biết Nam Hàn hy vọng sẽ kết thúc các cuộc tham vấn cấp chuyên viên với Nhật Bản vào tuần tới về việc cho phép các chuyên gia Nam Hàn tham gia giám sát quá trình xả nước.
Các nhà lập pháp đối lập thiên tả kiểm soát Quốc hội của nước này đã cáo buộc chính phủ của ông Yoon đã gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân trong khi cố gắng cải thiện mối bang giao song phương.
Trong tuần này, Đảng Dân Chủ cho biết họ dự định đệ một đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc để nêu rõ những gì họ nói là những hiểm họa do việc xả nước thải của Fukushima, và đặt câu hỏi liệu IAEA có xem xét hợp lý các rủi ro trước khi cho phép các kế hoạch xả thải hay không.
Đảng này cũng kêu gọi ông Yoon thay đổi quan điểm của mình và tận dụng hội nghị thượng đỉnh ba bên vào cuối tháng này với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để nêu rõ sự phản đối của Seoul đối với việc xả nước thải.
Trong nhiều năm, nước thải của Fukushima có an toàn hay không là một vấn đề nhạy cảm giữa hai nước đồng minh Hoa Kỳ này. Trong những tháng gần đây, Nam Hàn và Nhật Bản đã tiến hành hàn gắn mối bang giao vốn đã căng thẳng từ lâu do những mối bất bình lịch sử thời chiến tranh để tiến đến giải quyết những mối lo ngại chung như mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn và chính sách ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc.
Một trận động đất và sóng thần lớn hồi năm 2011 đã làm hư hỏng hệ thống làm mát của nhà máy Fukushima, khiến ba lò phản ứng nóng chảy và làm ô nhiễm nước làm mát của các lò.
Công ty Điện lực Tokyo Holdings, đơn vị vận hành cơ sở này, đã thu thập, lọc, và lưu trữ nước trong hàng trăm bể chứa, tuy nhiên những bể này sẽ không còn đủ sức chứa vào đầu năm 2024.
Hồi năm 2018, Nhật Bản lần đầu tiên công bố các kế hoạch xả nước đã qua xử lý ra biển, cho biết loại nước này sẽ được pha loãng thêm với nước biển trước khi được thải ra biển trong một quy trình được kiểm soát cẩn thận và sẽ mất hàng thập niên để hoàn thành.
Loại nước này đang được xử lý thông qua cái gọi là Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tân tiến, nhằm giảm số lượng của hơn 60 đồng vị phóng xạ được chọn lọc ở các cấp độ có thể xả được — ngoại trừ triti, một đồng vị mà các quan chức cho biết là an toàn cho con người nếu hấp thụ một lượng ít.
Bản tin có sự đóng góp của Kim Tong-Hyung
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times