IAEA: Kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ vào Thái Bình Dương của nhà máy hạt nhân Fukushima là an toàn
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kết luận rằng các kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bị tàn phá Fukushima ra Thái Bình Dương là phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Theo cơ quan giám sát của Liên Hiệp Quốc, sau một cuộc đánh giá và rà soát toàn diện mức độ an toàn của nước đã qua xử lý lưu trữ tại Nhà máy Điện Hạt nhân Daiichi Fukushima (FDNPS), các phát hiện đó đã được công bố hôm 04/07 (pdf).
IAEA cũng tuyên bố rằng “việc xả nước đã qua xử lý theo từng bước, có kiểm soát ra biển” như kế hoạch hiện tại của chính phủ Nhật Bản và nhà điều hành nhà máy này là Công ty Điện Năng Tokyo (TEPCO), sẽ có “tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường.”
Theo một tuyên bố, báo cáo này là kết quả của một cuộc đánh giá kéo dài gần hai năm do một lực lượng đặc nhiệm của IAEA thực hiện, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong cơ quan này với sự cố vấn của “các chuyên gia an toàn hạt nhân được quốc tế công nhận từ 11 quốc gia.”
Khoảng 1.2 triệu mét khối nước được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu của nhà máy Fukushima sẽ được giải phóng theo kế hoạch trong vòng 3 đến 4 thập niên tới để ngăn các vụ rò rỉ bất ngờ và cho phép nhà máy ngừng hoạt động.
Theo kế hoạch này, IAEA tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành một cuộc đánh giá an toàn độc lập và khách quan trong giai đoạn xả thải, với sự hiện diện tại chỗ liên tục và giám sát trực tuyến trực tiếp xuyên suốt.
Nhật Bản chưa ấn định ngày xả nước.
Thảm họa hạt nhân Fukushima đã xảy hồi năm 2011 do một trận động đất và sóng thần mạnh 9.0 độ ở khu vực phía bắc Nhật Bản đã đánh sập các hệ thống làm mát của nhà máy này, khiến ba lò phản ứng tan chảy.
Mặc dù nước được lưu trữ tại FDNPS đã được xử lý thông qua một “Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tân tiến (ALPS)” để khử “gần như toàn bộ” tính phóng xạ, nhưng nước vẫn bị nhiễm tritium, một đồng vị phóng xạ hiếm gặp của hydro có thể kết hợp với oxy để tạo thành nước, gây khó khăn cho việc khử phóng xạ hoàn toàn.
Vấp phải phản ứng dữ dội
Tritium có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiêu thụ với khối lượng vô cùng lớn. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đặt mức gây ô nhiễm tối đa cho tritium ở mức 20,000 pCi mỗi lít.
Tổ chức Y tế Thế giới đặt mức nồng độ tối đa cao hơn nhiều, gấp khoảng 13 lần so với khuyến nghị của EPA.
IAEA cho biết trước khi nước được thải ra Thái Bình Dương, nó sẽ được nhà chức trách Nhật Bản pha loãng để giảm lượng tritium xuống dưới mức tiêu chuẩn quy định. Theo các báo cáo, nhiều nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới thường xuyên xả nước thải có chứa tritium vượt quá nồng độ nước qua xử lý của TEPCO.
Tuy nhiên, một loạt các quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nam Hàn, đã phản đối việc xả nước phóng xạ, viện dẫn các vấn đề về sức khỏe và an toàn. Các nhóm đánh cá địa phương, cũng như công ty du lịch, doanh nghiệp kinh doanh ở bãi biển, và cơ quan du lịch, cũng đã nêu lên những lo ngại.
Hồi tháng Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi kế hoạch này là “vô cùng ích kỷ và vô trách nhiệm,” nói rằng đại dương là “lợi ích chung của nhân loại chứ không phải cống rãnh riêng của Nhật Bản.”
Ông Uông trích dẫn các báo cáo nói rằng nguyên tố phóng xạ Cesium-137, hay Cs-137, trong cá quân đen (black rockfish) được đánh bắt tại cảng gần nhà máy điện này hồi tháng Năm đã vượt xa các mức an toàn, đạt 18,000 Bq/kg, cao hơn 180 lần so với tiêu chuẩn được đặt ra trong luật an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Ông Uông nói vào thời điểm đó, “Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần tìm cách thanh minh cho việc xả nước nhiễm hạt nhân từ Nhà máy Điện Hạt nhân Daiichi Fukushima, khẳng định loại nước này vô hại, việc xả thải là hợp lý và gọi đó là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, sự thật lại chứng minh điều ngược lại.”
Hệ quả về sức khỏe và môi trường
Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một tổ chức liên chính phủ bao gồm 18 quốc gia, trong đó có Fiji, Papua New Guinea, và Úc, cũng đã chỉ trích đề nghị này và thúc giục Nhật Bản ngừng xả thải cho đến khi các hệ quả cuối cùng về môi trường và sức khỏe con người được xác định.
Hồi tháng Một, ông Henry Puna, tổng thư ký của diễn đàn, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện các bước quan trọng để hợp tác với Nhật Bản để hiểu lập trường của họ và cơ sở củng cố quyết định đơn phương của họ. Là một khu vực, chúng tôi cam kết hợp tác với họ ở cấp độ kỹ thuật và thuê một hội đồng độc lập gồm năm chuyên gia khoa học trong các lĩnh vực chính như năng lượng hạt nhân và bức xạ, vật lý cao năng lượng, hóa học biển, hóa sinh, sinh học biển, và hải dương học để cung cấp một đánh giá khoa học độc lập về các tác động của một vụ xả thải như vậy.
“Nhưng những cuộc thảo luận trong năm vừa qua đã và đang không được khuyến khích. Chúng tôi đã phát hiện ra những lỗ hổng thông tin nghiêm trọng và những lo ngại nghiêm trọng với kế hoạch xả thải ra đại dương được đề nghị. Nói một cách đơn giản, cần có thêm dữ liệu trước khi cho phép bất kỳ hoạt động xả thải nào ra đại dương. Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục với kế hoạch xả thải vào mùa xuân năm 2023 và dựa vào việc xả thải trong bốn thập niên tiếp theo để xác định cách tiến hành.”
Tại Nam Hàn, hồi tháng Năm, hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường để phản đối việc xả thải nước nhiễm phóng xạ. Trong khi đó, ông Lee Jae-Myung, Chủ tịch Đảng Dân Chủ thiên tả đối lập chính, đã kêu gọi chính phủ Nhật Bản tận dụng nước thải này như nước uống để chứng minh tuyên bố của Nhật Bản là loại nước đó an toàn.
Trong báo cáo hôm 04/07, IAEA tuyên bố rằng họ biết kế hoạch xả nước đã qua xử lý của Nhật Bản đã làm dấy lên “những lo ngại về xã hội, chính trị và môi trường,” nhưng nhấn mạnh rằng đánh giá của họ dựa trên một cuộc rà soát các biện pháp bảo vệ và an toàn, lấy mẫu độc lập, chứng thực dữ liệu, và phân tích.
“Trong hai năm qua, Lực lượng Đặc nhiệm đã thực hiện năm chuyến công vụ rà soát tới Nhật Bản, phát hành sáu báo cáo kỹ thuật, và gặp gỡ nhiều lần với Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện Năng Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản, cơ quan vận hành FDNPS, và phân tích hàng trăm trang tài liệu kỹ thuật và quy định,” cơ quan này cho biết. “Các thành viên Lực lượng Đặc nhiệm cũng đã vài lần đến hiện trường ở miền đông Nhật Bản để xem xét việc chuẩn bị xả thải ở đó.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times