Ngành thủy sản Trung Quốc trị giá 3 ngàn tỷ nhân dân tệ có thể thiệt hại nặng vì tuyên truyền tẩy chay hàng Nhật Bản
Hệ quả từ việc ĐCSTQ chỉ thị “trò hề Fukushima” nhằm che giấu sự thật và che đậy tình cảnh trong-ngoài nguy khốn của mình
Hôm 24/08, sau khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương, nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố ngừng nhập cảng các sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản. Hành động này khiến tâm lý người dân Trung Quốc hoang mang, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở nước này rơi vào tình trạng ngưng trệ.
Số liệu cho thấy, năm 2022, tổng giá trị thủy sản Trung Quốc nhập cảng từ Nhật Bản chỉ khoảng vài trăm triệu USD, trong khi tổng giá trị sản lượng của ngành thủy sản Trung Quốc nói chung lên tới hàng trăm tỷ USD. Một số học giả cho biết, chiến dịch tuyên truyền này của ĐCSTQ sẽ gây tổn hại rất lớn cho ngành thủy hải sản và ngư dân Trung Quốc.
Ngư dân Trung Quốc hoang mang
Trong những ngày gần đây, một lượng lớn “bình luận tiêu cực” tràn ngập mạng xã hội nhắm vào ngư dân Trung Quốc, như: “Hãy về nhà đi! Chủ sóng”; “Bây giờ anh đang gây hại cho người khác”; “Vì sự an toàn, các anh đừng mua những thứ này nữa” …
Sáng ngày 26/08, trong buổi phát trực tuyến của một ngư dân huyện Tượng Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, nhiều người dùng mạng liên tục có những bình luận không thân thiện. Trước những bình luận này, người chủ trì buổi phát sóng cảm thấy khó xử, chỉ có thể giải thích trước ống kính rằng, “Hiện tại thực sự không bị ô nhiễm. Nơi này của chúng tôi là gần biển, trong vòng ba tháng tới không có vấn đề gì cả. Hàng hóa đều được gửi từ Ninh Ba.” Khi đọc bình luận nói rằng “Bạn đang gây hại cho người khác,” thì anh không nhịn được, bèn đáp trả: “Tôi đâu có gây hại cho ai! Đâu đã gây hại cho ai chứ?!”
Kể từ ngày 24/08, khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý đến nay, tình trạng tranh cãi như trên đã diễn ra trong các buổi phát sóng trực tuyến của các ngư dân Trung Quốc.
Hôm 26/08, tờ Triều Tân Văn (tianmunews.com) đưa tin cho hay, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền thông này, cô Vương Thù (Wang Shu, bí danh), vợ của ngư dân nói trên, cho biết buổi phát sóng trực tuyến vào tối ngày 25/08 vẫn diễn ra rất tốt, nhưng đến buổi phát sóng hôm 26/08 thì đột nhiên xuất hiện nhiều người dùng mạng đăng nhiều bình luận tiêu cực và có vẻ rất khớp với nhau. Cô Vương Thù nói rằng, chồng cô bắt đầu đánh bắt cá từ năm 17 tuổi, là ngư dân ven biển thực thụ. Trước đây, họ chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy. “Có nhiều người bình luận tiêu cực trong buổi phát sóng trực tuyến như vậy, chồng tôi cũng chỉ biết lo lắng mà thôi,” cô Vương nói.
Có không ít ngư dân Trung Quốc đã gặp phải tình trạng tương tự khi phát sóng trực tuyến. Theo tin tức từ tờ Triều Tân Văn, vào tối ngày 24/08, có người dùng mạng đăng bài viết nói rằng anh vừa bấm vào buổi phát trực tuyến của một ngư dân trên nền tảng nào đó, thấy vị ngư dân đang cố gắng giới thiệu các loại hải sản do gia đình mình sản xuất, nhưng ở phần bình luận lại liên tiếp có những bình luận như “Không nên ăn, không nên ăn, không nên ăn”; “Cá bị biến dị”; “Ăn vào sẽ bị ung thư”; “Mấy người nhanh đổi nghề đi”, v.v.
Ảnh chụp màn hình được người dùng mạng này chia sẻ cho thấy, trong buổi phát sóng trực tuyến đó có hơn 20,000 người xem; vì có quá nhiều bình luận xấu nên người chủ trì buổi phát sóng có vẻ rất hoang mang, thậm chí không thể giới thiệu sản phẩm chu đáo; có lúc anh không nhịn được, phải la lớn trước ống kính.
Một số người dùng mạng tại Sơn Đông cho biết, do chiến dịch tuyên truyền bịa đặt của chính quyền ĐCSTQ, tất cả hải sản đều bị tẩy chay, một số ngư dân ven biển đã bắt đầu bán thuyền để chuyển nghề. Ở vùng Chiết Giang, Phúc Kiến, cũng có người dùng mạng cho biết, rất nhiều ngư dân từng vay hàng triệu nhân dân tệ để mua sắm công cụ sản xuất, vì vậy tình hình hiện nay là thảm họa đối với nhiều gia đình. Nếu không thể kiếm sống bằng ngư nghiệp, thì nguồn kinh tế chính của nhiều gia đình sẽ sụp đổ.
Một cư dân mạng khác tự xưng là người đến từ Phúc Kiến đã đăng lời cầu khẩn trên mạng, mong mọi người đừng tẩy chay món unagi Nhật Bản (món cơm lươn nướng), vì “hơn 90% lươn tại Nhật Bản đều do người dân Phúc Kiến nuôi.”
Hôm 27/08, trong cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, bà Lưu Ngạn Bình (Liu Yanping, bí danh), một người trong ngành ngư nghiệp tại Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, cho biết rất nhiều ngư dân đã đầu tư số tiền lớn để chuẩn bị sẵn sàng cho mùa đánh bắt cá vào tháng Chín. Họ đã sửa chữa xong tàu thuyền, đang chờ ngày ra khơi. Tuy nhiên, hiện tại do ảnh hưởng từ chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ, nên người dân đều không dám ăn hải sản. Bà nói: “Những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá đều bối rối, không biết việc này sẽ kéo dài trong bao lâu.”
Ông Mã (bí danh), một người dân ở thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, cũng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng vụ việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản, trong đó có việc ĐCSTQ tuyên truyền kêu gọi “lòng yêu nước,” thực sự ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý của người dân Trung Quốc. Ông Mã nói: “Chắc chắcn những người tiêu dùng hải sản sẽ giảm đi, thị trường hải sản bị ảnh hưởng. Nhiều ngư dân đã đầu tư số tiền lớn, chắc chắn thu nhập của họ sẽ không tốt như trước.”
Ông Mã còn cho biết, nhiều người hiện đang lên tiếng kêu gọi giảm tiêu thụ hải sản, “Đó đều là do ảnh hưởng tâm lý, thực tế thì chính họ cũng không hiểu rõ, cũng không biết rốt cuộc việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản gây ô nhiễm biển ở mức độ nào. Một số chuyên gia cũng không thể nói ra sự thật, vì nếu nói ra thì chẳng khác nào lên tiếng bênh vực Nhật Bản.”
Ngành ngư nghiệp với sản lượng trị giá hơn 3 ngàn tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc có thể bị thiệt hại nghiêm trọng
Vào ngày Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý, Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ đã phát thông báo tuyên bố phải tạm ngừng nhập cảng toàn bộ thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ công bố, trong tháng Bảy năm nay, Trung Quốc đã nhập cảng cá và các loại thủy sản từ Nhật Bản với trị giá 234.51 triệu nhân dân tệ (khoảng 32 triệu USD), giảm 29% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nhập cảng từ tháng 01/2023 đến tháng 07/2023 là 1.937 tỷ nhân dân tệ (khoảng 266 triệu USD); tổng giá trị nhập cảng năm 2021 là 2.535 tỷ nhân dân tệ (khoảng 392 triệu USD), năm 2022 là 3.396 tỷ nhân dân tệ (khoảng 504 triệu USD).
Gần đây, ông Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Nomura tại Tokyo, Nhật Bản, đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng, năm ngoái, xuất cảng hải sản của Nhật Bản sang Trung Quốc và Hồng Kông chỉ chiếm 0.17% tổng giá trị xuất cảng của Nhật Bản. Cho dù tạm ngừng nhập cảng kéo dài trong một năm, thì ảnh hưởng đối với GDP của Nhật Bản cũng chỉ có 0.03%.
Tuy nhiên, số liệu cũng cho thấy, tổng giá trị sản lượng của ngành thủy sản Trung Quốc đã vượt 3 ngàn tỷ nhân dân tệ vào năm 2022. Việc người dân Trung Quốc tẩy chay hải sản chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản của nước này.
Ngày 27/06/2023, Cục Quản lý Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn của ĐCSTQ công bố số liệu cho thấy, tính theo giá cả hiện hành, đến năm 2022, tổng giá trị sản lượng của toàn bộ ngành ngư nghiệp Trung Quốc là 3,087.314 tỷ nhân dân tệ (khoảng 459 tỷ USD). Trong đó, giá trị sản lượng thủy sản là 1,526.749 tỷ nhân dân tệ (khoảng 226.9 tỷ USD), chiếm 49.5%.
Trong giá trị sản lượng thủy sản, giá trị sản lượng khai thác biển là 248.891 tỷ nhân dân tệ (khoảng 37.004 tỷ USD), và giá trị sản lượng nuôi trồng hải sản là 463.884 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68.968 tỷ USD).
Năm 2022, số lượng ngư dân của Trung Quốc là 16.1945 triệu người. Trong đó, có 5.1516 triệu ngư dân truyền thống và 11.7792 triệu người làm công việc liên quan đến ngành thủy sản.
Hôm 27/08, nhà bình luận chính trị Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết trong chương trình trực tuyến của mình rằng tuyên truyền kích động của ĐCSTQ sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho thị trường hải sản Trung Quốc. Ông nói, việc đánh bắt hải sản phải phụ thuộc vào biển, mà nước biển chỉ có thể từ Thái Bình Dương. Nếu vì việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản mà dẫn đến việc không ăn hải sản, thì tất cả các sản phẩm thủy sản nuôi trồng và đánh bắt ở biển sẽ không ăn được, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ĐCSTQ tẩy chay hải sản của Nhật Bản lại không ảnh hưởng gì đến GDP của Nhật Bản.
Ông Chương Thiên Lượng nói: “Vì vậy, chính sách của ĐCSTQ rất ngớ ngẩn”; “Kế hoạch của Nhật Bản là tiếp tục xả nước thải hạt nhân trong 30 năm, chẳng lẽ người dân Trung Quốc trong suốt 30 năm này sẽ không ăn hải sản nữa? Tôi cho rằng điều đó là không thể.”
Ông Chương còn cho biết, hiện nay, người dân Trung Quốc đang khá bất mãn với chính quyền ĐCSTQ, và đã tích tụ nhiều oán hận đối với chính quyền này. Hiện tại, thông qua chuỗi hành động tuyên truyền này, ĐCSTQ đã thành công trong việc chuyển trọng tâm bất mãn sang Nhật Bản. Tuy nhiên, ĐCSTQ cũng rất rõ ràng rằng, một khi người dân giải tỏa xong sự bất mãn, thì chỉ cần chính quyền không còn kích động vụ việc này nữa, họ vẫn sẽ tiếp tục ăn hải sản. Ông cho rằng, tình hình này có thể sẽ kéo dài trong một hoặc hai tuần, sau đó sẽ dần lắng xuống.
Học giả: ĐCSTQ chuyển hướng chú ý, ngành thủy sản và ngư dân Trung Quốc gặp thiệt hại lớn nhất
Hôm 27/08, trong cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, Giáo sư Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giảng viên Đại học Sư phạm Thủ đô, cho biết những tuyên truyền kích động của ĐCSTQ không phải xuất phát từ lo lắng cho an toàn sức khỏe của người dân, mà chủ yếu là nhằm chuyển hướng chú ý của dân chúng.
Ông Lý cho biết, thời gian gần đây nhiều nơi ở Trung Quốc xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, cộng thêm tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc rất xấu, vấn đề thất nghiệp, doanh nghiệp đóng cửa, thị trường địa ốc sụp đổ, và nhiều vấn đề khác đang tích tụ sự bất mãn rất lớn từ người dân. Vì vậy, ĐCSTQ chọn việc tuyên truyền, đồng thời trắng trợn kích động tâm lý chống Nhật nhằm giải tỏa sự bất mãn của người dân.
Ông Lý nói, bản thân ngành thủy sản và người làm trong ngành này ở Trung Quốc sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, vì hiện giờ người dân đang rơi vào tình trạng hoang mang, không dám ăn hải sản. “ĐCSTQ tuyên truyền người dân tẩy chay thủy hải sản của Nhật Bản, nhưng trên thực tế rất nhiều loại thủy hải sản này được nuôi ở vùng ven biển Trung Quốc. Ví dụ như lươn Nhật Bản thực chất là do ngư dân ở Phúc Kiến nuôi. Vì vậy, trên thực tế là không phải tẩy chay sản phẩm Nhật Bản, mà là tẩy chay sản phẩm nội địa Trung Quốc.”
Do Từ Diệc Dương thực hiện, có sự đóng góp của Trương Chung Nguyên và Vương Gia Nghi
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ