Đặc phái viên Hoa Kỳ ăn hải sản ở Fukushima, chỉ trích lệnh cấm nhập cảng thủy sản Nhật Bản của Trung Quốc
TOKYO — Hôm thứ Năm (31/08), Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản đã đến thăm một thành phố ở Fukushima và ăn hải sản với thị trưởng vào bữa trưa, nói chuyện với ngư dân và mua về các sản phẩm địa phương để chứng minh rằng các thực phẩm này vẫn an toàn sau khi nhà máy Fukushima xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với Nhật Bản, đồng thời chỉ trích Trung Quốc về lệnh cấm thủy hải sản Nhật Bản mang tính chính trị.
Đại sứ Rahm Emanuel đã ăn sashimi cá bơn và cá chẽm với Thị trưởng Soma Hidekiyo Tachiya, nói chuyện với ngư dân địa phương, và đến thăm một cửa hàng bách hóa, nơi ông nếm thử trái cây và mua đào, sung, nho, cá bơn, cá chẽm và các sản phẩm khác từ tỉnh Fukushima.
Ông Emanuel cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trên chuyến tàu trở về Tokyo, mọi mặt hàng mà ông đã mua là để dành nấu cho các con ăn khi họ đến thăm ông vào cuối tuần này. “Cả nhà chúng tôi sẽ ăn những thực phẩm đó. Là một người cha, thì tôi nghĩ rằng nếu có vấn đề gì thì tôi sẽ không dọn lên bàn ăn cho cả nhà đâu.”
Việc xả nước thải đã qua xử lý chính thức bắt đầu vào tuần trước và dự kiến sẽ tiếp tục trong nhiều thập niên. Nhiều tổ chức đánh bắt cá Nhật Bản và các quốc gia lân bang đã phản đối kế hoạch này, và Trung Quốc đã phản ứng bằng cách lập tức ban hành lệnh cấm nhập cảng thủy sản của Nhật Bản.
Ông Emanuel ca ngợi kế hoạch xả nước của Nhật Bản là dựa trên cơ sở khoa học và hoàn toàn minh bạch, theo ông, điều này “hoàn toàn trái ngược” với cách Trung Quốc đối phó với đại dịch virus corona.
Ông nói, “Lệnh cấm của Trung Quốc là mang tính chính trị.” Ông cho hay, việc chấm dứt lệnh cấm “phụ thuộc vào việc Trung Quốc có muốn trở thành một nước láng giềng tốt hay không.”
Nước thải nhiễm phóng xạ đã được tích trữ tại nhà máy Fukushima kể từ khi trận động đất và sóng thần lớn năm 2011 phá hủy hệ thống làm mát và khiến thanh nhiên liệu hạt nhân tan chảy ở ba lò phản ứng. 1.34 triệu tấn nước được chứa trong khoảng 1,000 bể chứa và khối lượng này tiếp tục tăng lên do rò rỉ và việc sử dụng nước làm mát.
Chính phủ và đơn vị vận hành nhà máy cho biết việc xả nước ra biển là điều không thể tránh khỏi vì các bể chứa sẽ sử dụng hết công suất vào đầu năm tới và nhà máy cần có không gian để quá trình tháo dỡ được diễn ra, một dự án mà dự kiến sẽ mất đến hàng chục năm để hoàn thiện.
Đầu ngày thứ Năm, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nếm thử hải sản và nói chuyện với các nhân viên tại chợ cá Toyosu ở Tokyo để đánh giá tác động của lệnh cấm của Trung Quốc đối với thủy sản Nhật Bản.
Một trong những nhà điều hành doanh nghiệp thủy sản nói với ông Kishida rằng doanh số bán sò điệp của ông, phần lớn được xuất cảng sang Trung Quốc, đã giảm 90% kể từ khi quá trình xả nước thải bắt đầu.
Ông Kishida nói với các phóng viên rằng ông đã chỉ thị cho các quan chức thảo ra một gói các biện pháp trợ giúp các nhà xuất cảng thủy sản bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảng của Trung Quốc, bao gồm biện pháp mở rộng tiêu dùng nội địa và các điểm đến mới cho thủy sản Nhật Bản để thay thế Trung Quốc.
Ông Kishida nói: “Chúng tôi sẽ kiên nhẫn và kiên quyết kêu gọi Trung Quốc hành động dựa trên bằng chứng khoa học.”
Chính phủ đã phân bổ 80 tỷ yên (550 triệu USD) để trợ giúp ngành đánh bắt thủy sản và chế biến thủy sản, đồng thời giúp loại bỏ những thiệt hại có thể xảy ra đối với tiếng tăm của các sản phẩm Nhật Bản. Ông Kishida cho biết chính phủ sẽ làm mọi thứ để bảo vệ ngành đánh bắt thủy sản bằng cách sử dụng nguồn ngân quỹ và các biện pháp khác, đồng thời chỉ ra các biện pháp tài chính bổ sung có thể có.
Trung Quốc đã luôn tăng cường kiểm tra các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, gây chậm trễ kéo dài ở hải quan, ngay cả từ trước khi có kế hoạch xả nước thải và lệnh cấm nhập cảng của Trung Quốc. Các quan chức của Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết biện pháp này đã ảnh hưởng đến giá cả và doanh số bán hải sản từ những nơi xa Fukushima như Hokkaido.
Các quan chức và đơn vị vận hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo, cho biết tất cả dữ liệu lấy mẫu nước biển và cá kể từ khi xả nước đều thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn về phóng xạ.
Tại Seoul hôm thứ Năm, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã đến thăm chợ cá và ăn hải sản vào bữa trưa như một phần trong nỗ lực xoa dịu tâm trạng bất an của công chúng về sự an toàn của các sản phẩm thủy sản địa phương sau khi Nhật Bản xả nước thải, trong bối cảnh quốc gia của ông đang củng cố liên kết đối tác chiến lược ba bên với Nhật Bản và Hoa Kỳ trước mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Hôm thứ Tư (30/08), Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno đã ám chỉ về khả năng đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại Thế giới, tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Yoshimasa Hayashi lại nhấn mạnh về tầm quan trọng của đối thoại.
Ảnh hưởng của lệnh cấm thủy sản Nhật Bản của Trung Quốc đã lan sang cả ngành du lịch. Bộ trưởng Giao thông và Du lịch Tetsuo Saito cho biết số lượng du khách Trung Quốc hủy tour theo đoàn cũng như các câu hỏi về an toàn thực phẩm ở Nhật Bản ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, ông Kishida yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, và Thủy sản Tetsuro Nomura xin lỗi sau khi gọi nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý này là nguồn nước “bị ô nhiễm,” thuật ngữ mà Trung Quốc đang sử dụng.
Do Mari Yamaguchi của The Associated Press thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times