Tàu cá Trung Quốc đánh bắt hải sản ngoài khơi Nhật Bản bất chấp lệnh cấm nhập cảng của Bắc Kinh
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết việc Bắc Kinh cấm nhập cảng hải sản từ Nhật Bản là một hành động ‘cưỡng bách kinh tế’
Hồi tháng Tám, việc xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản đã kích khởi căng thẳng giữa chính quyền cộng sản Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc vẫn đổ xô đến Nhật Bản trong kỳ nghỉ lễ kéo dài tám ngày vào tháng Mười. Trong khi đó, các tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt hải sản ngoài khơi Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa bất chấp việc Bắc Kinh ban hành lệnh cấm nhập cảng hải sản từ Nhật Bản.
Hôm 24/08, nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã chính thức xả nước thải qua xử lý ra biển. Để đáp trả, vào cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ toàn bộ hoạt động nhập cảng các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản. Trong khi đó, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng vụ việc này để kích động sự phẫn nộ của dư luận, gây ra làn sóng tẩy chay hàng Nhật Bản và dung túng người dân gọi những cuộc điện thoại gây phiền nhiễu sang Nhật Bản; thậm chí các công ty du lịch ở một số thành phố còn hủy các tour du lịch đến Nhật Bản.
Một tháng sau, sự căng thẳng này dường như đã giảm bớt phần nào.
Hôm 29/09, các đài truyền hình Nhật Bản, bao gồm NHK và các phương tiện truyền thông khác của Nhật Bản đưa tin về mức độ phổ biến của du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản trong kỳ nghỉ “tuần lễ vàng” gần đây không bị ảnh hưởng bởi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh phản đối hành động xả nước ở Fukushima. Nhật Bản là một trong những điểm đến du lịch phổ biến nhất đối với khách du lịch Trung Quốc.
Hôm 27/09, cô Lâm Giai (bí danh), một cư dân Bắc Kinh nói với The Epoch Times rằng cô không hy vọng du lịch Nhật Bản sẽ được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn vì cô đã đặt tiền trước cho chuyến đi đến một quốc gia khác sau khi nhận được thông báo là các chuyến du lịch đến Nhật Bản đều bị hoãn. “Thật đáng tiếc,” cô cho biết.
Ngoài ra, như truyền thông Nhật Bản đưa tin, các tàu cá Trung Quốc vẫn đánh bắt ở khu vực Bắc Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản, và thủy hải sản mà những người Trung Quốc đó đánh bắt được dán nhãn là “sản phẩm của Trung Quốc” để có thể đi vào Trung Quốc và lưu thông tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên lệnh cấm của Bắc Kinh vẫn được áp dụng; hải sản mà tàu cá Nhật Bản đánh bắt được mặc dù đều ở cùng một vùng biển Nhật Bản nơi mà tàu cá Trung Quốc đánh bắt, nhưng vẫn không thể xuất cảng sang Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nhật Bản
“Hiện giờ, Trung Quốc vừa tham gia vào hoạt động đánh bắt tại vùng biển kinh tế của Nhật bản vừa đồng thời tham gia vào lệnh cấm vận đơn phương đối với thủy sản của Nhật Bản,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trong bài diễn thuyết hôm 22/09 tại Tokyo, đồng thời cáo buộc hành động của ĐCSTQ là “cưỡng bách kinh tế” nhắm vào Nhật Bản.
Cục Thủy sản cũng tiết lộ, từ đầu năm nay đến giữa tháng Chín, tổng sản lượng đánh bắt của Trung Quốc cao hơn gấp đôi so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Cục Thủy sản Nhật Bản cho biết thêm, nếu số lượng tàu đánh cá gần như không thay đổi thì có thể giả định rằng hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc đã tăng lên.
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times hôm 28/09, “Cá mà người Nhật đánh bắt bị nhiễm phóng xạ và không thể xuất cảng, trong khi cá mà người Trung Quốc đánh bắt thì lại có thể ăn vô tư: “Cách cư xử hai mặt của ĐCSTQ thật đáng xấu hổ biết bao.”
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố việc xả nước đã qua xử lý hạt nhân tại Fukushima đáp ứng quy trình tiêu chuẩn quốc tế. Công ty Điện lực Tokyo đã công bố hôm 25/08 rằng kết quả kiểm tra chất lượng nước được thực hiện tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại 10 điểm giám sát trong vùng biển của nhà máy này, tất cả đều cho thấy nồng độ tritium, một loại chất phóng xạ, đã tuân theo tiêu chuẩn và nằm dưới giới hạn phát hiện dưới của thiết bị. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng báo cáo rằng quy trình của Nhật Bản an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được quốc tế chấp nhận.
Người Nhật cảm thông cho những người Trung Quốc bị tẩy não
Hồi tháng Tám, các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản đã đưa tin về hành vi sách nhiễu qua điện thoại của người Trung Quốc. Hầu hết ở đầu dây bên kia là những người Trung Quốc trẻ tuổi gọi đến các cửa hàng ramen, khách sạn ở Fukushima, Sở cảnh sát Tokyo, Tham nghị viện, Sở cứu hỏa Tokyo, và những địa điểm khác để tuôn ra những lời lẽ xúc phạm và hăm dọa.
Cô Maru Yama, quốc tịch Nhật Bản, cho biết, “[về việc gọi điện thoại quấy rối] Tôi nghĩ hành động này không hay ho chút nào; tôi hy vọng người dân Trung Quốc sẽ thay đổi những hành động như vậy … và điều đó làm tổn thương cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.”.
Ông Nguyên Minh (Yuan Ming), một nhà bình luận thời sự người Trung Quốc sống tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times: “Trong một thời gian dài, khi ĐCSTQ đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc và của công chúng, thì những quốc gia lân bang như Nhật Bản và Đài Loan có thể dễ dàng bị ĐCSTQ lợi dụng,” ám chỉ tuyên truyền bôi nhọ của ĐCSTQ về việc Nhật Bản xả nước đã qua xử lý.
“Người Trung Quốc thật bất hạnh; ĐCSTQ vẫn không ngừng tẩy não họ.” ông Nguyên cho biết.
Tuệ Chân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times