Các nước G7 kêu gọi ‘bãi bỏ ngay lập tức’ lệnh cấm thực phẩm Nhật Bản
Các quốc gia Nhóm Bảy (G7) cam kết duy trì “một hệ thống thương mại tự do và công bằng.”
Hôm Chủ Nhật (29/10), bộ trưởng thương mại của các quốc gia thuộc Nhóm Bảy (G7) đã kêu gọi “bãi bỏ ngay lập tức” các lệnh cấm nhập cảng đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản và thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).
Các bộ trưởng thương mại G7 đã ra một tuyên bố chung sau một cuộc họp ở Osaka, Nhật Bản hôm 29/10, cam kết duy trì “một hệ thống thương mại tự do và công bằng” cũng như tăng cường “khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế.”
Tuyên bố viết: “Chúng tôi phản đối các hành động vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế và cam kết xây dựng các mối quan hệ kinh tế và thương mại tự do, công bằng, cùng có lợi, đồng thời đẩy nhanh sự hợp tác như vậy với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.”
Các quốc gia G7 — Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ — nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế nhập cảng đối với các sản phẩm thực phẩm dựa trên cơ sở khoa học và tuân thủ WTO.
Theo tuyên bố, họ mạnh mẽ kêu gọi “bãi bỏ ngay lập tức mọi biện pháp hạn chế thương mại một cách không cần thiết, bao gồm cả hạn chế nhập cảng đối với các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản.”
Tuyên bố này dường như đề cập đến Trung Quốc, quốc gia đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn nhập cảng các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản sau khi nước này bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima từng bị sóng thần tàn phá.
Các bộ trưởng G7 cũng thúc đẩy cải tổ WTO “để phục vụ lợi ích của tất cả các thành viên” và củng cố “một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, sự hòa nhập, tự do và công bằng, lấy WTO làm trung tâm.”
Họ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hướng tới cải tổ đáng kể WTO, bao gồm tiến hành các cuộc thảo luận nhằm có được một hệ thống giải quyết tranh chấp (DS) kiện toàn và hoạt động tốt mà tất cả các thành viên có thể tiếp cận vào năm 2024.”
Các bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về các biện pháp kiểm soát xuất cảng gần đây đối với các khoáng sản quan trọng. Điều này xảy ra khi Trung Quốc, nhà sản xuất than chì hàng đầu thế giới, công bố hạn chế xuất cảng đối với nguyên liệu chính được sử dụng trong pin xe điện này vào hôm 20/10.
Bắc Kinh đáp lại bằng cách kêu gọi các quốc gia G7 “không ngoan cố tuân thủ các tiêu chuẩn kép” mà “thực hiện các hành động thiết thực để duy trì trật tự đầu tư và thương mại quốc tế bình thường.”
WTO kêu gọi đối thoại Trung-Nhật
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hôm 30/10, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết bà khuyến khích Trung Quốc và Nhật Bản tham gia “đối thoại tốt đẹp giữa người dân hai nước” liên quan đến lệnh cấm nhập cảng thủy sản Nhật Bản.
Bà Okonjo-Iweala cũng thừa nhận cáo buộc của một số thành viên WTO rằng Trung Quốc không tuân thủ các cam kết thương mại tự do mà nước này đã hứa khi gia nhập WTO.
Bà nói với Nikkei Asia: “Hoa Kỳ và nhiều thành viên khác phàn nàn về vấn đề trợ cấp công nghiệp ở Trung Quốc, và họ cảm thấy rằng có thể Trung Quốc không đang thông báo cho WTO.”
“Nhưng tương tự, Trung Quốc cũng phàn nàn về trợ cấp nông nghiệp của các thành viên khác.”
Nhật Bản đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên WTO chống lại lệnh cấm của Trung Quốc đối với hải sản Nhật Bản vào tháng Chín. Nước này lập luận rằng tiêu chuẩn thải ra tritium, ít hơn 22 ngàn tỷ becquerel mỗi năm, thấp hơn so với tiêu chuẩn mà các lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc thải ra.
Chính phủ Nhật Bản cũng cho rằng việc Trung Quốc thực hiện biện pháp này không dựa trên các nguyên tắc khoa học và kêu gọi bãi bỏ biện pháp này.
Hôm 23/10, bà Okonjo-Iweala đã ký với Bắc Kinh việc gia hạn Chương trình Gia nhập và Các quốc gia Kém phát triển nhất, hay còn gọi là Chương trình Trung Quốc, trong đó Trung Quốc cam kết cam kết chi 450,000 USD cho chương trình.