Tầng lớp trung lưu Trung Quốc chật vật giảm thiểu tổn thất tài sản trong nền kinh tế hỗn loạn
‘Bây giờ ở Trung Quốc chẳng thể kinh doanh được gì hết, đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng đều sẽ thua lỗ,’ một chủ doanh nghiệp tư nhân cũ bộc bạch.
Trong bối cảnh kinh tế cả nước suy thoái, thu nhập của tầng lớp trung lưu Trung Quốc bị giảm sút mạnh. Hầu hết họ đều thu mình, không đầu tư, không tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đồng thời cắt giảm chi tiêu để bảo toàn tài sản và giảm thiểu tổn thất.
Các đợt cắt giảm lương đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực dịch vụ dân sự, trong khi đó các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước phải sa thải nhân viên. Việc làm tại các khu vực tư nhân cũng bị ảnh hưởng.
Bà Từ Khiết (Xu Jie, hóa danh) là một cư dân cư trú tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm ở vùng đông bắc Trung Quốc. Bà từng điều hành một công ty cung cấp vật tư khách sạn trong nhiều thập niên, doanh thu thường niên có lúc lên tới gần 1 triệu nhân dân tệ. Công ty của bà có hơn 10 nhân viên bán hàng. Bà cũng sở hữu hai cửa hàng truyền thống dùng để trưng bày sản phẩm.
Dẫu vậy, kể từ đại dịch COVID-19, công ty của bà bắt đầu thua lỗ, buộc bà phải từ bỏ công việc kinh doanh. Kể từ khi đó, bà đã đầu tư vào các loại sản phẩm tài chính và thị trường chứng khoán nhưng lại thua lỗ hàng chục ngàn nhân dân tệ.
“Bây giờ ở Trung Quốc chẳng thể kinh doanh được gì hết, đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng đều sẽ thua lỗ, tốt nhất là không nên đầu tư,” bà Từ bộc bạch với The Epoch Times.
Hiện tại bà đang kiếm sống dựa vào tiền cho thuê hai nhà kho, một nhà để xe, và bốn căn hộ. Tuy nhiên, sự sụp đổ của ngành địa ốc đã khiến giá trị tài sản của bà suy giảm đáng kể. Một trong những tài sản bà sở hữu là một căn hộ hai phòng ngủ ở vị trí đắc địa được định giá 650,000 nhân dân tệ (khoảng 89,700 USD) trước đại dịch, sau đó được rao bán với giá 450,000 nhân dân tệ (khoảng 62,000 USD).
Mặc dù có chấp nhận thương lượng giảm giá đáng kể, nhưng cho đến nay vẫn “chẳng có ai đến xem nhà cả,” bà cho biết. Bà Từ cũng đã giảm giá cho thuê nhà do thị trường cho thuê đi xuống. Sau nhiều nỗ lực kiếm tiền thất bại, bà quyết định “nằm thẳng” (thảng bình), một từ ngữ mới của giới trẻ được người Trung Quốc tiếp nhận, có ý ám chỉ những người không đầu tư hay tìm hiểu kinh doanh với hy vọng giảm thiểu tổn thất trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn.
“Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang cảm thấy hết sức lo ngại. Điều đáng lo ngại là chúng tôi không dám tiêu tiền và chỉ có thể cắt giảm chi tiêu thôi. Tôi không thể để tổn thất tiền bạc nữa, vì vậy tốt nhất là giữ vững mức thu nhập hiện tại, và giờ đây tôi cảm thấy khá thoải mái khi không bị nợ vay mua nhà hay mua xe hơi,” bà cho biết.
Bà Từ vẫn có thể duy trì thu nhập gần 200,000 nhân dân tệ (27,600 USD) hàng năm để giúp con gái tiếp tục theo học tại Đại học Macau.
Nhưng không phải tất cả những người thuộc tầng lớp trung lưu đều may mắn như vậy.
Bà Từ kể rằng một người bạn học hiện đang học ở Hồng Kông của con gái bà đã phải đi làm bán thời gian để trang trải cuộc sống kể từ khi thu nhập của cha mẹ cháu giảm xuống.
Ông Lư Bân (Lu Bin, hóa danh) đến từ thành phố Ích Dương, tỉnh Hồ Nam ở miền trung Trung Quốc. Ông chia sẻ với The Epoch Times rằng một số người quen của ông thuộc giai tầng trung lưu giàu có cho biết họ đã từ bỏ nỗ lực phát triển kinh doanh. “Họ bảo rằng bây giờ thứ nhất là không đi làm, thứ hai là không đầu tư, thứ ba là không mở cửa hàng, chỉ tiết kiệm tiền thôi, ăn uống bình dân. Bởi vì chỉ cần đầu tư là sẽ mất tiền. Bây giờ có quá nhiều cạm bẫy, ác tâm của người ta ngày càng lớn.”
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến tháng 02/2024, tiền tiết kiệm của các gia đình Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, lên tới 19.83 ngàn tỷ USD. Điều này cho thấy người Trung Quốc có xu hướng chi tiêu ít hơn, niềm tin tiêu dùng giảm đi nhiều so với những thập niên gần đây.
Học giả lịch sử người Úc Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) nói với The Epoch Times rằng những người được hưởng lợi nhiều nhất từ các cuộc cải tổ kinh tế kéo dài trong nhiều thập niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là các tập đoàn lợi ích của đảng. Những tập đoàn này đã tước đoạt hay tham ô phần lớn của cải trong xã hội.
“Điều khiến tầng lớp trung lưu Trung Quốc lo lắng nhất là sự sụp đổ của nền kinh tế. Họ đã chọn cách ‘nằm thẳng’ — một cách tốt để bảo toàn tài sản của mình,” ông cho biết. Ông cũng nói rằng không như các xã hội Tây phương, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân số.
Theo ông Lý, một xã hội càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu thì sẽ càng ổn định. Ngược lại, càng ít người thuộc tầng lớp trung lưu thì khoảng cách giàu nghèo càng lớn, sự khác biệt về nhu cầu giữa các nhóm xã hội càng lớn, và mâu thuẫn xã hội ngày càng nhiều.