Nhật Bản trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách Trung Quốc
“Ngày Lao Động,” còn được gọi là Ngày Quốc tế Lao động, là một trong bảy ngày lễ lớn được tổ chức tại Trung Quốc. Kỳ nghỉ này kéo dài vài ngày nên nhiều người đã tận dụng thời gian nghỉ làm để đi du lịch. Năm nay, nhiều du khách Trung Quốc chọn Nhật Bản làm điểm đến ưa thích và chi tiêu xa hoa để tận dụng sự mất giá kỷ lục của đồng Yên.
Gần đây, “du khách Trung Quốc chi gần 300,000 yên (1,945 USD) mỗi người ở Nhật Bản” là xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc. Dữ liệu du lịch cho thấy người Trung Quốc thích đi nghỉ ở Nhật Bản, đi ngược lại với nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm kích động tinh thần dân tộc chống Nhật. Dư luận cũng cho rằng những người chống Nhật phần lớn chỉ “sống trên mạng.”
Du khách Trung Quốc tận dụng việc đồng Yên mất giá
Theo hãng truyền thông NHK của Nhật Bản, đồng Yên tiếp tục suy yếu so với đồng dollar, giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm, thúc đẩy làn sóng khách du lịch mua sắm hàng giá rẻ.
Dữ liệu từ Cơ quan Du lịch Nhật Bản nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu của khách du lịch, đánh dấu mức tăng 73.3% so với hai năm trước, đạt tổng trị giá 11.3 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay. Trong số những người chi tiêu nhiều nhất thì du khách Trung Quốc dẫn đầu, đóng góp 2.3 tỷ USD (20.1% tổng số chi tiêu), với mức chi tiêu trung bình khoảng 1,900 USD mỗi người. Chỉ riêng tháng Ba, con số này đã đạt mức đáng kinh ngạc là 450,000 du khách từ Hoa lục đến thăm Nhật Bản.
Theo Cục Quản lý Nhập cư Trung Quốc, kỳ nghỉ “Ngày Lao Động” năm nay chứng kiến lượng người Trung Quốc và người ngoại quốc xuất nhập cảnh tăng vọt 35.1%, đạt 8.5 triệu người, với mức cao nhất là 1.8 triệu người nhập cảnh và xuất cảnh vào ngày 03/05. Cư dân Hoa lục chiếm 4.8 triệu lượt ra vào, tăng 38% so với năm trước.
Không thể chối cãi rằng Nhật Bản đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc trong kỳ nghỉ tháng Năm, với dữ liệu của Tong Cheng Travel cho thấy lượng tìm kiếm các chuyến đi đến Nhật Bản tăng hơn 30%. Tokyo và Osaka nổi lên như những trung tâm du lịch chính của du khách Trung Quốc.
Ctrip, dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đưa ra một bài báo có tiêu đề “Thông tin về Xu hướng Du lịch ‘Ngày Lao Động’ năm 2024,” nêu bật sự vượt trội của Nhật Bản là điểm đến ngoại quốc hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc trong năm nay. Tương tự, dữ liệu từ Airbnb tiết lộ Nhật Bản là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất vào mùa xuân năm 2024.
Sức hấp dẫn của du lịch Nhật Bản đối với khách du lịch Trung Quốc càng tăng lên do đồng Yên mất giá. Đồng tiền này giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong năm ở mức 160 JPY đổi 1 USD trước khi tăng trở lại mức hiện tại là 154 JPY đổi 1 USD.
Quan điểm của người trong cuộc về du khách Trung Quốc ở Nhật Bản
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, anh Zhang Ru, một hướng dẫn viên du lịch dày dạn kinh nghiệm ở Nhật Bản, đã chia sẻ những quan sát của mình về tình hình hiện tại của du khách Trung Quốc đến thăm Nhật Bản.
Anh Zhang khẳng định “Quy mô du khách Trung Quốc đến Nhật Bản hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19. Quý vị có thể cảm nhận được áp lực mà đợt suy thoái kinh tế nói chung ở Trung Quốc mang lại. Hầu hết họ hiện đều có thị thực nhập cảnh nhiều lần, khiến việc đến Nhật Bản tương đối dễ dàng.”
Anh Zhang đã quan sát thấy sự thay đổi đáng chú ý trong mô hình mua sắm của du khách Trung Quốc. Các thiết bị gia dụng từng được mong muốn trước đây như nồi cơm điện và thiết bị vệ sinh thông minh đã nhường chỗ cho một làn sóng ưa thích mới, cụ thể là túi xách, quần áo, và mỹ phẩm hàng hiệu. Anh cho rằng sự thay đổi này là do niềm tin lâu dài vào chất lượng sản phẩm của Nhật Bản và khả năng chi trả hấp dẫn của hàng hóa xa xỉ, đặc biệt là với sự mất giá hiện tại của đồng Yên so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Anh Zhang cũng tin rằng du khách ngày càng có xu hướng muốn làm phong phú tinh thần qua việc tham quan. Sức hấp dẫn của những nét văn hóa truyền thống được bảo tồn tốt, những tuyệt tác kiến trúc cổ xưa, và sự sạch sẽ và yên tĩnh thanh bình của xã hội Nhật Bản đã gây ấn tượng sâu sắc với du khách Trung Quốc. Những trải nghiệm như vậy chạm đến tâm khảm người Trung Quốc và thường khiến họ dấy lên những cảm xúc yêu mến sâu sắc đối với Nhật Bản, mang lại một tác động trực tiếp và lâu dài đến nhận thức của người Trung Quốc.
ĐCSTQ thúc đẩy tình cảm chống Nhật
Bất chấp trong lịch sử người Trung Quốc đã từng oán hận Nhật Bản, nhưng một cuộc thăm dò do tổ chức tư vấn Genron NPO của Nhật Bản thực hiện hồi năm 2018 cho thấy người Trung Quốc đã bắt đầu có thiện cảm với Nhật Bản. Điều này bắt nguồn từ sự hợp tác theo Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc năm 1978. Gần đây hơn, du khách Trung Quốc đã biến Nhật Bản trở thành một điểm đến ưa thích, đó là do Nhật Bản có mức sống tốt, phong cảnh đẹp, sản phẩm chất lượng tốt, người dân thân thiện, cộng với những nỗ lực bảo tồn các tiêu chuẩn văn hóa truyền thống.
Thay vì vun đắp thêm dựa trên tình cảm ngày càng tốt đẹp của người dân Trung Quốc đối với Nhật Bản, thì ĐCSTQ vẫn có ý định gia tăng sự chia rẽ giữa hai nước, gần đây nhất là lợi dụng vụ việc gây tranh cãi Nhật Bản xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Ngày 24/08 năm ngoái, Nhật Bản xả nước đã qua xử lý từ Fukushima, và Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố đình chỉ toàn diện việc nhập cảng các sản phẩm thủy hải sản của Nhật Bản. Khi quyết định này được đưa ra, các hãng truyền thông chính thức do ĐCSTQ kiểm soát, chẳng hạn như Sina, Weibo, và mục tìm kiếm nóng của Baidu, tràn ngập các chủ đề liên quan. Dưới các bài đăng được CCTV News đưa tin, đã có hơn 150,000 bình luận lên án Nhật Bản một cách áp đảo, kêu gọi “chống Nhật,” “tẩy chay hàng Nhật,” và thậm chí còn kêu gọi “Nhật Bản biến mất.”
Ngoài ra, tại các quảng trường công cộng, người dân Trung Quốc cũng phản đối việc Nhật Bản xả nước đã qua xử lý. Một lệnh tẩy chay tạm thời cũng được áp dụng đối với hàng hóa Nhật Bản, vì lo ngại bị lỗi hoặc ô nhiễm hạt nhân.
Giờ đây, tin tức tràn ngập những câu chuyện về việc người Trung Quốc thích du lịch Nhật Bản với những khu mua sắm xa hoa và những điểm nổi bật về văn hóa được bảo tồn của nước này, thì những lời chỉ trích đã dịu đi. Các nhà phê bình hiện cho rằng “những kẻ cuồng tín chống Nhật chỉ có thể tồn tại trên mạng.”
Theo anh Zhang, “Khi du khách Trung Quốc đến Nhật Bản, ban đầu họ lo ngại về ô nhiễm hạt nhân, và hỏi liệu ăn hải sản có an toàn hay không. Sau khi được trấn an, họ cảm thấy nhẹ nhõm và tự mình tận hưởng. Áp lực tâm lý không cần thiết do tuyên truyền của ĐCSTQ gây ra đã được giải tỏa. Mọi người ăn uống thoải mái, khi thấy người dân các nước khác nhau cũng ăn hải sản ở đây nên họ đều cảm thấy yên tâm. Sự thật thực tế là thuyết phục nhất.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times