Hoa Kỳ công nhận Quần đảo Cook và Niue tại Hội nghị thượng đỉnh Các Đảo Thái Bình Dương
Tổng thống Biden công bố khoản đầu tư 40 tỷ USD, tăng gấp đôi số lượng sinh viên trao đổi, và mở rộng hợp tác hàng hải.
Hôm 25/09, Tổng thống (TT) Joe Biden đã tuyên bố trong cuộc họp của Diễn đàn Các Đảo Thái Bình Dương tại Tòa Bạch Ốc, rằng Hoa Kỳ đang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Quần đảo Cook và Niue khi các quốc đảo độc lập này tiến hành tăng cường tầm ảnh hưởng trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
TT Biden cho biết, “Mục tiêu của chúng ta là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. … Điều đó bắt đầu bằng việc xây dựng mối quan hệ đối tác tốt hơn với nhau.”
“Chúng ta mạnh mẽ hơn và thế giới an toàn hơn khi chúng ta sát cánh cùng nhau.”
Sự công nhận ngoại giao đối với Quần đảo Cook và Niue được tiến hành khi chính phủ TT Biden tìm cách “củng cố chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương” và chống lại sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Biden cũng thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ đầu tư 40 tỷ USD vào các đảo ở Thái Bình Dương, tăng gấp đôi số lượng sinh viên trao đổi trong khu vực và mở rộng hợp tác nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải với các cường quốc trong khu vực.
Tổng thống nói: “Kể từ ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã cam kết trở thành một đối tác tích cực và gắn bó ở Thái Bình Dương.”
“Lịch sử và tương lai của các đảo quốc Thái Bình Dương và Hoa Kỳ gắn bó chặt chẽ với nhau.”
Quần đảo Cook và Niue đều nằm ở phía đông New Zealand và có chung các thỏa thuận liên kết tự do. Điều này có nghĩa là mặc dù cả hai đều không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc nhưng họ có thể yêu cầu New Zealand đại diện cho họ bất cứ lúc nào.
Thừa nhận mối quan hệ lâu dài của Hoa Kỳ với mỗi bên, tổng thống xem sự thừa nhận ngoại giao chính thức của họ như một bước tiến triển tự nhiên.
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ có lịch sử hợp tác lâu dài với Quần đảo Cook kể từ Đệ nhị Thế chiến, khi quân đội Hoa Kỳ xây dựng đường băng phi trường ở đảo san hô cực bắc Penrhyn và ở Aitutaki.”
“Niue đóng một vai trò quan trọng và mang tính xây dựng ở Thái Bình Dương, bao gồm hỗ trợ sự phát triển bền vững, an ninh, bảo vệ biển và bảo tồn đại dương của khu vực,” ông nói trong một tuyên bố khác.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với các phóng viên rằng nỗ lực này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của chính phủ TT Biden nhằm khôi phục và mở rộng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“[Tổng thống Biden] đang thực hiện cam kết của chúng tôi nhằm nâng mức độ giao thiệp của chúng tôi lên một tầm cao mới,” quan chức này cho biết trong cuộc gọi hôm 23/09.
“Những gì chính phủ Tổng thống Biden có thể làm là đẩy mạnh cuộc chơi của chúng tôi một cách mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ngoài sự công nhận về mặt ngoại giao đối với Quần đảo Cook và Niue, quan chức này lưu ý rằng việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ quay trở lại khu vực, việc mở lại nhiều đại sứ quán và sự hiện diện hơn nữa của Quân đoàn Hòa bình có thể sẽ giúp mang lại sự ổn định và thịnh vượng hơn cho khu vực này.
Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cũng được thể hiện qua sự vắng mặt của hai quốc gia quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh này là Vanuatu và Quần đảo Solomon.
Quần đảo Solomon ngày càng chịu sự kiểm soát bí mật của ĐCSTQ thông qua các ủy ban địa phương của bộ phận tuyên truyền của nhà cầm quyền này. Tương tự, Vanuatu gần đây đã ký một thỏa thuận trị an với ĐCSTQ và được các chuyên gia liệt kê vào danh sách 10 địa điểm có nhiều khả năng nhất để đặt căn cứ quân sự ở hải ngoại tiếp theo của đảng này.
Quan chức Tòa Bạch Ốc này cho biết Hoa Kỳ vẫn “có mối bang giao sâu sắc và mạnh mẽ” với Vanuatu, đồng thời lưu ý rằng Tổng thống Vanuatu Nikenike Vurobaravu có một cuộc bỏ phiếu quan trọng cần tham dự.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times