Trung Quốc: Mức độ bức xạ ở Thượng Hải cao gấp 976 lần so với Tokyo
Sau khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển, truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng kích động, khiến tâm lý hoang mang của người dân Trung Quốc lan rộng. Vì vậy tại Trung Quốc, máy đo bức xạ hạt nhân Geiger đã “cháy hàng.” Một người dân Thượng Hải cho biết mức độ phóng xạ ở trong nhà của anh cao gấp 976 lần so với Tokyo; nhiều người dân đã kiểm tra và phát hiện nhà mình là nơi có lượng phóng xạ hạt nhân cao nhất. ĐCSTQ đã cố ý dời một tảng đá nhưng lại tự đánh vào chân mình. Điều này làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trong cộng đồng mạng.
Máy dò bức xạ hạt nhân “cháy hàng”
Theo các hãng truyền thông Hoa lục, sau khi Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển hôm 24/08, sản phẩm trước đây vốn ít được quan tâm là máy dò bức xạ hạt nhân với đơn giá khoảng 350-500 nhân dân tệ lập tức được nhiều người tìm kiếm. Trong vòng một tuần, máy dò bức xạ hạt nhân đã được bán hết.
Tờ Hồng Tinh Tân Văn (news.chengdu.cn) đưa tin cho hay, vào sáng ngày 25/08, trên một nền tảng mua sắm trực tuyến, thuật ngữ “máy dò bức xạ hạt nhân” là cụm từ được tìm kiếm phổ biến nhất. Số liệu thống kê của nền tảng này cho thấy lượng tìm kiếm máy dò bức xạ hạt nhân đã tăng 232% trong tuần này.
Một số thương nhân cũng cho biết họ chưa bao giờ nghĩ rằng máy dò bức xạ hạt nhân sẽ hết hàng, nếu đặt hàng vào ngày 25/08 thì muộn nhất là ngày 10/09 mới có hàng.
Nhà là nơi có lượng phóng xạ hạt nhân cao nhất
Hôm 29/08, tờ Triều Tân (chaoxinco.com) thuộc Tập đoàn Nhật báo Chiết Giang, đưa tin cho biết, sau khi mua máy dò bức xạ hạt nhân, một số người đã đo xung quanh nhà mình và vô tình phát hiện nơi có mức độ phóng xạ cao nhất lại chính là nhà riêng của họ.
Ông Hạ Vân Kỳ (Xia Yunqi), một người dân ở Chiết Giang, cho biết ông đã dùng máy đếm Geiger đo mọi nơi trong khu nhà mình, và phát hiện giá trị bức xạ trong nhà là cao nhất. Khi ông đo trong phòng tắm và phòng ngủ, chỉ số tăng nhẹ nhưng mức dao động không lớn.
Theo bài báo này, nhiều người đã đăng các giá trị mà mình đo được lên mạng Internet, hầu hết đều ở khoảng 0.1 (μSv/h, microsieverts mỗi giờ). Một số người nghi ngờ nguyên nhân là do vật liệu xây dựng, gạch men và đá cẩm thạch có độ bức xạ cao. Một số người còn cho rằng, sau này khi mọi người làm trang trí nội thất, ai cũng có máy đo bức xạ hạt nhân để đo bức xạ của vật liệu xây dựng, khi đó thị trường kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ gặp khó khăn.
Cư dân mạng Thượng Hải: Bức xạ hạt nhân ở trong nhà gấp 976 lần Tokyo
Theo CCTV, hôm 24/08, phóng viên của họ đã thử nghiệm bằng máy đo phóng xạ tại địa điểm cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khoảng 6.5 km, và kết quả đo được là 0.10 (μSv/h). Khi ở Tokyo, kết quả kiểm tra của máy đo phóng xạ là 0.01 (μSv/h), giá trị bức xạ cao nhất xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima là 2.0 (μSv/h).
Hãng truyền thông Đài Loan Newtalk đưa tin cho hay một cư dân mạng ở Thượng Hải nói rằng chỉ số bức xạ hạt nhật tại nhà của anh cao gấp 976 lần ở Tokyo. Ông Thậm Vinh Khâm (Shen Rongqin), phó giáo sư tại Đại học York ở Canada, cho rằng phát hiện này chẳng khác gì “ném đá” vào thị trường địa ốc vốn đang sa sút, khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng hơn.
Hôm 28/08, một cư dân mạng có tên “Dĩ Văn Hội Hữu” (以文会友) cũng đăng trên nền tảng NetEase, nói rằng một cư dân mạng có địa chỉ IP ở Thượng Hải đã công bố một đoạn video cho thấy anh đã sử dụng máy đếm của một thương hiệu nào đó để đo bức xạ hạt nhân, kết quả đo được cao gấp 976 lần Tokyo.
Ảnh chụp màn hình của video cho thấy một người dân có tên trực tuyến là “阿拉里匹诺尼诺” cho biết nhà của anh còn tệ hơn cả ở Fukushima (mức cao nhất mà phóng viên CCTV đo được là 2.0), thỉnh thoảng chỉ số còn tăng lên, cao nhất là 9.7, anh thực sự “choáng váng”. Người này cho biết: “Theo dữ liệu tin tức của CCTV, [giá trị bức xạ hạt nhân tại] Tokyo là 0.01, [như vậy là chỉ số tại nhà tôi] gấp 976 lần so với Tokyo! Tôi mua máy đếm Geiger được nửa năm, chưa bao giờ nghĩ đến việc thử ngay tại nhà. Kết quả là chỉ số đo bùng nổ ngay khi tôi sử dụng, và đã chạm mốc 12345. Đầu tôi bây giờ đau quá.”
Cư dân mạng có tên “Bằng hữu 52” (朋友52) bình luận: “Là một người từng làm trong ngành xây dựng, hãy để tôi giải thích. Nếu đá tự nhiên được sử dụng làm trang trí nhà cửa thì đá tự nhiên có tính phóng xạ. Bạn có thể tận dụng cơ hội này để đo bức xạ trong nhà mình.”
Một cư dân mạng khác viết: “Mọi người vẫn ổn. Chỉ có hoạt động nuôi trồng thủy sản và dịch vụ ăn uống đã bị xóa sổ.”
Cư dân mạng có tên “Hỏa tinh võng hữu” (火星网友) chế nhạo trong bài đăng: “Rác thải không có sức tàn phá, nhưng kẻ ngốc thì có.”
“Đừng hỏi gì cả, họ [chính quyền] nói cái gì thì chính là như thế. Cũng giống như dịch bệnh, phong tỏa không cần thông báo, bỏ phong tỏa cũng không cần nói, muốn làm gì thì làm,” một cư dân mạng khác bình luận.
Cư dân mạng có tên “Khuynh khuynh thành” (倾倾城) viết: “[Chính quyền] sẽ lập tức tuyên bố ‘tự mình kiểm tra [bức xạ] là phạm pháp.’”
ĐCSTQ phát động ba làn sóng “đập tan sản nghiệp của chính mình”
Ông Vinh Kiếm (Rong Jian), một học giả hiện đang sống ở Mỹ quốc, đã tweet: “Thật là không ngờ. Tôi tưởng đó chỉ là hô khẩu hiệu chống Nhật, ăn thêm muối một chút. Không ngờ lại xảy ra nhiều phản ứng dây chuyền như vậy. Mãi đến khi trò hề sắp kết thúc mới phát hiện, ngành nghề đã sụp đổ. Người gặp xui xẻo vẫn là người dân của đại quốc.”
真是始料不及,本来以为就是喊喊反日口号多吃点盐,没想到有这么多的连锁反应,等到闹剧要收场时才会发现,行业倒了一大片,倒霉的还是大国人。 pic.twitter.com/x7EgsHP3Ym
— 荣剑 (@rongjian1957) August 28, 2023
Ảnh chụp màn hình cho thấy, dòng chữ được ông Vinh Kiếm đăng trên Twitter viết rằng:
“Dời tảng đá nước thải hạt nhân, [nhưng lại] liên tục tự đánh vào chân mình. Quả thực mỗi ngày là một niềm vui.
Làn sóng đầu tiên, tưởng là đang tấn công ngư dân Nhật Bản, nhưng thực chất là đang tấn công ngư dân Trung Quốc;
Làn sóng thứ hai, tưởng rằng kích thích muối, nhưng thực chất lại là máy đếm Geiger;
Trong làn sóng thứ ba, quý vị tưởng rằng an toàn thực phẩm bị ảnh hưởng, nhưng thực ra lại là an toàn vật liệu xây dựng. Chỉ trong vài ngày, hàng chục ngàn người trên khắp đất nước đã mua máy đếm Geiger, đo giá trị bức xạ khắp nơi và phát hiện vật liệu xây dựng trong nhà họ có mức bức xạ cao nhất, thậm chí nhiều người còn phát hiện giá trị bức xạ của vật liệu xây dựng trong nhà họ cao hơn Chernobyl.
Sau đợt kích động này, đoán chừng tất cả mọi người bắt đầu đo bức xạ trong nhà mình. Dù sao ở Vịnh Tokyo không có nhiều bức xạ, họ cũng không ăn nhiều hải sản. Vật liệu xây dựng trang trí ngay trong nhà mình cũng có đủ phóng xạ để một gia đình ba người ăn no rồi.”
Lượng tritium thải ra từ Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn vào năm 2021 cao gấp 10 lần Fukushima trong 1 năm
Theo Đài Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK), lượng tritium mỗi năm có trong nước đã qua xử lý thải ra từ nhà máy Fukushima theo kế hoạch được giới hạn ở mức 22 ngàn tỷ becquerel.
Hôm 29/08, hãng truyền thông Đức Deutsche Welle cho biết, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, vào năm 2021, hàm lượng tritium trong nước thải từ 13 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc vượt quá lượng xả thải theo kế hoạch của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trong một năm. Trong số đó, lượng tritium do nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn ở Chiết Giang thải ra vào năm 2021 lên tới 218 ngàn tỷ becquerel, gấp khoảng 10 lần lượng tritium tối đa mà Fukushima thải ra trong một năm.
Tờ The Guardian cho biết lượng tritium thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh ở tỉnh Phúc Kiến gấp khoảng ba lần lượng thải ra theo kế hoạch của Fukushima.
Ông David Krofcheck, giáo sư vật lý tại Đại học Auckland ở New Zealand, nói với The Guardian rằng hàm lượng tritium trong nước thải hạt nhân của Fukushima “thấp hơn bảy lần” so với tiêu chuẩn nước uống được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.
Hạ Tùng thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ