Nhật Bản: Cơ quan quản lý hạt nhân đồng ý xả nước thải đã qua xử lý ra biển
Hôm thứ Sáu (22/07), các cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản đã chấp thuận kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị sóng thần tàn phá ra biển, cho phép Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xây dựng các cơ sở xả thải.
TEPCO cho biết họ có kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý đến một cơ sở ven biển, nơi nước này sẽ được pha loãng với nước biển và sau đó cho chảy qua một hầm dẫn nước dưới biển có cửa xả với tổng chiều dài 1 km (0.6 dặm) để giảm thiểu tác động đến hoạt động đánh bắt cá địa phương.
Cơ quan Quản lý Hạt nhân đã chấp thuận kế hoạch này, nhưng TEPCO vẫn cần sự đồng ý của địa phương trước khi tiến hành.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ sẽ làm việc để pha loãng nước đã qua xử lý có chứa tritium xuống mức “thấp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn quy định về an toàn,” và bảo đảm “độ tin cậy và tính minh bạch của quá trình xử lý chất này.”
Theo bộ này, các cơ quan quản lý hạt nhân sẽ tiến hành kiểm tra bổ sung các cơ sở xả thải trước khi TEPCO có thể bắt đầu thải nước đã qua xử lý.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố, “Việc xả nước đã qua Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tân tiến (ALPS) ra biển sẽ không bắt đầu chừng nào các bước này được thực hiện một cách hợp lệ.”
Nhật Bản cũng đã yêu cầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá việc xử lý nước thải để bảo đảm rằng hoạt động này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, trong bối cảnh các nước láng giềng lo ngại về nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của việc xả nước nhiễm phóng xạ này.
Trước đó trong năm nay, các chuyên gia của IAEA đã đến thăm nhà máy và cho biết Nhật Bản đang thực hiện các biện pháp thích hợp cho việc xả thải theo kế hoạch.
Bộ Ngoại giao nêu rõ, “IAEA sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá độc lập trong suốt quá trình thực hiện các bước này, và chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét cẩn thận các phát hiện và các chi tiết quan sát được từ quá trình nghiên cứu đánh giá của IAEA.”
Các nhà khoa học khẳng định rằng tác động của việc tiếp xúc với chất tritium liều lượng thấp, lâu dài đối với môi trường và con người vẫn chưa được xác định, nhưng nói thêm rằng tritium có thể ảnh hưởng đến con người nhiều hơn khi cá biển nuốt phải chất khí phóng xạ này.
Một trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011 đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra sự cố tan chảy của ba lò phản ứng hạt nhân và giải phóng một lượng lớn chất phóng xạ.
Nước được sử dụng để làm mát ba lõi lò phản ứng bị hư hỏng, vốn vẫn có tính phóng xạ cao, đã rò rỉ vào tầng hầm của các lò phản ứng hạt nhân nhưng đã được thu gom và lưu trữ trong các bể chứa.
Lượng nước bị ô nhiễm này đang được lưu trữ trong khoảng 1,000 bể chứa tại nhà máy bị hư hỏng. TEPCO đặt mục tiêu loại bỏ các bể chứa và nhường chỗ cho các cơ sở thiết bị cần thiết cho quá trình ngừng hoạt động của nhà máy này. Các bể chứa này dự kiến sẽ đạt công suất 1.37 triệu tấn vào năm tới.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.