Phân tích: Fukushima xử lý nước thải hạt nhân, và trò hề của ĐCSTQ nhằm che giấu sự thật
Hôm 24/08, Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân tích lũy đã qua xử lý. Hôm 25/08, Hoa Kỳ tuyên bố rằng cách giải quyết của Nhật Bản là “an toàn, minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học.” Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cường điệu hóa việc này một cách mạnh mẽ và khơi dậy tinh thần chống Nhật trong nước. Các chuyên gia phân tích cho rằng ĐCSTQ đang chỉ thị “trò hề Fukushima” nhằm che giấu sự thật và che đậy tình cảnh trong-ngoài nguy khốn của mình.
Fukushima xả nước đã qua xử lý hạt nhân; Hoa Kỳ, Nhật Bản và IAEA tuyên bố: Đạt tiêu chuẩn an toàn
Hôm 25/08, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố rằng quy trình xả nước đã qua xử lý của nhà máy Fukushima Nhật Bản là “an toàn, minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học,” và Hoa Kỳ bày tỏ “sự hài lòng.”
Tuyên bố cho biết, Nhật Bản đã duy trì sự cởi mở, minh bạch khi tìm cách quản lý một cách có trách nhiệm địa điểm nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và cuối cùng xả nước đã qua xử lý, đồng thời chủ động hợp tác với các chuyên gia khoa học cũng như đối tác từ khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Hôm 24/08, Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân tích lũy. Hôm 25/08, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết phép đo nồng độ tritium trong nước pha loãng ALPS được lấy mẫu vào ngày 24/08 cho thấy giá trị dưới 1,500 becquerel/lít.
Công ty Điện lực Tokyo công bố kết quả kiểm tra chất lượng nước tại 10 điểm quan trắc trên biển của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cho thấy nồng độ chất phóng xạ tritium tại tất cả các điểm quan trắc đều đạt tiêu chuẩn, và thấp hơn giới hạn dưới mà thiết bị có thể phát hiện.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) loan báo quy trình của Nhật Bản an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được quốc tế chấp thuận. Ngày 15/08, Ngoại trưởng Hoa kỳ Blinken tuyên bố Hoa Kỳ hài lòng với các thủ tục an toàn, minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học của Nhật Bản.
Báo cáo của IAEA liệt kê 11 “chuyên gia độc lập từ bên ngoài” đã tham gia đánh giá, từ Argentina, Quần đảo Marshall, Việt Nam, Australia, Canada, Pháp, Nam Hàn, Nga, Anh, Hoa Kỳ, và Trung Quốc.
Tiến sĩ Lâm Cơ Hưng (Lin Jixing), một tác gia khoa học nổi tiếng ở Đài Loan và là giáo sư phụ tá tại Trung tâm Giáo dục Tổng hợp của Đại học Thanh Hoa, đã viết một bài báo đồng tình với báo cáo của IAEA. Ông nói với ấn bản Hoa ngữ của BBC rằng: “Chúng tôi nói chuyện khoa học dưới góc độ khoa học”.
Ông Lâm Cơ Hưng cho biết, nồng độ tritium trong nước thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima dự tính sẽ được kiểm soát dưới 1,500 becquerel/lít, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn phát thải 60,000 becquerel/lít của Nhật Bản, và cũng thấp hơn nhiều so với giới hạn 10,000 becquerel/lít của WHO.
Các mô phỏng của Nhật Bản cho thấy liều bức xạ do thải tritium sẽ thấp hơn nhiều (1 trên 100,000) so với liều bức xạ mà người Nhật nhận được từ môi trường tự nhiên là 2.1 millisievert mỗi năm, là nhỏ không đáng kể. Vì vậy, ông Lâm cho biết việc xả nước thải triti hóa này không gây nguy hiểm cho sinh vật biển hoặc con người.
ĐCSTQ chỉ thị “trò hề Fukushima”
Tuy nhiên, ĐCSTQ luôn phản đối mạnh mẽ điều đó. Trong cuộc họp báo hôm 25/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết phía Nhật Bản cần chấn chỉnh ngay hành vi ích kỷ chuyển nguy cơ ô nhiễm hạt nhân ra thế giới, đừng để nước của Fukushima trở thành nỗi ô nhục của Nhật Bản.
Hôm 24/08, ĐCSTQ tuyên bố lập tức đình chỉ hoàn toàn ngay trong ngày việc nhập cảng các sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản.
Các hãng thông tấn lớn của ĐCSTQ đã đăng tin thông qua các nền tảng xã hội, nói rằng nước thải hạt nhân của Nhật Bản có thể gây ung thư, gây quái thai và thậm chí phá vỡ DNA của con người.
Trang bìa tin tức của các hãng thông tấn này dẫn lời các chuyên gia cho rằng việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản có thể gây ra tổn thương di truyền. Tờ Nhân Dân Nhật Báo (people.com.cn) nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc Nhật Bản xả nước thải ra biển, đồng thời giảm nhập cảng nông, lâm, thủy sản Nhật Bản. Tân Hoa Xã đưa tin: “Việc xả nước nhiễm phóng xạ hạt nhân ra biển ở Nhật Bản là điều không thể chấp nhận được đối với công chúng,” đồng thời lên án chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo vi phạm cam kết không xả nước nhiễm phóng xạ hạt nhân khi chưa được phép.
Cùng lúc đó, một lượng lớn người dùng Internet ở Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Anh Simon Leplâtre, phóng viên tờ báo Pháp Le Monde ở Thượng Hải, viết: “Trên mạng xã hội Twitter, chủ đề này đã có hơn 1.8 tỷ lượt xem vào hôm thứ Sáu [25/08], làm dấy lên một cuộc công kích gay gắt của người dân Trung Quốc đối với Nhật Bản.”
Anh Simon Leplâtre cho biết trong nhiều tuần qua, các hãng truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã thổi phồng chủ đề này, đăng tải một số lượng lớn video, bài báo hoặc phim hoạt hình cáo buộc Nhật Bản gây ô nhiễm đại dương.
Ông Triệu Thông (Zhao Tong), một thành viên tại Quỹ Carnegie ở Washington, đã viết trên Twitter rằng, “Hầu hết những người tham gia cuộc tranh luận thậm chí không nhận ra rằng, họ đang lan truyền thông tin sai lệch.”
Bị ảnh hưởng bởi sự cường điệu của truyền thông ĐCSTQ, người dân ở các tỉnh ven biển như Giang Tô, Quảng Đông, hay Phúc Kiến đã đổ xô đến các siêu thị để tích trữ muối. Ảnh chụp màn hình trực tuyến cho thấy có người đã mua 90 túi muối.
Chuyên gia tiết lộ sự thật: Lượng phát thải nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Nhật Bản
Đồng thời, ĐCSTQ lại phong sát sự thật. Hôm 23/08, ông Lý Kiếm Mang (Li Jianmang), chuyên gia năng lượng hạt nhân Trung Quốc sống ở Hà Lan, đã có một bài đăng trên weibo trích dẫn một số dữ liệu khoa học cho rằng nước thải hạt nhân của Fukushima không đáng lo ngại. Tuy nhiên, chỉ sau 3 giờ, bài đăng này đã bị xóa.
Trong bài viết, ông Lý Kiếm Mang cho biết tổng lượng tritium tương đương hiện được lưu giữ trong nước thải Fukushima là dưới 900 Tbq; theo lưu lượng tương đương 30 năm, lượng thải tương đương ra biển mỗi năm nhỏ hơn 30 Tbq.
Ông cũng cho biết, nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á (Daya Bay) của Trung Quốc có giới hạn phát thải do Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc đặt ra là 225 Tbq, cao gấp 8 lần so với lượng phát thải của Fukushima. Vì vậy, tổng lượng thải tritium hằng năm của Fukushima là “không đáng lo ngại.”
Hai năm trước, vào tháng 04/2021, hãng truyền thông Hồng Kông Citizen News cũng đưa tin cho hay, theo văn bản chấp thuận của chính phủ do Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc ban hành năm 2017, Cơ sở điện hạt nhân Vịnh Đại Á có tổng cộng sáu tổ máy và giới hạn phát thải tritium lỏng hằng năm đạt 225 MBq, gấp 10 lần lượng phát thải hằng năm trong tương lai của Fukushima. Tuy nhiên, sau đó bài viết cũng đã bị xóa; đồng thời, chính phủ Trung Quốc đã chặn trang web chính thức của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Một số cư dân mạng cho rằng Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc đã nhanh chóng gỡ bỏ niên giám và hồ sơ phát thải.
Phân tích: Trong-ngoài khốn đốn, ĐCSTQ chính trị hóa các vấn đề khoa học
Liên quan đến việc ĐCSTQ phong sát sự thật, hôm 25/08, ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), chủ tịch điều hành của Viện Princeton Trung Quốc và là tổng biên tập tạp chí “Tổng quan về Trung Quốc” (chinainperspective.com), nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Điều này hết sức vô lý.”
Ông nói: “Nước thải của Trung Quốc cao gấp 5 đến 10 lần nước thải của Fukushima, nhưng không để dân chúng biết, lại đi nói rằng hệ thống thoát nước của Nhật Bản gây ô nhiễm hạt nhân, ảnh hưởng đến toàn thế giới.”
“Vấn đề này rất rõ ràng, cơ quan có thẩm quyền cao nhất thế giới cũng đã tán thành, trong đó có cả các chuyên gia Trung Quốc. Hiện tại, ĐCSTQ về cơ bản là đảng duy nhất trên thế giới đang gây ra sự phản kháng từ dư luận,” ông Trần cho hay.
Ông Trần Khuê Đức cho rằng ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt với những khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài: nền kinh tế trong nước đang suy thoái theo chiều dọc, bao gồm cả những thảm họa như lũ lụt gần đây; về mặt ngoại giao, ĐCSTQ đang bị cả thế giới bao vây, cô lập, v.v. Hiện tại, ĐCSTQ đang gặp khó khăn chồng chất như vậy, nên hy vọng có thể dẫn hướng dư luận đến cái gọi là “làn sóng chống Nhật.”
Tờ New York Times cho rằng hành động này của ĐCSTQ là một biện pháp đối phó, bởi vì vài ngày trước Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử và đạt được thỏa thuận an ninh để thành lập một “NATO thu nhỏ” ở châu Á.
Tuy nhiên, ông Trần Khuê Đức cho biết mọi chuyện sẽ sớm qua đi. “Lần này cũng giống như khi [ĐCSTQ] phát động làn sóng chống Nhật và tẩy chay hàng Nhật, hàng Hàn. Chuyện này sẽ biến mất sau một thời gian và sẽ trở thành nỗi ô nhục trong lịch sử, đó là điều chắc chắn,” ông nói.
Hôm 25/08, ông Lưu Nhân Toàn (Liu Yinquan), cựu giáo sư lịch sử tại Đại học Duy Phường Sơn Đông, cũng phân tích với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ cường điệu hóa tinh thần chống Nhật hoàn toàn xuất phát từ những toan tính chính trị. Ông cho rằng điều này không tốt cho Trung Quốc (ĐCSTQ) và cũng không có ích cho ngoại giao của Trung Quốc (ĐCSTQ), trình độ lừa bịp trong chuyện này quá thấp. “Vì Trung Quốc có nhiều nhà máy điện hạt nhân nên việc xử lý nước thải không tốt bằng Nhật Bản, tình trạng ô nhiễm nước biển còn trầm trọng hơn,” ông nói.
Trước đó BBC đã đăng bài dẫn lời nhiều nhà quan sát về bang giao quốc tế cho rằng, yếu tố chính trị không thể rõ ràng hơn trong vấn đề xả nước thải hạt nhân Fukushima.
Tiến sĩ David Krofcheck của Đại học Auckland cảm thấy khó hiểu trước sự bất mãn mạnh mẽ của các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân như Trung Quốc đối với kế hoạch thoát nước của Nhật Bản. Đặc biệt, ông cảm thấy cuộc tranh luận về tritium mang tính chính trị cao nhất.
Ông nói: “Tôi nghĩ những bất bình trong chính trị và lịch sử lâu đời giữa các quốc gia này đã làm lu mờ những quan điểm khoa học trong các cuộc thảo luận về tritium. Hải sản Fukushima vẫn phải được thử nghiệm phân hạch, và các quốc gia sẽ tự xác định mức độ an ninh của mình.”
Tại sao Nhật Bản xả nước đã qua xử lý hạt nhân?
Ngày 11/03/2011, Nhật Bản hứng chịu một trận động đất mạnh 9.1 độ richter, sau đó xuất hiện sóng thần, khiến gần 20,000 người thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương và 2,500 người mất tích. Đặc biệt, 3 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của TEPCO đã tan chảy, hệ thống làm mát thất bại.
Để giữ nhiên liệu hạt nhân nóng chảy trong lò phản ứng ở trạng thái ổn định và ngăn lò phản ứng phát nổ hoặc xảy ra thảm họa lớn hơn, chính phủ Nhật Bản quyết định tiếp tục bơm nước làm mát. Đến nay lượng nước sau xử lý đã tích lũy hơn 1.3 triệu tấn, tiệm cận giới hạn dung tích bể chứa.
IAEA loan báo nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hiện sản xuất khoảng 90 mét khối nước đã qua xử lý hạt nhân mỗi ngày. Nhật Bản cho biết giải quyết vấn đề nước “là vấn đề không thể tránh khỏi.”
Tiến sĩ Edwin Lyman, Giám đốc An toàn Điện Hạt nhân của Liên minh các nhà khoa học, nói với BBC: “Chúng tôi rất lo lắng, nhưng thật không may, Nhật Bản không có nhiều lựa chọn tốt. Nếu kế hoạch không được thực hiện thì sẽ có nguy cơ xả thải không kiểm soát được do nước tích tụ trong nhà máy, chẳng hạn như một trận động đất lớn và sóng thần khác.”
Trình Tĩnh, Lý Viên Minh thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ