Sinh viên Trung Quốc ở hải ngoại phẫn nộ trước việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển
Sinh viên Trung Quốc tại Úc đang nỗ lực vận động phản đối những hành động gần đây của chính phủ Nhật Bản nhằm xả nước thải hạt nhân ra biển.
Hành động này diễn ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đình chỉ nhập cảng thủy sản của Nhật Bản hôm 24/08 và bắt đầu khởi xướng tinh thần bài Nhật.
“Sẽ có tổ chức youxing không? Chắc chắn tôi sẽ tham gia!” một người dùng web đã viết” trên Tiểu Hồng Thư (Xiaohongshu), một mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc. ‘Youxing’ là bính âm Hoa ngữ của từ có nghĩa là ‘tuần hành’ hay ‘phản đối’.
“[Tôi] thực sự muốn làm điều gì đó!! Mặc dù không thể ngăn Nhật Bản tiếp tục xả nước thải nhưng ít nhất đừng bôi nhọ chúng tôi.”
Cho đến nay, bài đăng đã có hơn 200 bình luận, trong đó có nhiều bình luận của người dùng từ trong nước Úc.
“Tôi cũng muốn đi. Từ tận đáy lòng mình, đây là lần đầu tiên tôi muốn tham gia một cuộc biểu tình. Nếu quý vị có thể tổ chức, vui lòng chia sẻ nhé,” một bình luận khác đã viết.
Liên Hiệp Quốc: Việc xả nước thải nhiễm phóng xạ của Nhật Bản là an toàn
Hồi tháng Bảy (pdf), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (IAEA) đã kết luận rằng việc xả nước thải nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima Daiichi bị tàn phá là phù hợp với các giao thức an toàn quốc tế.
Sau hai năm xem xét kế hoạch của Nhật Bản, IAEA cho biết họ “kết luận rằng cách tiếp cận và hoạt động xả nước đã qua xử lý ALPS của Nhật Bản phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế liên quan.”
“Hơn nữa, IAEA lưu ý rằng việc xả nước đã qua xử lý dần dần ra biển, theo kế hoạch và đánh giá hiện nay của TEPCO (Công ty Điện lực Tokyo), sẽ có một tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường,” IAEA cho biết trong một tuyên bố.
Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố rằng họ không có vấn đề gì với các phương diện khoa học hoặc kỹ thuật của kế hoạch này nhưng không nhất thiết phải đồng ý hoặc ủng hộ.
Chính phủ Úc cho biết họ “tin tưởng vào quá trình đưa đến quyết định này.”
Tuyên bố hôm 23/08 của Bộ Ngoại giao và Thương mại cho biết: “Úc ủng hộ vai trò quan trọng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong kế hoạch của Nhật Bản nhằm quản lý việc xả nước thải nhiễm phóng xạ này.”
ĐCSTQ kích động hận thù chống lại Nhật Bản
Sau khi Nhật Bản chính thức xả nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima, các hãng truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc bắt đầu hoạt động rầm rộ.
Một bài đăng của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc có hơn 150,000 bình luận, chủ yếu chỉ trích Nhật Bản, trong đó có một số người dùng kêu gọi “tẩy chay hàng hóa Nhật Bản,” và thậm chí là “Nhật Bản hãy biến đi.”
Đồng thời, hãng thông tấn Tin tức Bắc Kinh đã phát động một cuộc thăm dò về việc liệu người Trung Quốc có nên tiếp tục ăn đồ ăn Nhật hay không.
Trong số 92,000 cư dân mạng trả lời cuộc thăm dò thì có 81,000 người nói: “Tôi sẽ không ăn nữa. Tôi lo lắng về sự an toàn.”
Hôm 25/08, trương mục Weibo chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đăng rằng các cá nhân và tổ chức không liên quan ở Nhật Bản đã nhận được những cuộc điện thoại sách nhiễu từ Trung Quốc. Họ cáo buộc đây là hành vi tội phạm.
“Nếu mục tiêu sách nhiễu là một cửa hàng thì rất có thể gây tổn thất về tài chính; nếu đó là một tổ chức cứu thương thì đó là vấn đề tính mạng con người,” bài đăng đã viết.
“Chúng tôi đã yêu cầu phía nhà cầm quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc và phù hợp với pháp luật.”
Theo các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc, tình trạng mua muối một cách hoảng loạn bắt đầu xảy ra ở các tỉnh duyên hải Trung Quốc vì lo ngại muối có thể bị ô nhiễm do việc xả nước thải.
The Epoch Times đã liên lạc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Úc để đề nghị đưa ra bình luận.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với cộng đồng hải ngoại
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), chuyên gia về Trung Quốc đang sống tại Sydney, tin rằng Bắc Kinh đang xoa dịu sự bất mãn của người dân Trung Quốc khi quốc gia này đang nỗ lực giải quyết các vấn đề trong nước.
Ông nói với The Epoch Times rằng: “Nền kinh tế [của Trung Quốc] hiện đang trên bờ vực sụp đổ, với tỷ lệ thất nghiệp quá cao và nạn lũ lụt … Giờ đây, một đợt đại dịch mới lại bùng nổ.”
“Cần tìm ra lối thoát để người Trung Quốc bày tỏ mối lo ngại của mình nên quân bài chống Nhật thường được sử dụng.”
Ông Lý, cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Trung Quốc, cho biết ĐCSTQ thường thao túng phía sau các cuộc biểu tình ở hải ngoại.
“Đừng tin rằng sinh viên quốc tế ở Melbourne đang tự tổ chức,” ông nói, viện dẫn sự xâm nhập của chính quyền cộng sản thông qua Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) ở hải ngoại.
Ông Lý giải thích rằng một số nhân viên tại đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc có liên hệ trực tiếp với sinh viên Trung Quốc thân Bắc Kinh tại các trường đại học ở Úc.
“Ở một số nơi, họ có thể tổ chức thành công [những cuộc biểu tình như vậy], trong khi ở một số nơi khác, họ không có đủ người và không thể thực hiện được,” ông cho hay.
Anh Aaron Chang, một sinh viên tại Đại học Sydney, nổi tiếng qua việc hóa trang thành Winnie the Pooh trong các cuộc biểu tình nhằm châm biếm lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, nói rằng các sinh viên Trung Quốc ở hải ngoại bị ảnh hưởng do tuyên truyền.
Anh nói với The Epoch Times rằng: “Họ chưa nhìn ra hoặc suy nghĩ một cách hợp lý về lý do tại sao chỉ một số quốc gia anh em xã hội chủ nghĩa trên thế giới mới cấm nhập cảng hải sản Nhật Bản.”
“Điều đáng buồn là những sinh viên quốc tế dẫu muốn thực hiện các quyền cơ bản của mình nhưng lại vẫn tự kiểm duyệt chính mình, thậm chí không dám viết ra từ ‘phản đối’ đầy đủ trên mạng, mà chỉ sử dụng mẫu tự âm ngữ [Hoa ngữ] thôi,” anh nói thêm.
“Tôi đã gõ từ [phản đối] nhưng nó đã bị chính quyền xóa đi,” một người dùng trực tuyến đã phúc đáp câu hỏi của một nhà bình luận khác dưới bài đăng.
Việc xả nước thải của chính Bắc Kinh không được kiểm soát
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng bị cáo buộc là đạo đức giả khi xả nước thải hạt nhân ra biển.
Ông David Krofcheck, một giảng viên cao cấp tại Đại học Auckland, cho biết: “Việc xả nước thải này [của Nhật Bản] được xử lý để có lượng tritium/lít thấp hơn bảy lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho nước uống.”
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times