Úc: Hàng trăm người tham gia diễn hành nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở Trung Quốc
Hàng trăm học viên Pháp Luân Đại Pháp đã quy tụ lại để thể hiện vẻ đẹp của môn tu luyện và nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc.
Những nàng tiên nữ yêu kiều trong trang phục dân tộc, các em nhỏ ngồi trên những chiếc thuyền hoa, và những nghệ sĩ trình diễn điệu múa truyền thống Việt Nam đã hòa vào đoàn diễn hành hàng trăm người qua Melbourne, thủ đô văn hóa của Úc.
Hôm 27/10, khoảng 700 học viên Pháp Luân Đại Pháp từ Úc, New Zealand, và Việt Nam đã tập trung tại Melbourne với hy vọng thể hiện vẻ đẹp của môn tu luyện và nâng cao nhận thức của công chúng về cuộc bức hại đang diễn ra của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện thiền định theo truyền thống Phật giáo với các bài giảng đạo đức tập trung vào nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”. Theo Faluninfo.net, ước tính có khoảng 100 triệu người đã tu luyện môn này ở hơn 90 quốc gia.
Xem sự phổ biến của Pháp Luân Công ở Trung Quốc là mối đe dọa đối với chế độ cộng sản, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 07/1999 và cuộc đàn áp này hiện vẫn đang tiếp diễn.
Kể từ đó, vô số học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bỏ tù bất hợp pháp, bị kết án, tra tấn, và thậm chí bị thu hoạch nội tạng sống.
Du khách thưởng lãm: Điều quan trọng là phải lưu tâm đến những tiếng nói đó
Cô Louna và anh Matthieu, những du khách đến từ Paris, cảm thấy hào hứng khi được chứng kiến cuộc diễn hành của Pháp Luân Đại Pháp ở Melbourne.
“Tôi nghĩ [cuộc diễn hành này] rất đẹp,” cô Louna nói với The Epoch Times. “Thông điệp về cái thiện … quả thực rất mạnh mẽ. [Thông điệp] về một thế giới, một thế giới tốt đẹp hơn.”
Khi tấm biểu ngữ hình vuông có dòng chữ “Chấm dứt Cuộc bức hại” đi ngang qua, cô cho biết thế giới cần lắng nghe tiếng nói của các học viên Pháp Luân Công.
“Tôi nghĩ rằng nên nói với thế giới … rằng họ [ĐCSTQ] không đối đãi tốt với người dân … Điều quan trọng là phải quan tâm đến tiếng nói đó. Chúng tôi không nghe nói nhiều về điều đó,” cô cho biết.
Hàng trăm người tề tựu tạo thành khung cảnh độc đáo
Hôm 28/10, khoảng 680 học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại Hoa viên Alexandra ở Khu Thương mại Trung tâm Melbourne để xếp thành bốn ký tự tiếng Hoa rất lớn “法正乾坤 (Pháp Chính Càn Khôn).”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Trung Quốc và là một trong những người điều phối sự kiện này, cho biết: “Buổi xếp chữ của học viên Pháp Luân Đại Pháp có ý nghĩa rất to lớn.”
“Đầu tiên, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến Sư phụ Lý Hồng Chí [nhà sáng lập Pháp Luân Công]. Thứ hai, bởi vì sau khi tu luyện, thân và tâm của chúng tôi đã biến đổi ngày càng tốt lên nên chúng tôi muốn lan tỏa niềm vui đó, cũng như cho mọi người thế giới thấy vẻ đẹp của [Pháp Luân] Đại Pháp qua sự kiện này.”
Khi nói về ý nghĩa của bốn chữ này, ông Lý Nguyên Hoa chia sẻ sự hiểu biết của mình.
Ông nói, “Pháp Luân Đại Pháp dạy chúng ta hành xử theo ‘Chân, Thiện, Nhẫn’. Những nguyên lý này của Đại Pháp có thể quy chính lại hết thảy những điều bất chính trong càn khôn (vũ trụ) này … Đây là một ý nghĩa của ‘Pháp Chính Càn Khôn.’”
Những điều kỳ diệu khi tổ chức các buổi xếp chữ ở Úc
Nhìn lại hơn 20 năm tổ chức các buổi xếp chữ ở quốc gia này, ông Lý cho biết Úc đã là nơi diễn ra những sự kiện như vậy từ năm 1999, cũng là nơi đầu tiên tổ chức sự kiện như vậy bên ngoài Trung Quốc. Sau đó, các học viên Pháp Luân Công người Úc đã giúp các quốc gia và các khu vực khác tổ chức những sự kiện này.
Kể lại kinh nghiệm của mình, ông Lý cho biết hồi tháng 02/1999, các học viên Pháp Luân Công ở Sydney dự định tổ chức buổi xếp chữ đầu tiên nên đã tìm một công ty cho thuê trực thăng cơ để giúp chụp ảnh. Tuy nhiên, người quản lý đã từ chối vì lý do chi phí và vấn đề chụp ảnh.
Thật bất ngờ, ông John, chủ của công ty đó, đứng bên cạnh đã nghe thấy cuộc trò chuyện này và các học viên đã khiến ông vô cùng cảm động.
Sau khi được biết rằng các bài công pháp của Pháp Luân Công được dạy miễn phí tại Cảng Darling, ông quyết định tự mình lái chiếc phi cơ đó mà không lấy phí. Ông John cũng mời bạn mình, một nhiếp ảnh gia chụp ảnh trên không chuyên nghiệp, đến chụp ảnh cho sự kiện.
“Quá trình quay phim chụp ảnh thật hồi hộp,” ông Lý nhớ lại. “Vì có mây che phủ nên sau khi phi cơ cất cánh, ông John không thể nhìn thấy mặt đất, ông cứ nghĩ rằng sẽ không thể chụp được.”
“Ngay khi ông ấy chuẩn bị bỏ cuộc, những đám mây dày đặc dường như bị bàn tay của một vị Phật đẩy đi. Một khe hở vừa vặn xuất hiện trên bầu trời, vừa khéo là khoảng trống đó ở ngay phía trên các ký tự ở bên dưới. Nhiếp ảnh gia này đã nắm lấy cơ hội đó để quay video.”
“Câu chuyện này giống như chuyện thần thoại vậy, nhưng đó thực sự là trải nghiệm xếp chữ của [chúng tôi].”
Sau buổi chụp ảnh đó, ông John phải tiến hành ca phẫu thuật thứ chín và tại đó ông đã trải qua điều mà ông tin chắc rằng đó là một phép màu.
Ban đầu ông John nghĩ rằng mình sắp sửa lên thiên đường, nhưng không ngờ rằng ca phẫu thuật không chỉ rất thành công mà ông còn hồi phục với tốc độ đáng kinh ngạc, điều mà ngay cả nhân viên y tế cũng thấy ngạc nhiên.
“Còn vị nhiếp ảnh gia kia lúc đầu dự định sẽ đi phẫu thuật một chiếc gai xương trên vai. Nhưng sau khi quay phim chụp ảnh cho chúng tôi, ông ấy đến khám lại và phát hiện chiếc gai xương đó đã biến mất,” ông Lý nói.
Nhiếp ảnh gia trên không: ‘Một mục đích cao cả’
Ông Peter Jose, nhiếp ảnh gia trên không giúp đỡ cho sự kiện năm nay, cũng đánh giá cao hoạt động này.
“Tôi ủng hộ quý vị hết mình. Tôi thật sự nghĩ điều này quá lạ thường,” ông nói.
Ông Jose là một thuyền trưởng kỳ cựu trong 25 năm. Ông cũng là chủ sở hữu và nhiếp ảnh gia của Drone Pilot Pete, một công ty chụp ảnh trên không bằng thiết bị bay không người lái. Ông đã thực hiện chụp ảnh từ trên không cho nhiều sự kiện quy mô lớn, bao gồm các sự kiện thể thao, đám cưới, và các chủ đề khác nhau.
“[Buổi xếp chữ] thật tuyệt vời. Tôi cảm mến sự cống hiến đó. Tôi thích việc tổ chức sự kiện này,” ông nói.
“Mọi người ở đây đã giúp đỡ tôi. [Mọi người] giúp đỡ rất nhiệt tình … Những người ở đây đang làm việc đó vì một mục đích cao cả.”
‘Vẻ đẹp và sự bình yên giữa lòng thành phố’
Cư dân Jenny và chị gái Elizabeth Atkins cảm thấy vui mừng khi chứng kiến sự kiện xếp chữ này.
Bà Jenny cho biết: “Khung cảnh trông thật đẹp và yên bình giữa lòng thành phố. Tôi đi ngang qua đó và thất thật tuyệt vời.”
Bà cảm thấy có sự kết nối chặt chẽ với các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công, đặc biệt là “thiện (lòng tốt).”
Bà nói: “Tôi nghĩ thiện là tiêu chuẩn đạo đức căn bản mà tất cả chúng ta nên hành xử theo.”
“Nếu mỗi người trong thế giới này đều trở nên thiện lương hơn, thì chúng ta sẽ không gặp phải những vấn đề như hiện nay.”
Bản tin có sự đóng góp của Beatrice Lee
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times