Chuyên gia tâm thần: Sử dụng thiền định truyền thống để kết nối tâm trí, cơ thể, tinh thần
Theo bà Deborah Collins-Perrica, một Y tá lâm sàng chuyên khoa tâm thần có chứng chỉ hành nghề, ở thành phố Hartford, tiểu bang Connecticut, nếu bạn đã thử thiền định và thấy rằng nó không hiệu quả với mình, thì có thể những gì bạn thực hành là một bài tập thả lỏng hơn là một phương pháp thiền truyền thống thực sự.
Thiền định truyền thống có những yêu cầu về tâm trí, cơ thể và tinh thần.
Thiền định truyền thống là thiền định đích thực
“Thiền định không chỉ là ngồi đó và thả lỏng,” bà Collins-Perrica nói với The Epoch Times. “Các phương pháp thiền định chân chính, truyền thống luôn có nguồn gốc từ tôn giáo, vốn có yếu tố đạo đức trong đó.”
Ví dụ, hầu hết các phương pháp thiền định truyền thống trong truyền thống Phật Giáo đều yêu cầu người ta tuân theo các nguyên tắc làm người tốt, buông bỏ những mong muốn và truy cầu, đồng thời có một tâm hồn tự do và cởi mở hơn.
“Nếu tâm trí bạn chứa đầy sự tức giận và oán trách, lúc nào cũng tranh đấu và cãi vã, rồi cạnh tranh với mọi người một cách ích kỷ, bạn sẽ không thể có được một giấc ngủ ngon. Bạn không thể có những mối quan hệ tốt. Bạn thậm chí không thể có một cơ thể khỏe mạnh,” bà Collins-Perrica, người có hơn 15 năm kinh nghiệm điều trị bệnh tâm thần, cho biết.
Hiện nay, có nhiều loại thiền định đang được giảng dạy và thực hành, bao gồm cả thiền chánh niệm, thiền tập trung, thiền siêu việt, và thiền rải tâm từ. Mặc dù nhiều phương pháp cũng có yếu tố tâm linh nhưng chúng không nhất thiết là phương pháp thiền định truyền thống.
Thiền định truyền thống thường được lưu truyền như một truyền thống tâm linh hoặc tôn giáo và được giảng dạy bởi một bậc thầy hoặc giáo viên, được công nhận trong một trường phái thực hành hợp pháp, và chỉ đơn giản là thực hành ngồi trong tư thế kiết già với tâm trí thoát khỏi bất kỳ ý định nào. [Phương pháp thiền truyền thống] được chính thức hóa và có cấu trúc, bà Collins-Perrica giải thích. Tư thế ngồi hoa sen (kiết già) yêu cầu ngồi bắt chéo chân, chân này đặt lên đùi bên kia.
Một số trường phái thiền định truyền thống hướng dẫn [người tập] bằng cách sử dụng cách niệm trì chú; một số dựa trên chuyển động, chẳng hạn như Thái Cực Quyền, và một số khác dựa trên vị trí cơ thể, chẳng hạn như yoga. Một số hình thức thiền thị giác tập trung tâm trí vào một hình ảnh.
Bà cho biết, “Hiện nay có rất nhiều hình thức thiền không chính thống trên thế giới, và chúng được định nghĩa một cách lỏng lẻo như những cách suy nghĩ, ngẫm nghĩ, trầm ngâm, [hoặc] hồi tưởng cao độ nhằm giúp mọi người thả lỏng và cải thiện khả năng tập trung.”
Những hình thức thiền định này có nhiều điểm chung với các kỹ thuật thả lỏng bằng chánh niệm hơn là với thiền định thực sự.
Chánh niệm là một phương pháp phổ biến với sức khỏe tâm thần ngày nay. Nó yêu cầu những người thực hành tập trung vào những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại với sự chú ý, cởi mở và chấp nhận để đạt được sự an hòa về tâm trí với thái độ không chống lại. Chánh niệm được coi là một loại thiền định.
Bà Collins-Perrica nói, khi bạn nằm xuống sàn, thả lỏng tâm trí, và đếm nhịp thở, đó không phải là thiền. “Đó là một bài tập thở. Đó là một bài tập thả lỏng.”
Thiền định truyền thống cải thiện sức khỏe
Bà Collins-Perrica thừa nhận lợi ích của chánh niệm và các phương pháp thực hành thiền định khác. Nhưng thiền chân chính, truyền thống có thể giúp ích cho mọi người khi những phương pháp trên không có tác dụng.
Một trong những bệnh nhân của bà, một phi công chiến đấu trong Không lực Hoa Kỳ, đã tiếp xúc với hóa chất trong chiến tranh, và vài năm sau, anh được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng (MS).
“Kết quả chẩn đoán không thể chối cãi. Tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả dương tính,” bà Collins-Perrica nói.
Bệnh nhân này đã gặp nhiều bác sĩ thần kinh và họ đều nói với anh rằng bệnh đang tiến triển. Họ nói với anh rằng bệnh tình của anh sẽ nặng hơn và cuối cùng anh có thể sẽ bị liệt hoàn toàn và nằm liệt giường.
Bệnh đa xơ cứng là một bệnh ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Nó gây ra các triệu chứng khó lường như tê, ngứa ran, thay đổi tâm trạng, những vấn đề về trí nhớ, đau đớn, và đôi khi thậm chí bị mù và liệt.
Người bệnh vô cùng đau khổ này đã đến gặp bà Collins-Perrica khoảng hai lần một tháng tại Bộ Quốc phòng, nơi bà đã làm việc trong nhiều năm.
Bà Collins-Perrica nói: “Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu chuyển sang các chủ đề về sự sống còn nhiều hơn vì anh đang đối mặt với sự suy yếu và cái chết sắp xảy ra.” Vì vậy, bà đã giới thiệu cho anh việc thiền định và khí công Trung Quốc cổ xưa.
Phương pháp mà bà giới thiệu là Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần có nguồn gốc từ truyền thống Phật gia. Ngoài việc thiền định, môn tu luyện này còn khuyến khích các học viên cố gắng điều chỉnh cuộc sống của mình theo ba nguyên tắc: chân, thiện, và nhẫn.
Một nghiên cứu quan sát vào năm 2016 cho thấy nhiều học viên Pháp Luân Công đã hồi phục sức khỏe sau những căn bệnh giai đoạn cuối. Một nghiên cứu khác cho thấy khả năng miễn dịch của các học viên Pháp Luân Công được nâng cao so với những người không thực hành môn này.
Bệnh nhân của bà lúc đầu tỏ ra nghi ngờ nhưng nhận ra cách thực hành này khác với các kỹ thuật thả lỏng mà anh đã học trước đó. Việc tập Pháp Luân Công bao gồm việc thiền định và một số bài tập nhẹ nhàng.
Anh đã làm theo chỉ dẫn trên trang web mà bà Collins-Perrica cung cấp và bắt đầu tập theo hàng ngày. Dần dần, anh đã có thể ngồi [thiền định] lâu hơn, và cuối cùng, anh bắt đầu vắt được một chân lên, rồi hai chân lên, và cuối cùng anh đã có thể ngồi trong tư thế hoa sen.
Bà Collins-Perrica cho biết khoảng một năm sau, anh quay lại gặp bác sĩ chuyên khoa đa xơ cứng, bác sĩ này cảm thấy bối rối trước tình trạng sức khỏe hiện tại của anh, được cho là sẽ xấu đi nhưng thực tế lại không phải vậy.
Đó là chuyện cách đây bốn hay năm năm trước. Hiện anh đang làm việc toàn thời gian. “Anh ấy rất hạnh phúc. Tràn đầy năng lượng. Và anh hoàn toàn khỏe mạnh,” bà nói.
Phát triển sức mạnh nội tâm thông qua kỷ luật tự giác
Các phương pháp thiền định truyền thống có những yêu cầu về tư thế — hầu hết yêu cầu ngồi trong tư thế hoa sen — trái ngược với nhiều phương pháp thực hành hiện đại yêu cầu bạn phải làm sao cho thoải mái, thường là khi đi lại hoặc nằm.
Tư thế hoa sen đã được phổ biến rộng rãi trong các [môn tu luyện] truyền thống Phật giáo, Đạo giáo và trong một số truyền thống cổ xưa của Ấn Độ như yoga.
“Trong thiền Phật Giáo, chúng ta thường thấy Đức Phật ngồi trong tư thế hoa sen, lưng rất thẳng, đầu và cổ rất thẳng, mắt nhắm, miệng ngậm lại. Đây là những truyền thống hàng ngàn năm tuổi,” bà Collins-Perrica nói.
Ngồi ở tư thế hoa sen trong thời gian dài có thể rất không thoải mái. Tư thế ngồi này đòi hỏi sự linh hoạt ở hông, đầu gối, và mắt cá chân. Hầu hết mọi người ban đầu không thể thực hiện được, và để ngăn ngừa chấn thương, những người mới bắt đầu không nên làm quá sức.
Bà Collins-Perrica đề nghị phương pháp tiếp cận từng bước và khuyến khích mọi người ngồi trong thời gian mà họ có thể chịu đựng được. “Ngồi càng lâu, ý chí của bạn càng mạnh mẽ, và tâm trí bạn càng tĩnh tại.”
Một nghiên cứu lâm sàng đối chứng năm 2017 cho thấy những người tập yoga ngồi trong tư thế hoa sen (Padmasana trong tiếng Phạn) cho thấy các mức năng lượng vi tế tăng lên ở tất cả các kinh mạch châm cứu, trong khi nhóm ngồi trên một chiếc ghế có mức năng lượng giảm đi như nhau. Điều thú vị là, tác động tích cực đến năng lượng vi tế của cơ thể chỉ có thể thấy được sau khi ngồi trong tư thế hoa sen hơn 20 phút.
“Chân bạn đau và tâm trí bạn lang thang. Bạn phải nỗ lực để tập trung. Sau đó, trong quá trình tập trung, trong quá trình chịu đựng sự khó chịu đó, ý chí của bạn trở nên rất mạnh mẽ, nhờ đó tâm trí của bạn có thể vượt qua bất cứ điều gì,” bà Collins-Perrica nói.
Khi bạn có thể ngồi thiền trong thời gian dài hơn, “ý chí của bạn sẽ giống như một ngọn núi.”
“Thật là hùng vĩ,” bà nói.
Với sức mạnh ý chí mạnh mẽ như vậy, phương pháp thiền định chân chính có thể giúp bạn “vượt qua tất cả những điều tiêu cực, đau đớn, đau khổ, cảm giác tiêu cực, và những suy nghĩ tiêu cực.”
Cùng lúc xem xét trạng thái tâm trí, cơ thể và tinh thần
Phương pháp thiền định truyền thống có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, bác sĩ Collins-Perrica giải thích rằng để có một cuộc sống thực sự lành mạnh hơn, thì thiền định không phải là bước đầu tiên; đúng hơn, đó là một tùy chọn mà hầu hết mọi người đều thấy hữu ích.
“Trong quá trình hành nghề của tôi, bước đầu tiên với bệnh nhân thực sự là xem xét trạng thái tâm trí, cơ thể và tinh thần cùng lúc. Vì vậy, đó không chỉ là thiền định.”
Thông thường, mọi người đến gặp các chuyên gia tâm thần với đủ loại vấn đề: khó khăn trong mối quan hệ, chứng nghiện, đau buồn vì mất mát đủ loại, hoặc có khuynh hướng tự tử.
“Nếu bạn gặp vấn đề với ai đó, hoặc bạn đang tranh cãi, hoặc ai đó giận bạn, hoặc bạn giận họ, bạn thực sự cần nhìn vào bên trong và tự hỏi bản thân câu hỏi, ‘Tôi đã làm gì để gây ra vấn đề này?’,” bà Collins-Perrica nói.
Hầu hết lần nào bạn cũng sẽ phát hiện ra rằng mình đã làm điều gì đó khiến xảy ra vấn đề với người khác.
Hướng nội, một nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp, là điều mà bác sĩ Collins-Perrica nói với bệnh nhân của mình hàng ngày và họ thấy nguyên lý này hữu ích.
“Hướng nội là — điều gì đang diễn ra trong tâm trí vậy? Chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể bạn? Bạn có thể nhìn vào nội tâm không? Hay bạn có thể học cách hướng nội không? Và khi bạn làm vậy, bạn sẽ tự nhiên nhận ra rằng một phần trong bạn ước ao điều này: trở nên thực sự tốt, thực sự trung thực, thực sự thiện lương và tử tế, và tập trung làm theo cách này, để gìn giữ được những giá trị đó.”
Harry Lee là một phóng viên của The Epoch Times ở New York.
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times