Phim tài liệu phơi bày nạn diệt chủng trong y khoa ở Trung Quốc đạt được 2 giải thưởng Leo
Nội tạng Nhà nước (State Organs), một bộ phim tài liệu phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã giành chiến thắng ở hai hạng mục của Giải thưởng Leo năm 2023.
Dưới bàn tay đạo diễn của nhà làm phim Raymond Zhang đến từ Vancouver, bộ phim đã đạt được cả hai giải thưởng Đạo diễn Xuất sắc nhất và Nhạc phim Xuất sắc nhất ở hạng mục phim tài liệu dài. Hôm 09/07, lễ trao giải đã được tổ chức tại khách sạn Hyatt ở Vancouver để vinh danh những người chiến thắng và đánh dấu lần thứ 25 năm diễn ra giải thưởng này.
Bộ phim “Nội tạng Nhà nước” mô tả những trải nghiệm đau thương của hai gia đình người Hoa, trong đó mỗi gia đình đều chứng kiến sự ra đi của một người thân — Yun Zhang và Shawn Huang. Hai người này, vốn là những học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, đã “bặt vô âm tính” ngay sau khi ĐCSTQ phát động một cuộc đàn áp tàn bạo nhằm xóa sổ môn tu luyện này vào ngày 20/07/1999.
“Gia đình họ đã bắt tay vào cuộc tìm kiếm [hai người này] trong suốt 20 năm. Trong quá trình tìm kiếm, họ đã phát hiện ra tội ác phía sau là sự ngược đãi và hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên quy mô lớn, do nhà nước hậu thuẫn. Khi những tội ác này bị phanh phui, nó đã tạo ra một phong trào thức tỉnh lớn trong công chúng,” ông Zhang nói tại lễ trao giải, được ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đưa tin đầu tiên.
Bộ phim tài liệu dài 75 phút này được sản xuất sau sáu năm nghiên cứu sâu rộng và phỏng vấn các bên liên quan. Trước đó, “Nội tạng Nhà nước” đã nhận được các đề cử ở một số hạng mục khác cho Giải thưởng Leo 2023, bao gồm Phim tài liệu Dài Hay nhất, Biên kịch Hay nhất, Biên tập Hình ảnh Hay nhất, và Âm thanh Hay nhất.
Cuộc đàn áp
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện bắt nguồn từ Phật gia bao gồm một bộ năm bài công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý “chân, thiện, nhẫn.” Sau khi được phổ truyền ở Trung Quốc hồi năm 1999, môn tu luyện này đã nhanh chóng được nhiều người ưa chuộng nhờ những lợi ích về sức khỏe. Đến năm 1999, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc đang tập Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân xem sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với chế độ độc tài toàn trị của chế độ cộng sản, và thề sẽ xóa bỏ môn tu luyện này ở Trung Quốc.
Ngày 25/04/1999, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công từ khắp đất nước đã đến Bắc Kinh để kiến nghị chính quyền ngăn chặn việc đàn áp môn tu luyện này. Cuộc tụ họp ôn hòa của họ đã được đáp lại bằng lực lượng cảnh sát chống bạo động được trang bị vòi rồng áp suất cao và dùi cui, dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ.
Theo một báo cáo năm 2001 của Đại học Luật Washington thuộc Đại học Mỹ Quốc, trong hai năm tiếp theo, một chiến dịch quy mô lớn nhắm vào các học viên Pháp Luân Công đã diễn ra sau đó, với các vụ việc liên quan đến những vụ bắt giữ từ vài trăm đến 50,000 người.
Bà Trương (Zhang), một học viên Pháp Luân Công, còn có tên đầy đủ là Vân Hạc (Yunhe), sinh sống cùng với người chồng là ông Trâu Tùng Đào (Sonny Zou) ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, thuộc đông bắc Trung Quốc nhưng rồi gia đình họ đã thành ra tan nát vì cuộc đàn áp. Ngày 21/07/1999—chỉ một ngày sau khi ĐCSTQ công bố chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công—công an đã đột kích vào nhà của hai vợ chồng và bắt giữ ông Trâu.
Theo các báo cáo từ Minghui.org, một trang web chuyên thu thập thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, trong khi bị giam giữ tại một đồn công an địa phương, ông Trâu đã bị đánh đập và tra tấn dã man. Tháng 07/2000, ông Trâu bị tùy tiện “kết án” ba năm trong một trại lao động.
Ngày 04/11/2000, công an bất ngờ thông báo cho bà Trương rằng chồng bà “bị ốm nặng.” Ông Trâu được thông báo là đã qua đời vào ngày hôm sau, và thi thể của ông được hỏa táng ngay lập tức mà không có sự đồng ý của gia đình, và không có lời giải thích nào về hoàn cảnh xung quanh cái chết của ông. Ông Trâu khi đó mới 28 tuổi, bỏ lại vợ và con gái 11 tháng tuổi.
Bà Trương được cho là đã phải đối mặt với sự đe dọa và giám sát của công an vì phản đối cái chết của chồng bà. Tháng 02/2002, gia đình bà đã mất liên lạc với bà. Mặc dù gia đình nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau cho biết bà Trương đang bị giam giữ tại một trại tạm giam ở thành phố Thanh Đảo, nhưng chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận điều này, khiến tung tích của bà vẫn bị che giấu cho đến ngày nay.
Ông Hoàng, một nhân vật trung tâm khác trong bộ phim tài liệu, đã tham gia cuộc thỉnh nguyện năm 1999. Ông bị bắt vào tháng 02/2000. Sau khi được trả tự do, ông Hoàng đã kiên quyết bài trừ tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Tháng 04/2003, ông bắt tay vào nhiệm vụ chèn sóng một đài truyền hình địa phương để phát tin tức không bị kiểm duyệt về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với môn tu luyện tâm linh này. Nhưng cuộc điện thoại cuối cùng với anh trai ông ngay trước khi bắt đầu cuộc tìm kiếm đó là cuộc gọi cuối cùng mà gia đình ông Hoàng nghe được từ ông.
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Ngành thu hoạch nội tạng của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển theo cấp số nhân vào đầu những năm 2000, xảy ra đồng thời với chính sách xóa sổ Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Vì theo phong tục của Trung Quốc, thi hài phải được giữ nguyên vẹn sau khi qua đời, nên quốc gia này đã không bắt đầu thí điểm hệ thống hiến tặng nội tạng cho đến năm 2010. Điều này đặt ra nghi vấn về nguồn gốc của số lượng lớn nội tạng được sử dụng trong ngành kinh doanh cấy ghép phát đạt đó.
Năm 2006, luật sư nhân quyền David Matas tại Winnipeg và cố nghị sĩ kiêm bộ trưởng nội các Canada David Kilgour đã công bố một báo cáo mang tính đột phá có tiêu đề “Thu hoạch Đẫm máu”. Báo cáo kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã ngầm tiến hành hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Sau đó vào năm 2009, bản báo cáo này đã được phát hành thành một cuốn sách cùng tên.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times