Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ: ĐCSTQ sử dụng tôn giáo như ‘phương tiện để đạt được mục đích chính trị’
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã phát hành tập thông tin “Tự do Tôn giáo ở Trung Quốc” hồi tháng Mười Hai. Với nhan đề “Tôn giáo do Nhà nước Kiểm soát và Các vi phạm Tự do Tôn giáo ở Trung Quốc,” tài liệu này thảo luận về “các hiệp hội tôn giáo yêu nước” do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc và vai trò của những hiệp hội này trong điều mà USCIRF gọi là “những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, liên tục, và có hệ thống” ở Trung Quốc.
Dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có năm tôn giáo được chính thức công nhận ở Trung Quốc. Đó là Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, Đạo Tin lành, và Hồi giáo. Có bảy tổ chức do nhà nước kiểm soát chính thức quản lý các cộng đồng tôn giáo này, bảo đảm rằng các cộng đồng này là “yêu nước” và “trung thành về mặt chính trị với ĐCSTQ.”
Các tín đồ tôn giáo phải yêu nước và trung thành với ĐCSTQ
Bảy tổ chức tôn giáo này, mỗi tổ chức đều có mạng lưới các chi nhánh trên toàn quốc, là
- Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc,
- Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc,
- Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc,
- Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo Trung Quốc,
- Phong trào Yêu nước Tam tự Tin lành,
- Hội đồng Cơ Đốc giáo Trung Quốc,
- và Hiệp hội Hồi giáo Trung Quốc.
Theo tập thông tin của USCIRF, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước giám sát bảy tổ chức tôn giáo này. Quy chế của các tổ chức này quy định rằng họ là “các tổ chức tôn giáo yêu nước,” với mục đích rõ ràng là “đoàn kết và hướng dẫn” các thành viên trong cộng đồng tôn giáo tương ứng của mình để “ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa.”
“Yêu nước,” tập thông tin này giải thích, là một uyển ngữ cho lòng trung thành về mặt chính trị với ĐCSTQ.
Tập thông tin cho biết ĐCSTQ sử dụng các tổ chức tôn giáo “như một phương tiện để đạt được mục đích chính trị,” chứ không phải vì bất kỳ lợi ích thực sự nào trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo. Ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ là ưu tiên hàng đầu, như đã được xác định bởi một bộ quy tắc và quy định có tên là “Các biện pháp Quản lý Các nhóm Tôn giáo.” Các quy tắc này quy định rằng các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức tôn giáo phải có “độ tin cậy về mặt chính trị,” do đó phải “ủng hộ và thúc đẩy sự lãnh đạo của ĐCSTQ cũng như các quan điểm chính trị của đảng này.”
Ở Trung Quốc, các chính sách tôn giáo được xây dựng ở cấp cao nhất của ĐCSTQ và được thực hiện thông qua các cấp của các tổ chức tôn giáo, xuống tận cấp khu phố, với sự giúp đỡ của các cơ quan chấp pháp.
Hán hóa tôn giáo
Chủ đề chính của tập thông tin trên là thuật ngữ “Hán hóa tôn giáo.” Theo cách sử dụng của ĐCSTQ, “Hán hóa” đề cập đến quá trình điều chỉnh các tín ngưỡng và đức tin tôn giáo phù hợp với hệ tư tưởng cộng sản Trung Quốc.
Các tài liệu do các tổ chức tôn giáo quốc gia phát hành trong những năm gần đây nêu chi tiết các kế hoạch 5 năm nhằm Hán hóa Công giáo, Hán hóa Cơ đốc giáo, và Hán hóa Hồi giáo.
Tập thông tin cho biết một chủ đề chung của các kế hoạch này là nỗ lực để “Hán hóa việc giải thích các học thuyết tôn giáo, bài giảng, nghi lễ, và phong cách kiến trúc của những nơi thờ phượng để phù hợp với các yêu cầu về chính sách và ý thức hệ của ĐCSTQ.”
Các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát đã tham gia vào việc thay đổi, kiểm duyệt, và kiểm soát nội dung của các văn bản tôn giáo như Kinh Thánh và Kinh Qur’an, cũng như các học thuyết, bài giảng, và thánh ca, để bảo đảm những nội dung này là phù hợp với cách giải thích về tôn giáo, chính sách, và mục tiêu chính trị của ĐCSTQ.
Các tổ chức này cũng đã tham gia vào các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm phá hủy, loại bỏ, hoặc sửa đổi những nơi thờ phượng, phong cách kiến trúc, và các biểu tượng tôn giáo “quá xa lạ hoặc không đủ Hán hóa.”
Theo một bản tin của hãng thông tấn Radio France Internationale hồi tháng 03/2019, Chủ tịch của Phong trào Yêu nước Tam tự (Three-Self Patriotic Movement – TSPM) Từ Hiểu Hồng (Xu Xiaohong) đã nói với Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc của ĐCSTQ rằng các lực lượng chống lại đảng này của phương Tây sử dụng Cơ Đốc giáo để lật đổ sự cai trị của ĐCSTQ. Do đó, ông nói, “các dấu hiệu của tôn giáo ngoại lai phải bị xóa bỏ không thương tiếc khỏi Cơ Đốc giáo Trung Quốc,” với việc Hán hóa là “sự lựa chọn không thể tránh khỏi” của nhà thờ Trung Quốc.
Cuộc đàn áp ở Tân Cương và Tây Tạng
Dưới các chính sách của ĐCSTQ, những tín đồ tôn giáo không chịu khuất phục trước sự kiểm soát ý thức hệ của đảng này sẽ bị bức hại nghiêm trọng. Người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng đã bị đối xử đặc biệt khắc nghiệt.
Các chiến dịch Hán hóa bao gồm việc giam giữ tùy tiện và phi pháp đối với hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Ở Tây Tạng, chiến dịch này bao gồm việc ép buộc Phật tử Tây Tạng từ bỏ Đức Đạt Lai Lạt Ma và can thiệp vào quá trình lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ.
ĐCSTQ coi quyền lực của mình thậm chí còn mở rộng đến truyền thống tái sinh hàng thế kỷ, vốn là trọng tâm trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng. “Các biện pháp quản lý Phật sống luân hồi của Phật giáo Tây Tạng” do nhà nước ban hành đã đặt ra vai trò của ĐCSTQ trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của Phật giáo Tây Tạng.
Tập thông tin trên trích dẫn vụ bắt cóc Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do chính quyền này gây ra. Ban Thiền Lạt Ma được xem là nhà lãnh đạo tinh thần quan trọng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng, chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau khi Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 qua đời vào năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã công nhận cậu bé 6 tuổi Gedhun Choekyi Nyima là tái sinh của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Ba ngày sau, đứa trẻ này bị bắt cóc cùng với gia đình, và kể từ đó người ta không thấy tung tích của họ nữa. ĐCSTQ sau đó đã tự lựa chọn Ban Thiền Lạt Ma, một nhân vật do nhà nước kiểm soát, vốn tích cực ủng hộ ĐCSTQ và chính sách Hán hóa của đảng này ở Tây Tạng.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times