Khảo sát: Hầu hết người Mỹ giữ niềm tin vào Đức Chúa Trời hoặc Đấng Quyền Năng nào đó cao hơn
Một cuộc khảo sát mới cho thấy đại đa số người dân Mỹ giữ niềm tin vào Đức Chúa Trời, mặc dù tỷ lệ phần trăm những người từ bỏ các tôn giáo cụ thể vẫn ở mức cao lịch sử.
Khảo sát Xã hội Chung (GSS), một cuộc khảo sát kéo dài trên quy mô toàn quốc do tổ chức nghiên cứu độc lập NORC tại Đại học Chicago thực hiện đã hỏi công chúng Mỹ một số câu hỏi trên phạm vi rộng. Kết quả mới nhất năm 2022 của GSS, được công bố hôm 17/05, cho thấy chỉ 7% số người được hỏi nói rằng họ không tin vào Chúa, trong khi 7% được xác định là người theo thuyết bất khả tri.
Đồng thời, hầu hết những người được hỏi bày tỏ ít nhất một số niềm tin vào Đức Chúa Trời, trong đó có 50% số người nói rằng họ nghi ngờ về sự tồn tại của Chúa, 16% nói rằng họ “tin vào Chúa nhưng vẫn nghi ngờ,” và 6% nói rằng họ “thỉnh thoảng mới tin vào Chúa.”
Ngoài ra, tỷ lệ những người được hỏi nói rằng họ tin vào “đấng quyền năng nào đó cao hơn” tiếp tục quỹ đạo tăng dần kể từ năm 2000, đạt mức cao mới là 14%. Yếu tố này đã đưa tổng tỷ lệ những người Mỹ tín Thần lên mức áp đảo 86%.
Các câu trả lời phù hợp với câu hỏi cho những người tham gia được hỏi về mức độ tín Thần của họ. Nhìn chung, 84 phần trăm số người được hỏi xác định rằng ít nhất họ cũng có phần nào đó tín Thần, trong khi chỉ có 15 phần trăm cho biết họ hoàn toàn không phải người sống tâm linh.
Thú vị là, tỷ lệ phần trăm số người được hỏi tự mô tả mình là “rất tâm linh” đã tăng trở lại 26% vào năm ngoái sau khi chìm trong đại dịch COVID-19. Mặc dù có sự gia tăng nhưng con số này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, dữ liệu của GSS cho thấy 29% số người được hỏi nói rằng họ không theo tôn giáo nào vào năm 2021, đây là mức cao kỷ lục. Chỉ 5 phần trăm nói như vậy vào năm 1972, khi cuộc khảo sát này lần đầu tiên được thực hiện.
Theo NORC, quy mô mẫu khảo sát cho GSS mỗi năm dao động từ khoảng 1,500 đến khoảng 4,000 người trưởng thành, với biên độ sai số từ cộng hoặc trừ 2 điểm phần trăm đến cộng hoặc trừ 3.1 điểm phần trăm. Cuộc khảo sát gần đây nhất được thực hiện từ ngày 05/05 đến ngày 20/12/2022, với 3,544 người Mỹ trưởng thành.
Mọi người e ngại chia sẻ quan điểm tôn giáo tại nơi làm việc
Mặc dù các tín đồ và những người tầm cầu chân lý vẫn chiếm đại đa số người Mỹ, nhưng hầu như họ đều sợ rằng ngay cả việc bày tỏ đức tin một cách thành kính tại nơi làm việc cũng có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Theo một cuộc khảo sát có tên là “Quyền tự do nơi công sở” do công ty thăm dò ý kiến Ipsos thực hiện thay mặt cho Liên minh Bảo vệ Tự do – nhóm pháp lý Cơ Đốc Giáo theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, nhiều nhân viên lo lắng về hậu quả tại nơi làm việc vì thể hiện quan điểm chính trị hoặc tôn giáo sâu sắc không chỉ tại nơi công sở, mà còn trong thời gian không làm việc.
Trong số những phát hiện của họ được công bố hồi tháng Ba năm nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cứ năm người được hỏi thì có ba người nói rằng “có khả năng hoặc phần nào có khả năng” việc “bày tỏ quan điểm tôn giáo hoặc chính trị một cách thành kính” sẽ dẫn đến “những hậu quả tiêu cực tại nơi làm việc.”
Ngoài ra, cứ bốn người được hỏi thì có một người nói rằng họ biết “ai đó đã phải chịu hậu quả tiêu cực vì bày tỏ quan điểm tôn giáo và chính trị của họ một cách thành kính.”
Các phát hiện khác của báo cáo cho thấy 42% người tìm việc tiềm năng cho biết họ ít có khả năng nộp đơn xin việc tại một công ty có văn hóa làm việc không phù hợp với quan điểm tôn giáo hoặc chính trị của họ, và 66% cho biết cam kết của công ty họ đối với sự đa dạng nên bao gồm cả sự tôn trọng đối với nhiều niềm tin tôn giáo và chính trị khác nhau ở trong và ngoài nơi làm việc.
“Nhân viên không nên lo sợ rằng quan điểm tôn giáo hoặc chính trị của họ có thể khiến họ mất việc,” ông Jeremy Tedesco, một cố vấn cao cấp của ADF, cho biết. “Tuy nhiên, những kết quả khảo sát này cho thấy một số lượng đáng kể nhân viên [đang ôm giữ nỗi sợ] đó.”
Cuộc khảo sát này được đưa ra trong bối cảnh có một cuộc chiến pháp lý đang diễn ra về việc sa thải một nhân viên bưu điện Hoa Kỳ theo đạo Tin Lành, người đã từ chối giao các kiện hàng của Amazon vào Chủ Nhật để có thể cử hành lễ Sabbath. Tháng Tư năm nay, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã xét xử vụ án này, trong đó các thẩm phán cân nhắc xem liệu nhà tuyển dụng có phải đang không đáp ứng nhu cầu tôn giáo của nhân viên trong một số trường hợp nhất định hay không.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times