Đức tin và tự do song hành cùng nhau
Theo một báo cáo mới từ Gallup, hiện nay tỷ lệ người Mỹ cho biết họ tin vào Chúa là thấp nhất kể từ lần đầu tiên Gallup bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát này.
Năm 2022, 81% người Mỹ cho biết họ tin vào Chúa.
Khi lần đầu tiên Gallup đưa ra câu hỏi này năm 1944, 96% cho biết họ tin; vào đầu những năm 1950, con số này lên đến 98% và tiếp tục giữ ở mức hơn 90% cho đến khi nó giảm xuống còn 87% vào năm 2013.
Mức 81% hiện nay là đã giảm 6 điểm so với lần cuối cùng Gallup đặt ra câu hỏi này năm 2017.
Nhìn sâu hơn vào dữ liệu này, chúng ta nhận được một thông điệp hỗn hợp về những gì dữ liệu cho chúng ta biết về tương lai.
Một mặt, nhóm tuổi có tỷ lệ phần trăm thấp nhất cho biết họ tin vào Chúa là nhóm tuổi trẻ nhất — từ 18 đến 29 tuổi. Chỉ 68% số người trong nhóm này nói rằng họ tin Chúa. Do những người trẻ này phản ánh tương lai của chúng ta, chúng ta phải giả định rằng, nếu quan điểm của họ không có gì thay đổi, thì đất nước này sẽ tiếp tục đẩy tôn giáo ra khỏi đời sống của chúng ta.
Mặt khác, trong tất cả các chủng tộc, bộ phận sắc tộc có tỷ lệ phần trăm cao nhất cho biết họ tin Chúa là nhóm người mà Gallup định nghĩa là “người da màu.” Tôi cho rằng cụm từ này muốn nói về người gốc Phi Châu và gốc Tây Ban Nha. Nhóm này có 88% số người tín, cao hơn 9 điểm so với “người da trắng” — nhóm người có 70% người tin.
Vì nhóm “người da màu” về nhân khẩu học đó đang tăng nhanh hơn “người da trắng” và trở thành một tỷ lệ phần trăm dân số lớn hơn của chúng ta sau mỗi năm, điều này có thể chỉ ra một sự củng cố niềm tin, xét theo trung bình, trong dân cư của chúng ta khi chúng ta tiến về tương lai.
Tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều này?
Từ một quan điểm thực tế, đức tin sẽ chuyển đổi thành hành vi, và khi đức tin giảm sút, tỷ lệ các hành vi từng được coi là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức sẽ tăng lên.
Năm 2001, tỷ lệ người Mỹ cho rằng những hành vi sau đây có thể chấp nhận được về mặt đạo đức là như sau: phụ nữ sinh con ngoài giá thú 45%; các mối quan hệ đồng tính nam/đồng tính nữ 40%; phá thai 42%. Năm 2003, chế độ đa thê/đa phu được coi là có thể chấp nhận về mặt đạo đức với 7%; năm 2011, nội dung khiêu dâm được coi là có thể chấp nhận về mặt đạo đức với 30%; và vào năm 2013, tình dục tuổi vị thành niên được coi là có thể chấp nhận về mặt đạo đức là 32%.
Dưới đây là tỷ lệ người Mỹ nói rằng những hành vi như trên được chấp nhận về mặt đạo đức vào năm 2022: phụ nữ sinh con ngoài giá thú 70%; các mối quan hệ đồng tính nam/đồng tính nữ 71%; nội dung khiêu dâm 41%; phá thai 52%; quan hệ tình dục tuổi vị thành niên 45%; đa thê/đa phu 23%.
Một lần nữa, chúng ta có thể hỏi, “Vậy thì sao?”
Tầm nhìn của các Tổ phụ Lập quốc là tự do. Trọng tâm là kiềm chế sự xâm nhập của chính phủ ở mức tối thiểu và cho phép tự do cá nhân ở mức tối đa.
Lời tựa của Hiến Pháp Hoa Kỳ lưu ý rằng Hiến Pháp được đưa ra “để bảo đảm các phước lành của tự do cho chính chúng ta và hậu thế của chúng ta.” Hiến Pháp được thiết kế để giới hạn quyền lực của chính phủ trong các lĩnh vực được xác định rất cụ thể mà được coi là cần thiết và thích hợp cho chính phủ.
Để điều này có hiệu quả, chúng ta phải giả định rằng chúng ta có một khối dân cư gồm các cá nhân tự do, những người quản lý các vấn đề cá nhân của họ theo cách có trách nhiệm.
Cần nhắc lại một lần nữa, lời nhận xét nổi tiếng của ngài George Washington trong bài diễn văn chia tay của ông, xuất hiện lần đầu trên báo vào ngày 19/09/1796:
“Trong tất cả những khuynh hướng và thói quen dẫn đến sự thịnh vượng về chính trị, tôn giáo và đạo đức là sự hỗ trợ không thể thiếu … lý trí và kinh nghiệm đều không cho phép chúng ta kỳ vọng rằng đạo đức quốc gia có thể chiếm ưu thế khi loại trừ nguyên tắc tôn giáo.”
Rõ ràng, chúng ta đã rời quá xa điều này.
Các phán quyết của Tối cao Pháp viện trong những năm qua đã diễn giải lại Hiến Pháp để trao quyền nhiều hơn cho chính phủ liên bang so với những gì mà các Tổ phụ đã mong muốn.
Và cùng với điều này, như chúng ta thấy trong cuộc thăm dò của Gallup, chúng ta chứng kiến sự sụt giảm lớn về niềm tin cùng mức độ chấp nhận cao hơn đáng kể đối với nhiều hành vi từng được coi là không thể nào chấp nhận được về mặt đạo đức.
Vì thế, chúng ta thấy mình đang ở đây ngày hôm nay.
Một lần nữa, theo Gallup, chỉ 16% [số người được khảo sát] hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra trong nước.
Chính phủ đang xen vào cuộc sống của chúng ta một cách lớn lao, với thâm hụt hàng ngàn tỷ USD và khoản nợ có quy mô bằng toàn bộ nền kinh tế của chúng ta. Và giờ thì là lạm phát, thứ phản ánh tất cả những điều này.
Có lối thoát nào hay không khi không khôi phục nguyên tắc tôn giáo và trách nhiệm cá nhân, như ngài George Washington đã cảnh báo?
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times