Gặp gỡ bà Elizabeth Ann Seton: Người đã chứng minh cho tự do tín ngưỡng của Mỹ quốc
Vào tháng 11/1803, con tàu Shepherdess chở thiếu phụ 29 tuổi Elizabeth Ann Seton cùng chồng là ông William và bé Anna 8 tuổi, con gái lớn nhất trong năm người con của họ, đã cập cảng Leghorn, nước Ý. Niềm hy vọng tột cùng của họ rằng việc thay đổi khí hậu có thể chữa khỏi bệnh lao cho ông Will ngay tức khắc đã trở thành một cơn ác mộng.
Quê hương và bến cảng nơi họ khởi hành, New York, lúc đó đang bùng phát bệnh sốt vàng da, và con tàu Shepherdess đã cập cảng mà không có giấy chứng nhận y tế. Vì vậy, người mẹ, người cha, và cô con gái bắt buộc phải ở hơn một tháng tại khu lazaretto — đó là một trung tâm cách ly lạnh lẽo, ẩm thấp lấy tên từ nhân vật Lazarus trong Kinh Thánh. Trong cuốn nhật ký bà bắt đầu viết khi ở trên tàu, bà Elizabeth đã gọi nơi đây là “nhà tù” của họ.
Lần tìm kiếm cho phương pháp chữa trị này, như một người bạn của họ gọi là “gần như điên rồ,” trở nên vô ích. Vào ngày 19/12, gia đình bà đã được đưa ra khỏi khu cách ly, và ông William qua đời 8 ngày sau đó. Cho đến tháng Sáu, bà Elizabeth và bé Anna vẫn ở nước Ý với tư cách là những vị khách của anh em nhà Filicchi, các đối tác buôn bán của chồng bà. Chính vào lúc đó, bà Elizabeth, một người sùng kính Tân giáo, thường xuyên cầu nguyện và cống hiến hết mình cho các hoạt động xã hội khác nhau, đã bị thu hút bởi Công giáo. Ngay sau khi trở về quê hương, bất chấp lời khuyên và sự phản đối của bạn bè và gia đình, bà đã cải đạo sang Công giáo.
Bắt đầu mở các trường học
Việc bà Seton cải đạo đã đánh dấu một bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời của bà và trong lịch sử Giáo hội Công giáo tại Mỹ. Hơn thế nữa, bằng việc gia nhập Giáo hội Công giáo La Mã, bà đã vô tình củng cố vị thế của tự do tín ngưỡng tại nền cộng hòa mới mẻ của Mỹ quốc.
Đối mặt với những khó khăn về tài chính — ngành công nghiệp nhập cảng có lợi nhuận cao của chồng bà đã sụp đổ ngay ngay cả trước khi ông qua đời — bà Seton đã mở một trường học và nhà trọ cho các nam sinh ở New York. Một số cha mẹ đã đưa con họ đến học, nhưng khi họ biết người từng là tín đồ Tân giáo nổi tiếng này đã trở thành tín đồ Công giáo, họ đã cho các bé trai thôi học ở trường.
Biết được những khó khăn của bà, một số linh mục ở Maryland đã mời bà mở một trường học ở Baltimore, một thành phố mà đức tin Công giáo đã bén rễ vững vàng. Bà Seton đã nhận lời mời của họ, rồi cùng các con chuyển đến thành phố này, và thành lập một trường học dành cho các nữ sinh. Trong năm đó, một số phụ nữ khác chung tay cùng với bà trong công việc này, và họ đã nhanh chóng tự tổ chức nên một dòng tu. Đến năm 1809, họ chuyển đến thành phố Emmitsburg, tiểu bang Maryland, nơi họ đã lập nên Dòng nữ tu Bác ái Thánh Joseph.
Bà Seton được chọn làm Mẹ Bề trên của họ, với những điều kiện đặc biệt cho phép bà tiếp tục nuôi dạy con của mình. Những nữ tu đã thề nguyện gìn giữ trinh tiết, phụng sự, và chăm sóc người nghèo. Hàng năm họ đều lặp lại lời thề nguyện này. Không lâu sau dòng tu này lan rộng, ban đầu là đến thành phố Philadelphia và sau đó đến thành phố New York. Bà Seton tiếp tục đứng đầu Học viện Thánh Joseph ở thành phố Emmitsburg và qua đời tại đây ở tuổi 46 vì bệnh lao, căn bệnh đã lấy đi sinh mạng của ông William trước đó và hai con gái của bà.
Dòng tu này hiện đang hoạt động theo quy định của Dòng các Nữ tử Bác ái, tiếp tục mở các trung tâm dạy học và giúp đỡ người nghèo, đồng thời khai sinh ra vô số trường học giáo xứ. Sau này, Đức Tổng Giám mục Kenrick của Baltimore đã nói: “Bà Elizabeth Seton đã làm được nhiều việc cho Giáo Hội Mỹ quốc hơn tất cả các Giám mục chúng tôi cộng lại”.
Được biết đến trong suốt cuộc đời vì sự thiện lương và sự mộ đạo, cuối cùng bà Seton đã được Giáo hoàng Paul VI phong thánh vào năm 1975, bà là người đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ trở thành một vị thánh. Trong câu chuyện đáng chú ý này, tầm ảnh hưởng của Bà Elizabeth Seton đối với quyền tự do tôn giáo là điều hay bị bỏ qua.
Thúc đẩy lòng khoan dung tôn giáo
Trước khi bà Seton mở trường ở Baltimore, Đạo luật Nhân quyền (The Bill of Rights) được phê chuẩn chưa đầy 20 năm. Câu đầu tiên của văn bản liệt kê các quyền tự nhiên này đã nêu rõ rằng “Quốc hội không được ban hành luật liên quan đến việc thành lập một tín ngưỡng hoặc ngăn cấm việc tự do thực hành tín ngưỡng đó.” Thái độ ngờ vực và khinh miệt giữa người Công giáo và người Tin lành cùng những định kiến mang theo từ Cựu Thế Giới đến Tân Thế Giới vẫn còn đó, nhưng “quyền tự do thực hành” đối với tín ngưỡng đã được gắn liền với những văn bản luật cao nhất và văn hóa.
Tuy nhiên, luật pháp thành văn chỉ thành tựu thực sự khi được thực thi trong cuộc sống. Các trường học do bà Seton và dòng tu do bà thành lập, và tiếp nối là sự ra đời các trại trẻ mồ côi, các bệnh viện, đã mở cửa cho mọi người dân Mỹ quốc. Sự cố chấp và thái độ chống lại Công giáo La Mã kéo dài sang cả thế kỷ 20, nhưng những sự bảo đảm về quyền tự do tín ngưỡng đã cho phép dòng tu của bà Seton được hoạt động hợp pháp và công khai trong xã hội. Bà Seton không có ý định trù tính cho những việc này, nhưng bà đã tạo ra những tượng đài sống tôn vinh tự do tín ngưỡng của Mỹ quốc.
Trong cuốn “American Saint: The Life of Elizabeth Seton” (Vị Thánh Mỹ Quốc: Cuộc Đời của Bà Elizabeth Seton), tác giả Joan Barthel viết về những vai trò khác nhau của bà trong suốt cuộc đời như: tín đồ Tin lành, tín đồ Công giáo, người giàu có trong xã hội, người vợ, góa phụ túng thiếu, người mẹ, giáo viên, y tá, và người sáng lập nên một dòng tu. Những khía cạnh của cuộc đời bà hòa quyện vào nhau để tạo nên một người phụ nữ văn hóa, dịu dàng, vui vẻ. Bà đã đặt niềm tin vào Chúa và luôn khắc ghi trong tâm câu châm ngôn trên gia huy của gia đình Seton: “Hazard Zet Forward,” một sự kết hợp của phương ngữ Norman của tiếng Pháp cổ và từ ý nghĩa Tiếng Anh cổ, “Bất chấp nguy cơ, tiến về phía trước.”
Bằng cách tiến về phía trước và bằng những việc làm tốt đẹp của mình, bà Seton đã thổi hồn vào những lời lẽ trong Đạo luật Nhân quyền.
Lan Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times