Nữ tu Hildegard xứ Bingen: Những khải tượng hài hòa đến từ thiên đường
Từ các hòa thượng Phật giáo và Kỳ Na giáo cho đến Hồi giáo mật tông (Sufi giáo), tất cả các tôn giáo đều thừa nhận những đặc điểm chung của sự thánh thiện. Giữ giới, nhẫn nại, khiêm tốn, và hòa ái là một số ít điều mà người ta nghĩ đến. Trong suốt thời Trung Cổ, nền văn minh Âu Châu đã thể hiện tinh thần này trong thứ bậc phù hợp với các cấp độ của giới luật. Đối với tâm thức thời trung cổ, các thầy tu và nữ tu đã hoàn thành một mục đích vô cùng thiết thực: thực hiện những công việc thiện nguyện và cầu nguyện cho nhân loại.
Một trong những nhân vật vĩ đại nhất đó chính là nữ tu Hildegard xứ Bingen. Điều đáng chú ý là, các tác phẩm của bà không theo một song quan luận khuôn sáo, cho thấy sự tương phản giữa những người tu khổ hạnh đạo hạnh cao thâm nhưng nghiêm khắc với những người theo chủ nghĩa khoái lạc vui tươi, nông cạn. Đối với bà, cuộc sống không chỉ như một thử thách về sức chịu đựng, mà còn là nguồn gốc của vẻ đẹp và niềm vui.
Nhà nữ tiên tri bẩm sinh
Bà Hildegard sinh năm 1098 tại Bermersheim, nước Đức, là con út trong gia đình có 10 người con. Từ thời thơ ấu, bà đã chịu ảnh hưởng bởi những khải tượng chói lọi, chấn động tâm can. Như bà nghiệm ra sau này, Chúa đã “in dấu” những khải tượng này vào sâu trong tâm hồn bà từ khi bà còn trong bụng mẹ. Năm 3 tuổi, bà đã nhìn thấy “một luồng ánh sáng huyền diệu.” Khải tượng rõ ràng nhất đầu tiên đã xuất hiện vào năm 5 tuổi, khi ấy bà đã dự đoán chính xác thời gian một con bê ra đời và màu da của nó. Tuy vài khải tượng trong số đó đẹp cuốn hút, như những lâu đài nạm ngọc, nhưng nhiều hình ảnh trong số đó lại kỳ dị và thậm chí khủng khiếp: những con thú lớn phun lửa hay những người phụ nữ có thai mang theo những người đàn ông trưởng thành trong bụng họ.
Bà Hildegard là một đứa trẻ ốm yếu lớn lên thành một người trưởng thành bệnh tật đầy thân. Sự ốm yếu của bà được xem như là một minh chứng nữa cho bản năng tâm linh mạnh mẽ của bà. Năm 8 tuổi, cha mẹ bà Hildegard đã đưa bà đến một đan viện ở Disibodenberg. Bà đã sống ở đó với một nữ ẩn sĩ tên Jutta, nơi mà bà dành phần lớn thời gian để đọc những cuốn sách tại thư viện.
Đan viện này đã thu hút nhiều nữ tu hơn, trở thành một nữ tu viện, và cuối cùng bà Hildegard đã được chọn trở thành tu viện trưởng sau khi nữ tu Jutta qua đời. Trong suốt thuở thiếu thời của nữ tu sĩ Hildegard, cũng dễ lý giải việc mọi người không quan tâm đến những khải thị đáng lo ngại của bà, vì vậy bà bắt đầu giữ chúng cho riêng mình. Nhưng sau khi trở thành nữ tu viện trưởng, bà bắt đầu ghi chép lại các khải tượng này. Khoảng năm 1151, bà đã cho ra mắt cuốn sách đầu tiên của mình, “Scivias,” hay còn gọi là “Know the Way” (Biết Được Con Đường), với sự ban phước của Giáo Hoàng Eugenius III. Được viết trong một khoảng thời gian hơn 10 năm, cuốn sách này hội tụ các mô tả và diễn giải dành cho 26 khải tượng về sự sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa.
Bà Hildegard đã được ca tụng như một nhà tiên tri. Bà đã viết nhiều sách hơn nữa về trí tuệ và y học dân gian, sáng tác nhạc, đi vòng quanh nước Đức để thuyết giảng, và đưa những lời khuyên cho các lãnh đạo cao cấp trong nhà thờ và nhà nước. Bà đã thu hút rất nhiều môn đồ và thành lập một đan phụ viện tại Rupertsberg. Và khi đến lượt tu viện đó trở nên quá tải, bà đã thành lập một tu viện khác tại Eibingen. Được xây dựng từ năm 1165, công trình tu viện cuối cùng này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Tâm hồn dạt dào sinh cơ
Đan viện Disibodenberg, tọa lạc trên một vị trí nằm giữa hai con sông, có rất nhiều thảm thực vật. Thậm chí ngày nay, những tàn tích của đan viện này vẫn toát lên bầu không khí của một nơi linh thiêng, thanh bình. Nơi này đã truyền cảm hứng cho một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong các tác phẩm của bà Hildegard là “viriditas.” Khái niệm này có nghĩa trên mặt chữ là “màu xanh tươi” và thường được dịch là “độ ẩm.” Tuy nhiên, từ này còn hàm chứa ý nghĩa của sự tươi tốt tràn trề nhựa sống. Bà Hildegard đã sử dụng khái niệm này để mô tả linh khí trong tất cả những tạo vật tốt đẹp từ lớn cho đến nhỏ. Các vị thánh là hiện thân của viriditas, trong khi các tu sĩ và nữ tu lười nhác lại thiếu điều này. Đó vừa là nguồn gốc của đức hạnh, vừa là một mục tiêu mà những người mới tu phải hướng tới.
“Linh hồn là sinh lực của cơ thể.” bà viết, “giống như độ ẩm [viriditas] là sinh lực của một cái cây vậy. Độ ẩm giúp cho một cái cây phát triển và đơm hoa kết trái; tương tự như vậy linh hồn cho phép cơ thể hành động đúng mực, và có đạo đức” (“Book of Divine Works,” 4.21) (Sách về Những Kỳ Công Của Thiên Chúa, 4.21).
Bà Hildegard đã không xem thế giới vật chất này chỉ đơn thuần là một bể khổ hay một cái nôi của sự cám dỗ; mà là một nơi tuyệt đẹp, nơi con người và thiên nhiên tồn tại giao hòa. Bà yêu cầu chúng ta hãy sử dụng tất cả các khả năng của mình — linh hồn, cơ thể, cảm xúc, và tâm trí — để tôn vinh sự sáng tạo: “Bạn hiểu rất ít về những gì xung quanh mình bởi lẽ bạn không sử dụng những gì bên trong bạn” (“Scivias,” 1.2.29). Bà cho rằng trí huệ đã trao cho con người tự do đạo đức để trau dồi những thói quen tốt và tìm thấy sự an yên trong một mục đích cao cả hơn: “Mặc dù có tầm vóc nhỏ bé, nhưng con người lại có tinh thần mạnh mẽ. Tuy đôi bàn chân của họ ở trên mặt đất, nhưng tâm trí của họ có thể đạt đến những đỉnh cao tâm linh vĩ đại.” (“Physica,” 761).
Khoa học giao thoa với đức tin
Các học giả hiện đại đã chẩn đoán bà Hildegard mắc nhiều chứng bệnh để giải thích về những khải tượng của bà. Nhà thần kinh học nổi tiếng Oliver Sacks có lẽ đã đưa ra nhận định thuyết phục nhất trong cuốn sách của ông có nhan đề “Migraine” (Chứng Đau Nửa Đầu).
Ông đã đề cập đến một bản thảo của cuốn “Scivias” được viết vào lúc gần cuối đời của bà Hildegard, trong đó những khải tượng kỳ lạ của bà đi kèm với những hình ảnh minh họa cũng kỳ lạ không kém. Ông đã quan sát thấy rằng các bức tranh được vẽ dựa trên những mô tả của bà — những hình ảnh phát ra ánh sáng, nằm trên nền các đường lượn sóng không đồng tâm — rất giống với một chứng bệnh đau nửa đầu xuất hiện khi những luồng ánh sáng rực rỡ phản chiếu trên một nền tối. Trải nghiệm của nữ tu sĩ Hildegard về các vì sao rơi xuống biển, mà bà đã giải thích một cách ngụ ngôn để tượng trưng cho việc các thiên thần nổi loạn từ thiên thượng bị rớt xuống; theo nghĩa bề mặt, trong cách nói của ông Sack là, “một loạt những mảng màu và tia sáng nhấp nháy (một hiện tượng được gọi là phosphene) dịch chuyển qua trường thị giác này, quá trình di chuyển của chúng được nối tiếp bởi một ám điểm âm tính.”
Nhưng liệu một sự giải thích duy lý như vậy có gạt bỏ đi nguồn gốc thiêng liêng trong những khải tượng của bà Hildegard không? Ông Sacks nói không. Chứng bệnh của bà đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của bà và đem đến cho bà “nguồn cảm hứng xuất thần” để dẫn dắt, tư vấn, chữa lành cho người khác, và trở thành một hiện thân của những điều tốt đẹp trên thế gian. Mặc cho các nguồn gốc sinh lý học của chúng, những trải nghiệm thần bí của bà là điều xác thực và ảnh hưởng của chúng cũng là chân thực. Bài học chính là khoa học và đức tin, chúng không hề xung khắc, mà thực sự tương hỗ với nhau.
Lòng dũng cảm và sự phong thánh
Trong suốt cuộc đời mình, bà Hildegard đã thể hiện đức tính dũng cảm khi đứng lên chống lại những người giám sát vì những lợi ích riêng của họ mà có ý đồ kiểm soát trạng thái khải tượng của bà. Khi đan phụ viện Disibodenberg trở nên giàu có từ một dòng tiền quyên góp do có sự hiện diện của bà Hildegard ở đó, ban đầu vị cha trưởng đã từ chối để bà rời đi cùng các nữ tu của mình để gây dựng một đan phụ viện mới (nói cách khác, ông ta thiếu “viriditas”). Khi bà vẫn kiên định với hoài bão của bà, ông đã kích động các tu sĩ của mình để khuấy động sự thù địch trong những người dân địa phương [đối với bà]. Bị vu khống là điên rồ và có những khải tượng sai lệch, bà Hildegard đã ngã bệnh. Bà đã không đi đâu hay nói chuyện trong nhiều tuần. Cuối cùng, vì lo sợ rằng bà có thể không qua khỏi, nên vị cha trưởng này đã chấp nhận yêu cầu của bà và sức khỏe của bà đã hồi phục.
Trong những duyên cớ khác sau này, bà đã giải quyết những xung đột với các tu sĩ hống hách bằng cách thỉnh cầu Giáo hoàng. Cuối cùng, bà đã có được quyền tự chủ để dẫn dắt các nữ tu của mình với sự giám sát tối thiểu. Tấm gương phẩm hạnh và những thành tựu của bà đã giúp bà đạt được sự ngưỡng mộ lâu dài. Vào năm 2012, “Sybil of the Rhine” (một tên gọi khác của nữ tu sĩ Hildegard) được phong là một Tiến sĩ Hội Thánh, một trong 37 nhà thần học đáng kính nhận được danh hiệu này. Những người cầu đạo tiếp tục tìm thấy niềm khích lệ trong sự hòa hợp của cảnh giới vật chất và thế giới tinh thần của bà.
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times