Thoát hiểm!: Câu chuyện về ảo thuật gia Harry Houdini
Cho đến ngày nay, gần một thế kỷ sau khi ông qua đời, người ta vẫn nhắc đến tên ông. Khi một chú chó trốn ra khỏi sân, hay em bé ra khỏi cũi, thì ai đó sẽ nói: “Là Houdini nhí đó!” Cái tên đó vẫn có nghĩa là “ảo thuật gia” cũng như khi nói đến “Fido” thì có nghĩa là “chó.”
Điều buồn cười là, ông Houdini không thật sự là ảo thuật gia. Hay đúng hơn, sau khi thất bại với vai trò là ảo thuật gia, ông đã đổi hướng bản thân sang vai trò mới khiến ông trở nên nổi tiếng: nghệ sĩ thoát hiểm.
Ông viết: “Tôi sinh vào ngày 06/04/1874, trong một thị trấn nhỏ ở Appleton, tiểu bang Wisconsin, Mỹ quốc.” Mặc dù nhiều sách và trang web đều lặp lại thông tin này, nhưng không có điều nào đúng cả. Cả cuộc đời mình, ông Houdini, và sau này là phu nhân góa bụa Bess của ông, đã kể những câu chuyện hư cấu và mâu thuẫn. Sàng lọc sự thật khỏi những điều giả tưởng là một công việc khó khăn cho cả những người viết tiểu sử về ông cũng như cho độc giả.
Tên khai sinh của ông Houdini là Ehrich Weiss (cũng được đánh vần là Erik Weisz), ông chào đời ngày 24/03 ở Budapest, Hungary. Cha của ông, ông Mayer Samuel, cũng như hàng triệu người nhập cư vào thời kỳ đó, đã tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Mỹ quốc. Ông đã tìm thấy cuộc sống đó ở Appleton, một cộng đồng rất hoan nghênh các giáo đoàn Cơ Đốc đã giúp quyên góp tiền để xây dựng đền thờ cho các gia đình Do Thái. Những gia đình này nhanh chóng thuê ông Mayer Samuel làm giáo sĩ Do Thái của họ. Vui mừng khôn xiết, ông đã đưa cả gia đình mình, gồm cả cậu con Ehrich 4 tuổi sang Mỹ cùng ông.
Gia đình họ được đoàn tụ, nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài được lâu. Vì chưa bao giờ tự tin với tiếng Anh, nên Giáo sĩ Weiss đã tiếp tục đọc các lời cầu nguyện bằng tiếng Đức, khiến những thành viên trong giáo đoàn của ông khó chịu. Họ xem ông là người quá cổ hủ. Vì vậy, họ đã sa thải ông.
Vì không tìm được việc ở Appleton, ông Weiss chuyển cả gia đình từ thị trấn này qua thị trấn khác, và cuối cùng, đến Thành phố New York. Nhưng kể cả ở đó, cũng không ai cần một giáo sĩ không nói được tiếng Anh. Trước khi qua đời, ông yêu cầu cậu con Ehrich hứa sẽ luôn luôn chăm sóc cho mẹ mình. Ông Houdini đã vâng lời hứa đó. Ông viết: “Tôi yêu hai người phụ nữ trong cuộc đời mình.” Hai người phụ nữ đó là mẹ ông và vợ ông.
Chật vật để mưu sinh trong một khu nhà trọ nghèo nàn ở Phía Đông là một lần sa cơ lỡ vận đầy tủi hổ cho gia đình của một giáo sĩ đáng kính. Ông Ehrich làm việc nhiều giờ [trong điều kiện] khắc nghiệt để cắt vải trong một xưởng lao động cực khổ, nhưng ông đã tìm được cách giải tỏa tích cực trong cho nỗi thất vọng của mình trong thể thao. Vóc dáng săn chắc, vạm vỡ của ông lý tưởng cho các môn quyền anh, bơi lội, và điền kinh. Ông xuất sắc ở cả ba môn này.
Khi cậu thiếu niên Ehrich và cậu bạn Jacob đọc hồi ký của ảo thuật gia vĩ đại người Pháp Jean-Eugène Robert-Houdin, họ quyết định rằng ảo thuật sẽ là tương lai của họ. Để tỏ lòng kính trọng thần tượng của mình, họ tự gọi mình là “Anh em Houdini.” Họ không có nhiều màn trình diễn, nhưng họ có một trò ảo thuật điêu luyện tên là “Biến hình.” Ông Jacob và khán giả tình nguyện sẽ trói ông Ehrich lại và nhốt ông vào một cái rương. Rèm sẽ được đóng lại trong giây lát, sau đó lại mở ra để mọi người thấy ông Ehrich tự do. Khi các khán giả tình nguyện mở chiếc rương đó ra, họ thấy ông Jacob đang bị trói như một chú gà tây.
Trò “Biến hình” này khiến khán giả tò mò, nhưng những mánh khóe khác của cặp diễn viên này thì không. Chán nản vì không thành công, ông Jacob đã rút lui khỏi phần trình diễn đó. Ông Ehrich, lúc đó tự xưng là Harry Houdini, tìm thấy một người thay thế — và đã cưới cô ấy. Bà Bess Rahner là người Công giáo, nhưng mẹ của ông Harry thích cô và đã chấp nhận để cả hai thành đôi. Bà Bess trở thành người đồng hành của ảo thuật gia Harry cả trên và ngoài sân khấu. Chỉ cao gần 1m50, bà có thân hình phù hợp để lẻn vào và chui ra khỏi một chiếc rương — và vì vóc dáng nhỏ nhắn, nên bà khiến chồng mình trông cao lớn hơn.
Sau nhiều năm biểu diễn cùng bà Bess ở các rạp xiếc, các buổi lưu diễn bán thuốc dạo, và các buổi hội chợ giá rẻ — sân khấu cấp thấp nhất của ngành trình diễn — ông Houdini bắt đầu khiến đám đông kinh ngạc tại các rạp xiếc tạp kỹ qua màn thoát khỏi còng tay.
Trong năm năm dài, gia đình Houdinis (chữ Houdinis đã trở thành số nhiều) biểu diễn ở các thị trấn nhỏ, rạp xiếc, và thậm chí cả quán bia. Ông Harry mải mê làm việc để tinh chỉnh và nâng cao màn biểu diễn của mình. Ông đã bổ sung thêm hai trò thoát hiểm: từ còng tay (các loại khoá đã mê hoặc ông khi ông còn nhỏ) và từ chiếc áo khoác có dây trói. Trò thứ hai rất nguy hiểm, vì những động tác vặn mạnh để thoát ra khỏi chiếc áo đó khiến ông Harry bị bầm tím, thậm chí chảy máu. Nhưng cả hai thủ thuật này đều không gây được ấn tượng với khán giả. Họ cho rằng những chiếc còng và sợi dây đã được gian lận từ trước.
Bất kỳ ai khác đã bỏ cuộc trong thất bại và tìm một công việc “dễ dàng” hơn. Nhưng người đó không phải là ông Harry. Ở các thị trấn nhỏ, ông đã gây tiếng vang trong công chúng bằng cách thách thức các thành viên của lực lượng Hiến binh địa phương tự tay trói/cùm ông. Trong quyển sách “Spellbinder: The Life of Harry Houdini” (Spellbinder: Cuộc Đời của Harry Houdini), ông Tom Lalicki đã cho biết điều xảy ra sau đó. “Ở Woonsocket, Rhode Island, cảnh sát và các phóng viên báo chí đã cùm ông Houdini với sáu bộ còng tay và nhốt ông vào một căn phòng. Ông đã thoát ra trong 18 giây.” Kỳ tích này đã lên tin tức địa phương, nhưng cũng chỉ có vậy.
Cuối cùng thì, tất cả hy vọng, sự chăm chỉ, và kiên trì của ông Harry và bà Bess đã được đền đáp. Ông Martin Beck điều hành rạp xiếc tạp kỹ Orpheum, nắm trong tay các rạp hát từ Chicago đến California. Ông nói với Harry rằng ông đã nhìn ra được thủ thuật của ông Harry, và, nói thẳng ra, nó thật kém. Nhưng ông thích màn ‘Biến hình’ và còng tay. Họ có thể sáng tạo ra các thủ thuật mới, hay hơn, miễn là ông Harry bỏ đi những chiêu trò lừa bịp nhàm chán và các mánh khóe chơi bài của ông. Đối với ông Harry, đề nghị đó “đã thay đổi hoàn toàn hành trình của cuộc đời tôi.”
Việc thực hiện một bước nhảy vọt từ các quán bia đến rạp Orpheum sang trọng đã gỡ đi mọi ràng buộc đối với khả năng thiên phú và tham vọng của ông Harry. Nhà tiểu sử Kenneth Silverman viết: “Trong 14 tháng ngắn ngủi, ông đã trở thành một ngôi sao của làng giải trí Mỹ quốc.” Bước tiến này cũng tạo cơ hội cho những chiêu trò của ông. Ông và một ảo thuật gia khác dựng lên một mối thù giả. Cuộc đối đầu qua lại đã giữ tên tuổi của họ trên báo giới. Có cả câu chuyện khác về chuyến lưu diễn của ông với sự góp mặt của một nữ minh tinh đảm nhận vai trò nghệ sĩ chính. Thất vọng trước những câu chuyện báo giới tiêu cực, cô đã rời khỏi chương trình và chuyến lưu diễn đó, để ông Harry thành tiêu điểm trên các bản tin. Có phải ông Harry đã dựng lên câu chuyện này? Rất có thể.
Đến năm 1899, ảo thuật gia Houdini là một ngôi sao tạp kỹ thực thụ, kiếm được 250 USD 1 tuần — gần một nửa thu nhập trung bình hằng năm của người Mỹ. Bà Bess và mẹ ông giờ đây sống trong giàu sang, nhưng ông Houdini đã vướng vào rắc rối với các cáo buộc rằng ông đã giấu các chìa khóa của còng tay trên người. Phản ứng của ông [lúc bấy giờ] đã đưa kỹ thuật trình diễn lên một tầm cao mới.
Vào thời điểm đó, không giống như ngày nay, khỏa thân bị cấm trong văn hóa đại chúng. Váy của phụ nữ trải dài trên sàn nhà để thậm chí không thể nhìn thoáng qua cả mắt cá chân. Ông Houdini viết: “Tại sao, tôi có thể làm ảo thuật ngay cả khi không có quần áo trên thân.”
Ông đã bắt đầu màn biểu diễn đó từ một đồn cảnh sát ở San Francisco, và lặp lại trên khắp cả nước. Ở Kansas, một tờ báo của thành phố St. Louis đưa tin: “Ông ấy đã biểu diễn cho … cảnh sát trong một bộ trang phục quá giản đơn, ông không có chỗ nào để giấu chìa khóa hay dây điện.” Khiêu gợi, nhưng có thẩm mỹ, hình ảnh của ảo thuật gia bị xích trong tình trạng khỏa thân đã lan truyền danh tiếng của ông đi rất xa.
Vào năm 1900, ông Houdini đi lưu diễn ở ngoại quốc, thu hút những đám đông ở Anh, Đức, và Nga. Bị trói, bịt miệng, thường khỏa thân hoặc gần như là thế, ông đã trốn thoát khỏi xà lim phòng giam, các kho ngân hàng, và quan tài. Ông bất chấp [nguy cơ] bị đuối nước để thực hiện màn thoát hiểm dưới nước. Ông thoát khỏi chiếc áo có dây trói trong khi bị treo ngược trên cao.
Ông đã thêm các trò ảo thuật mới vào trong màn trình diễn của mình, như là nuốt một nắm kim chỉ để rút chúng ra khỏi miệng [trong trạng thái] được xâu gọn trên một sợi chỉ. Vào năm 1918, ông Houdini thậm chí còn làm một chú voi biến mất trên sân khấu ở New York Hippodrome.
Các ảo thuật gia hiện đại biết cách thực hiện một số màn biểu diễn phi thường của ông Houdini. Những thủ thuật khác thì họ không biết gì cả. Rất nhiều trong số các màn trình diễn đó chắc chắn đã không thể thực hiện được nếu không có sức mạnh và tinh thần thể thao của ông Houdini, chưa kể đến khả năng nín thở dưới nước của một vận động viên bơi lội.
Trong những năm sau đó, ông Houdini đã xuất bản sách, xuất hiện trong các bộ phim, và lên tiếng chống lại Thuyết duy linh (Spiritualism) giả mạo đang thịnh hành. Ông đã vạch trần những kẻ lên đồng lừa đảo, những kẻ tuyên bố có thể giao tiếp với người đã qua đời. Ông biểu diễn miễn phí ở các bệnh viện, viện dưỡng lão, và trại trẻ mồ côi. Ông thậm chí còn sáng chế ra một buổi biểu diễn cho người mù.
Vào năm 1917, với lòng ái quốc, ông đã tình nguyện tòng quân. Bị từ chối vì quá lớn tuổi (lúc ấy ông 43 tuổi) ông bán trái phiếu Liberty và biến ra những đồng vàng thật một cách kỳ diệu trên sân khấu để quyên tặng cho những người lính.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times