Ai là người thực sự phát minh ra phim ảnh? Bí ẩn về Ngài Louis LePrince
Vào ngày 16/09/1890, nhà phát minh Louis LePrince lên xe lửa đến Paris. Ông đã dành cuối tuần ở Dijon với người anh trai Albert, tranh cãi về các điều khoản trong di chúc của mẹ. Louis nói rằng Albert đã nợ ông ít nhất 1,000 bảng Anh. Albert đã từ chối trả món này cho Louis.
Louis đã vui vẻ gác lại cuộc tranh luận phía sau. Rồi ông lên kế hoạch đến London du lịch, sau đó tới New York để hội ngộ cùng gia đình ông và làm thế giới kinh ngạc về phát minh mà ông đã nỗ lực hàng năm trời để hoàn thiện: phim điện ảnh! Nhưng khi xe lửa tới Paris, ông đã không xuống bến. Ông cũng không đến London hoặc New York. Sự thật là, người ta đã không bao giờ nhìn thấy ông lần nào nữa.
Ông Thomas Edison (1847–1931), Phù thủy của vùng Menlo Park, là một nhà phát minh lỗi lạc ở Hoa Kỳ, được biết đến với những phát minh ra đèn điện, máy hát, và phim điện ảnh. Đây là kiến thức phổ thông, được dạy cho trẻ em trong trường, xuất hiện liên tục trong sách vở – và điều này gần như chắc chắn sai sự thật.
Sự ra đời của nhiếp ảnh
Sự ra đời của nhiếp ảnh có thể được tính từ năm 1839, khi ông Louis Daguerre giới thiệu phương pháp chụp hình được gọi là daguerreotype, hệ thống chụp hình đầu tiên. Ông Eadweard Muybridge (1830–1904) đã chụp ảnh các loài động vật chuyển động, nhưng đó chỉ chỉ là một loạt ảnh tĩnh. Một ảnh trong đó đã trả lời câu hỏi lâu đời – khi đang phi nước đại, có bao giờ cả bốn chân của ngựa đều cách mặt đất hay không. (Câu trả lời là có.)
Ông Louis LePrince (1841–1890?) sinh ra ở Pháp, làm việc ở Anh, và trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1889. Khi còn bé, ông thường đến thăm xưởng của ông Daguerre – bạn của cha ông. Vào thập niên 1880, ông cảm thấy có điều gì đó ngày càng thôi thúc ông về cách tạo ra những hình ảnh chuyển động. Được cấp bằng sáng chế năm 1888 cho phương pháp tạo những bức ảnh động, ông đã thử nghiệm ở New York và tại xưởng của cha vợ ở Leeds, Anh. Người vợ yêu quý Lizzie và năm đứa trẻ của họ sống ở New York, nơi bà Lizzie dạy học cho người khiếm thính. Bà đến thăm ông ở Leeds khi có thể, nhưng bà yêu công việc và gia đình cần nguồn thu nhập từ bà.
Chế tạo một loạt máy ghi hình nhưng không hài lòng, ông Louis trở nên lo lắng khi nghe tin ông Jules Merey ở Pháp và những người khác đang theo đuổi cùng mục đích. Cuối năm 1886, bà Lizzie gửi cô con gái vị thành niên Mariella đến xưởng để đón cha đi uống trà. Vài năm sau cô Mariella nhớ lại: “Khi tôi đẩy cửa vào, tôi thấy một số bóng người dường như đang di chuyển trên bức tường trắng. Tôi không biết đó là gì.” Sau đó, cha cô đã đóng cửa lại.
Về phần ông Edison lúc bấy giờ, ông rất ít quan tâm về công nghệ điện ảnh, không thấy được sự ứng dụng về mặt kinh tế của hình ảnh động, và chỉ giao nhiệm vụ cho người trợ lý William Dickson xem xét nó.
Một vài thành công
Vào tháng 10/1888, ông Le Prince sử dụng mẫu thử nghiệm mới nhất của mình để quay phim gia đình ở Roundhay Garden khi họ đi bộ một cách không thoải mái trong một vòng tròn. (Vào lúc đó, không dễ gì khiến thân nhân của mình diễn xuất tự nhiên trước ống kính). Cảnh quay này kéo dài chỉ hai giây, nhưng đó là thước phim có thật đầu tiên trong lịch sử, được tạo ra nhiều năm trước khi Edison, Méliès, và anh em nhà Lumiere trưng bày tác phẩm của họ. Bạn có thể xem các thước phim đó trên Youtube.
Máy quay của ông LePrince đã hoạt động nhưng máy chiếu vẫn còn là một vấn đề. Ông đã nghiên cứu các vật liệu như thủy tinh, giấy tráng [phụ gia], thậm chí là mica, nhưng chúng đều không thực sự thành công. Ông đã lên kế hoạch để ra mắt bộ thiết bị của mình tại Exposition Universelle ở Paris – nơi có tháp Eiffel mới xây xong – nhưng ông đã hủy bỏ vì không muốn trưng bày một hệ thống không hoàn hảo. Vào cùng thời điểm, tin rằng xưởng của ông đang bị theo dõi, ông càng trở nên bí mật và lắp đặt thêm nhiều chốt chặn để chống đột nhập.
Cuối cùng, sau nhiều năm thất vọng, mùa hè năm 1889 đã đem lại hy vọng: Các tấm nhựa cellulose dẻo đã trở nên hữu ích. Cắt thành các dải và đục lỗ, chúng tạo ra ra khả năng chiếu ổn định. Ông Louis đã gửi tin vui mừng đến bà Lizzie rằng: Ông đã sẵn sàng đoàn tụ với gia đình, công bố phát minh của mình với thế giới, và gặt hái danh tiếng và tài sản mà phát minh này chắc chắn sẽ đem lại.
Bà Lizzie mong muốn tìm một địa điểm thích hợp để ra mắt dự án, bà đã thuê và cùng bọn trẻ tân trang một dinh thự đổ nát từng là trụ sở ở Manhattan của ngài George Washington. Mọi thứ đã sẵn sàng, nhưng khi tàu của ông Louis cập cảng ở New York vào ngày 03/11, ông không có mặt trên đó. Bà đã không nhận được bất kỳ lá thư hoặc điện tín nào. Nhiều tuần trôi qua, bà Lizzie và anh trai John đã thuê thám tử đi tìm kiếm, nhưng không một ai nhìn thấy ông Louis kể từ khi ông rời Dijon. Ngay cả hành lý của ông cũng đã biến mất.
Bất hợp lý
Có điều gì đó khiến bà Lizzie cảm thấy băn khoăn. Hai tuần trước, một người lạ đã gõ cửa nhà bà, tự giới thiệu là “Ông Rose” và hỏi thăm về ông Louis. Bà nói rằng ông Louis đang trên đường từ Âu Châu. Người lạ mặt cau có rồi bỏ đi.
Bà Lizzie và cô Mariella xem xét danh sách hành khách của các chuyến tàu cập bến, và cuối cùng tìm ra cái tên “L. LePrince”. Nhưng hóa ra đó là một người nông dân trùng tên.
Khi ông Rose bí ẩn trở lại trong một bộ dạng ngụy trang vụng về, khẳng định rằng tên ông không phải Rose và yêu cầu được biết ông Louis đang ở đâu và làm gì. Bà Lizze đã báo cảnh sát. Họ không giúp được gì ngoài suy đoán rằng chồng bà đã bỏ bà theo một người phụ nữ khác, hoặc thiệt mạng trong một vụ tai nạn, hoặc tự sát.
Nhiều tháng trôi qua mà ông Louis vẫn bặt vô âm tín; những suy nghĩ ảm đạm hiện lên trong tâm trí của bà Lizzie. Có thể một đối thủ đã bắt cóc chồng bà, hoặc tệ hơn? Sự nghi ngờ của bà càng trỗi dậy vào năm 1891 khi ông Edison công bố và được cấp bằng sáng chế cùng với sự phô trương, chiếc Kinetoscope của ông, được thiết kế bởi Dickson: một chiếc máy quay phim nguyên thủy có thể tăng kích thước gấp đôi như một cái ống nhòm. Báo giới ca ngợi say sưa đó là “một món quà mới của vị Phù thủy (Edison) dành cho thế giới”.
Đấu tranh để được công nhận
Bà Lizze cảm thấy choáng váng. Bà biết ông Edison quen biết với ông William Guthrie, một người bạn của gia đình bà – người đã chứng kiến ông LePrince trình diễn các máy móc của ông. Bà đến gặp luật sư để yêu cầu quyền sở hữu của Louis tại tòa án, nhưng luật sư đã lắc đầu. Theo luật của Hoa Kỳ, nếu chồng bà đã qua đời, bà có thể yêu cầu quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế của ông ấy; nhưng nếu ông ấy chỉ mất tích, bà sẽ phải đợi thêm bảy năm nữa.
Bà Lizzie và các con đã dành cả phần đời của họ để đấu tranh giành lại cho Louis sự công nhận về những gì ông xứng đáng. Năm 1901, bà, Mariella và những người khác đã làm chứng trước tòa, nhưng tất cả chỉ là nghe nói và ông Edison được phân xử là người phát minh ra phim điện ảnh. Trong một lúc thuận tiện nhớ lại, ông Guthrie thừa nhận rằng ông Louis đã cho ông thấy một phát minh gây tò mò vào năm 1886 – nhưng ông không thể nhớ ra nó là cái gì.
Ông LePrince không bao giờ được tìm thấy, dù còn sống hay đã tử vong. Trong hơn một thế kỷ, các nhà nghiên cứu và các thám tử nghiệp dư đã cố gắng tìm ra câu trả lời cho điều bí ẩn này. Một người đàn ông suýt chết đuối, phục hồi vào năm 1890, có thể là ông Louis, nhưng cuộc điều tra đã chứng minh người đó không phải là Louis.
Có rất nhiều thuyết âm mưu. Trong quyển sách mới phát hành của ông Paul Fischer, Người Đàn Ông Phát Minh ra Phim Điện Ảnh, tác giả đã đưa ra một giả thuyết. Ông Albert, người cuối cùng nhìn thấy Louis còn sống, đang gặp khó khăn về tài chính và nợ người em rất nhiều tiền. Ông Fischer viết rằng ông ta “đã không thông báo đầy đủ về việc ông Louis mất tích, chủ động nói dối về những nỗ lực tìm kiếm ông Louis, và sau đó thuyết phục [bà Lizzie] đừng tìm kiếm ông ta.”
Trường Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times