Gia huấn của các bậc Đế Vương xưa với trí tuệ lưu truyền suốt mấy nghìn năm
Trong xã hội hiện đại ngày nay, tai họa xảy ra không ngừng, hiếu nghĩa suy đồi, một trong những nguyên nhân chủ yếu là xem nhẹ giáo dục gia đình. Thời Trung Quốc cổ đại rất coi trọng gia phong, chú trọng giáo dục gia đình, đồng thời rất coi trọng giáo dục phẩm chất nhân-nghĩa-lễ-trí-tín; trung hiếu tiết nghĩa, lễ nghĩa liêm sĩ và tu thân, tề gia, trị quốc… vốn rất phổ biến trong nền văn hóa truyền thống. Trong lịch sử có rất nhiều gia huấn truyền đời mang tầm ảnh hưởng sâu sắc đến các đời sau, các bậc cổ nhân lấy kinh nghiệm cả cuộc đời để ân cần giáo huấn con cháu, kế thừa truyền thống văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Gia huấn của các bậc Đế Vương là môn học bắt buộc vào giai đoạn vỡ lòng của Hoàng tộc trong các triều đại Trung Quốc, đúc rút trí tuệ nhân sinh của dân tộc Trung Hoa. Ở Trung Quốc cổ đại, khi các triều đại mới kiến lập, thì vị Quân chủ khai quốc hết sức chú trọng việc rút ra bài học giáo huấn diệt vong của triều đại trước, dùng gia huấn giáo dục con cháu chăm lo việc nước, không nên giẫm lên vết xe đổ của người đi trước. Có một số bậc Đế Vương tự thân soạn viết Gia huấn, như “Đế phạm” của Lý Thế Dân, “Đình huấn cách ngôn”, “Thánh dụ thập lục điều” của Khang Hy, “Thánh dụ quảng huấn” của Ung Chính v.v…
Chu Công là người mở đầu tiền lệ Gia huấn trong giới quan lại quý tộc Trung Quốc
Cơ Đán, trong lịch sử thường gọi ông là Chu Công, là con trai của Chu Văn Vương, và là em trai của Chu Vũ Vương, chú ruột và đồng thời là thầy dạy của Chu Thành Vương. Ông giúp đỡ Chu Vũ Vương phạt Trụ diệt Thương, là trọng thần khai quốc của triều đại Tây Chu. Sau khi Chu Vũ Vương mất, con trai của Chu Vũ Vương là Thành Vương còn nhỏ, bởi vậy đều do Chu Công nhiếp chính.
Trong khi Chu Công tự thân dốc sức, chăm chỉ việc triều chính, thì đồng thời ông cũng ân cần dạy dỗ cháu trai Thành Vương và con trai mình là Bá Cầm phải dưỡng thành tác phong chuyên cần chính sự yêu dân, khiêm cung tiết chế bản thân, dùng lễ đối đãi với hiền tài. Chu Công có hai bộ gia huấn truyền đời dạy bảo khuyên răn con trai và cháu trai, đó là “Giới tử Bá Cầm” và “Giới điệt Thành Vương”, hai bộ gia huấn này kết hợp lại được gọi là “Cơ Đán gia huấn”.
Chu Thành Vương từng cùng với tiểu đệ của mình đứng dưới gốc cây, ông cầm một chiếc lá ngô đồng đưa cho tiểu đệ và nói: “Ta phong cho đệ”. Chu Công nghe thấy được bèn đến bái kiến Thành Vương, nói: “Đại Vương phong cho đệ đệ, rất tốt.” Thành Vương nói: “Ta chẳng qua là chỉ đùa với đệ ấy một chút mà thôi.”
Chu Công nghiêm túc nói: “Nhân chủ vô quá cử, bất đương hữu hí ngôn, ngôn chi tất hành chi” (Một vị Quân chủ không làm ra sai lầm, không nên có lời nói đùa, lời nói ra tất phải thực hiện). Ý chính là, lời nói và việc làm của một vị Quân Vương không nên có sai sót, không nên có những lời nói đùa vui, lời đã nói ra nhất định phải làm được. Vì thế Thành Vương phong tiểu đệ của mình làm Ứng Hầu. Sự việc này khiến cho Thành Vương suốt đời khó quên, mãi đến tận cuối đời đều “không dám nói đùa, nói ra tất phải thực hiện”. Đây chính là điển cố “Đồng diệp phong đệ” nổi tiếng.
Trong thiên “Vô dật”, thiên nổi tiếng nhất trong “Thượng thư” có viết: “Quân tử sở kỳ vô dật, tiên tri giá sắc chi gian nan” (tạm dịch nghĩa: Quân tử chủ ý không bao giờ nhàn hạ, biết trước nỗi gian nan của việc đồng áng). Đây là câu nói khi Chu Công đang nhiếp chính đã nói nhằm giáo dục Thành Vương như thế nào cần kiệm. Về sau câu nói này trở thành câu khuyên răn nổi tiếng được nhiều bậc Đế Vương dùng để giáo dục con cháu chớ tham an dật xa hoa.
Trong “Giới điệt Thành Vương”, Chu Công nhiều lần nhắc nhở Thành Vương phải tu thân, đạo đức cung kính, phòng tránh kiêu căng xa hoa, dâm dật, giẫm vào vết xe đổ thất đức mất nước của triều Ân Thương. Chu Công đã sớm ý thức được mối ẩn họa của quốc gia không phải ở trước mặt mà là ở các đời con cháu về sau. Ông giáo dục Thành Vương khả năng an bang trị quốc, cũng bao gồm cả bồi đắp nhân phẩm cá nhân. Thành Vương cuối cùng trưởng thành đã trở thành một vị đại minh quân.
“Cơ Đán gia huấn” có ảnh hưởng rất sâu xa đối với hậu thế, là bản gia huấn thành văn đầu tiên của Trung Quốc, mở đầu tiền lệ gia huấn trong giới quan lại quý tộc Trung Quốc cổ đại. Gia huấn này đã đưa nội dung răn dạy con cháu nâng cao lên tầm nhận thức về sự hưng vong của “Vương triều quốc gia”. Trong bài “Đoản ca hành” nổi tiếng của Tào Tháo, đã ca ngợi phong thái quản lý việc triều chính trị quốc của Chu Công: “Chu Công thổ bộ, thiên hạ quy tâm” (‘thổ bộ’ nghĩa là đang ăn trong miệng thì vội nhả ra. Câu thơ này ý nói Chu Công chiêu nạp và thu phục hiền tài. Sử ký chép một bữa cơm ông ba lần đang ăn phải nhả ra để tiếp khách tới vì sợ lỡ mất người hiền. Câu thơ trên ý nói tận tình như Chu Công thì lòng người thiên hạ sẽ quy phục theo mình.)
Đường Thái Tông: dùng người hiền đức, nhận lời khuyên ngăn, khiêm tốn cần kiệm
Trong gia huấn của thời Đường, thì gia huấn Đế Vương giữ vị trí đặc biệt, mà tiêu biểu là các tác phẩm “Giới ngô vương khác thư”, “Giới hoàng chúc”, “Đế phạm” của Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Trong cuốn “Giới hoàng chúc”, Đường Thái Tông khuyên răn các con cháu Hoàng thất rằng: “Trẫm lên ngôi 13 năm rồi, cự tuyệt niềm vui thú dạo chơi ngắm cảnh bên ngoài, từ chối thú tiêu khiển múa hát và sắc đẹp ở trong cung. Các ngươi sinh ra trong phú quý, lớn lên ở thâm cung. Thân là con cháu thân thích của Vua, trước phải yêu cầu nghiêm khắc với chính mình. Mỗi cái áo được mặc, phải biết thương xót người nuôi tằm dệt vải; mỗi miếng cơm ăn, phải nhớ người cày ruộng. Còn như khi lắng nghe và quyết định, bản thân chớ có tùy tiện hỉ nộ. Trẫm mỗi khi lo việc nước, nào dám sợ khổ cực. Các ngươi chớ coi thường người khác kém cỏi, chớ ỷ mình giỏi hay, mới có thể phú quý vĩnh cửu. Để giữ gìn được đức hạnh tốt đẹp, các bậc tiền hiền có câu rằng: ‘Người nghịch với ta là thầy của ta, người thuận theo ta là giặc’. Không thể không xét kỹ.”
Trong cuốn gia huấn này, Đường Thái Tông đã lấy bản thân mình cần cù lo liệu chính sự làm ví dụ, khuyên răn con cháu hoàng thất khắc chế bản thân, mặc một bộ áo quần, ăn một miếng cơm đều không được quên nỗi vất vả của người nuôi tằm dệt tơ và người cày cấy. Phải khiêm tốn, cố gắng lắng nghe ý kiến bất đồng, xem người có can đảm đưa ra ý kiến với mình là thầy, kẻ hùa theo với mình là giặc.
Nội dung của “Đế phạm” đề cập tới rất nhiều phương diện như thể chế, tiếp thu lời can gián, cầu hiền, thưởng phạt … của bậc Quân Vương, và chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử gia huấn cổ đại. Ở phương diện tiếp nhận lời can gián, Lý Thế Dân dạy bảo con trai Lý Trị rằng: từ xưa đến nay, Quân chủ hiền minh đều rất coi trọng tiếp nhận lời khuyên can, cho bề tôi cơ hội trình lời khuyên ngăn. Mặc kệ người trình lên lời khuyên ngăn là ai, tài hùng biện, văn chương như thế nào, miễn là lời khuyên có ích là được. Mà hôn quân ắt chẳng như thế, không cho phép người khác mở miệng, luôn muốn che giấu sai trái của mình, cuối cùng dẫn đến “Thân vong diệt quốc”.
Về phương diện coi trọng cần kiệm, Lý Thế Dân rất tôn sùng tiết kiệm, hết sức răn cấm xa xỉ. Ông cho rằng: tiết chế dục vọng tai, mắt, miệng, mũi của bản thân, thì mỹ đức dồi dào; ngàn loại thèm khát tấn công bên trong, thì bên ngoài ắt có việc nguy. Kiêu căng xa hoa là do ý chí quyết định, không tiết chế tất khiến cho chí khí sa sút; dục vọng sinh bởi chính mình, không át chế liền sẽ táng thân. Kiệt Trụ phóng túng bản thân, cuối cùng gây thành đại họa, Nghiêu Thuấn ước thúc chính mình, mà phúc trạch kéo dài. Trong “Đế phạm”, Lý Thế Dân lấy lịch sử làm gương, đặc biệt đề ra phải tôn sùng và duy trì tiết kiệm.
Khang Hy, từ việc lớn đến việc nhỏ đều giáo dục cẩn thận
Khang Hy Đại Đế là một Đại Thánh quân trong lịch sử Trung Quốc. Cùng với lo liệu việc chính sự trị quốc, Khang Hy còn rất coi trọng giáo dục gia đình. Ông từng nói với bách quan rằng: “Trẫm thường xuyên nghĩ đến trọng trách mà tổ tiên giao phó. Từ sớm đã giáo dục đối với các Hoàng tử, không dám coi nhẹ chậm trễ. Trời còn chưa sáng đã dậy, đích thân kiểm tra đốc thúc việc học tập, từ Thái tử Đông Cung cho đến các hoàng tử khác, sắp xếp theo thứ tự lần lượt lên điện, từng người đọc thuộc lòng kinh thư, khi mặt trời ngã về tây, còn lệnh cho chúng tập viết chữ, tập bắn cung, lại bàn luận đến tận đêm khuya. Bắt đầu từ mùa xuân, mãi cho đến cuối năm, không có ngày nghỉ.”
Lúc bấy giờ, nhà truyền giáo của Pháp quốc Joachim Bouvet đã tự mắt thấy tai nghe các phương pháp giáo dục con của Khang Hy, cho nên đã báo cáo với Hoàng đế Louis XIV rằng: Hoàng Thượng Trung Quốc đặc biệt chú ý giáo dục đạo đức đối với các Hoàng tử, nỗ lực tiến hành các loại huấn luyện tương xứng với thân phận của họ, dùng các môn như kinh sử, thơ văn, thư họa, âm nhạc, hình học, thiên văn, cưỡi ngựa bắn tên, bơi lội, vũ khí để dạy họ.
“Đình huấn cách ngôn” là do Khang Hy soạn ra, do con trai của ông là Hoàng Đế Ung Chính ghi chép lại, tổng cộng có 246 điều, bao gồm đọc sách, tu thân, lo chính sự, đối nhân xử thế, kính lão, tận hiếu, quản lý quan lại cùng với rất nhiều việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày. Bởi vì ông muốn dạy các con của mình cho nên “Đình huấn cách ngôn” rất cụ thể, sinh động mà chân thực, không hề giả tạo.
Các con cháu đời sau của Khang Hy đa số là văn võ song toàn, nhất là hai vị Đế Vương kiệt xuất đời sau của ông: Hoàng Đế Ung Chính với công lao sự nghiệp hiển hách, kiến thức nổi trội; Hoàng Đế Càn Long lỗi lạc nho nhã, tự hào là “Thập toàn Hoàng Đế”. Tất cả họ đều là chịu ảnh hưởng bởi đạo đức của Khang Hy và bản di chúc Hoàng gia “Đình huấn cách ngôn” quý giá này của ông. Ở trong bài này chỉ đưa ra hai ví dụ cho độc giả.
Đình huấn giảng: “Người nhân từ” coi vạn vật như một thể, lòng trắc ẩn đồng cảm có thể được thể hiện ra khắp nơi. Cho nên nói đến sự độ lượng, ông xem bách tính như anh em, xem vạn vật như đồng loại, lòng nhân ái trải khắp vạn vật thiên hạ. Nói đến nội tâm của ông, nội tâm của ông đôn hậu hiền hòa, loại đôn hậu hiền hòa này vĩnh viễn duy trì tồn tại. Phàm là sự việc có lợi cho người khác, “người nhân từ” sẽ đi làm; phàm là sự việc bất lợi đối với người khác, “người nhân từ” sẽ không làm.
Đình huấn giảng: Các bậc Thánh nhân xưa, lời của họ nói ra chính là “Kinh”, những việc mà họ làm chính là “Sử”. Cho nên, chỉ cần mở Kinh Sử, thì sẽ có ích đối với tu thân. Những gì các ngươi ngày thường đọc và giáo dục con em, chỉ cần lấy Kinh Sử làm chủ. Còn việc ngâm thơ viết phú, tuy nói là việc của văn nhân, nhưng trong quá trình các ngươi học thuộc Kinh sử, tự nhiên cũng có thể từ từ học được. Trong lúc trẻ nhỏ tiếp nhận giáo dục, tuyệt đối không thể để cho chúng đọc loại “tiểu thuyết” nông cạn.
Gia huấn Đế Vương với vấn đề tề gia trị quốc
Những gia huấn được lưu truyền cho đến nay đều là gia huấn của danh nhân, trở thành tác phẩm vĩ đại qua nhiều thế hệ. Nội dung cốt lõi của gia huấn là xoay quanh việc trị gia giáo dục con cái, tu thân làm người. Đối với các đời con cháu của Hoàng gia, chỉ có hiểu được đạo lý tu thân làm người, mới có thể cai trị được thiên hạ.
Bắt đầu từ những chi tiết nhỏ để làm một Đế Vương tốt, Lưu Bị đã để lại cho con cháu hoàng thất lời dạy bảo ân cần: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm. Chỉ có hiền đức, mới có thể thu phục người khác.” Ông khuyến khích con trai phải tu đức dựng nghiệp, có được thành tựu.
Tào Tháo tuy chưa xưng Đế, nhưng trong gia huấn của ông cũng toát ra phong phạm Đế Vương. Ông yêu cầu nghiêm khắc đối với con trai của mình, coi trọng rèn luyện thực tiễn, dạy con cách sử dụng người hiền tài. Gia huấn của ông gồm có: “Chư nhi lệnh”, “Nội giới lệnh”, “Di lệnh”.
Sau khi Hoàng đế Ung Chính kế vị, đặc biệt tiến hành diễn dịch, chú thích, chỉnh lý và quy nạp các nội dung có liên quan đến tề gia trị quốc trong “Thánh dụ thập lục điều” do Đại Đế Khang Hy chế định, đồng thời trình bày và phân tích tường tận nội dung quan trọng trong đó, biên soạn thành “Thánh dụ quảng huấn” phong phú vạn từ.
Hoàng Đế Ung Chính không chỉ tự thân tuân thủ nghiêm ngặt tôn chỉ “Thánh dụ quảng huấn”, tự thân nỗ lực thực hiện, mà còn yêu cầu con cháu hoàng tộc dẫn đầu chấp hành, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong giới quan viên, sĩ thứ lê dân, thực hiện “Phong tục thuần hậu, gia thất hòa bình”.
Từ triều Chu đến triều Thanh, chỉ riêng gia huấn của Đế Vương đã có hơn mười loại. Mỗi một vị Đế Vương đặt định bước chân vững chắc trong lịch sử Trung Quốc đều dùng gia huấn lưu lại cho con cháu đời sau tư tưởng giáo dục vô cùng trân quý. Chính những gia huấn tỏa sáng trí tuệ rực rỡ này đã bồi dưỡng ra từng đời Đế Vương và các bậc lương đống hiền tài của quốc gia.
Trịnh Hiếu Kỳ thực hiện
Lý Hiểu Thanh biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ