‘Chính tâm, tu thân’ mới có thể ‘tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’
“Chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là cốt lõi tư tưởng trị quốc của cổ nhân, làm nên những triều đại vàng son trong lịch sử, những bậc đế vương anh minh đều theo yếu lĩnh đó mà khiến quốc gia thái bình thịnh vượng.
Trong sách Đại học, Khổng Tử viết: “Thời cổ đại, phàm những thánh nhân muốn phát huy tính thiện của con người đến khắp thiên hạ (bình thiên hạ), trước phải lãnh đạo tốt nước mình, bang mình (trị quốc). Muốn lãnh đạo tốt nước mình, bang mình, trước hết cần chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình (tề gia). Muốn chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, trước hết phải làm cho tâm tư của mình ngay thẳng (chính tâm), đoan chính”.
“Bình thiên hạ” nghĩa là khiến cho dân an, thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận. Sách Đại học viết: “Minh minh đức ư thiên hạ”: Khiến trong muôn dân sáng được đức, như thế mới là bình thiên hạ. Muốn vậy, tất trước phải trị được nước (quốc gia) mình. Bởi vì thiên hạ là hết thảy các nước. Nước lại do hết thảy nhà (gia đình) góp lại mà thành. Vậy nên muốn sửa trị nước mình, trước là điều chỉnh nhà mình. (Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia).
“Tề gia” tức là chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình, làm cho gia đình mình hoàn thiện, vững chãi. Trong tiếng Trung, từ Gia (家) trong “Gia đình” (家庭), cũng chính là từ Gia (家) trong “Quốc gia” (国家). Mối liên kết giữa gia đình và quốc gia có nội hàm sâu sắc, bởi vậy Thánh nhân mới giảng phải có “tề gia” mới “trị” được “quốc”.
Vua Thuấn chính là tấm gương vì tề gia mà trị được quốc, bình được thiên hạ. Trước khi sửa trị đất nước được thái bình, ngài đã điều chỉnh gia đình, trở thành một kinh điển cho hậu thế noi theo, cải hóa được cả người cha khó tính, người mẹ kế chẳng hiền và người em dị bào thất đức. Kinh Thư chép chuyện này như sau:
“Các quan đồng ý tâu vua (Nghiêu) rằng ở dân gian có người góa vợ là Ngu Thuấn. Vua nói rằng phải, Trẫm cũng nghe nói. Nhưng người ấy thế nào? Quan nhạc thưa rằng: Người ấy là con một người loà, cha ngoan cố, mẹ lắm điều, người em dị bào (khác mẹ) tên là Tượng lại có tính ngạo ngược. Thế mà một lòng hiếu thảo, khiến cho họ biết hối lỗi, quay làm điều thiện, không xảy ra sự gian ác gì.” (Nghiêu điển).
Cái thứ tự trước sau “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đó chẳng những phù hợp với trường hợp vua Thuấn mà cũng hợp cả với vua Nghiêu. Vua Nghiêu đã tiến hành sự cải thiện từ gần ra xa như vậy: “Hay tỏ đức tốt để thân với người trong họ chín đời. Các ngài trong họ chín đời hoà mục rồi, ngài tổ chức tốt cho cả trăm họ (dân trong hạt). Trăm họ sáng tỏ rồi, ngài hoà hợp cả đến muôn nước chư hầu. Bấy giờ, nhân dân trong thiên hạ đều hoà vui, bỏ điều ác mà làm điều thiện.” (Nghiêu điển).
Nhưng muốn “tề gia”, thì từng người trong gia đình phải tốt đẹp. Bởi vì nhà là góp bấy nhiêu người lại mà làm nên. Nếu người chồng không tự sửa mình cho tốt, làm sao khuyên bảo được vợ cho nên hiền? Nếu người cha không tự sửa mình theo điều thiện, làm sao nêu gương cho con, dạy dỗ được con? Vì thế, việc điều chỉnh gia đình có gốc ở việc tu thân. Cha khoan từ, Con hiếu thảo, Anh bao dung, Em kính thuận, Chồng là nam tử hán, Vợ là nữ lưu đức hạnh. Người lớn biết thi ân, Người nhỏ vâng phục.
Nếu bấy nhiêu người ở trong nhà mà phẩm hạnh đức tính ai cũng tu sửa được tử tế, thì gia đình ấm yên, có nề nếp gia phong. Nhà nào cũng “tề” vậy thì quốc gia tất phải thịnh vượng, thế là quốc trị. Vậy nên việc “tề gia” là gốc ở nơi tu thân.
Vậy muốn tu thân thì phải làm sao đây?
Tu thân, không phải là ở cái thân xác thịt, không phải là để ăn ngon, mặc đẹp, bồi bổ cung dưỡng cho cái thân thể, bởi nếu vậy thì cầm thú cũng đâu có khác chi. Vậy nên tu thân phải là tu bằng tinh thần, tri thức, đạo đức, học vấn.
Mà thảy những điều thuộc về tinh thần, trí óc lại bắt nguồn từ tâm. Tâm là mũi kim ở trong đồng hồ, nếu tâm không chính thì tinh thần suy bại. Khổng tử nói: “Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm.” (Muốn sửa thân mình, trước là làm cho lòng mình được chính đáng.) Làm cho lòng mình được chính đáng có nghĩa là giữ cho lòng mình luôn hướng về điều thiện, ngay thẳng đoan chính không để cho tâm mình hướng về điều ác, giả dối, bất thiện, đó là giữ tâm chính đáng.
Đường Thái Tông tu thân mà thiên hạ thái bình
Đầu những năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông bảo các đại thần thị tòng:
– Nếu muốn yên thiên hạ thì trước nhất bản thân phải có hành vi đúng đắn. Chẳng bao giờ có chuyện thân ngay mà bóng cong, trên trị vì tốt mà dưới hỗn loạn. Ta thường nghĩ, cái làm tổn thương bản thân ta không xuất phát từ vật ngoài thân, mà phần lớn là tai họa do các sở thích và ham muốn gây nên. Nếu quá yêu thích của ngon vật lạ, chìm đắm trong tửu sắc thì ham muốn nhiều ắt cũng tổn thương lớn. Điều này vừa có hại đến việc trị nước, vừa phiền nhiễu dân. Huống chi lại nói ra những điều trái đạo lý thì sẽ khiến lòng dân ly tán, oán hận sản sinh, việc phản nghịch cũng xuất hiện. Cứ nghĩ đến những điều này ta lại không dám buông thả ham muốn để theo đòi hưởng lạc.
Quan Gián nghị đại phu Ngụy Trưng đáp lời:
– Bậc minh quân thời xưa phần lớn biết tu dưỡng bản thân nên có thể trông xa thấy rộng. Xưa nước Sở tuyển dụng Chiêm Hà, hỏi ông đạo trị nước. Chiêm Hà dùng phương pháp chú trọng tu dưỡng phẩm đức bản thân để trả lời. Vua Sở lại hỏi hiệu quả trị nước ra sao? Chiêm Hà đáp: “Chưa từng nghe nói phẩm hạnh bản thân đứng đắn mà nước nhà vẫn rối ren”. Điều bệ hạ hiểu quả thực phù hợp với đạo lý cổ xưa.
Đoạn đối thoại giữa Đường Thái Tông và Ngụy Trưng, Thái Tông cho thấy điều ông nghĩ đến đầu tiên là để ổn định thiên hạ, điều quan trọng trong trị quốc chính là trước tiên tu chính bản thân, cảnh giác với những nguy hại do hưởng thụ và an dật đem lại.
Bản thân mình tu tốt rồi, hiểu được nhân ái, quan tâm che chở người dân rồi, việc tuyển chọn người hiền tài cùng các chính sách, mục tiêu cụ thể của đất nước đều sẽ xoay quanh cuộc sống mưu sinh của người dân, quốc gia tự nhiên sẽ thịnh trị, người dân yên ổn, thiên hạ thái bình. Tôn chỉ trị quốc của Thái Tông ngay từ đầu đã rất rõ ràng và đúng đắn, nhờ con đường thông suốt nên đã tạo nên thời kỳ thịnh thế xưa nay chưa từng có.
Tu kỷ trị nhân
Các bậc tiên vương, hiền nhân xưa đều coi mấu chốt của việc trị quốc là ở chỗ tu bản thân mình. Điều này bắt nguồn từ lời dạy của Khổng Tử: “Tu kỷ trị nhân”. Đây cũng là cốt lõi của Nho học.
Trong Luận Ngữ ghi lại lời dạy của Khổng tử với Tử lộ, nội dung như sau:
Tử Lộ hỏi thế nào là quân tử. Khổng tử nói: “Tu sửa chính mình, dùng thái độ khiêm kính để đối đãi mọi người.” Tử Lộ nói: “Chỉ có vậy thôi ư?” Khổng Tử nói: “Tu sửa mình để an định những người xung quanh.” Tử lộ nói: “Chỉ có vậy thôi ư?” Khổng tử nói: “Tu sửa mình để an định bách tính. Tu sửa mình để an định bách tính, dẫu Vua Nghiêu, Vua Thuấn còn lo chưa làm được! E rằng bản thân mình đức hạnh có chỗ thiếu sót mà không tự biết, họ vẫn luôn phải xét lại mình, huống nữa là những người bình thường như chúng ta.”
Chung quy, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cốt nơi tu thân, chính tâm mà mở rộng ra. “Thân” là gốc, “gia, quốc, thiên hạ” là ngọn, ngọn sở dĩ được tươi tốt nhờ ở gốc mà nảy nở, nếu gốc mà loạn thì làm sao mong ngọn trị được. Nền tảng của người ta ở trong đời, sở dĩ dày dặn được là cốt ở thân. Thân không tu thì khác nào tự khinh bạc chính mình, tất lẽ gia, quốc, thiên hạ, họ cũng khinh bạc cả luôn.
Thánh nhân cho rằng những hạng người không tu thân chẳng khác chi cầm thú, bởi cầm thú chỉ cần cái thân xác để tồn tại, đâu cần phẩm hạnh đạo đức chi. Người không tu thân thì tâm bất chính, ý bất thành. Thân không “tu” mà mong “gia tề, quốc trị, thiên hạ bình”, thật không lẽ nào có vậy.
Tu sửa mình, đề thăng phẩm chất đạo đức chính là con đường quan trọng của việc trị quốc. Bởi đạo trị quốc của cổ nhân là lấy đức trị quốc. Trị nhân không phải là ý nghĩa tìm biện pháp khiến người khác phải khuất phục, đem người khác đặt dưới chân như trong văn hóa đảng biến dị ở Trung Quốc ngày nay, mà là có ý nghĩa an định thiên hạ, quy chính thiên hạ, chính là “bình thiên hạ”.
Vậy nên trong đạo trị quốc của cổ nhân, từ thiên tử cho tới thường dân, tất cả đều phải lấy việc sửa mình làm gốc. Thân tu thì ắt “gia tề”, gia tề ắt “quốc trị”, quốc trị thế là “thiên hạ bình”. Người cầm quyền một nước có đức hạnh cao quý thì sẽ giáo hóa dân chúng sống đời đạo đức, nhân nghĩa, hòa ái thương yêu nhau, xã hội sẽ thịnh vượng, thái bình.
Đan Thư