Tu vi của con người thể hiện qua những câu chuyện về văn hóa hương
Việc sử dụng hương đã trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Từ xưa đến nay, các sản phẩm văn hóa hương đã là vật dụng sinh hoạt hàng ngày của con người. Các văn hóa hương khác nhau biểu hiện phẩm chất riêng của tu vi (*) cá nhân và chất lượng cuộc sống gia đình. Trong các câu chuyện truyền kỳ về văn hóa hương của Trung Quốc cổ đại, có một số là đặc biệt riêng lẻ, nhưng chúng thật sự có thể cho thấy trạng thái tu vi đặc biệt của một người. Đồng thời, chúng làm phong phú thêm sự huyền bí của nội hàm văn hóa hương, và biết đâu có thể gợi ý cho chúng ta một số khải thị.
Thần tích Phật Đồ Trừng sử dụng hương
Phật Đồ Trừng là người Thiên Trúc, cũng có người nói ông là người Tây Vực. Ông là một trong những tăng nhân nổi tiếng thời Nam Bắc triều. Phật Đồ Trừng đến Lạc Dương, Trung Nguyên vào thời Vĩnh Gia nhà Tấn. Cuốn kinh điển truyện ký Phật giáo “Lương cao tăng truyện” cho rằng Phật Đồ Trừng có một số công năng và thần thông: “(Phật Đồ Trừng) giỏi tụng thần chú, có thể sai phái ma quỷ. Ông thoa dầu mè trộn lẫn dầu sáp vào lòng bàn tay, dù cách xa hàng vạn dặm, nhưng mọi thứ đều có thể nhìn thấy rõ ràng trong lòng bàn tay, tựa như chúng đang ở đối diện. Ông cũng có thể nhìn thấy được người thuần khiết chay tịnh. Phật Đồ Trừng còn nghe tiếng chuông mà nhận biết sự việc, tất cả đều hiệu nghiệm.” Điều đó có nghĩa là, Phật Đồ Trừng không chỉ có thể nghe một số âm thanh để đưa ra dự đoán về cát hung, mà còn có thể nhìn thấy những thứ ở xa hàng ngàn dặm bằng cách bôi một ít dầu mè trộn với dầu sáp hương liệu lên lòng bàn tay, có chút giống như công năng dao thị của “thiên lý nhãn”.
Về sau, nhà Tấn sụp đổ, và Ngũ Hồ bắt đầu khởi loạn, xâm chiếm Trung Nguyên. Lúc bấy giờ, có một cánh quân người Hồ do Thạch Lặc người tộc Yết chỉ huy, đóng quân ở Cát Bi, tàn sát dân chúng khắp nơi. Trong số đó có rất nhiều sa môn hòa thượng cũng bị sát hại. Phật Đồ Trừng mang tâm chí từ bi của Phật gia, muốn cứu vớt sinh linh, ngăn chặn việc sát nhân đang xảy ra. Thế nên, ông đã áp dụng sách lược vu hồi (sách lược quanh co, vòng vèo). Đầu tiên, ông tự mình đi gặp Đại tướng quân Quách Hắc, quân sư và là thuộc hạ của Thạch Lặc để thuyết phục. Sau đó, nhiều lần hành quân và giao tranh của Quách tướng quân đều được Phật Đồ Trừng hướng dẫn. Ông dự đoán vận cát hung của cuộc hành quân và biểu hiện rất xuất sắc. Sau khi Thạch Lặc để ý đến, truy vấn Quách tướng quân. Vì thế, Quách tướng quân liền tiến cử Phật Đồ Trừng cho Thạch Lặc. Mặc dù tâm sát nhân của Thạch Lặc quá nặng, nhưng khi nghe tin có một người trong Phật môn có thể đoán trước được vận cát hung, ông ta đương nhiên vui mừng khôn xiết, vội vàng triệu đến gặp mặt.
Nền tảng văn hóa của người Hồ lúc bấy giờ chưa sâu sắc. Đối với tín ngưỡng Thần, Phật, họ chỉ muốn xem hiệu quả trực tiếp. Thạch Lặc hỏi Phật Đồ Trừng: “Pháp lực của Phật gia có chỗ nào linh nghiệm?” Phật Đồ Trừng biết rõ rằng giải thích cho Thạch Lặc những đạo lý sâu xa, và những đạo thuật thần bí sẽ khiến ông ta càng ngày càng hồ đồ. Thế nên ông nói: “Mặc dù đạo lý tối cao tối đại nói đến có vẻ xa vời, nhưng nó cũng có thể được chứng minh bằng cách làm điều gì đó ở ngay gần đây.” Thế rồi, Phật Đồ Trừng trực tiếp thể hiện cho Thạch Lặc xem một chút thần thông pháp thuật. Ông lấy một cái bát khất thực, đổ đầy nước vào, thắp hương và niệm chú. Một lúc sau, trong bát xuất hiện những bông hoa sen màu xanh, tỏa ánh sáng chói lóa. Từ đó, Thạch Lặc bắt đầu tín phục Phật Đồ Trừng. Sau này, những khu vực thuộc quyền cai quản của Thạch Lặc đều nằm dưới ảnh hưởng của Phật giáo. Số vụ sát hại lẫn nhau giảm đi rất nhiều. Mỗi lần Thạch Lặc ra lệnh tàn sát, Phật Đồ Trừng đều nghĩ đủ mọi cách để giải cứu một số người. Số người được cứu chiếm khoảng tám, chín phần người dân địa phương. Trong một thời gian, hầu hết người dân địa phương đã chuyển sang tu hành theo tín ngưỡng Phật giáo.
Một lần, Phật Đồ Trừng cử một đệ tử đến chợ ở thành thị của Tây Vực để mua hương liệu. Có lẽ, những hương liệu đó thuộc loại Phật Đồ Trừng thích sử dụng. Phật Đồ Trừng đến từ Tây Vực và biết rõ về chủng loại cũng như chất lượng của các loại hương liệu ở đó. Nhưng Tây Vực tương đối xa, phải mất nhiều ngày mới đến được. Sau khi đệ tử đi mua hương, Phật Đồ Trừng dùng thần thông kiểm tra hành trình của người đệ tử này. Ông nói với các đệ tử đang ở bên cạnh rằng: “Ái chà, ta vừa kiểm tra đệ tử đang đi mua hương từ lòng bàn tay của ta. Đệ tử kia có lẽ dọc đường ở chỗ đó sẽ gặp kiếp nạn của bọn đạo tặc, có thể đang đứng trước cửa tử, sinh mệnh mong manh. Ta tự có cách để cứu.” Thế là, Phật Đồ Trừng thắp hương và niệm thần chú, hy vọng thần lực sẽ cứu đệ tử của mình dù họ ở cách xa. Sau khi trải qua chặng đường dài và gian nan, vị đệ tử mua hương lúc trở về đã kể lại sự việc: “Đệ tử bị nhóm đạo tặc hãm hại vào ngày nọ tháng nọ ở địa phương kia. Lúc đó, tính mệnh đã nguy cấp, sắp bị chúng sát hại. Đúng lúc này, đột nhiên một mùi hương từ đâu bay tới. Nhóm đạo tặc hoảng sợ nhìn quanh nhưng không nhìn thấy gì. Mùi hương lúc đó rất nồng nên chúng cư nhiên hoảng sợ nói: ‘Chắc chắn có cứu binh đến. Chúng ta phải rút lui ngay.’ Sau đó, nhóm đạo tặc ném con xuống, và tất cả đều bỏ chạy.”
Thần hương cảm động trước lòng hiếu thuận của Hàn Hoài Minh
Hàn Hoài Minh vốn là người ở Thượng Đảng, theo gia đình di cư đến sống ở Kinh Châu. Không biết do không hợp thủy thổ hay nguyên nhân gì khác, khi Hàn Hoài Minh mười tuổi, mẫu thân cậu mắc bệnh thi chú, một loại bệnh hiểm nghèo. Một số thầy thuốc giải thích căn bệnh thi chú này là một dạng bệnh lao. Tất nhiên, chúng ta không có cách gì để xác nhận, nhưng nếu tưởng tượng về điều kiện chữa bệnh của cổ nhân lúc bấy giờ thì quả thực đây là một căn bệnh khó chữa. Mỗi lần phát bệnh, gần như muốn lấy đi tính mệnh của bà. Khi đó, Hàn Hoài Minh vẫn còn là một cậu bé mười tuổi, cậu thực sự bất lực. Không hiểu vì sao, Hàn Hoài Minh nghĩ đến cầu sự giúp đỡ của Thần linh. Thế nên, mỗi đêm dưới bầu trời đầy sao, cậu đều thực hiện đại lễ “ngũ thể đầu địa” (cách lạy cúi rạp người xuống đất, năm phần trên cơ thể của người lạy là trán, hai bàn tay, hai đầu gối chạm với đất) và cầu khấn Thần linh phù hộ cho mẫu thân. Lúc đó, mỗi đêm trời đều liên tục lạnh giá, như đang thực sự thử thách thành tâm của Hàn Hoài Minh.
Có lẽ chính vì sự chân thành, trong sáng và ngây thơ của thiếu niên Hàn Hoài Minh nên cuối cùng [ý nguyện của cậu] đã được đền đáp. Đột nhiên, trong bầu trời đêm tỏa ra một hương thơm kỳ lạ, hơn nữa còn nghe thấy có người nhẹ nhàng thì thầm: “Mẫu thân của con sẽ sớm bình phục, con không cần phải lo lắng khổ sở nữa.” Trước lúc trời hửng sáng, mẫu thân của Hàn Hoài Minh bỗng bình phục và khỏe mạnh. Người dân trong làng sau khi biết chuyện đều rất sửng sốt ngạc nhiên và đối đãi với mẫu tử nhà họ Hàn tỏ vẻ đặc biệt chiếu cố. Câu chuyện thần kỳ này diễn ra vào thời Nam Bắc triều và được ghi vào chính sử “Lương thư”.
Hương thơm phiêu đãng nơi Trang tiểu thư gảy khúc đàn cầm
Ở một địa phương nọ thuộc Trần quận có một tiểu thư ưu nhã, hiền thục và đức hạnh mang họ Trang, giỏi làm nữ công. Nữ công thời cổ đại có nghĩa là những công việc tại gia của con gái như may vá, đan dệt và thêu thùa. Trang tiểu thư rất thông minh, và còn biết chơi đàn cầm. Nàng luôn mang theo bên mình một cây cổ cầm. Đàn cầm còn có danh xưng tao nhã là “Trú điện”. Khúc nhạc Trang tiểu thư chơi hay nhất có tên là “Mai hoa khúc”. Rất nhiều người đã được thưởng thức khúc nhạc này. Sau khi nghe xong, mọi người đều nói, khi nghe bản nhạc này, có một làn hương hoa mai thanh tao, kỳ lạ phiêu đãng trong không khí. Hơn nữa, chuyện này không phải một người nói mà nhiều người đã nói như vậy. Vì vậy, mọi người liền gọi nàng bằng cái tên thanh nhã là “Trang ám hương” (ám hương là tên gọi khác của hoa mai). Sau khi Trang tiểu thư biết chuyện, nàng đã đổi tên cổ cầm thành “Ám hương”. Đáng tiếc, vì lý do nào đó, nàng không còn diễn tấu khúc nhạc ấy, và mọi người không còn cảm nhận được hương thơm tao nhã tỏa ra từ “Mai hoa khúc” nữa. Tương truyền, câu chuyện này ban đầu được ghi lại trong cuốn sách cổ “Chân suất trai bút ký”. Về sau, nó được sao chép và ghi lại trong cuốn “Lang hoàn ký” thời nhà Nguyên.
Tiểu thư bị bệnh vì quá si mê hương thơm, may gặp danh y cứu chữa
Vào thời nhà Nguyên, quận Cô Tô ở Giang Nam là một vùng đất trù phú, có nhiều gia đình tương đối giàu có. Một gia đình giàu có ở vùng đất này có một thiên kim tiểu thư mới mười tám tuổi bỗng nhiên lâm bệnh. Triệu chứng bệnh là tê liệt tứ chi, không thể tự ăn uống, mắt lúc nào cũng mở to nhìn chăm chăm vào đồ vật. Nói đơn giản chính là nàng luôn trong tình trạng há miệng trợn mắt, ngây ngốc. Gia đình vội mời nhiều thầy thuốc đến chữa trị, nhưng không tìm được giải pháp, không biết cách nào chữa khỏi bệnh này. Người trong gia đình cuối cùng thông qua dò tìm, thăm hỏi biết được danh y Cát Khả Cửu. Họ nhanh chóng mời ông đến khám cho thiên kim tiểu thư xem thế nào.
Danh y Cát Khả Cửu chính là Cát Kiền Tốn, tự là Khả Cửu. Ông ấy cũng là nhân sĩ Giang Nam. Gia tộc Cát thị bốn đời đều hành nghề y. Danh tiếng của Cát Khả Cửu cũng lan truyền khắp cả nước. Có người nói ông sánh ngang với Chu Chấn Hanh, Y phái Đan Khê trứ danh vùng Giang Nam.
Cát Khả Cửu sau quá trình tứ chẩn “vọng, văn, vấn, thiết” (quan sát, nghe, hỏi, bắt mạch) thiên kim tiểu thư, ông mỉm cười nói với người nhà rằng: “Bệnh này không khó chữa.” Gia đình nghe nói có cách chữa trị, đương nhiên là ông bảo sao nghe vậy. Thế rồi, Cát Khả Cửu ra lệnh cho người nhà chuyển tất cả các hộp hương liệu, son môi, túi hương, mỹ phẩm, bột phấn, v.v. trong khuê phòng của vị thiên kim ra bên ngoài. Sau đó mở sàn nhà, đào đất dưới sàn ra, đào thành một cái hố có kích thước bằng cơ thể người rồi đặt tiểu thư vào trong đó. Tiếp theo, ông ra lệnh cho mọi người bước ra ngoài khuê phòng, đồng thời đóng cửa khuê phòng khóa lại, chỉ để thiên kim tiểu thư ở lại trong phòng. Cát Khả Cửu dặn dò người nhà thay phiên nhau canh giữ ở trước cửa khuê phòng, không được phát ra bất kỳ âm thanh nào, chỉ im lặng lắng nghe động tĩnh trong phòng. Ông nói: “Hễ thiên kim tiểu thư ở trong phòng có tiếng động chân tay, hơn nữa đủ để mọi người nghe thấy thì lúc đó hãy thông báo cho tôi.” Sau một thời gian lâu, tay và chân của tiểu thư kia đã cử động được, hơn nữa cô còn cất tiếng gọi ở trong phòng. Thế là, người nhà vội vã mở cửa bước vào, đồng thời thông báo cho Cát Khả Cửu. Ông đi tới xem xét, cảm thấy tình trạng người bệnh đã tốt hơn, nên đưa cho thiên kim tiểu thư mấy viên thuốc, và bảo người nhà lấy một ít nước cho tiểu thư uống. Sau đó, ông nói với gia đình: “Hãy tiếp tục để thiên kim tiểu thư nằm trong hố. Ngày mai cô ấy có thể tự mình bò ra khỏi hố.” Thiên kim tiểu thư còn chưa hoàn toàn bình phục, đương nhiên không đủ sức bò ra ngoài, chỉ còn cách nằm trong hố kiên nhẫn chờ đợi.
Hóa ra, người này là thiên kim tiểu thư của một gia đình giàu có, trong nhà không thiếu tiền bạc, sống cuộc sống quá bình yên và thoải mái. Hằng ngày vì hít quá nhiều mùi hương, nên cô ấy trở thành người mê luyến mùi hương quá độ. Tỳ tạng đã bị khí hương bào mòn, làm cho thể chất và tinh thần bị tê liệt, không có cảm giác thèm ăn. May mắn thay, thiên kim tiểu thư có phúc khí gặp được vị danh y có khiếu hài hước, nên mới có thể vãn hồi sinh mệnh. Trường hợp bệnh án có chút thú vị này được ghi chép trong “Khâm định cổ kim đồ thư tập thành”.
Lời bình
Bốn câu chuyện về hương và các nhân vật nói trên đã thể hiện trạng thái tu vi và cảnh giới tâm tính của các nhân vật khác nhau. Tác giả tạm đưa ra những lời bình xét như sau:
Phật Đồ Trừng dùng hương là sử dụng năng lực thần thông có được thông qua quá trình tu luyện của bản thân. Điều đó có nghĩa là, trước tiên ông ấy phải tu luyện đến một cảnh giới nhất định. Hơn nữa, ông còn phải bảo trì trong cảnh giới tương ứng đó thì mới có thể dùng hương thực hành thần thông. Hương chỉ là một loại chất liệu trợ lực mà bản thân Phật Đồ Trừng đã quen sử dụng.
Hàn Hoài Minh là chàng thiếu niên có tấm lòng chân thành. Chính vì còn ở độ tuổi niên thiếu, tâm hồn trong sáng, không có tạp niệm nên lòng hiếu thảo của cậu được Thần cứu giúp và có được thiên hương. Ngoài yếu tố cá nhân, trường hợp này cũng liên quan đến bối cảnh văn hóa xã hội tổng thể về niềm tin vào thần linh của người cổ đại.
‘Trang ám hương’ là người thành tâm và an tĩnh. Nàng gảy đàn cầm xuất ra hương hoa mai, dường như truyền cảm hứng cho mọi người nhận ra sự thăng hoa thần thoại của cảnh giới nghệ thuật. Tôi tin rằng loại câu chuyện này không phải là một câu chuyện riêng lẻ. Người ta kể rằng khi Khổng Tử tập gảy khúc “Văn Vương Tháo” nhiều lần, cuối cùng ông cũng nhìn thấy Văn Vương hiển xuất thân ảnh trong lúc diễn tấu khúc nhạc. Làm thế nào chúng ta có thể thể ngộ tu vi cảnh giới nghệ thuật như vậy?
Tiểu thư ở Cô Tô thích hương như sinh mệnh, ngược lại chịu tác hại của hương mà bị bệnh nghiêm trọng. Mê luyến hương quá mức là biểu hiện bị ám ảnh si mê quá độ, nếu cố chấp thích hương và dùng hương quá nhiều sẽ có hại cho cơ thể và tinh thần. Loại trạng thái tâm lý như vậy không phải là thứ người bình thường nên có. Nó là biểu hiện của một loại chấp trước bất ngộ, không phải là việc có lợi cho thể chất và tinh thần của con người một cách chính thường.
(*) Chú thích của người biên tập: Tu vi là danh từ, được hiểu là tâm tính và công năng của người tu luyện. So với tu dưỡng thiên về tâm tính, tu vi mang hàm nghĩa cao hơn và rộng hơn.
Tài liệu tham khảo:
“Tấn thư”, quyển 95, Phật Đồ Trừng truyện;
“Lương cao tăng truyện”, quyển 9, Tấn Nghiệp Trung Trúc Phật Đồ Trừng;
“Lương thư”, quyển 47, Hàn Hoài Minh truyện;
“Lang hoàn ký”, Ám hương cầm;
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ