Hốt Tất Liệt (P.2): Chiêu mộ các danh Tăng, danh Nho – Học hỏi đạo trị quốc
Xem lại P1
Trong quá trình trưởng thành từ khi còn nhỏ đến thành niên, Hốt Tất Liệt không chỉ nhận ảnh hưởng từ gia đình, mà còn nhận ảnh hưởng từ hoàn cảnh bên ngoài. Sau khi Thành Cát Tư Hãn đặt định sự nghiệp vĩ đại, Đế quốc Mông Cổ thời kỳ Oa Khoát Đài tiếp tục phát triển, trên thảo nguyên bao la các lều trướng đứng nguy nga lộng lẫy sừng sững, hội tụ các thương nhân đến từ trong nước.
Các vùng Trung Á và người của các sắc tộc đến đây bái phỏng, nương nhờ Hợp Hãn và Quý tộc Mông Cổ. Các loại hàng hóa rực rỡ đủ loại, nhiều loại ngôn ngữ xen lẫn, ngoài nghề chăn nuôi ra, còn xuất hiện nông nghiệp và thủ công nghiệp. Nơi nha trướng của Đại Hãn ở Cáp Lạp Hòa Lâm đã được xây dựng thành một đô thị khá quy mô, cũng trở thành tiêu điểm của thế giới.
Hốt Tất Liệt trưởng thành dưới hoàn cảnh như vậy, mặc dù không trải qua chinh chiến ở bên ngoài, nhưng thông qua gặp gỡ qua lại với những người khác, ông đã hiểu được tình hình thế giới bên ngoài Đế quốc Mông Cổ, có hiểu biết, ngày càng mở rộng tầm nhìn và trí tuệ. Theo việc dần dần trưởng thành, tầm nhìn rộng lớn và trí tuệ khiến cho ông có những tham vọng khác nhau, khiến cho ông khao khát có nhiều tri thức hơn. Ông cho tìm kiếm những chí sĩ và người tài giỏi có thể giải đáp những thắc mắc nghi hoặc cho mình.
Sau khi Đà Lôi qua đời, Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni cầu Oa Khoát Đài ban cho một vùng đất phong. Năm 1236, Oa Khoát Đài đem vùng Chân Định tỉnh Hà Bắc ban cho bà. Bà là người phụ nữ thông minh, nên đã không dùng phương pháp kinh tế chăn thả giống như ở thảo nguyên, mà nghĩ biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trồng trọt nông nghiệp tại vùng đất này. Cũng trong năm này, Hốt Tất Liệt vừa bước qua tuổi nhược quán (tuổi 20) hơn một năm nên cũng nhận được một vùng đất phong có hơn một vạn hộ nhân khẩu, là vùng Hình Châu, Hà Bắc (thuộc thành phố Hình Đài ngày nay).
Hốt Tất Liệt ở tại thành đô Hòa Lâm, lúc đầu đã áp dụng chính sách buông lỏng đối với vùng đất phong, chỉ quản lý từ xa. Cùng lúc, ông còn mời cao tăng Hải Vân giảng Phật pháp, bắt đầu chiêu mộ một số danh Nho học hỏi đạo trị quốc.
Cao tăng Hải Vân giảng Phật pháp
Lúc đó cao tăng Hải Vân ở phương bắc, có họ Tống, tên là Ấn Giản, là người Ninh Viễn, Sơn Tây, 8 tuổi đã xuất gia, tinh thông Phật học, được Kim Tuyên Tông ban cho Phật hiệu là “Thông Nguyên Quảng Tuệ đại sư”.
Năm 1214, đại quân Thành Cát Tư Hãn đại chiến với nước Kim, thuộc hạ của ông là đại tướng Mộc Hoa Lê tuân thủ mệnh lệnh của Thành Cát Tư Hãn “không hủy các chùa chiền có Lạt Ma, kinh Phật”. Sau khi an trí cho các tăng nhân nước Kim, Mộc Hoa Lê phái người báo lên cho Đại Hãn: “Đã tìm được hòa thượng Hải Vân và sư phụ của ngài ấy”. Thành Cát Tư Hãn lập tức căn dặn Mộc Hoa Lê: “Đại trưởng lão, tiểu trưởng lão mà ngươi phái người đến báo cho ta, đều là người giao tiếp với Thượng Thiên. Ngươi phải cung cấp cho họ y phục đồ dùng, lương thực, phải cúng dường cho tốt. Nếu có thêm tăng lữ, thì an trí những người mới cho thích đáng, mời họ hướng Trường Sinh Thiên cầu nguyện chúc phúc”. “Tiểu trưởng lão” ở đây chính là cao tăng Hải Vân.
Sau đó, cao tăng Hải Vân nhận được lễ ngộ và tôn trọng của Đại Hãn và giới vương công quý tộc Mông Cổ. Năm 1242, cao tăng Hải Vân vân du đến thảo nguyên, Hốt Tất Liệt mời ông đến trướng của mình để giảng giải “Phật pháp đại ý”. Hốt Tất Liệt cư xử vô cùng tôn trọng đối với vị cao tăng Hải Vân, đối đãi chân thành, cho dù công việc có bận rộn cỡ nào, ông đều sẽ rút chút thời gian xin cao tăng Hải Vân dạy bảo.
Khi trả lời cho Hốt Tất Liệt “Phật pháp đại ý” là gì, đầu tiên cao tăng Hải Vân giảng giải cho Hốt Tất Liệt mối quan hệ thiên-nhân (quan hệ giữa người và Trời), và nhân quả báo ứng. Sau đó ông giảng các nội dung quan trọng của Phật pháp. Hốt Tất Liệt lại hỏi: “Trong Phật pháp có pháp lý an định thiên hạ hay không?” Cao tăng Hải Vân đáp rằng: Phật pháp bao hàm hết thảy, không gì là không có. Mục tiêu của việc chấp chính là muốn an định xã tắc, an ổn dân sinh. Biện pháp để đạt tới mục tiêu này được quyết định bởi chính sách và Thiên tâm. Chính sách là nhân tâm, Thiên tâm cũng là tâm, đều là tại tâm. Đối với quốc gia đại sự, cao tăng Hải Vân khuyên Hốt Tất Liệt nên thỉnh giáo các “đại hiền, đại Nho”.
Trong thời gian cao tăng Hải Vân ở lại nơi này, có một việc nhỏ xảy ra, đó là con trai thứ hai của Hốt Tất Liệt được sinh ra. Hốt Tất Liệt cố ý mời vị cao tăng đặt tên cho con trai yêu quý của mình. Cao tăng Hải Vân đồng ý, cũng hy vọng xem tướng cho đứa trẻ. Hốt Tất Liệt ôm con trai đến, thật thần kỳ, đứa bé vừa mới có thể mở mắt ra vậy mà đã nhìn chăm chú vào cao tăng Hải Vân không chớp mắt, ánh mắt sáng ngời có thần, không có chút sợ sệt và mê mang vốn có của một đứa trẻ sơ sinh. Cao tăng Hải Vân cười nói: “Tôn quý nhất thế gian, không gì bằng chân kim”. Vì thế đứa bé được đặt tên là Chân Kim.
Với tu vi của cao tăng Hải Vân, có lẽ ông đã nhìn ra được sự khác biệt không tầm thường trên thân đứa bé. Người mang tên “Chân Kim” này, đã trở thành vị Hoàng Thái Tử đầu tiên sau khi Hốt Tất Liệt lập nên vương triều Đại Nguyên.
Trước khi cao tăng Hải Vân rời đi, ông để người đệ tử mà ông vừa ý nhất, là một kỳ tài tinh thông Đạo, Phật và Nho học – Thích Tử Thông (là Lưu Bỉnh Trung) lưu lại bên cạnh Hốt Tất Liệt. Người này trở thành trọng thần phụ tá Hốt Tất Liệt nhất thống và thống trị thiên hạ.
Vị “Thông thư ký” mặc trang phục tăng nhân
Lưu Bỉnh Trung, tên thật là Lưu Khản, nhiều thế hệ trong đại gia tộc của ông làm quan cho hai nhà Liêu – Kim. Phụ thân của ông nhận chức và là thuộc hạ của đại thần Mông Cổ Mộc Hoa Lê. Ông từ nhỏ thông minh, năm 8 tuổi mới vào học đã có thể mỗi ngày đọc thuộc mấy trăm câu văn, 13 tuổi làm con tin ở Soái phủ, 17 tuổi trở thành Phủ Lệnh sử Tiết độ sứ Hình Đài. Khi làm Lệnh sử, ông thường buồn bực sầu não không vui, cảm thấy tài năng không được thi triển, vì vậy lựa chọn từ quan ẩn cư ở núi Vũ An. Mấy năm sau, ông được thiền sư Hư Chiếu của chùa Thiên Ninh nhận làm đồ đệ, sửa tên thành Tử Thông. Sau ông vân du Vân Trung, ở lại chùa Nam Đường.
Khi cao tăng Hải Vân vân du ghé qua Vân Trung, nghe nói Thích Tử Thông học rộng tài cao, đã mời Tử Thông đi cùng, gặp Hốt Tất Liệt. Thích Tử Thông đọc nhiều loại sách, nhất là đi sâu vào nghiên cứu “Kinh Dịch” và sách Hoàng Cực của Thiệu Ung thời Tống. Thiên văn, địa lý, pháp luật, bói toán ông đều tinh thông, mọi việc trong thiên hạ đều rõ như lòng bàn tay. Mỗi lần Hốt Tất Liệt đàm luận đại sự thiên hạ và kế sách trị quốc với ông, ông đều đối đáp trôi chảy. Hốt Tất Liệt rất tán thưởng tài năng của ông, vì thế lưu giữ ông lại bên cạnh mình để hỏi ý kiến bất kỳ lúc nào cần đến. Nghe nói, Thích Tử Thông và Hốt Tất Liệt “giao hảo thân thiết gắn bó, như cá gặp nước, như hổ trên núi”.
Từ đó, bên cạnh Hốt Tất Liệt có thêm một vị quân sư mặc trang phục tăng nhân. Bởi vì ông đồng thời phụ trách quản lý các loại giấy tờ của phủ đệ, cho nên mọi người lấy một chữ trong pháp danh của ông để gọi ông là “Thông thư ký”.
Mấy năm sau, cha của Thích Tử Thông qua đời, ông vội về quê nhà chịu tang, Hốt Tất Liệt ban cho ông trăm lượng vàng để làm chi phí lo liệu việc mai táng, còn phái người đưa ông đến Hình Châu, có thể thấy được rằng Hốt Tất Liệt rất coi trọng ông.
Chiêu mộ danh Nho, học hỏi đạo trị thế
Hẳn là trong lúc đàm luận cùng với cao tăng Hải Vân và Thích Tử Thông, Hốt Tất Liệt đã được gợi ý, cho nên từ năm 1242, Hốt Tất Liệt bắt đầu chiêu mộ và bổ nhiệm một số người Hán làm phụ tá, đều là những nhà Nho tôn sùng Nho học. Một số là danh Nho ở địa phương, ví như Triệu Bích, Đậu Mặc, Diêu Xu, Trương Đức Huy … Mỗi khi mời một vị danh Nho, Hốt Tất Liệt đều sẽ mời họ truyền thụ văn hóa Nho gia, đặc biệt là các tác phẩm kinh điển của Nho gia như “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”, “Đại học”, “Trung Dung”, “Chu Dịch”, “Tư trị thông giám”, v.v. Đạo lý tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ trong tư tưởng Nho gia đã thu hút sâu sắc đến Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt cũng cảm thấy hứng thú sâu sắc với các kinh nghiệm lịch sử và những bài học giáo huấn, đạo lý trị thế qua các thời kỳ thái bình, loạn lạc, sự hưng suy của các triều đại. Để Hốt Tất Liệt hiểu rõ văn hóa Nho gia một cách dễ dàng, các danh Nho còn lựa chọn các chương mục trong các sách vở nhiều như biển, biên soạn ra “Ngũ kinh yếu ngữ”, tổng cộng có hai mươi tám loại làm sách cho Hốt Tất Liệt. Trước tiên xin được giới thiệu một vài vị danh Nho có ảnh hưởng không nhỏ đến Hốt Tất Liệt.
Triệu Bích, tự là Bảo Thần, người vùng huyện Hoài Nhân, Vân Trung (nay là huyện Hoài Nhân, tỉnh Sơn Tây). Thời niên thiếu ông theo danh sư Lý Vi ở Cửu Sơn, Bát Quang Đình ở Kim Thành nghiên cứu học vấn Nho gia, “triêu tụng mộ khóa” (sáng sớm đọc sách chiều tối học bài), việc học tiến bộ rất nhanh.
Vào năm 1242, Hốt Tất Liệt nghe danh tiếng của ông, đã mời ông đến Hòa Lâm. Khi đó, Triệu Bích mới 23 tuổi. Thời đó cũng không có nhiều Nho sinh đi đến Mạc Bắc. Sau khi gặp mặt, Hốt Tất Liệt gọi thẳng ông bằng tên “Tú tài” mà không gọi bằng tên tự của ông, xem đó như biểu thị sự tôn trọng, còn ban cho ông ba người tôi tớ, nói với thê tử của mình đích thân may y phục cho ông, đối với ông khoản đãi có thừa.
Cảm niệm ơn tri ngộ của Hốt Tất Liệt, Triệu Bích một mặt nghiêm túc học tiếng Mông Cổ, để giảng dạy cho mười học sinh người Mông Cổ về văn hóa Nho gia. Khi đã thông thạo tiếng Mông Cổ, ông theo lệnh của Hốt Tất Liệt phiên dịch và giảng giải “Đại học diễn nghĩa”. Hốt Tất Liệt từng cảm thán rằng Triệu Bích là người Hán mà “khả năng quốc ngữ (tiếng Mông Cổ) sâu sắc và tinh tế như thế”. Mặt khác, Triệu Bích phụng mệnh của Hốt Tất Liệt tìm các danh sĩ của triều Kim đang lưu lạc khắp nơi về phụ tá cho Hốt Tất Liệt, trong số đó có những người như Diêu Xu, Vương Ngạc được ông tìm mời về.
Năm 1251, huynh trưởng của Hốt Tất Liệt là Đại Hãn Mông Kha gọi Triệu Bích đến hỏi làm thế nào để thống trị và cai quản thiên hạ. Triệu Bích nói, phải “trước tiên là giết chết những cận thần bất thiện”, tức là phải thanh trừ những nịnh thần xung quanh. Mông Kha nghe xong rất mất hứng. Sau đó Hốt Tất Liệt nói với Triệu Bích rằng: “Tú tài, cả người ông toàn là gan tà! Ông làm cho ta đổ cả mồ hôi tay này”.
Đậu Mặc, tự là Tử Thanh, người ở vùng Phì Hương, huyện Quảng Bình (thuộc Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc ngày nay). Lúc nhỏ ông rất thích đọc sách, kiên định chí hướng. Khi quân đội Mông Cổ chinh phạt nhà Kim, Đậu Mặc bị bắt, sau đó đào thoát được trở lại quê nhà. Khi về nhà, mẫu thân của ông vẫn còn sống, nhưng quê nhà đã bị chiến tranh ảnh hưởng, cực kỳ hỗn loạn. Trong nỗi sợ hãi đó, hai mẹ con ông đều sinh bệnh. Sau đó mẫu thân của ông chết vì bệnh tật, ông thân mang bệnh mà chôn cất mẫu thân.
Khi quân đội Mông Cổ đến đột kích lần thứ hai, Đậu Mặc chạy trốn về hướng nam vượt qua sông Hoàng Hà, nương nhờ người cậu họ Ngô, đồng thời bắt đầu học y. Sau đó ông gặp được danh y Lý Hạo, dạy cho ông châm cứu đồng nhân, từ đó y thuật của ông tiến bộ vượt bậc, sau trở thành một vị danh y nổi tiếng. Trở về cố quê, ông trị bệnh cho mọi người, không cầu tiền tài, cũng không cầu báo đáp, chỉ cần người có bệnh đến cửa cầu, bất luận giàu hay nghèo, ông đều đối xử bình đẳng, chưa bao giờ đòi hỏi người bệnh phải báo đáp, có thể thấy được y đức của ông rất cao thượng.
Kim Ai Tông dời đô đến Thái Châu, Đậu Mặc sợ quân Mông Cổ quấy nhiễu, nên chạy đến Đức An, tại đây ông an tâm đọc sách. Sau khi triều Kim bị Mông Cổ tiêu diệt, Trung thư Dương Duy Trung của Mông Cổ phụng chỉ triệu tập các chí sĩ của Nho, Đạo, Phật, vì vậy Đậu Mặc lại trở về, nhưng ẩn cư ở Đại Danh. Ông cùng với Diêu Xu, Hứa Hoành sớm tối nghiên cứu và thảo luận, cứ như thế quên ăn quên ngủ. Sau đó ông trở về Phì Hương, dùng học thuyết Nho gia dạy dỗ học trò, từ đó nổi danh ở đời.
Hốt Tất Liệt nghe đại danh của Đậu Mặc, thông qua bằng hữu, ông mời Đậu Mặc đến phủ của mình. Hốt Tất Liệt hỏi ông về đạo lý trị thế, Đậu Mặc đầu tiên đề cập đến tam cương ngũ thường của Nho gia. “Tam cương” tức là ba luân lý: mối quan hệ vua-tôi, mối quan hệ phụ-tử, mối quan hệ phu-thê. “Ngũ thường” tức là luân lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Theo Đậu Mặc nhìn nhận, một xã hội nếu như muốn hài hòa có trật tự, nhất định phải tuân theo tam cương ngũ thường.
Đậu Mặc còn nói cho Hốt Tất Liệt biết rằng: “Đạo Đế vương, là ý ở tâm thành chính, tâm đã chính, thì triều đình xa gần đều không dám bất chính.” Tức là nếu như tâm của Đế Vương chân thành chính nghĩa, thì trên làm dưới theo, các cấp đại thần cũng không dám không chính tâm.
Lời của Đậu Mặc khiến cho Hốt Tất Liệt tràn đầy cảm xúc, vì vậy một ngày Hốt Tất Liệt muốn triệu kiến Đậu Mặc ba lần để cùng trò chuyện, mỗi lần Đậu Mặc trả lời đều rất hợp với tâm ý của Hốt Tất Liệt. Từ đó Hốt Tất Liệt ưu đãi đối với Đậu Mặc gấp đôi, không để cho ông rời khỏi mình.
Hốt Tất Liệt lại hỏi ông rằng hiện nay người hiểu rõ đạo lý trị thế có những ai, Đậu Mặc đã tiến cử Diêu Xu và Hứa Hoành. Hốt Tất Liệt lập tức cho người đi mời hai người họ.
Hốt Tất Liệt để cho con trai của mình là Chân Kim đi theo Đậu Mặc học tập, còn ban thưởng cho Đậu Mặc khóa thắt lưng bằng ngọc, đồng thời nói với ông rằng: “Đây là đồ của nội phủ triều Kim, ông là người lớn tuổi, vừa vặn thích hợp đeo, như thế các vương tử của ta thấy vật này giống như nhìn thấy ta vậy”.
Diêu Xu, tự là Công Mậu, người vùng Liễu Thành, sau chuyển về Lạc Dương. Thời niên thiếu ông đã từng cùng Dương Duy Trung đi bái kiến Oa Khoát Đài. Năm 1235, quân đội Mông Cổ xuôi nam chinh phạt triều Tống, hạ lệnh Diêu Xu cùng với Dương Duy Trung đi theo quân đội để tìm cầu những nhân tài về Nho, Đạo, Phật, Y, bói toán. Quân Mông Cổ đánh phá Táo Dương, chủ tướng Mông Cổ muốn giết hại toàn bộ cư dân của thành, Diêu Xu ra sức can ngăn, nói làm như vậy cũng không đúng theo ý chỉ của chiếu thư, về sau làm thế nào bẩm báo với Hoàng Đế. Vì thế Dương Duy Trung đã không tiến hành giết hại.
Năm 1241, Diêu Xu được bổ nhiệm làm Hành đài Lang trung ở Yên Kinh, cũng được ban cho Kim phù. Không lâu sau đó, vì từ chối hối lộ nên ông đã từ quan, mang theo gia quyến chuyển đến Huy Châu. Tại đây ông xây dựng từ đường, dành riêng một phòng để thờ cúng Khổng Tử và Chu Đôn Di, một nhà Nho thời Tống. Ngoài việc in ấn Kinh thư, mỗi ngày ông đọc sách đánh đàn, dự định sống quãng đời còn lại ở nơi này.
Năm 1250, Hốt Tất Liệt phái Triệu Bích mời Diêu Xu đến ở Phiên Để (dinh thự dành cho các chư hầu đến chầu), dùng lễ đối đãi như khách quý. Hốt Tất Liệt hỏi ý kiến ông về đạo trị quốc. Diêu Xu dâng lên thư sách hơn mấy ngàn chữ, đầu tiên là đem đạo lý trị quốc bình thiên hạ của nhị Đế tam Vương viết thành tám điều: tu thân, nỗ lực học tập, tôn người hiền tài, yêu quý thân nhân, kính Trời, yêu dân, hướng thiện, xa kẻ xu nịnh.
Tiếp theo ông liệt kê ra 13 điều nhằm cứu vãn tình thế hiện tại, “Đầy đủ từ gốc đến ngọn, lớn nhỏ đều không sót”, nội dung chủ yếu là: Thiết lập Trung thư tỉnh và các bộ, thống nhất mệnh lệnh của quốc gia, thiết lập và phổ biến kỷ cương; tuyển chọn và đề cử người hiền tài, cắt giảm người không có năng lực; ban thưởng bổng lộc, ngăn chặn hối lộ; chế định pháp luật, thẩm tra xử lý hình ngục, thu quyền sinh sát về triều đình, làm sao để người bị oan có thể giải tội; xây dựng cơ quan giám sát, thăng chức cho quan lại có năng lực, hạ cấp các quan lại không có năng lực; dừng các lệnh trưng thu, có chính sách để khiến các bộ tộc không được phép vơ vét tài sản quấy nhiễu người dân; tinh giản dịch trạm truyền phát, giảm nhẹ gánh nặng cho các châu quận; xây dựng trường học, khởi xướng và đề cao kinh điển Nho giáo, tuyên dương tiết hiếu, nhằm bồi dưỡng nhân tài, thuần hóa phong tục; phát triển nông nghiệp, hạn chế lao dịch, thu thuế ít, cấm chỉ chơi bời lêu lổng; kỷ luật quân đội và chính trị nghiêm khắc, không cho phép quấy nhiễu người dân; cứu tế người nghèo, trợ cấp người không nơi nương tựa; thực hiện chế độ đồn điền, phòng thủ biên cương, củng cố quốc phòng; khai thông các sông ngòi phát triển giao thông đường thủy, làm cho kho lương ở kinh đô dồi dào; cấm cho vay nặng lãi, để cho những người vay mượn tiền không đến mức phá sản; thiết lập các kho chứa tích trữ lương thực đề phòng mất mùa; xây dựng quy định về đo lường, làm cho gian thương không thể lừa gạt; ngăn chặn vu khống, nhằm giảm thiểu những kiện tụng không đáng có … Chắc chắn rằng, đây đều là những phương thức quản lý quốc gia hữu hiệu của người Hán.
Đọc những kiến nghị của Diêu Xu, Hốt Tất Liệt thừa nhận Diêu Xu tài hoa xuất chúng, vì thế thường luôn triệu ông đến hỏi ý kiến. Hốt Tất Liệt cũng xem ông như một mưu thần quan trọng của mình, hơn nữa mời ông giảng dạy kinh thư cho con trai trưởng của mình.
Vương Ngạc, tự là Bách Nhất, người vùng Đông Minh, Tào Châu. Lúc ông mới sinh ra, có con chim lớn đứng ở trong sân nhà, nên mới có tên là “Ngạc” (鶚 ngạc: Con chim Ngạc, hay còn gọi là chim Ó Cá, chim ưng biển). Từ nhỏ ông đã thông minh, mỗi ngày đọc thuộc hơn ngàn câu thơ văn, lớn lên giỏi về thơ phú. Năm Chính Đại thứ nhất thời Kim Ai Tông (1224), ông đỗ Trạng Nguyên, sau đó ra làm quan của triều Kim. Sau khi Thái Châu bị quân đội Mông Cổ đánh chiếm, Vương Ngạc bị bắt làm tù binh, sau đó được cứu ra, sống an ổn ở Bảo Châu.
Năm 1244, ông được Hốt Tất Liệt mời đến phủ đệ ở Mạc Bắc. Hốt Tất Liệt đối đãi với ông rất tốt, mỗi lần đều ban thưởng ghế ngồi, cũng gọi thẳng ông là “Trạng Nguyên” mà không gọi danh tự của ông. Mỗi ngày Vương Ngạc giảng giải “Hiếu kinh”, “Thư kinh”, “Dịch kinh” cùng với đạo lý tề gia trị quốc, biến hóa của sự vật từ xưa đến nay cho Hốt Tất Liệt, thường thường giảng giải cho đến đêm khuya, cứ như thế hơn một năm. Hốt Tất Liệt cảm động trước những điều ông giảng giải, từng nói: “Ta nay tuy chưa thể lập tức thi hành, lẽ nào ngày sau không thể thực hiện được ư!”
Sau đó Vương Ngạc thỉnh cầu về quê, nhưng Hốt Tất Liệt mời ông lưu lại, ban cho ông một tòa nhà lớn. Hốt Tất Liệt còn để cho Vương Ngạc làm thầy dạy cho năm người hầu cận của mình là Khoát Khoát, Liêm Hy Hiến, Sài Trinh … để họ theo ông học văn hóa người Hán.
Trương Đức Huy, là đại nho gia của triều Kim, từng đảm nhiệm chức Ngự sử đài Nha môn của triều Kim. Sau khi nhà Kim bị diệt vong, ông làm quan dưới trướng đại tướng Mông Cổ là Sử Thiên Trạch. Năm 1247, ông được Hốt Tất Liệt triệu kiến. Trong “Lĩnh bắc kỷ hành” có ghi chép lại quá trình Trương Đức Huy yết kiến Hốt Tất Liệt.
Lần gặp mặt đầu tiên, Hốt Tất Liệt hỏi Trương Đức Huy vấn đề thứ nhất: “Khổng Tử qua đời đã lâu, hiện giờ tinh thần lý tưởng của ông ấy còn không?” Trương Đức Huy đáp: “Thánh nhân tồn tại với Trời đất, không nơi nào mà không có. Điện hạ có thể thực hành đạo của Thánh nhân, thì được gọi là Thánh nhân, đạo lý chân chính tất nhiên là ở trong trướng điện này đây.”
Hốt Tất Liệt lại hỏi: “Có người nói, triều Kim bởi vì tôn sùng Nho học mà diệt vong, có cách nói này sao?” Trương Đức Huy hồi đáp rằng: “Trong các quan đại thần chủ quản của triều Kim tuy có sử dụng một hai vị quan lại là Nho gia, nhưng còn lại đều là các võ tướng truyền thừa, khi thảo luận việc quân đội, đại sự quốc gia cũng không để cho các Nho thần này tham dự. Hơn nữa số Nho sinh được tiến vào làm quan chủ quản, đại khái chỉ chiếm ba phần mười, chẳng qua chức trách chỉ làm duyệt sổ văn kiện, thẩm án, quản lý tài vụ mà thôi. Sự tồn vong của nước Kim, tự có người nên chịu trách nhiệm, các Nho thần có làm gì sai trái?” Hốt Tất Liệt gật đầu nói đúng vậy.
Khi đối diện với nghi vấn của Hốt Tất Liệt về “Quy củ của Tổ tông đều còn tồn tại, mà rất nhiều điều trong đó chưa thể thực thi được, nên làm thế nào cho phải?” Trương Đức Huy chỉ vào cái khay bạc ví dụ rằng: “Người làm nghiệp lớn khai sáng quốc gia, như chế tạo vật bằng bạc này, cần chọn lọc kỹ càng thợ bạc giỏi, tuân theo quy tắc nhất định mà chế tác nên, truyền giao lại cho người đời sau, truyền đến đời đời. Nhưng phải truyền giao cho người cẩn thận phúc hậu nắm giữ, mới vĩnh viễn là trân bảo. Nếu không, không chỉ sẽ hư hại, mà còn lo sợ có nguy cơ bị trộm mất.” Hốt Tất Liệt trầm tư hồi lâu mới nói: “Đây là điều mà ta không thể quên được”.
Hốt Tất Liệt lại hỏi có thể dùng những nhân tài nào của Trung Nguyên, Trương Đức Huy tiến cử hơn 20 người, trong đó có ba người như Ngụy Phan, Nguyên Dụ, Lý Trị. Nguyên Dụ tức là Nguyên Hảo Vấn, cùng với Lý Trị đều là bạn thâm giao của Trương Đức Huy, là hai vị trong “Phong Long sơn tam lão” được nhắc đến trong “Nguyên sử – Trương thị truyện”.
Mùa xuân năm 1248, ở lần nói chuyện thứ hai giữa Hốt Tất Liệt và Trương Đức Huy, Hốt Tất Liệt hỏi vì sao phải tiến hành lễ tế điện Khổng Tử. Trương Đức Huy đã trả lời rằng, Khổng Tử là người thầy của người thống trị thiên hạ muôn đời, cho nên các đời Quân chủ đều tôn kính ông, đều xây dựng miếu thờ ông rất trang nghiêm kính cẩn, tế bái đúng hạn. Sùng kính ông hay không, đối với Thánh nhân không lợi cũng không hại, nhưng có thể thấy được ý tứ của bậc Quân vương sùng Nho trọng Đạo như thế nào. Hốt Tất Liệt liền nói: “Từ nay trở đi, lễ nghi này chớ bỏ”, tức là lễ cúng tế Khổng Tử cần phải duy trì mãi mãi.
Ngoài ra, Trương Đức Huy còn giải thích câu hỏi “Lãnh binh và trị dân, việc nào có hại đến bách tính nhất?” đồng thời ông cũng kiến nghị phải bổ nhiệm người có đức hạnh, như thế mới có thể tránh được việc gây hại cho dân chúng.
Hẳn là, Hốt Tất Liệt đã có “tư tưởng lớn đầy hứa hẹn đối với thiên hạ” từ rất sớm. Thông qua sự truyền thụ của những cao tăng, danh Nho người Hán, mà Hốt Tất Liệt tiến thêm một bước hiểu rõ hơn về Phật pháp, hiểu rõ văn hóa Nho gia, hiểu được làm một bậc Đế Vương như thế nào, hiểu được làm thế nào để thống trị và quản lý một quốc gia. Những điều này đã đặt định nền móng vững chắc giúp Hốt Tất Liệt hoàn thành sự nghiệp mà ông nội [Thành Cát Tư Hãn] của mình còn đang dang dở.
Trong các đời Đế vương của các triều đại trong lịch sử, Hốt Tất Liệt rất mực tôn trọng Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ và Kim Thế Tông. Trong đó Kim Thế Tông chính là nhân vật then chốt trong việc đưa triều Kim hướng đến việc Hán hóa toàn bộ. Đường Thái Tông trước khi lên ngôi, khi còn ở phủ Tần Vương đã thỉnh mời những nhân tài như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối …, với sự giúp đỡ của những người này đã thành tựu nên sự nghiệp vĩ đại một đời của ông. Điều này khiến cho Hốt Tất Liệt ấn tượng khắc sâu. Chính vậy, về phương diện trị quốc và đối nhân xử thế sau này, Hốt Tất Liệt đã hữu ý noi theo những vị Minh quân này, bao gồm cả việc thu nhận nhân tài rộng rãi.
Không còn nghi ngờ gì nữa, từ hướng đi của Hốt Tất Liệt mà nhìn nhận, lúc đó Hốt Tất Liệt đã biết được rằng Nho gia đối với quốc gia có “lợi ích rất lớn”, ông có ý định dùng Nho gia trị thiên hạ. Sau này, mặc dù ông bước lên ngôi vị Hợp Hãn và trở thành Hoàng đế triều Nguyên, ông vẫn luôn yêu thích văn hóa Nho gia trước sau như một.
Tư liệu tham khảo:
“Nguyên sử”
“Tân Nguyên sử”
“Hốt Tất Liệt truyện”
“Đại Tạng Kinh”
Do Trương Hiến Nghĩa biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ