Hốt Tất Liệt (P.3): Phụ tá Mông Kha, Tổng lĩnh dân sinh vùng Mạc Nam và Hán địa
Vào Tháng 11 năm 1241 theo hoàng lịch, trong một cuộc đi săn, Đại Hãn Oa Khoát Đài đã băng hà tại hành cung, hưởng thọ 56 tuổi, tại vị được 12 năm 3 tháng. Bởi vì khi còn sống Oa Khoát Đài chưa xác lập Thái tử, cho nên sau khi ông mất, vấn đề người thừa kế ngôi vị Khả Hãn đã dẫn đến một cuộc phân tranh trong triều, khiến cho ngôi vị này còn để trống.
Sau hơn 4 năm trì hoãn, năm 1246, trong đại hội Hốt Lý Lặc Đài nhằm xác định người kế thừa Hãn vị, phần lớn chư Vương của các Bộ, tướng lĩnh, quý tộc… đều đồng ý đề cử con trai trưởng của Oa Khoát Đài là Quý Do làm tân Đại Hãn. Mùa xuân năm 1248, trên đường tây chinh Bạt Đô thì Quý Do qua đời, hưởng thọ 43 tuổi, tại vị chỉ trong 1 năm 8 tháng, về sau được truy phong là Định Tông.
Mông Kha kế thừa ngôi vị Khả Hãn
Tháng 6 năm 1251 Hoàng lịch, đại hội Hốt Lý Lặc Đài được cử hành tại Đại Oát Nhĩ Đóa của Thành Cát Tư Hãn bên bờ sông Onon trên thảo nguyên Mông Cổ, các chi phái trong gia tộc của Thành Cát Tư Hãn đều cử đại biểu đến tham dự. Các tông vương đại thần sau nhiều lần thương nghị đã thông qua đề nghị của Bạt Đô (con trai thứ của Truật Xích, Truật Xích là con trai trưởng của Thành Cát Tư Hãn) là cùng nhau ủng hộ con trai trưởng Mông Kha của Đà Lôi, cũng là con nuôi của Oa Khoát Đài, lên kế thừa Hãn vị.
Mông Kha là con trai trưởng của Đà Lôi và Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni. Khi Mông Kha ra đời, nhiều người hiểu biết thiên tượng nói rằng tương lai cậu “tất sẽ đại quý”, cho nên đặt tên là Mông Kha. Chữ Mông Kha theo Hãn ngữ thì có nghĩa là “trường sinh”.
Oa Khoát Đài trước khi kế vị Đại Hãn, từng nhận Mông Kha làm con nuôi và nuôi dưỡng bên cạnh mình, để cho Hoàng hậu Ngang Hôi nuôi dạy. Khi Mông Kha lớn lên, ông còn cho Hỏa Lý Soa thuộc bộ tộc Hỏa Lỗ Lạt cho Mông Kha cưới làm phi, đồng thời phân cho Mông Kha một bộ phận dân chúng.
Trước đó, Oa Khoát Đài rất yêu quý Mông Kha. Có hôm Oa Khoát Đài triệu Mông Kha đến bên cạnh, xoa đầu Mông Kha rồi nói: “Là có thể làm Vua thiên hạ”. Mông Kha từng nhiều lần đi theo Oa Khoát Đài tham gia chinh phạt, nhiều lần lập được kỳ công. Năm 1232 sau khi Đà Lôi qua đời, Mông Kha mới trở về kế thừa đất phong của Đà Lôi.
Mông Kha tiếp tục đặt định cơ nghiệp cho Hốt Tất Liệt
Ngày Mông Kha lên ngôi, ông đã truy tôn phụ thân Đà Lôi làm Đế, tôn mẫu thân Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni làm Hoàng Thái Hậu. Sau khi Mông Kha lên ngôi liền nhanh chóng khôi phục quy định Trát Tát do Thành Cát Tư Hãn đặt định. Ông ban bố chiếu lệnh: Phàm là người của triều đình cùng với các chư Vương lạm dụng chỉ lệnh, thì đều phải thu hồi toàn bộ; xe ngựa của chư Vương, cho phép ba con ngựa kéo, đi đường xa không được quá bốn con ngựa; chư Vương không được phép tự ý chiêu nhận hộ dân, không được tự ý ban bố mệnh lệnh ở các vùng, các thuộc quan không được dùng danh nghĩa thu thuế để trưng thu tiền tài của người dân, người nộp thuế có thể giao nộp ở vùng lân cận. Ông còn tạm dừng công trình xây dựng thành Hòa Lâm, để cho năm ngàn nông dân về nhà v.v.
Để bảo đảm nguồn vật tư cần thiết cho các cuộc chiến chinh phục sau này, Mông Kha yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra mới và chính xác về giới tính và nhân khẩu trong toàn quốc. Cuộc điều tra nhân khẩu lần này nhằm xác định và huy động nguồn tài phú và nhân lực của đế quốc để phục vụ chiến tranh, vì vậy các thứ như súc vật, vườn trái cây, nguyên liệu (ví như dự trữ sắt và muối) và cả con người đều được liệt kê vào danh sách. Cho dù là phạm vi hay mức độ nghiêm túc của cuộc điều tra, kết quả thống kê của Mông Kha đều vượt hơn hẳn kết quả thống kê của Oa Khoát Đài và Quý Do.
Ngoài ra, Mông Kha còn chiếu theo chế độ thời Thành Cát Tư Hãn và Oa Khoát Đài, miễn trừ thuế thân cho những người già và giáo đồ của các tôn giáo như Thích giáo, Đạo giáo, Cơ đốc giáo. Chỉnh sửa quy định thu thuế ở Tây Vực, trâu bò, ngựa trăm con thì thu thuế một, không tới trăm con thì miễn thu thuế. Điều đáng nói chính là, ông còn hạ lệnh trả số tiền 50 vạn thỏi bạc do Quý Do và Hoàng Hậu, Hoàng Tử mua sắm châu báu còn nợ, mặc dù số tiền này ông không cần phải trả thay cho họ. Không lâu sau, ông còn nghe theo kiến nghị của một người đến từ Tây Hạ là Cao Trí Diệu, miễn trừ lao dịch cho các Nho sĩ trong nước, điều này có ý nghĩa khá quan trọng đối với tầng lớp Nho sĩ.
Vào mùa xuân năm thứ hai sau khi Mông Kha lên ngôi, mẫu thân Toa Lỗ Hòa Thiếp Ni bị bệnh qua đời, người phụ nữ thông tuệ này sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình đã thanh thản rời đi. Sau khi qua đời, bà được an táng bên cạnh mộ của Đà Lôi chồng bà và mộ của Thành Cát Tư Hãn.
Mông Kha tính tình “cương minh hùng nghị” (cứng rắn, sáng suốt, mạnh mẽ, kiên quyết), trầm mặc ít nói, cũng đã thay đổi chính sách lỏng lẻo của Oa Khoát Đài và Quý Do, củng cố hóa quyền lực của Khả Hãn. Thời Oa Khoát Đài, quần thần chiếm quyền thế, nảy sinh nhiều phe phái, thời Quý Do bởi vì sức khỏe kém, mọi việc cũng do trọng thần quyết định. Đến thời Mông Kha, tất cả các chiếu lệnh đều do chính ông viết, hơn nữa thường cân nhắc nhiều lần sau đó mới tiến hành, đây là điều hiếm có trong các vị Đế vương của Mông Nguyên.
Trên cơ sở phân chia và thiết lập các Đoạn Sự quan ở các vùng thuộc thẩm quyền trực tiếp của Đại Hãn vương triều trước, Mông Kha còn tiến thêm một bước hoàn thiện và tăng cường ba cơ quan Thượng Thư Tỉnh ở ba vùng Yên Kinh, Biệt Thất Bát Lý (Beshbalik thuộc Tây Liêu và Tân Cương ngày nay) và A Mẫu Hà (khu vực Transoxiana).
Sử ghi, Mông Kha “quản lý quần thần rất nghiêm”, ông thường răn dạy các đại thần rằng: “Các vị được trẫm khen ngợi, liền chí khí kiêu ngạo, tai họa chẳng phải sẽ ập đến các vị sao ư? Các vị nên bỏ nó đi”. Ngoài ra, ông còn rất tin tưởng thuật bói toán, mỗi khi gặp việc trọng đại, trước khi hành sự ông đều muốn bói xem cát hung.
Trong cuộc sống, Mông Kha không thích xa xỉ lãng phí, không thích tiệc tùng ăn uống, còn nghiêm ngặt hạn chế chi phí cho việc ăn uống và y phục của các hậu phi, không cho phép tùy tiện phung phí. Một lần, nước Hồi Hột dâng tặng các vật như bồn thủy tinh, dù trân châu v.v. có giá trị hơn 3 vạn nén bạc. Mông Kha lấy lý do “hiện nay bách tính đang còn vất vả khốn khó, chỗ tiền này trẫm sao có thể giữ nó cho riêng mình” để từ chối. Về sau dưới sự khuyên giải của các đại thần, ông mới nhận lấy, nhưng thanh toán một phần chi phí đó, đồng thời cũng nói lần sau không được chiếu theo lệ này nữa .
Chịu ảnh hưởng của mẫu thân, Mông Kha rất có hảo cảm đối với Cơ Đốc giáo, cũng cảm thấy hứng thú đối với Phật giáo và Đạo giáo. Trong khoảng thời gian từ năm 1251 đến năm 1252, ông đã bổ nhiệm đạo sĩ Lý Chí Thường và Lạt Ma Na Ma làm quốc sư. Năm 1255 cử hành đại hội biện luận giữa giáo đồ Phật giáo với giáo đồ Đạo giáo, ông cũng tham gia đại hội này. Năm 1256, Mông Kha đã cử hành hội nghị Phật giáo ở cung điện Hòa Lâm. Ông nói: “Tất cả tôn giáo giống như năm ngón tay của bàn tay”, “Phật môn như bàn tay, những tôn giáo khác như ngón tay”. Hiển nhiên, ông nghiêng về Phật giáo hơn.
Tháng 1 năm 1254, Mông Kha đã tiếp kiến sứ thần của Vua Louis IX nước Pháp là Guillaume de Rubrouck – một tín đồ Cơ Đốc. Nửa năm sau, Guillaume de Rubrouck mang theo thư hồi âm của Mông Kha quay trở về nước.
Về mặt chinh phục quân sự đối ngoại, Mông Kha tiếp tục đi theo dấu chân của ông nội mình, tiếp tục mở rộng lãnh thổ. Ông phái hai người em trai cùng mẹ với mình là Hốt Tất Liệt phụ trách quản lý vùng phía nam Trung Quốc và Húc Liệt Ngột đảm nhiệm việc chinh phạt Tây Á. Liên quan đến cuộc chinh phạt của Hốt Tất Liệt, về phần sau sẽ nói đến, ở phần này nói một chút về cuộc tây chinh của Húc Liệt Ngột.
Tháng 6 năm 1253, Mông Kha lệnh cho Húc Liệt Ngột dẫn mười vạn đại quân tây chinh. Quân tây chinh xuất phát từ thảo nguyên Mạc Bắc , năm 1256 sau khi đại quân vượt qua sông A Mỗ (sông Amu Darya ở Trung Á) thì đánh đâu thắng đó, đầu tiên tấn công tiêu diệt chính quyền người Lur ở miền nam Ba Tư, sau đó công phá Mulayi quốc (Hashshashin dòng Ismaili) nằm ở vùng miền tây Ba Tư; năm 1258 tấn công vào Baghdad, kết thúc sự thống trị của vương triều Abbas; ngày 1 tháng 3 năm 1260, chiếm được quyền thống trị của Vương triều Ayyub ở Syria, đồng thời phái quân công chiếm phần lớn khu vực Tiểu Á. Sau đó vì nghe tin Mông Kha băng hà nên Húc Liệt Ngột bắt đầu dẫn đại quân trở về.
Trong thời gian Húc Liệt Ngột chinh phạt vùng Tây Á và giành được nhiều thắng lợi liên tiếp, thì Mông Kha cũng lại một lần nữa bắt đầu hành trình tấn công Nam Tống.
Hốt Tất Liệt làm tổng lĩnh dân vụ khu vực Mạc Nam, Hán địa, đạt được hiền danh
Sau khi Mông Kha lên ngôi vị Đại Hãn, Hốt Tất Liệt bắt đầu tham gia vào Hãn Đình quyết sách, bày mưu tính kế cho huynh trưởng. Bởi vì Hốt Tất Liệt là người “tài đức vẹn toàn” trong các anh em cùng mẹ với Mông Kha, nên Mông Kha bổ nhiệm Hốt Tất Liệt làm Thân Vương phụ trách tổng lĩnh dân vụ vùng Mạc Nam và vùng Hán địa, các vấn đề dân hộ ở hai vùng này đều do Hốt Tất Liệt quyết định. Vùng Mạc Nam là chỉ khu vực nằm ở phía nam sa mạc Gobi và phía bắc Âm Sơn, ngày nay nằm ở giữa Trung Quốc và Mông Cổ. Hán địa, là chỉ các khu vực trung nguyên bị Mông Cổ đánh chiếm; dân hộ là vấn đề dân cư đăng ký ở quan phủ, do Đại Hãn trực tiếp kiểm soát thuế dịch.
Sở dĩ Mông Kha chọn Hốt Tất Liệt phụ trách quản lý vùng Mạc Nam và Hán địa, là vì Mông Kha biết Hốt Tất Liệt có hứng thú và hiểu biết nhất định đối với văn hóa và đất đai người Hán, hơn nữa bên cạnh Hốt Tất Liệt có không ít người Hán có thể giúp đỡ quản lý. Đợt bổ nhiệm này khiến Hốt Tất Liệt càng cảm thấy cần phải chiêu mộ các chí sĩ trí thức đang lưu lạc các nơi ở trung nguyên. Vì vậy, ông công khai dùng cờ hiệu “Cựu thần phủ Diên Phiên và chí sĩ văn học bốn phương” để thu hút nhân tài, nhờ vậy “Kim Liên Xuyên Mạc phủ” dần được hình thành và rất có danh tiếng.
Sau khi làm Tổng lĩnh dân vụ ở Mạc Nam và vùng Hán địa, Hốt Tất Liệt không thể ở lại Hòa Lâm của Mạc Bắc, cần phải ở phía bắc Yên Kinh chọn nơi đóng quân mới. Hốt Tất Liệt từng hỏi Bá Đột Lỗ, cháu trai của Mộc Hoa Lê, cũng là vị tướng lĩnh mà mình tín nhiệm nhất rằng: “Thiên hạ vừa định, ta muốn khuyên chủ thượng đóng quân ở Hồi Hột, quân lính nghỉ ngơi, người dân ổn định sinh sống, ngươi thấy như thế nào?”. Hồi Hột được nhắc đến ở đây, chính là chỉ thành Nha Trướng Hồi Hột, đã từng là trung tâm văn hóa chính trị của vùng Mạc Bắc, có phương thức phong tục và sinh hoạt rất giống với người Mông Cổ, hiện nay thành Nha Trướng Hồi Hột này nằm ở vùng thung lũng Orkhon của Mông Cổ.
Tuy nhiên, Bá Đột Lỗ không đồng ý, đáp rằng: “Vùng đất U Yên, rồng cuộn hổ ngồi, hình thế hùng vĩ, phía nam có sông Hoài, phía bắc nối liền Đại Mạc. Hơn nữa, Thiên Tử nhất định phải ở trung tâm để nhận sự triều kiến bốn phương. Đại Vương đúng là muốn thống trị thiên hạ, thì không thể không đóng quân ở U Yên”. Bá Đột Lỗ đề nghị chọn vùng U Yên, nơi đây đều là thủ đô và là trung tâm chính trị của thời kỳ Liêu, Kim. Hốt Tất Liệt lập tức đã hiểu được, “nếu không phải ngươi nói như vậy, ta chút nữa phạm phải sai lầm rồi”.
Vì vậy, Hốt Tất Liệt dời địa điểm đóng quân đến vùng U Yên, đồng thời trước tiên đem Phiên phủ trú đóng ở vùng có địa thế phong thủy bảo địa trọng yếu – đồng bằng sông Kim Liên. Vào thời triều Kim, vùng đồng bằng sông Kim Liên có hai tòa thành là: Hoàn Châu và Phủ Châu, vào thời đó hai tòa thành này đều có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược và tiếp viện.
Nói đến sông Kim Liên còn có một giai thoại lịch sử. Năm Đại Định thứ 8 triều Kim (năm 1168), Kim Thế Tông Hoàn Nhan Ung vì tuyển chọn “Doanh trướng của Đế Vương” mà đi đến một vùng núi sông, đá núi nơi đây có tạo hình giống người giống vật, giống chim giống thú, quả là khéo léo tuyệt vời, sống động như thật, rất có phong vận giống như núi Trường Bạch. Ông nhìn thấy trong dòng sông nở đầy bông sen vàng mênh mông bát ngát, nhàn rỗi dạo chơi giữa dòng sông đầy hoa sen màu vàng, ngay cả phiền não ưu sầu đều lập tức tiêu tán. Vì thế, Kim Thế Tông lấy ý tứ mối tương liên kim chi và ngọc diệp từ để đổi tên dòng sông này thành “sông Kim Liên”.
Năm 1251, ở vùng sông Kim Liên, Hốt Tất Liệt phong cho Triệu Bích làm “Tổng Lục bộ tại Yên”, tức là quan Tất Đồ Xích, đảm nhiệm đứng đầu Đoạn Sự quan Yên Kinh phụ trách chủ quản về hành chính và tài chính ở Hán địa (cơ quan Thượng Thư tỉnh Yên Kinh). “Tổng Lục bộ tại Yên” tức là quan Thượng Thư Lục Bộ tại Yên, đây là tên phiên dịch chính thức của chức quan Đãi Trát Lỗ Hốt Xích, trợ thủ cho Đại Tất Đồ Xích lúc bấy giờ.
Đến năm thứ hai, dưới sự đề nghị của Diêu Xu, Hốt Tất Liệt lấy việc Đại Trát Lỗ Hốt Xích Yên Kinh không rõ chính sự, không quản lý nổi Hán địa, bèn thượng tấu xin được phân vùng Hà Nam nhằm thử quản lý, tức là thiết lập các đồn điền Kinh Lược ty ở Biện Kinh, làm bước chuẩn bị cho cuộc tấn công triều Tống; lập ty vận chuyển ở Vệ Huy, nhằm vận chuyển lương thực đến Hà Nam, tất cả điều này Mông Kha đều đồng ý. Vì thế Hốt Tất Liệt bổ nhiệm Triệu Bích, Sử Thiên Trạch, Dương Duy Trung cai quản Hà Nam.
Sử Thiên Trạch xuất thân từ gia tộc quyền thế ở Yên Kinh, văn võ song toàn, rất có ảnh hưởng ở Yên Kinh. Dương Duy Trung đã từng là mưu sĩ của Oa Khoát Đài, về sau theo đại quân Mông Cổ tấn công triều Tống, có được hơn mấy chục danh sĩ và số lượng lớn tranh họa và thư sách, bèn xây dựng thư viện Thái Cực ở Yên Kinh, giảng dạy lý học Trình Chu.
Khi đó vùng Hà Nam mới vừa gặp chiến tranh, dân chúng lầm than. Tổng quản lý Hà Nam là Vạn Hộ Lưu Phúc chuyên quyền hống hách, tham dâm bạo ngược, dân chúng không khỏi sợ hãi. Sau khi Triệu Bích đến, lập tức bắt Đổng chủ bộ (quan giữ sổ sách), Lưu Phúc sợ hãi đến chảy mồ hôi lạnh toàn thân, đổ bệnh nặng mà chết. Sau đó, Triệu Bích ở Hà Nam bắt trộm cướp, in tiền giấy, bình đẳng thuế má, lập đồn điền, giải quyết xong vấn đề dân sinh và xã hội. Nỗ lực gần ba năm, Hà Nam liền được xưng là “vùng được quản lý tốt nhất.”
Năm 1252, Hốt Tất Liệt dời từ sông Kim Liên đến hai châu là Hoàn Châu và Phủ Châu. Vùng Hình Châu là đất phong của Hốt Tất Liệt, vốn có một vạn hộ dân, lúc đầu phân hai ngàn hộ để cung cấp ăn mặc cho các quan lại, những người được phái đi quản lý, đều không biết thế nào là quản lý, mà dùng mọi cách tiến hành vơ vét đục khoét, dân chúng chịu không nổi, có người bèn tố cáo lên Vương phủ. Với sự kiến nghị của các mưu thần, Hốt Tất Liệt chọn hầu cận Thoát Ngột Thoát, Thượng thư Lưu Túc, Thị lang Lý Giản cùng nhau đi quản lý. Sau khi ba người đến Hình Châu, đồng tâm hiệp lực, trừ bỏ quan lại gây hại, cách chức tham bạo. Nhờ vậy những bách tính bỏ trốn đến nơi khác lánh nạn lần lượt quay trở về quê nhà, không quá một tháng, hộ dân tăng lên gấp mười.
Năm thứ ba sau khi Mông Kha lên ngôi, ông đã tăng thêm đất phong cho người cùng dòng họ. Nghe theo kiến nghị của mưu sĩ Diêu Xu, Hốt Tất Liệt đã nhận Kinh Triệu làm đất phong, Kinh Triệu tức là Trường An, thuộc vùng Quan Trung (lưu vực Sông Vị, ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), là vùng đất các Vương Bá muốn tranh giành từ xưa đến nay. Sau đó Hốt Tất Liệt thượng tấu xin chia thuế muối ở Giải Châu, Hà Đông làm lương cấp cho quân đội, lại xin thiết lập Tuyên Phủ ty ở Kinh Triệu; cho Bột Lan Hề, Dương Duy Trung làm Tuyên Phủ ty sử, thực thi đồn điền, còn đem thân binh của chính mình làm lực lượng phòng thủ ở Hưng Nguyên (ngày nay là vùng Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây), đề phòng quân đội Nam Tống. Rất nhanh, vùng Quan Lũng đã an định.
Vào năm 1256, Mông Kha lại đem vùng Hoài Khánh Lộ, Mạnh Châu (Tiêu Tác, Hà Nam ngày nay) làm đất phong ban thưởng thêm cho Hốt Tất Liệt, ranh giới phạm vi quản hạt của nó tương đương với các khu vực như huyện Tu Vũ, phía tây huyện Vũ Trắc của tỉnh Hà Nam và phía bắc Hoàng Hà. Hốt Tất Liệt phái Thương Đĩnh làm quản lý vùng Hoài Khánh Lộ, Mạnh Châu, đánh bại cường hào, phát triển sản xuất, sau đó lại mở kênh, dẫn nước tưới ruộng đất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Liên quan đến tình hình quản lý ở ba vùng Hình Châu, Hà Nam và Quan Trung, sau khi Hốt Tất Liệt lên làm Hoàng Đế, có một lần Diêu Xu dâng thư, bên trong có tổng kết rất hay: “Thái Tổ khai sáng cơ nghiệp, vượt qua đời trước, nhưng chưa kịp cai quản đã qua đời. Sau đó quan lại các triều dùng hình phạt quá mức, cuộc sống của người dân khốn khổ. Bệ Hạ từ nhỏ đã nhân từ thánh minh, thời ở phủ thì nghe sách Thánh nhân, mỗi ngày đàm luận đạo lý trị quốc. Như Hình Châu, Hà Nam, Thiểm Tây này vốn là những khu vực khó quản lý nhất, Bệ Hạ đã thiết lập ba sử ty An Phủ, Kinh Lược, Tuyên Phủ ở nơi đó, tuyển chọn và phái các quan lại đi nhận chức, ban hành bổng lộc, đề xướng liêm khiết, thanh trừ tham ô, khuyến khích người dân trồng dâu nuôi tằm. Chưa đến ba năm, những địa phương này liền được quản lý rất tốt. Bách tính các nơi đều đang trông mong Bệ Hạ đến cứu vớt họ, như con cái trông mong cha mẹ vậy”.
Quả đúng là như vậy, sau khi Hốt Tất Liệt tổng lĩnh về mặt hành chính vùng Mạc Nam và Hán địa, đã quan tâm dân chúng, xử lý công bằng không thiên vị, và đã thu được thành quả nhất định. Toàn bộ khu vực mà ông quản lý tươi tốt phồn vinh, đồng thời tích lũy được lượng của cải nhất định, có lẽ đây cũng là bước thử dùng Nho giáo trị quốc của ông.
“Danh tiếng yêu dân, hiền đức” của Hốt Tất Liệt nhanh chóng được truyền bá ở vùng đất người Hán, cũng chính là thời kỳ ở sông Kim Liên, bên cạnh Hốt Tất Liệt không chỉ có một số nho sĩ và phụ tá người Hán được chiêu mộ trước đây, mà ông còn tiếp tục “chiêu mời các trí sĩ có học vấn, lấy lễ đối đãi”, nhờ vậy nhân tài hội tụ, tạo nên “Kim Liên Xuyên Mạc Phủ” nổi danh. Những nhân tài này có ảnh hưởng to lớn đối với việc tổng lĩnh vùng Mạc Nam, kế thừa ngôi vị Khả Hãn và kiến tạo triều Nguyên về sau của Hốt Tất Liệt .
Tài liệu tham khảo:
Tiểu tổ Văn hóa của Epoch Times Hoa ngữ thực hiện
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ