Di sản trân quý của gia tộc Adams: Giáo dục
Nếu bạn hỏi giáo dục có ý nghĩa gì đối với mọi người, thì hầu hết người ta sẽ nghĩ đến “trường học.” Còn nếu họ đang chán ngán, thì câu trả lời sẽ là “món nợ.” Tuy nhiên, đối với gia tộc vĩ đại đầu tiên của Mỹ quốc, thì điều đó lớn lao hơn rất nhiều.
Trong quyển hồi ký của mình, “The Education of Henry Adams” (Sự Giáo Dục của Henry Adams), tác giả mô tả quá trình trưởng thành trong một dòng dõi danh giá mà, trong suốt cuộc đời ông, đã trở thành một tổ chức văn hóa. Ông Henry viết rằng, trong suốt thời thơ ấu của mình, ông thường xuyên di chuyển giữa ngôi nhà ở Boston của cha mình, ngài Charles Francis Adams, đại sứ tương lai của Tổng thống Lincoln tại Anh trong suốt thời Nội Chiến, và nhà của ông nội John Quincy Adams, nơi mà ông được chơi đùa trong thư viện của vị cựu tổng thống này. Ngồi tại chiếc bàn làm việc của ông nội khi còn là “một đứa trẻ mười hay mười hai tuổi,” ông đọc kiểm lại những tác phẩm đã được sưu tầm của ông cố John Adams mà cha ông chuẩn bị cho xuất bản. Trong khi rèn luyện ngữ pháp tiếng Latin, ông sẽ lắng nghe các quý ông lỗi lạc, những người đại diện cho “những hình mẫu của quá khứ,” bàn luận về chính trị. Ông nhìn nhận rằng, việc giáo dục của ông là “một di sản của thế kỷ 18” mang hơi hướng “thuộc địa.” Mặc dù ông luôn tôn kính tổ tiên của mình và cảm thấy họ đúng đắn về mọi thứ, nhưng ông nhận thấy rằng phong cách học tập này không chuẩn bị đầy đủ cho ông trong “thời đại của chính ông” — một thời hiện đại ngày càng được định hình bằng công nghệ, thương mại, và đế chế.
Ngày nay, ông Henry Adams được nhìn nhận là một trong những sử gia vĩ đại nhất Mỹ quốc. Vì lẽ đó, một người có thể kết luận rằng nền tảng giáo dục của ông đã giúp ích cho ông rất nhiều, ngay cả khi ông muốn tạo ra lịch sử thay vì chỉ là ghi chép lại lịch sử. Bản chất của các lý tưởng giáo dục của ông, khi trút bỏ lớp vẻ ngoài hào nhoáng của chúng, thì rất giống với [các lý tưởng] của các vị tổng thống thứ hai và thứ sáu của chúng ta. Mặc dù đây chính xác là vấn đề đối với một chàng trai trẻ lớn lên trong một kỷ nguyên công nghiệp mới, nhưng lòng tôn kính được tu dưỡng đối với truyền thống này thật đáng ngưỡng mộ. Khác với các bộ kỹ năng, những giá trị sẽ không bị lỗi thời.
Một người cha dạy dỗ con trai của mình
Sự giàu có và đặc quyền mà ông Henry Adams trải qua là khác xa với hoàn cảnh thời thơ ấu của những vị tổ tiên nổi tiếng nhất ba thế hệ trước của ông. Ngài John Adams được sinh ra trong một ngôi nhà đồng quê giản dị, nơi mà những tài sản có giá trị duy nhất của cả gia đình là ba chiếc muỗng bạc. Giáo dục chính là chìa khóa cho sự phát triển của ông. Không chỉ là sự phát triển theo nghĩa chính thống, mà còn là sự phát triển về nhân cách. Ngài John lấy cảm hứng từ những hậu duệ của mình, “một dòng dõi của những người nông dân New England tự lập, đức hạnh.” Khi ông phàn nàn về việc mất hứng thú học tập vì một người thầy cáu kỉnh của mình tại trường, thì cha ông, một phó tế, đã ghi danh cho ông học tại một trường tư thục. Sau đó, vị phó tế này đã bán 10 mẫu đất để chi trả học phí học đại học của con trai ông.
Ngài John ngưỡng mộ cha của mình. Ông cố gắng sống theo những phẩm chất về lòng trung thành và ái quốc mà ông đã cảm thụ sâu sắc. Ông gọi vị phó tế này là “người chân thành nhất” mà ông từng biết và trao truyền những lý tưởng này cho con trai của chính ông, ngài John Quincy Adams. Trong khi con trai John ở Philadelphia tham dự Hội Nghị Lục Địa, ông đã dạy dỗ chàng “Johnny” trẻ tuổi thông qua những bức thư. Viết thư cho phu nhân Abigail vào ngày 29/06/1777, ông nói, “Hãy để thằng bé chắc chắn rằng nó đang sở hữu những đức hạnh cao đẹp như cẩn trọng, công bằng, cao thượng, kính trọng, và rộng lượng, với những đức tính này được thêm vào những phần của mình, thằng bé không thể không trở thành một người đàn ông vĩ đại và thông thái.”
Trong những bức thư viết cho John Quincy trong cùng năm ấy, ngài John đã khuyên con trai nên trau dồi “sở thích văn chương và nắm lấy cơ hội làm kinh doanh” để vừa có thể sinh sống vừa có thể giải trí. Đọc sách của sử gia Thucydides, tốt nhất là bằng bản gốc Hy Lạp, sẽ trang bị cho John Quincy “sự chỉ dẫn vững chắc nhất … để đóng vai diễn trên sân khấu cuộc đời,” cho dù vai diễn đó là nhà hùng biện, chính khách, hay sĩ quan cấp tướng. Trong khi ông John đi vắng, phu nhân Abigail liên tục ca ngợi phu quân của mình với con trai John Quincy như một hình mẫu về thành tựu sự nghiệp và lòng dũng cảm. Bà khuyến khích con trai nghiên cứu những quyển sách trong thư viện của cha mình và nghiêm cấm ông tụ tập với “những đứa trẻ thiếu lễ độ.”
Đối với các thành viên nhà Adams, những quyển sách không chỉ là phương tiện cho một nghề nghiệp, mà còn là chìa khóa để khai phá [tiềm năng] của toàn bộ một đời người. Giáo dục bao hàm kinh nghiệm, hướng dẫn, và các mối quan hệ xã hội. Giống như cháu trai Henry của mình, thỉnh thoảng chàng trai trẻ John Quincy cũng không chắc rằng liệu mình có thể đạt đến tiêu chuẩn theo hình mẫu của tổ tiên hay không.
Một di sản gia tộc
Ngài John chỉ dẫn cho con trai John Quincy trực tiếp hơn khi ông đưa con trai đi cùng trong các sứ mệnh ngoại giao ở châu Âu. Tại Paris, ông John Quincy bắt đầu viết lại một lịch trình hàng ngày theo yêu cầu của cha, ghi lại “những thứ mà tôi thấy và những nhân vật mà tôi trò chuyện.” Ông John Quincy nhận thấy rằng cha ngủ rất muộn để tổng hợp các tin tức ngoại giao và sau này ông sẽ noi theo tinh thần làm việc siêng năng đó.
Sau đó, ông đi cùng với cha John đến Hà Lan. Theo sử gia Harlow Unger, ở độ tuổi 13, ông “đã đạt được thành tựu ngoại giao đầu tiên của mình.” Cậu học sinh trẻ sớm bộc lộ tài năng này, người làm kinh ngạc những vị giáo sư bằng kiến thức uyên bác của mình tại Đại học Leiden, đã thu hút sự quan tâm của một học giả và luật sư có tầm ảnh hưởng tên là Jean Luzac. Cậu bé John Quincy đã giới thiệu ông Luzac với cha mình, sau đó cố gắng thuyết phục chính phủ Hà Lan trợ giúp tài chính cho Mỹ quốc trong cuộc chiến tranh tốn kém với Anh quốc. Luật sư Luzac rất ấn tượng với gia đình Adams, ủng hộ sự nghiệp giành độc lập của họ, và đã thành công trong việc bảo đảm các khoản vay quan trọng cho quốc gia non trẻ liều lĩnh này.
Trong khoảng thời gian này, ngài John Adams khuyến khích con trai tiếp tục học tập những sử gia cổ xưa vĩ đại: “Hãy đồng hành cùng sử gia Sallust, triết gia Cicero, các sử gia Tacitus và Livy, con sẽ học được Trí huệ và Đức hạnh.” Ông kết thúc bức thư của mình bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh của trái tim đối với tâm trí: “Mục đích của việc học tập là làm cho con trở thành một người tốt và là một công dân có ích. Đây sẽ luôn là toàn bộ lời khuyên của người Cha trìu mến của con.”
Tổng thống John Quincy, luôn là một người con ngoan ngoãn, luôn quan tâm đến cả trí tuệ của thời quá khứ rất xa xưa và những di sản của gia đình ông đã gìn giữ kho trí tuệ này. Trong khi vẫn nối gót cha John với vai trò là một nhà ngoại giao, và sau này là tổng thống, ông đã truyền lại những đức tính này cho chính con cháu của mình.
Sự thành công, thành tựu, và di sản công của gia tộc Adams liên quan mật thiết đến quan niệm nhìn nhận giáo dục như là một di sản sống. Viết [về điều này] sau hơn một thế kỷ, sử gia Henry Adams xem vai trò của việc học như một sự cố gắng trọn đời mà khó để chứng minh bằng bất kỳ sự đo lường mang tính thực tế hoặc bằng tiền cụ thể nào. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng: “giá trị thực tế của vũ trụ này chưa bao giờ được biểu đạt bằng đồng dollar cả.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times