Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ dẫn đến nhiều trường hợp tử vong được ghi nhận trong tháng Ba
Hồi tháng Ba, thông tin về 25 trường hợp tử vong và 116 học viên Pháp Luân Công bị kết án oan đã vượt qua được bức tường lửa Internet của Trung Quốc để tiếp cận tổ chức Minh Huệ có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Dựa trên các báo cáo trực tiếp, danh sách những người thiệt mạng gồm các nạn nhân từ 51 đến 77 tuổi, đến từ hơn 11 tỉnh của Trung Quốc. Do độ khó của việc đưa thông tin ra khỏi Trung Quốc, nên một số trường hợp tử vong đã xảy ra cách đây gần một thập niên, trong khi một số trường hợp mới xảy ra gần đây.
Danh sách những người bị kết án oan trải dài 19 tỉnh và bao gồm một số người cao niên, trong đó người lớn tuổi nhất là 83 tuổi.
Pháp Luân Công gồm có các bài tập khoan thai và thiền định, cùng với các bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Sau các số liệu ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người theo học môn này vào những năm 1990, vì lo sợ sự phổ biến của Pháp Luân Công nên vào tháng 07/1999, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khởi xướng một chiến dịch tàn bạo chống lại phong trào này.
Ở Trung Quốc, thông tin về cuộc bức hại này là một bí mật quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt. Chiến dịch nhắm mục tiêu đến hàng triệu người Trung Quốc này phần lớn vẫn được giấu kín. Tuy nhiên, thông tin rò rỉ do các tổ chức như Minh Huệ và Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại Hoa Kỳ tiết lộ cho thấy một chiến dịch bắt cóc, tra tấn, và sát nhân có hệ thống.
Đến nay, Minh Huệ đã ghi nhận khoảng 5,000 trường hợp tử vong của các học viên Pháp Luân Công. Số người tử vong thực sự được cho là lên tới hàng trăm ngàn người.
Trong nhiều năm qua, các nhóm giám sát đã đưa tin về cuộc tranh đấu đòi công lý và chăm sóc y tế thỏa đáng cho bà Liệu Quang Huệ (Liao Guanghui). Câu chuyện của bà bắt đầu tại nhà kho thực phẩm nơi bà từng làm việc. Các chất độc hại tại nhà kho đó đã gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người phụ nữ sinh năm 1953 đến từ Tứ Xuyên này. Năm 1999, bà Liệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và tin rằng sự phục hồi của bà là nhờ môn tu luyện này. Chứng kiến sự thay đổi của bà, chồng bà cũng đã trở thành một học viên Pháp Luân Công.
Tháng 07/2019, bà Liệu, 66 tuổi, bị bắt giữ. Bà bị giam giữ tại một đồn công an địa phương hơn một năm trước khi bị kết án 3 năm tù và phạt 3,000 nhân dân tệ (435 USD) vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Vào ngày 21/01/2021, cai ngục tại Nhà tù Nữ Thành Đô đã liên lạc với gia đình bà Liệu và nói rằng bà cần phẫu thuật não sau khi bị ngã trong nhà vệ sinh của nhà tù. Khoản thanh toán hơn 100,000 nhân dân tệ (14,500 USD) này sẽ do gia đình chịu trách nhiệm. Mặc dù cú ngã đó được cho là vô tình, nhưng một cuộc kiểm tra thể chất cho thấy khí quản và phổi của bà Liệu đã bị tổn thương, điều này cho thấy bà đã bị tra tấn.
Sau cuộc phẫu thuật não này — một ca phẫu thuật cắt hộp sọ khiến một bên đầu của bà có một vùng trũng lớn — nhà tù đã từ chối thả người phụ nữ đang hôn mê này để điều trị y tế, và thay vào đó đã giam bà trong bệnh viện của nhà tù trong thời gian còn lại của bản án. Sau khi mãn hạn 3 năm tù, bà Liệu đã được gửi về nhà trong tình trạng sống thực vật. Bà đã qua đời tại nhà hôm 23/03/2023.
Đầu năm 2013, tỉnh trưởng tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, đã vô cùng tức giận khi nhìn thấy các biểu ngữ ủng hộ Pháp Luân Công treo trên một cây cầu cao tốc. Nội dung trên đó chỉ đơn giản nói rằng, “Pháp Luân Đại Pháp Hảo,” vốn là thông điệp điển hình cho các biểu ngữ như vậy.
Để đáp trả lại, họ đã bắt giữ 61 học viên Pháp Luân Công ở thị trấn nơi những tấm biểu ngữ này được treo. Bà Phí Thục Cần (Fei Shuqin) là một trong số những người bị bắt. Là một công nhân ngành thực phẩm đã về hưu, người bà 67 tuổi này đã một mình nuôi nấng bốn đứa con sau sự ra đi thương tâm của người chồng. Bà tin rằng việc tu luyện Pháp Luân Công đã giúp bà hồi phục sau vô số vấn đề về sức khỏe.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà Phí vẫn bị tra tấn khi bị giam giữ. Bà đã bị kết án 13 năm tù.
Khi ở trong tù, các vấn đề sức khỏe của bà đã trở lại và gia đình bà đã bắt đầu một cuộc tranh đấu kéo dài, tốn kém để có được sự chăm sóc y tế thích hợp cho bà. Cuối cùng, bà được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, và gan, và một khối u tử cung lớn. Nhà tù đã từ chối trả tự do cho bà để bà được điều trị y tế.
Trong thời gian này, gia đình của bà Phí đã đến thăm bà trong tù và nhận thấy rằng bà Phí có những dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Họ nghi ngờ rằng nhà tù này đã chích thuốc gây hại thần kinh cho bà và họ đã yêu cầu đưa bà đến bệnh viện. Tuy nhiên, nhà tù này lại tiếp tục từ chối.
Hồi tháng Một năm nay, sức khỏe của bà Phí đã ngày càng xấu đi. Bà đã bị đột quỵ nhiều lần dẫn đến tổn thương não, cũng như mắc bệnh phổi nặng. Tuy nhiên, nhà tù không cho phép gia đình bà đến thăm. Hôm 16/02, bà đã qua đời ở tuổi 77, sau 10 năm trong tù.
20 năm sách nhiễu, bắt bớ, và tra tấn
Học viên Pháp Luân Công Trương Cửu Hải (Zhang Jiuhai) và cha mẹ của ông đều là những thành viên rất được kính trọng trong cộng đồng của họ ở quận Bình Cốc, Bắc Kinh, trước khi cuộc bức hại này bắt đầu.
Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, cha mẹ của ông Trương đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, nơi họ bị tra tấn và bị ép lao động cưỡng bức. Mẹ của ông Trương đã qua đời vào tháng 11/2014. Ba năm sau, cha của ông Trương đã qua đời một mình tại nhà trong khi ông Trương bị giam giữ.
Ông Trương Cửu Hải đã phải chịu bản án bốn năm tù hai lần. Khi được trả tự do, ông phải thường xuyên di chuyển để tránh bị bắt lại. Theo trang minghui.org, khi ở trong tù, ông Trương đã thường xuyên bị đánh đập tàn bạo và bức ép không cho ngủ trong một thời gian dài. Ông bị tra tấn bằng điện giật và bị bức thực bằng một chất không xác định.
Ông Trương đã qua đời vào đầu năm 2023 ở tuổi 56. Trong vòng chưa đầy mười năm, cả gia đình ông đều đã qua đời.
Hôm 17/03, cô Đoàn Quế Tú (Duan Guixiu), một học viên Pháp Luân Công đến từ tỉnh Sơn Đông, đã bị kết án 3 năm tù và bị phạt 20,000 nhân dân tệ (2,900 USD). Tội danh của cô: gửi một bức thư cho trưởng đồn công an mới trong thành phố của mình. Bức thư, có nhan đề “chúc bạn bình an,” bao gồm những thông tin căn bản về môn tu luyện tâm linh này và kêu gọi ông chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Vào ngày 11/07/2022, một gia đình bốn người ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt tại nhà của họ. Cô Quách Xuân Linh (Guo Chunling) cùng chồng, con gái, và mẹ chồng của cô đều nằm trong số hàng chục học viên Pháp Luân Công bị bắt vào ngày hôm đó. Công an địa phương cho biết họ đã theo dõi gia đình trong nhiều tháng khi các thành viên in tài liệu về Pháp Luân Công trên máy điện toán và máy in tại nhà.
Ngôi nhà của gia đình này đã bị lục tung. Công an đã tịch thu sách, máy điện toán, máy in, và thậm chí tịch thu chiếc xe tải của gia đình này. Những món đồ bị tịch thu đã trở thành “bằng chứng” và cô Quách đã bị kết án 8 năm tù.
Bà Tùng Lan Anh (Cong Lanying), 78 tuổi, đã bị công an ở Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, bắt khỏi nhà hôm 01/02/2023. Hai tuần sau, bà Tùng đã bị kết án 4 năm tù về tội “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thi hành pháp luật.” Lời buộc tội này thường được sử dụng để kết án các học viên Pháp Luân Công.
Hôm 01/03, con gái của bà Tùng, sống ở Canada, đã biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Montreal. Cô nói, theo luật pháp Trung Quốc, việc tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp. Cô đã kêu gọi cảnh sát và các cơ quan tư pháp ngừng đồng lõa với tội ác của ĐCSTQ, đồng thời kêu gọi chính phủ Canada giúp đỡ để giải cứu mẹ cô.
Một ‘cuộc diệt chủng lạnh’
Học giả nhân quyền Maria Cheung có thể là người đầu tiên gọi chiến dịch xóa sổ Pháp Luân Công của ĐCSTQ là một “cuộc diệt chủng lạnh.” Bài báo có nhan đề “Cuộc diệt chủng lạnh: Pháp Luân Công ở Trung Quốc” của bà đã được xuất bản trên tạp chí quốc tế “Nghiên cứu và Phòng chống Diệt chủng” vào năm 2018. Đồng tác giả của bài báo này là ông Torsten Trey, ông David Matas, và ông Richard An. Bài báo này vẫn là một trong những tác phẩm được trích dẫn nhiều nhất về chủ đề này.
Các tác giả kể trên đã mô tả cuộc bức hại Pháp Luân Công là một cuộc diệt chủng lạnh, “được che giấu và kéo dài hơn hai thập niên mà không được chú ý nhiều.” Ngược lại, một cuộc diệt chủng nóng gồm “các hành động phá hoại ở cường độ cao, tiêu diệt nhóm nạn nhân trong một khoảng thời gian ngắn.”
Chiến dịch diệt chủng này quỷ quyệt đến mức công chúng chỉ biết về quy mô của nó nhờ những lượng thông tin nhỏ giọt đã thoát ra được bức tường lửa của ĐCSTQ trong hai thập niên qua.
Bà Cheung, phó chủ nhiệm khoa công tác xã hội tại Đại học Manitoba, đã nói chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức hồi tháng 09/2022. Bà đã gọi cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc là “một cuộc diệt chủng bằng cách tiêu hao số lượng dần dần,” bà nói rằng đó là “một quá trình hủy diệt từ từ, phản ánh hiện tượng sát nhân hàng loạt đang diễn ra đối với một nhóm người được bảo vệ dưới lớp vỏ bọc — công chúng không nhìn thấy một cái chết bạo lực ngay lập tức.”
Ông Trey, giám đốc điều hành của tổ chức Các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), nói với The Epoch Times hôm 07/04: “Nếu quý vị đề cập đến số lượng sinh viên bị bắn trong vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989, thì thế giới sẽ cảm thấy kinh sợ. Nhưng nếu quý vị so sánh con số chỉ xảy ra một lần này với số người tử vong trong các học viên Pháp Luân Công mỗi ngày, thì phản ứng phản đối kịch liệt này là không hề có.”
Ông Trey lưu ý rằng do tính chất chậm và liên tục của cuộc bức hại này, nên nó gây ra ít phẫn nộ hơn so với thảm kịch Thiên An Môn, “bất chấp thực tế là cuộc diệt chủng này diễn ra chậm, nhưng việc diệt chủng đều đặn đối với các học viên Pháp Luân Công trong hơn 23 năm qua đã gây ra nhiều trường hợp tử vong hơn rất nhiều so với vụ thảm sát vào ngày 04/06.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times