Lời kể của nhân chứng: Công an Trung Quốc bán nội tạng của tù nhân bị hành quyết
Không có gì lạ khi thấy cảnh tượng khóc lóc trong bệnh viện. Và khi ông Quách Chí Cấn (Guo Zhigen), người đang được điều trị bệnh thiếu máu bất sản (rối loạn tế bào gốc tạo máu), đi ngang qua một phòng bệnh và thấy một người đang khóc tức tưởi, ông đã đến bên thử tìm cách an ủi, nhưng ông không ngờ rằng mình lại nghe được một câu chuyện về ngành kinh doanh ghép nội tạng mờ ám của Trung Quốc.
Bệnh nhân chừng 40 tuổi này lo lắng về một ca ghép thận được lên lịch vào ngày hôm sau tại thành phố Thanh Đảo, miền đông Trung Quốc. Nội tạng được hứa hẹn này là của một tù nhân sắp bị hành quyết vài giờ trước cuộc phẫu thuật giành lấy mạng sống này. Họ đã làm xét nghiệm máu xong và cho thấy sự tương thích.
Nhưng theo sau lại là một điều kinh hoàng khác: gia đình của những người bị hành quyết dường như không biết rằng công an đã lấy bộ phận cơ thể của người thân họ ra để bán.
Vợ của bệnh nhân này được bảo là phải biếu cho công an chút tiền làm quà, ông Quách nhớ lại những gì người phụ nữ đó đã nói với ông. Theo lời kể lại của người phụ nữ này, công an đã nói với cha của tù nhân bị hành quyết đó rằng ông ấy không có đủ loại giấy tờ cần thiết để nhận thi thể. Đây là một cái cớ mà công an đưa ra, nhờ đó họ có thể giữ lại thi thể này để thực hiện công việc làm ăn khủng khiếp của họ.
“Ngay khi họ có được thi thể rồi, các cơ quan nội tạng của người đó sẽ được bán cho các bệnh viện,” ông Quách, hiện đang sống ở Anh, nói với The Epoch Times. “Đây là nguồn gốc của quả thận đó.”
Sự việc này xảy ra vào đầu những năm 1990, khi Trung Quốc không hề có hệ thống hiến tặng nội tạng tự nguyện. Hồi năm 2005, chính quyền này thừa nhận rằng hầu hết thận, gan, giác mạc, và các cơ quan nội tạng khác để cấy ghép đều được lấy từ các tù nhân bị hành quyết. Trước đó, nhà cầm quyền đã phủ nhận việc lấy nội tạng từ các tử tù, một hoạt động vốn đã bị các nhóm nhân quyền chỉ trích từ lâu, căn cứ vào việc tù nhân không có khả năng đưa ra sự đồng ý cho việc này.
Nhưng những hành động lạm dụng trong ngành cấy ghép tạng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Trong hơn một thập niên rưỡi qua, nhiều lời kể chi tiết từ những người cung cấp thông tin và các tài liệu nghiên cứu sâu rộng đã chỉ ra rằng nội tạng đã bị thu hoạch ngay cả trước khi tù nhân tử vong.
Lời kể của ông Quách chỉ là thêm một bằng chứng nữa trong danh sách ngày càng tăng về hành vi lạm dụng cấy ghép có hệ thống của chính quyền Trung Quốc, mà trong hai thập niên qua đã phát triển thành một hệ thống rộng lớn, trong đó nội tạng được lấy từ các tù nhân không tự nguyện — bao gồm cả những người bị giam giữ chỉ vì niềm tin tinh thần của họ — và sử dụng nguồn nội tạng này để cung cấp cho ngành thương mại cấy ghép trị giá hàng tỷ dollar của quốc gia này.
Ngành kinh doanh ghép tạng
Đó là vào mùa hè năm 1991, lần đầu tiên ông Quách gặp bệnh nhân nhận nội tạng này. Bệnh nhân đó là một người đàn ông mắc bệnh tiểu đường. Ông ấy đã khóc nức nở trong phòng bệnh vì sợ rằng ca phẫu thuật ghép thận ngày mai của mình sẽ không thành công, và ông sẽ mất đi mạng sống.
Bệnh nhân này nói với ông Quách rằng quả thận đó là của một tử tù sắp bị hành quyết vào chính ngày mà ông phẫu thuật.
Việc cấy ghép nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết gần như là một bí mật công khai vào thời điểm đó, mặc dù chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận hoạt động này. Ngành cấy ghép này thậm chí còn được cho phép theo một quy định có hiệu lực vào năm 1984. “Thi thể hoặc nội tạng của những trường hợp tử tù sau đây có thể được sử dụng — nếu thân nhân từ chối nhận thi thể, nếu các tù nhân tình nguyện hiến xác của họ trước khi hành quyết, hoặc nếu có sự đồng ý từ gia đình của tù nhân,” quy định do tòa án tối cao của Trung Quốc ban hành viết.
Nhưng trên thực tế, quy định này chỉ là một vỏ bọc: Sẽ luôn có “sự đồng ý” bất kể mong muốn thực sự của phạm nhân hoặc gia đình họ là gì.
“Các cơ quan công an đã tiến hành xét nghiệm máu của tử tù và kết quả cho thấy đó là [một quả thận] tương thích,” ông Quách kể lại những gì gia đình bệnh nhân nói.
Ông Quách cho biết có một nhóm công an chịu trách nhiệm thu thập thi thể để lấy nội tạng.
Họ sẽ yêu cầu thân nhân của những người tử tù cung cấp nhiều giấy tờ hoặc bằng chứng xác thực danh tính và các mối quan hệ với tù nhân, mà ông Quách lưu ý rằng quy định không yêu cầu điều đó. Ông cho rằng đó là một phần trong nỗ lực để bảo đảm thi thể của tử tù có thể được phân loại là thi thể vô thừa nhận để công an có thể mang đi.
Bệnh nhân nào muốn nhận nội tạng cần phải trả thêm một khoản tiền cho công an. “Đó là những gì người nhà của bệnh nhân nói với tôi,” ông Quách cho biết. “Tôi cũng thấy [vợ của bệnh nhân] gói tiền trong một tờ giấy. Cô ấy nói đó là để cho công an. Bác sĩ bảo cô đưa tiền trực tiếp cho mấy vị công an ở đó.”
“Tôi đã rất, rất buồn và rất phẫn nộ,” ông Quách mô tả cảm xúc khi biết các bệnh viện đang “thông đồng với lực lượng chấp pháp để lấy và bán nội tạng bất hợp pháp từ các tử tù.”
“Tôi cảm thấy rất tức giận.”
Thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Ông Quách cho biết ca ghép thận của người đàn ông đó đã thành công, trong khi một bệnh nhân khác được ghép ở giường bên cạnh đã tử vong trong lúc phẫu thuật.
Những ca cấy ghép thận này được thực hiện tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Thanh Đảo, một bệnh viện lớn ở thành phố cảng Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc.
Bệnh viện này mô tả trên trang web của mình rằng cơ sở của họ là một trong những bệnh viện lớn đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện cấy ghép nội tạng. Nhân viên tại bệnh viện đã xác nhận với The Epoch Times rằng các bác sĩ tại bệnh viện đã tiến hành cấy ghép thận từ năm 1991.
Ca ghép tạng đầu tiên ở Trung Quốc diễn ra vào những năm 1970. Nhưng nước này không có hệ thống phân phối và hiến tặng nội tạng chính thức cho đến năm 2015. Trong khi đó, người dân Trung Quốc thường không muốn hiến tặng nội tạng của họ vì theo quan niệm truyền thống, họ xem thân thể này như là món quà mà cha mẹ đã ban tặng cho họ và thân thể đó phải được giữ nguyên sau khi qua đời.
Tuy nhiên, trong những năm đầu của thập niên 20, một sự bùng nổ đột ngột và bí ẩn của ngành cấy ghép tạng Trung Quốc đã bắt đầu: tỷ lệ ghép tạng tăng vọt. Hàng trăm trung tâm ghép tạng mới được mở ra trên khắp cả nước. Rất nhiều các trang web quảng cáo rằng thời gian chờ đợi chỉ vài tuần, hoặc thậm chí vài ngày, cho một ca cấy ghép nội tạng quan trọng mang tính sống còn, điều chưa từng nghe nói đến ở các quốc gia phát triển, những nước chỉ dựa vào hệ thống hiến tặng nội tạng tự nguyện.
Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp này trùng khớp với thời điểm nhà cầm quyền nước này phát động một chiến dịch quyết đoán nhằm ‘xóa sổ’ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần truyền thống bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên lý căn bản là chân, thiện, và nhẫn.
Môn tu luyện này trở nên phổ biến vào những năm 1990, và sau hơn sáu năm ước tính có tới 100 triệu người Trung Quốc thực hành môn tập này. Con số này vượt quá số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào thời điểm đó. Nhận thấy đây là một mối đe dọa đối với sự gọng kìm quyền lực của mình, tháng 07/1999 lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào Pháp Luân Công và các học viên của môn tu luyện này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị tống vào các cơ sở giam giữ, nơi mà việc tẩy não và tra tấn diễn ra như cơm bữa. Đối với chính quyền cộng sản, sự gia tăng số người bị giam giữ này cũng tạo ra một lượng lớn người hiến tạng không có sự đồng thuận.
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã kết luận rằng chính quyền này đã sát hại tù nhân “trên một quy mô đáng kể” trong nhiều năm để cung cấp cho thị trường ghép tạng, và thông lệ sát nhân này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Theo tòa án, các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù là nạn nhân chính [trong hoạt động đó].
Trong bối cảnh các hoạt động cấy ghép ngày càng bị giám sát chặt chẽ, chính quyền này đã thiết lập một hệ thống hiến tặng nội tạng chính thức hồi năm 2015, tuyên bố rằng họ sẽ loại bỏ dần hoạt động lấy nội tạng từ các tử tù. Tuy nhiên, tòa án đã phát hiện ra rằng số liệu hiến tạng không tương ứng với số ca cấy ghép đáng kinh ngạc đang diễn ra.
Phá vỡ sự im lặng
Lời kể của ông Quách lại vừa khớp với những người khác, những người đã tham gia hoặc chứng kiến hoạt động mờ ám của chính quyền này trong cùng khoảng thời gian đó.
Ông Bob (bí danh), một cựu công an từng canh gác các địa điểm hành quyết vào giữa những năm 1990, đã chứng kiến cách các tử tù bị biến thành một loại mặt hàng để bán trong ngành buôn bán nội tạng. Ông mô tả hoạt động này như một chuỗi cung ứng “được công nghiệp hóa” trong đó hệ thống tư pháp, công an, và bác sĩ đều tham gia.
Ông Bob, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2021 với The Epoch Times: “Việc thu hoạch nội tạng của các tử tù là một bí mật công khai. Nhưng “theo như tôi biết, không ai nói với tử tù rằng nội tạng của họ sẽ bị lấy đi.”
Ông Enver Tohti, một bác sĩ phẫu thuật bản địa người Duy Ngô Nhĩ đến từ khu tự trị viễn tây Tân Cương Trung Quốc, kể lại rằng ông đã giúp hai bác sĩ mổ lấy gan và hai quả thận của một tù nhân hồi năm 1995 theo lệnh từ chính cấp trên của ông.
Ông nói với tòa án độc lập này vào năm 2019, “Những gì tôi nhớ là, với con dao mổ của mình, tôi đã thử rạch da của anh ta, [và] máu đã chảy xuống. Điều đó chứng tỏ rằng tim người này vẫn còn đập. … Đồng thời, anh ấy đang cố kháng cự lại sự chèn ép của tôi, nhưng anh ấy quá yếu ớt.”
Bằng chứng mới nhất là từ nghiên cứu được bình duyệt đăng trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation) hồi tháng 04/2022. Các nhà nghiên cứu đã xác định được hàng chục bài báo đăng trên tạp chí y khoa tiếng Trung từ năm 1980 đến năm 2015, trong đó các bác sĩ phẫu thuật đã lấy tim và phổi mà không tuân theo các quy trình tiêu chuẩn xác nhận chết não.
Đồng tác giả báo cáo, Tiến sĩ Jacob Lavee, giám đốc Khoa Cấy ghép Tim tại Trung tâm Y tế Sheba ở Israel, cho biết: “Họ đã lấy nội tạng từ những người không được tuyên bố là đã tử vong, nghĩa là họ đã trở thành những kẻ hành quyết.”
Số lượng báo cáo ngày càng gia tăng đã khiến gia đình ông Quách vô cùng lo lắng. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi nên nói ra điều đó,” con trai của ông Quách nói với The Epoch Times. “Câu chuyện này đã ám ảnh [cha tôi] trong hơn ba mươi năm qua.”
Nhưng đó không phải là một quyết định dễ dàng. Trong những thập niên qua, nhiều người cung cấp thông tin đã đưa hành động ghê tởm này ra ánh sáng với điều kiện ẩn danh để bảo vệ bản thân khỏi sự trả thù của chính quyền.
Có được dũng khí từ đức tin của mình, ông Quách cho biết quyết định sử dụng tên thật của mình là để khuyến khích nhiều nhân chứng hơn hãy phá vỡ sự im lặng và dũng cảm phơi bày “những hành động tàn ác khủng khiếp này.”
“Có rất nhiều học viên Pháp Luân Công là đối tượng của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức phi pháp ở Trung Quốc. Đó là tội ác phản nhân loại.”
“Tôi hy vọng nhiều người có thể biết về hoạt động này, đặc biệt là những người có trải nghiệm tương tự như tôi hoặc có kiến thức về vấn đề này. Tôi xin quý vị hãy lên tiếng.”
Bản tin có sự đóng góp của Chang Chun và Eva Fu
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times