Quan chức Trung Quốc qua đời thu hút sự chú ý về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Trong bối cảnh dịch COVID bùng phát khắp đất nước, thì sự qua đời của một cựu thứ trưởng bộ văn hóa Trung Quốc có lẽ sẽ không được công luận biết đến nhiều. Nhưng một bản cáo phó được đăng trong thời gian ngắn ngủi đã khiến trường hợp của ông thành tâm điểm chú ý.
Trước khi dịch COVID bùng phát, ông Cao Chiêm Tường (Gao Zhanxiang) “còn rất tinh nhanh, tư duy nhạy bén, giọng nói sang sảng, hoàn toàn không giống một bệnh nhân,” ông Chu Vĩnh Tân (Zhu Yongxin), phó tổng thư ký Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 12, cơ quan tham mưu chính trị cao nhất của Đảng, viết. “Tôi không thể nào hình dung được rằng ông ấy lại rời bỏ chúng tôi sớm như vậy.”
Nhưng trong lời chia buồn của mình, ông Chu có thể đã tiết lộ nhiều hơn một chút so với những gì mà ông muốn nói. Như ông kể, vị quan chức 87 tuổi này đã “thay rất nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể” khi ông “kiên cường chiến đấu với bệnh tật,” đến mức chính vị cựu quan chức này từng nói đùa rằng “nhiều bộ phận không phải là của mình nữa.”
Bài viết này đã gây xôn xao trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc mặc dù nó đã bị xóa nhanh chóng. Những nhà quan sát tinh mắt đã tạo ra các bản sao trước khi các nhà kiểm duyệt bắt tay vào việc, lưu hành những bản copy này kèm theo sự hoài nghi về lịch sử cấy ghép nhiều cơ quan nội tạng được cho là của ông Cao và cách mà ông Chu đề cập tới chuyện này cũng rất nhẹ nhàng, như thể đó không phải là một chuyện trọng đại gì.
Mọi người đều biết rằng các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc được hưởng rất nhiều đặc quyền từ điều trị y tế ở các bệnh viện hàng đầu cho đến các trường chuyên lớp chọn dành cho con em của họ. Nhưng việc ông Cao có thể tìm được nhiều nội tạng tương thích dường như là chuyện rất dễ dàng, nếu so với một công dân Trung Quốc bình thường thì để mua được một cơ quan nội tạng cũng có thể phải bỏ ra số tiền dành dụm cả đời của mình. Chi tiết này đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại ở một quốc gia vốn đã bị theo dõi gắt gao vì hành vi lạm dụng ghép tạng của nhà cầm quyền.
Một người bình luận trực tuyến, “Khi còn sống, Bộ trưởng Cao đã thay đổi nhiều nội tạng như vậy, vậy thì tất cả những cơ quan này đến từ đâu? Và còn bao nhiêu quan chức cao cấp nữa có thể dễ dàng thay đổi các cơ quan bị hư hỏng?”
“Những ‘bộ phận’ mà ông ta có được quá dễ dàng, người nào sẽ hy sinh những bộ phận ấy và bằng cách nào?”
Hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do chính quyền điều hành
Là quốc gia đi sau trong lĩnh vực này, nhưng chỉ trong hai mươi năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ trong ngành ghép tạng mặc dù số lượng người hiến tặng tự nguyện thấp. Nhà cầm quyền nước này đã tuyên bố rằng kể từ năm 2015, họ chỉ dựa vào duy nhất một hệ thống hiến tặng nội tạng tự nguyện sau khi tuyên bố rằng họ đã ngưng sử dụng nguồn nội tạng từ các tử tù.
Nhưng những số liệu cấy ghép này rất phi lý.
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí khoa học Y Đức BMC (BMC Medical Ethics) đã kết luận rằng các số liệu từ bộ dữ liệu hiến tạng chính thức của Trung Quốc khớp “gần như chính xác với một công thức toán học.” Trong số 50 quốc gia được phân tích, không một nước nào cho thấy một mô thức tương tự. Nghiên cứu này cho rằng các số liệu của Trung Quốc là giả mạo.
Một cuộc điều tra của tòa án độc lập có trụ sở tại London vào năm đó cũng cho thấy chính quyền này phạm tội sát hại các tù nhân lương tâm, chủ yếu là những học viên của môn tu luyện bị bức hại Pháp Luân Công, và bán nội tạng của họ để thu về những lợi nhuận kếch xù trên một quy mô công nghiệp — hiện không có bằng chứng nào cho thấy thông lệ này đã dừng lại.
Tiến sĩ Torsten Trey, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức về đạo đức y khoa có tên là Tổ chức Bác sĩ Chống Thu Hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Vì hệ thống cấy ghép của Trung Quốc dựa trên hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước điều hành, nên không có gì ngạc nhiên nếu các quan chức của đảng có quyền tiếp cận với các ca cấy ghép theo yêu cầu hoặc nhiều ca cấy ghép theo yêu cầu.”
Tiến sĩ Trey nói rằng ông cũng không ngạc nhiên khi biết rằng các quan chức của ĐCSTQ “nhận được nhiều ca cấy ghép các cơ quan nội tạng khoang bụng và thiết yếu như tim, gan, thận hoặc thậm chí cả các cơ quan bị ảnh hưởng bởi COVID như phổi.”
Trong bối cảnh mà ngày càng có nhiều lo ngại trong cộng đồng quốc tế về hành vi lạm dụng này, những quốc gia thông qua các dự luật hạn chế du lịch ghép tạng cũng ngày một tăng lên, trong đó có Canada, Anh, Bỉ, Israel, Ý, và Tây Ban Nha.
Ngành ghép tạng của Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Ông Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu), người giám sát việc kiểm soát chất lượng các ca ghép phổi của Trung Quốc, nói với truyền thông nhà nước hồi tháng Mười Hai (2022) rằng trong năm 2021, số ca phẫu thuật ghép phổi trên toàn quốc nhiều hơn 50% so với năm trước (2020), ngay cả khi toàn bộ thế giới nói chung đang chứng kiến sự sụt giảm ít nhất 10%.
Trong thời gian xảy ra đại dịch, các bệnh viện Trung Quốc đã có thể duy trì thời gian chờ đợi cấy ghép nội tạng rất ngắn, điều mà tòa án độc lập nói trên và các nhà điều tra lưu ý là dấu hiệu cho thấy một nguồn cung cấp rất lớn được xây dựng từ [nguồn nội tạng] của các tù nhân lương tâm không đồng thuận.
“Nếu mà nhanh, thì nội trong một tuần hoặc 10 ngày sẽ tìm được một [cơ quan] thích hợp; còn nếu chậm hơn, thì anh có thể phải đợi một hoặc hai tháng,” một y tá từ một bệnh viện ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc nói với các nhà điều tra bí mật hồi tháng 04/2020, khi được hỏi họ có thể tìm thấy nội tạng phù hợp sớm nhất là trong bao lâu. Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức có trụ sở tại New York chuyên theo dõi các hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc đã đưa tin về cuộc gọi này.
‘Sống thọ 150 tuổi’
Tuổi thọ của các Đảng viên cấp cao từ lâu đã là một chủ đề gây tò mò ở Trung Quốc. Chủ đề này đã trở thành tiêu đề của các hãng thông tấn trong quá khứ, mặc dù các bài báo này có xu hướng tập trung vào các thói quen sống lành mạnh của họ.
Tuy nhiên, một đoạn quảng cáo dài một phút có từ năm 2019, vốn trở nên rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat đã tiết lộ một câu chuyện thâm hiểm hơn.
Được biết, Bệnh viện Đa khoa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (hay Bệnh viện 301), bệnh viện đa khoa quân y lớn nhất của nước này, đã phát hành đoạn clip nói trên, trong đó khoe khoang về một hệ thống y tế hạng nhất giúp kéo dài đáng kể thọ mệnh của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Quảng cáo này tuyên bố rằng đây là một “Dự án trường thọ 150 tuổi”, nhưng chỉ trong vòng một ngày sau đã bị các nhà kiểm duyệt gỡ xuống, vì họ cho rằng video này là giả mạo.
Quảng cáo này khẳng định, dự án này kết hợp các khái niệm chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc và các công nghệ y học phương Tây. Trích dẫn dữ liệu năm 2008, quảng cáo cho biết dự án đã đạt được “những kết quả to lớn” — tuổi thọ trung bình của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là 88 tuổi, “vượt xa” những người đồng cấp phương Tây sinh cùng thời với họ. Theo thống kê chính thức, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc năm 2009 là 72 tuổi; đến năm 2022, con số này đã lên đến 78.2 tuổi.
“Phục hồi chức năng các cơ quan nội tạng” là một trong sáu trọng tâm chính của dự án này.
The Epoch Times không thể kiểm chứng độc lập tính xác thực của đoạn quảng cáo nói trên, nhưng dự án này đã nhiều lần được các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn trong các bản tin của mình. Bệnh viện này, vốn được biết đến là cơ sở y tế dành cho các nhà lãnh đạo Đảng, là nơi đặt một trung tâm ghép gan lớn và đảm nhận việc thực hiện các ca phẫu thuật ghép gan cho các quan chức cao cấp.
Theo ông Trey, tuổi thọ cao hơn cũng có các giới hạn của nó — ngay cả khi được cấy ghép nhiều lần. Khi chủng virus này đang hoành hành ở Trung Quốc, “có lẽ công bằng mà nói rằng [việc cấy ghép này] không mang lại sự bảo vệ tốt hơn trước dịch bệnh,” ông nói.
Nhà vận động này nói thêm, “Xét về góc độ đạo đức, thì điều đáng lo ngại nhất là chế độ độc đảng này đang tạo ra quy tắc lợi dụng của riêng mình (thu hoạch nội tạng cưỡng bức) và sau đó cố gắng thu lợi từ thông lệ này. Việc sát hại các tù nhân lương tâm còn sống rồi lấy nội tạng của họ để phục vụ cho mục đích kéo dài tuổi thọ của chính mình là một hành vi man rợ.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times