Những ca tử vong trong giới quan chức và tinh anh của Trung Quốc phơi bày một tội ác tàn bạo
Trong đợt bùng phát COVID-19 mới với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt ở Trung Quốc, khó có thể không chú ý đến số ca tử vong của các quan chức cao cấp và những nhân vật nổi tiếng trong giới tinh anh.
Ví dụ, trong vòng chưa đầy một tháng, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 13/01/2023, 22 thành viên của Viện Kỹ thuật Trung Quốc đã qua đời, so với chỉ 12 người trong cả năm trước đó, theo trang web chính thức của trường này. Hầu hết đều ở độ tuổi từ 80 đến 100 — tuổi thọ của họ cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia. Cũng như các quan chức cấp tỉnh trở lên, các nhà khoa học và chuyên gia cấp học viện quốc gia được hưởng chế độ chăm sóc y tế miễn phí cũng như nhiều quyền lợi khác. Sức khỏe của họ được chăm sóc chu đáo — ngay cả trong đại dịch COVID-19.
Nhưng tại sao nhiều người trong giới tinh anh lại qua đời đúng vào thời gian này, khi mà họ đã vượt qua được nhiều vấn đề sức khỏe khác rồi? Điều gì khiến nhóm này gặp rủi ro cao ngay sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ chính sách zero COVID và đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc vượt khỏi tầm kiểm soát? Trong tháng vừa qua, các thi thể chất đống ở nhiều bệnh viện, các phòng săn sóc đặc biệt (ICU) chật ních bệnh nhân, và các phòng khám sốt quá tải với hàng dài người chờ đợi.
Cựu quan chức ĐCSTQ Cao Chiêm Tường
Trong số tất cả các trường hợp tử vong được báo cáo trong giới tinh anh của Trung Quốc, có một trường hợp nổi bật.
Hôm 02/01, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Net (công ty con của Tân Hoa Xã) thông báo rằng ông Cao Chiêm Tường (Gao Zhanxiang), cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đã qua đời hôm 09/12/2022, hưởng thọ 87 tuổi. Bản tin này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tuy nhiên, trường hợp của ông Cao ngày càng nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo bài điếu văn đăng trên mạng xã hội Trung Quốc của ông Chu Vĩnh Tân (Zhu Yongxin), phó chủ tịch điều hành Hội Xúc tiến Dân chủ Trung Quốc (gọi tắt là Dân Tiến Hội), “trong nhiều năm qua, ông Cao Chiêm Tường đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Ông đã thay thế rất nhiều cơ quan trong cơ thể của mình. Ông còn nói đùa rằng nhiều bộ phận không phải của mình nữa.”
Ông Cao không phải là quan chức cấp quá cao trong hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bởi vì ở cấp độ này cũng phải có ít nhất vài trăm vị. Tại sao ông ta lại được đối xử đặc biệt như vậy, và làm thế nào mà ông Cao có thể nhận được “nhiều” nội tạng, khi nguồn cung cấp tạng được cho là đang thiếu hụt?
Điều này có thể khẳng định một tin đồn rằng các quan chức cao cấp của ĐCSTQ chủ yếu dựa vào cấy ghép tạng — từ những người trẻ và khỏe mạnh — để kéo dài sinh mạng của họ. Tôi tin rằng các chuyên gia cấp quốc gia cũng nhận được sự đối xử như vậy. Tuy nhiên, đặc quyền này lại trở thành một bất lợi trong bối cảnh diễn ra làn sóng bùng phát các ca nhiễm COVID-19 gần đây.
Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất bắt đầu tại các bệnh viện ở Bắc Kinh, nơi nhiều quan chức cao cấp cao tuổi và giới thượng lưu được phân vào các khu vực riêng. Điều khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn là những người nhận nội tạng đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Một hệ thống miễn dịch bị ức chế khiến người nhận nội tạng dễ bị nhiễm virus. Điều này giải thích tại sao lần này, các quan chức và chuyên gia cao cấp nhất ở độ tuổi từ 80 đến 90, những người có thể đã được cấy ghép nội tạng, đã tử vong trong vài ngày sau khi Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách zero COVID.
Khi một người được ghép tạng bị nhiễm COVID-19, cơ thể của họ sẽ không còn sức đề kháng — do đó, tử vong là điều không thể tránh khỏi.
Ở Trung Quốc, tính mạng của con người có mức độ quan trọng khác nhau. Trong đợt bùng phát các ca nhiễm COVID-19 mới này, thế giới đã chứng kiến cách ĐCSTQ đối xử với người dân và xem thường phẩm giá của họ. Không chỉ thiếu thuốc men, mặt nạ phòng độc, và phòng ốc trong bệnh viện, mà còn không có dịch vụ tang lễ và hỏa táng thích hợp trên khắp đất nước.
Cấy ghép nội tạng trong đại dịch
Trong khi số ca tử vong chính thức kể từ đầu tháng 12/2022 đã chạm mốc 60,000 người (mặc dù con số này có thể cao hơn, do lịch sử xưa nay của chính quyền Trung Quốc là báo cáo quá thấp số ca nhiễm bệnh và che đậy thông tin), bác sĩ nổi tiếng Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu) đã công bố ca ghép hai lá phổi thành công cho một bệnh nhân sống sót khỏi căn bệnh COVID-19. Với nguồn lực y tế hữu hạn vào thời điểm này, tại sao bệnh nhân này lại được điều trị đặc biệt?
Ca ghép phổi này không phải là trường hợp đầu tiên mà ông Trần đã tiến hành trong đại dịch.
Ca ghép phổi đầu tiên mà ông thực hiện là vào ngày 10/03/2020, ngay sau khi dịch COVID-19 bắt đầu khởi phát tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Chỉ sau hai ngày, ông đã tìm được một người hiến tạng cho bệnh nhân của mình.
Một ca đại phẫu khác đã được thực hiện ở Vũ Hán. Ông Trần đến thành phố này vào ngày 18/04/2020, khám cho bệnh nhân vào ngày hôm sau, và xác nhận rằng bệnh nhân này cần ghép phổi. Ca cấy ghép đó đã được thực hiện vào ngày 20/04/2020! Điều đó có nghĩa là trong vòng chưa đầy một ngày họ đã tìm được nội tạng tương thích.
Bốn ngày sau, ông Trần tiếp tục thực hiện hai ca ghép phổi khác ở Vũ Hán. Cả hai bệnh nhân này đều bị suy phổi do COVID-19. Nguồn tạng, các bệnh viện và bác sĩ liên quan, cũng như danh tính của các bệnh nhân đã trở thành một dấu chấm hỏi. Một ca cấy ghép được thực hiện trong thời gian phong tỏa Vũ Hán và ca cấy ghép còn lại diễn ra ngay sau khi lệnh phong tỏa thành phố này được dỡ bỏ. Vào thời điểm đó, hầu hết các bệnh nhân COVID-19 thậm chí không có bộ xét nghiệm (gồm thẻ và thuốc thử) để chẩn đoán COVID-19, và thiếu nguồn cung cấp trang thiết bị y tế. Liệu ai có thể sử dụng phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) — một phương pháp hỗ trợ sự sống trong khi chờ có một người hiến phổi đây?
Ngay cả các hướng dẫn cấy ghép của Trung Quốc trong thời gian xảy ra đại dịch cũng khuyến cáo không nên tiến hành cấy ghép. Nói chung, những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính không thích hợp để ghép phổi, đặc biệt là những người bị nhiễm trùng phổi và những bệnh nhân này đang trong một thời kỳ có khả năng bị nhiễm trùng, đó là lý do tại sao bác sĩ và y tá tham gia vào quy trình giải phẫu này phải rất thận trọng. Ngoài ra, vì nguồn phổi rất khan hiếm, nên dịch vụ ghép phổi không được khuyến nghị cho những bệnh nhân không thể bảo đảm kết quả ghép thành công. Đây là một số lý do tại sao những ca cấy ghép này không đáng hoặc không nên thực hiện.
Theo những gì giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, thì những bệnh nhân đó chẳng có tiền cũng chẳng có quyền. Do đó, những ca cấy ghép nói trên chỉ có thể được xem là một phần của “Dự án Sức khỏe 981 dành cho Lãnh đạo.” Việc cấy ghép không được thực hiện để cứu sống người nhận. Những ca cấy ghép này đều chỉ là thử nghiệm nhằm cung cấp cho các bác sĩ kinh nghiệm để phẫu thuật thành công cho những người có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc khi cần thiết. Dự án này lần đầu tiên được tiết lộ trong một quảng cáo của Bệnh viện 301, còn được gọi là Bệnh viện Đa khoa của Quân Giải phóng Nhân dân, vào năm 2019. Mục tiêu của dự án là kéo dài tuổi thọ của các quan chức lãnh đạo cao cấp nhất lên 150 tuổi.
Đáng chú ý là ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), người đứng đầu hệ thống ghép tạng của Trung Quốc, chỉ giữ hai chức danh sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng Y tế là: Giám đốc Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc và Phó Giám đốc Ủy ban Y tế Trung ương, người có nhiệm vụ duy nhất là chăm nom cho sức khỏe của các nhà lãnh đạo hàng đầu.
Điều này dường như cho thấy rằng tuổi thọ của giới lãnh đạo Trung Quốc có liên quan đến cấy ghép nội tạng.
Du lịch ghép tạng
Các quan chức của ĐCSTQ, những người siêu giàu, và giới tinh hoa không phải là đối tượng duy nhất được cấy ghép nội tạng. Các cộng sự ở ngoại quốc của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ cũng được cấy ghép như một phần thưởng cho lòng trung thành của họ với ĐCSTQ.
Ví dụ, bà Rose Pak (Bạch Lan), một nhà hoạt động chính trị và cộng đồng đến từ San Francisco, là một trong những bằng hữu thân cận nhất của UFWD tại Hoa Kỳ. Bà là giám đốc điều hành ở hải ngoại của Hiệp hội Giao lưu Hải ngoại Trung Quốc, một tổ chức trực thuộc mặt trận thống nhất. Bà đã đến Trung Quốc để ghép thận vào năm 2016. Đáng buồn thay, vài tháng sau khi trở về San Francisco, bà đã qua đời. Điều đó làm dấy lên một số nghi vấn.
Bà Bạch Lan không có việc làm vào thời điểm bà phẫu thuật — vậy bà đã lấy tiền ở đâu để cấy ghép? Bà là một công dân Hoa Kỳ, vậy thì làm cách nào để bà tiếp cận được với nguồn thận ở Trung Quốc?
Du lịch nội tạng đến Trung Quốc đã bị cấm ở Israel, Đài Loan, Ý, và Tây Ban Nha. Vương quốc Anh cũng thay đổi luật đạo đức sinh học của mình để ngăn không cho các bệnh nhân đang chờ nội tạng của nước này sang Trung Quốc để cấy ghép.
Liệu Hoa Kỳ có nên làm theo không?
Các cơ quan nội tạng này đến từ đâu?
Ngành ghép tạng của Trung Quốc bắt đầu bùng nổ vào năm 2000, cũng là thời điểm mà cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công bước sang năm thứ hai. Năm 2006, tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống do nhà nước hậu thuẫn đã bị phanh phui. Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã kết luận rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể” và việc sát nhân để cung cấp cho ngành cấy ghép tạng này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Tòa này tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là những nạn nhân chính trong hoạt động này.
Bắc Kinh đã khẳng định rằng đại bộ phận số nội tạng này, nếu không muốn nói là tất cả, đều đến từ các tử tù. Phải mất thêm chín năm nữa thì Trung Quốc mới thiết lập xong hệ thống phân phối và hiến tạng ‘ngụy tạo’ của mình. Hệ thống này chủ yếu được sử dụng cho các chiến dịch quan hệ công chúng quốc tế — và cách làm này đã hiệu nghiệm. Cộng đồng ghép tạng toàn cầu, chủ yếu là Hiệp hội Cấy ghép tạng, đã dỡ bỏ hạn chế đối với Trung Quốc và ủng hộ những lời dối trá của ĐCSTQ. Sự tán thành của cộng đồng cấy ghép quốc tế đã tạo thêm động lực cho ĐCSTQ.
Hoạt động kinh doanh cấy ghép vẫn tiếp tục bành trướng mà không có một hệ thống hiến tạng quy củ. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nội tạng từ các tù nhân lương tâm không phải là vô tận. Dưới chiếc dù che chắn của nhà cầm quyền Trung Quốc, nạn thu hoạch và buôn bán nội tạng ngầm bắt đầu bùng nổ cùng với sự phát triển của ngành kinh doanh cấy ghép. Từ năm 2013 đến 2017, hơn 100 sinh viên đại học đã bặt vô âm tín mà không để lại dấu vết. Mặc dù camera giám sát được lắp đặt khắp nơi, nhưng chưa một trường hợp nào được giải quyết. Nhiều người Trung Quốc bắt đầu ngờ vực rằng các vụ mất tích này có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng.
Dạo gần đây, một làn sóng các vụ án khác đã trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc: thanh thiếu niên bị mất tích. Một trong những nạn nhân là em Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu), học sinh trung học ở huyện Duyên Sơn, tỉnh Giang Tây, bị mất tích ngay trong trường nội trú của mình. Đoạn ghi hình của camera giám sát có thể đã bị sửa đổi vì thiếu mất cảnh quay có thể cung cấp các manh mối về vụ mất tích của em Hồ. Vụ việc này đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mục tiêu của nhà chức trách không phải là giải quyết vụ việc mà là để bịt miệng gia đình nạn nhân. Có một số phiên bản không chính thức của câu chuyện, nhưng hầu hết đều liên kết sự biến mất của thiếu niên này với nạn thu hoạch nội tạng.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times