Luật sư biện hộ cho học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị đuổi khỏi tòa
Trong phiên điều trần biện hộ cho thân chủ của mình, một học viên Pháp Luân Công, luật sư Tạ Yến Ích (Xie Yanyi) đã nhiều lần bị thẩm phán ngắt lời và cuối cùng bị đuổi khỏi tòa.
Ngay sau khi bị đưa ra khỏi phòng xử án huyện Huy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, công an địa phương đã bắt giữ vị luật sư này. Ông đã được thả ra vào đêm hôm đó.
Ông Tạ nói với The Epoch Times, vụ việc xảy ra trong phiên tòa xét xử học viên Pháp Luân Công Trương Tố Cầm (Zhang Suqin) hôm 17/02 này là một dấu hiệu cho thấy hệ thống pháp luật của Trung Quốc đã tiêu vong.
Ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công và luật sư của họ cùng nhau phản đối một hệ thống thậm chí không còn đại diện cho pháp luật nữa.
Gần đây nhất là hồi tháng 09/2022, một báo cáo đặc biệt trong mục Điều tra của hãng thông tấn Reuters có viết: “Các học giả pháp lý ở cả trong lẫn ngoài Trung Quốc đều nói rằng việc sử dụng bộ luật hợp pháp để dập tắt bất đồng chính kiến mang lại diện mạo hợp pháp trong một kỷ nguyên mà ông Tập đang kêu gọi Đảng này phải cai trị Trung Quốc thông qua hình thức ‘cai quản dựa trên luật pháp’ (hay pháp trị).”
Tuy nhiên, theo ông Tạ, kinh nghiệm của ông cho thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn bận tâm đến việc duy trì các thủ tục pháp lý ở trên bề mặt nữa.
Các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, tỷ lệ kết án trong các phiên tòa là hơn 99%. Vậy mà, một số luật sư vẫn tiếp tục làm việc với hệ thống pháp luật để cố gắng đòi lại công lý cho thân chủ của mình. Thế nhưng, những nỗ lực của họ thường khiến họ phải chịu cảnh ngồi tù và bị tra tấn. Tuy vậy, một phần rất nhỏ trong toàn bộ giới luật sư ở Trung Quốc có mục tiêu “làm suy yếu quyền lực của Đảng Cộng sản, từng vụ một,” theo báo cáo của Reuters.
Trong nhiều năm qua, nhóm luật sư nhân quyền nhỏ bé nhưng anh hùng này — khoảng 300 trong số khoảng 500,000 luật sư của Trung Quốc — đã và đang trở thành cái gai trong mắt của chế độ cộng sản. Giống như ông Tạ, họ biện hộ cho những người bị oan sai, thường là các học viên Pháp Luân Công.
Ông Tạ đang bào chữa cho rất nhiều học viên Pháp Luân Công. “Tất cả các trường hợp liên quan đến học viên Pháp Luân Công đều là một cuộc đàn áp chính trị,” ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 18/02.
Môn tu luyện cổ xưa Pháp Luân Công bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa và nhấn mạnh vào việc tu luyện theo chân, thiện, và nhẫn. Môn tập này đã thu hút hàng trăm triệu học viên trên toàn thế giới.
Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch bức hại nhắm vào Pháp Luân Công. Cuộc bức hại vẫn còn đang tiếp diễn của chính quyền đã dẫn đến vô số học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù, mất tích, và tử vong — cũng như các luật sư biện hộ cho họ.
Phiên tòa ngụy tạo
Bà Trương Tố Cầm (Zhang Suqin) là một học viên Pháp Luân Công ở huyện Huy. Công an địa phương đã bắt giữ bà hai lần vì bà không chịu buông bỏ đức tin của mình. Bà hiện đang bị giam giữ tại Trung tâm Giam giữ Tân Hương.
Ông Tạ cho biết trường hợp của bà Trương là sai sự thật, không liên quan gì đến luật pháp, và chỉ đơn giản là một cuộc bức hại chính trị mà không có bất kỳ bằng chứng nào.
Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, chủ tọa phiên tòa Tần Khả Nghiên (Qin Keyan) đã ngắt lời ông Tạ ít nhất bảy lần. Ông Tạ nói: “Tôi đã đưa ra toàn bộ căn cứ pháp lý để ngăn chặn hành động ngắt lời vô lý của bà ấy. Nhưng sau đó bà ấy bắt đầu đặt câu hỏi về mối quan hệ của tôi với bà Trương.”
Theo ông Tạ, bà Tần nhắm mục tiêu vào trình độ bào chữa của ông và nhấn mạnh rằng mối quan hệ của ông với thân chủ của mình là mối quan hệ bạn bè.
Ông Tạ đã nộp giấy ủy quyền và các tài liệu có liên quan theo đúng thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, ông nói, “Trong phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã cố tình công kích mối quan hệ quen biết giữa tôi và bà Trương.”
Ông giải thích rằng tất cả các tài liệu được trình bày đã được tòa án xác nhận. Tuy nhiên, những câu hỏi dai dẳng của thẩm phán đi sâu vào vấn đề như ông đã gặp thân chủ của mình ở đâu, như thế nào, và vào thời gian nào, cũng như hỏi cụ thể về thông tin được trao đổi riêng tư giữa họ, đã đi quá xa: hành động này hiện đang “vượt quá phận sự của một thẩm phán.”
Sau khi ông Tạ đưa ra ý kiến phản đối và bác bỏ các câu hỏi của bà ấy, thẩm phán bất ngờ tuyên bố hoãn phiên tòa, nói rằng bà ấy sẽ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo. Thời gian hoãn phiên tòa kéo dài khoảng 30 phút trước khi phiên tòa tiếp tục.
Ông Tạ nói: “Bà Trương Tố Cầm khẳng định rằng tôi là người biện hộ cho bà ấy, và tôi cũng khẳng định rằng tư cách người bào chữa và quyền của người bào chữa của tôi không thể bị tước đoạt. Tôi đề nghị tòa bảo vệ quyền bào chữa này.”
Tuy nhiên, vị thẩm phán này lại quay sang công kích ông Tạ, nói rằng ông đã “vi phạm lệnh của tòa án,” rằng ông “quảng bá cho Pháp Luân Công,” và ông “bị khiển trách hai lần nhưng không chịu nghe.” Kết quả là, ông Tạ bị trục xuất ra khỏi tòa án.
Ông Tạ nói, “Chúng tôi đang tranh biện; không có ‘khiển trách’ nào ở đây cả. Dường như họ đã sắp xếp mọi việc theo kế hoạch. Để hoàn tất việc phạt tù, họ phải tước đi quyền biện hộ. Chỉ còn cách trục xuất tôi và không cho tôi quyền biện hộ nữa thì bà ấy [thẩm phán] mới có thể công kích thân chủ [của tôi].”
Một nhà nước cảnh sát
Thẩm phán cũng nói với ông Tạ rằng bà đã gọi cho công an. Ông Tạ nói: “Đây là điều tôi không thể dung thứ được. Một thẩm phán đang dựa vào công an để phân xử các tranh chấp giữa người biện hộ và tòa án. Đó là một hành động rất đáng hổ thẹn và đáng buồn, cho thấy phẩm giá của ngành tư pháp đã không còn nữa.”
Đối với ông Tạ, hành động của thẩm phán cho thấy Trung Quốc hiện là một nhà nước cảnh sát. Điều đó có nghĩa là hoàn toàn không còn quyền bào chữa, không còn hệ thống tư pháp hình sự của Trung Quốc, và toàn bộ hệ thống pháp luật cũng đã tiêu vong, một hệ thống mà cho đến gần đây chí ít vẫn còn duy trì hình thức tố tụng pháp lý. Ông nói: “Đây không phải là một vấn đề nhỏ nữa rồi.”
Theo một báo cáo của hãng thông tấn AP, cuộc đàn áp luật sư này được xem là “Đại Cách mạng Văn hóa nhìn qua lăng kính của kỷ nguyên truyền thông đại chúng hiện đại.”
Mặc dù bà Trương rất có thể sẽ phải ngồi tù nhưng ông Tạ nói rằng ông sẽ không từ bỏ vụ án này.
Ông Tạ tuyên bố, “Tôi tôn trọng sự thật và luật pháp, và tôi sẽ giữ vững lập trường độc lập theo luật pháp. Không hành vi đồi bại nào của họ có thể ngăn cản tư cách pháp nhân và ý chí của tôi. Tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo sự ủy thác của thân chủ. Sẽ không có bất kỳ thế lực bất hợp pháp nào được phép tước đoạt hoặc hạn chế quyền thực hiện nhiệm vụ của tôi, bất kể đó là ai.”
Sự kiện 709
Ông Tạ là một nạn nhân của Sự kiện 709 — cuộc đàn áp hàng trăm luật sư nhân quyền Trung Quốc diễn ra vào ngày 09/07/2015.
Chính quyền đã nhắm mục tiêu vào hàng trăm luật sư nhân quyền, những người bất đồng chính kiến, và gia đình của họ trên khắp 23 tỉnh của Trung Quốc. Sự kiện này được cho là đánh dấu một bước thụt lùi mạnh mẽ của ngành tư pháp dưới sự cai trị của chế độ cộng sản.
Ông Tạ bị giam trong tù, và gia đình ông không được thông báo về việc ông bị giam giữ cho đến khi Bắc Kinh chính thức bắt giữ ông vài tháng sau đó, hồi tháng Một năm 2016. Cuối cùng, hơn một năm sau, ông đã được trả tự do vào ngày 18/01/2017.
Sau sự kiện này, giống như nhiều luật sư nhân quyền khác tham gia vào các vụ kiện với các nhóm tôn giáo, ông Tạ bị tước giấy phép hành nghề luật sư.
Theo luật sư Vương Vũ (Wang Yu), việc mất giấy phép hành nghề đã gây trở ngại lớn cho các luật sư nhân quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vương cho biết họ vẫn luôn kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình.
Ông Vương cũng là một nạn nhân của Sự kiện 709. Hiện ông đang bào chữa cho bà Lưu Lệ Kiệt (Liu Lijie), một học viên Pháp Luân Công khác. Bị kết án ba năm rưỡi tù giam hồi tháng Mười Một năm 2021, bà không được phép gặp luật sư và các thành viên gia đình cho đến ngày 10/02, mặc dù đã có nhiều lần kháng cáo.
Che giấu cuộc bức hại dưới vỏ bọc pháp luật
Hồi năm 2016, những bổ sung mới trong “Luật Luật sư” của Trung Quốc — “Các biện pháp Quản lý Công ty Luật” và “Các biện pháp Quản lý Luật sư” — cho phép Bộ Tư pháp Trung Quốc thu hồi giấy phép hành nghề luật sư một cách vô căn cứ, một luật sư sử dụng bí danh Phương Nguyên (Fang Yuan) nói với The Epoch Times.
Ngoài ra, luật sư Nguyên cho biết, các vụ án liên quan đến các học viên Pháp Luân Công được xét xử tại các tòa án được chỉ định đặc biệt.
Mặc dù giấy phép hành nghề luật sư của ông Tạ đã bị thu hồi, nhưng một điều khoản trong luật pháp Trung Quốc cho phép bị cáo chọn người giám hộ, người thân, hoặc bạn bè làm người biện hộ cho mình, “để họ có thể thực hiện đầy đủ quyền biện hộ của mình.” Ông Tạ có thể ra hầu tòa một cách hợp pháp với tư cách là người biện hộ cho bà Trương, theo điều khoản này.
Ông Chí Vĩ (bí danh) là một luật sư từng đại diện cho các vụ án Pháp Luân Công.
Ông nói với The Epoch Times rằng ông cũng tôn trọng các học viên Pháp Luân Công mà ông đã biện hộ giống như luật sư Tạ. Ông nói: “Tấm lòng thiện lương, giữ chữ tín, và ý thức kỷ luật” của họ là điều “hiếm có” ở Trung Quốc.
Ông nói rằng luật sư nhân quyền Tạ Yến Ích “thật xuất sắc vì ông ấy đã luôn kiên trì biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công. Ông ấy đặc biệt cố gắng giành được sự tôn trọng và hòa giải của tất cả các bên.” Ông Chí Vĩ cho biết, mặc dù ông Tạ có thể phải trả giá đắt cho những lời nói của mình, nhưng những “lập luận có lý trí” của ông ấy là điều rất cần thiết trong thời đại ngày nay.
Đưa tà ác ra ánh sáng
Ông Tạ cho biết ông tin rằng thẩm phán cố tình cản trở việc biện hộ của ông để giảm thiểu tác động của lời biện hộ của ông trong phiên tòa. Mặc dù lời nói của ông ít có khả năng thay đổi kết quả của phiên tòa, nhưng ông biết rằng sẽ có người nghe những gì ông nói, và có lẽ trong tâm sẽ thay đổi.
Ông Tạ cho biết vụ việc này cũng có mặt tích cực: cụ thể là, nhờ đó mà các thế lực bất hợp pháp đang tác oai tác quái ở Trung Quốc ngày nay đã bị đưa ra ánh sáng.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Hồng Ninh
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times