‘Mỏ người’: Thuật ngữ nhạy cảm mới bị ĐCSTQ kiểm duyệt
Gần đây, cụm từ “nhân khoáng’ (人矿) (tạm dịch: mỏ người hay quặng người) mà cư dân mạng Trung Quốc ví von với sự bị bóc lột và chèn ép, đã trở nên phổ biến trên Internet ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, các chủ đề liên quan đến từ khóa này đã nhanh chóng bị các nền tảng xã hội lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt.
Cụm từ “mỏ người” được cho là phiên bản nâng cấp của cụm từ “rau hẹ”, có ý nghĩa là “đọc sách 20 năm, trả nợ tiền vay mua nhà 30 năm, nuôi bệnh viện 20 năm. Từ khi sinh ra cho tới nay, chính là người bị sử dụng làm vật tiêu hao.” Cũng là chỉ “người bị bóc lột, chèn ép, tước đoạt lợi ích, cuối cùng còn bị thu hoạch nội tạng sống.”
Hôm 04/01/2023, thuật ngữ “mỏ người” trở thành từ khóa lọt top tìm kiếm “hot” trên Weibo. Tuy nhiên, ngay lập tức thuật ngữ này đã bị các nền tảng xã hội lớn của đại lục như Weibo, Douyin và Zhihu kiểm duyệt.
Hiện tại, tìm kiếm cụm từ “mỏ người” trên Weibo thì sẽ hiển thị nội dung “Theo quy định pháp luật và chính sách liên quan, chủ đề trang không được hiển thị.” Tuy nhiên càng bị các nền tảng xã hội lớn phong sát, thì trái lại càng khiến cụm từ này được chú ý nhiều hơn.
Nguồn gốc của thuật ngữ “mỏ người” xuất hiện sớm nhất từ năm 1984, khi trong một bài báo, tờ “Nhân dân Nhật báo” do nhà nước hậu thuẫn đã gọi con người là một loại “tài nguyên”.
Vào năm 2020, trang web của tờ Quang Minh đã đăng một bài báo có tiêu đề “Mỏ giàu nhân lực để phát triển chất lượng cao: Trung Quốc có 1.7 tỷ tài nguyên nhân tài.” Bài báo nói rằng “lợi nhuận nhân khẩu” cần được tăng cường đi đôi với “lợi nhuận nhân tài” để cung cấp hỗ trợ nguồn lực trí tuệ mạnh mẽ cho sự phát triển của Trung Quốc.
Đầu năm 2023, thuật ngữ “mỏ người” lại lần nữa được dư luận quan tâm.
Trên trang mạng Zhihu, có người dùng đã giải thích kỹ càng thuật ngữ “mỏ người” như sau:
Một: “Mỏ người” có nghĩa quý vị là một loại tài nguyên, không phải là một chủ thể. Quý vị là phương tiện, không phải là mục đích. Vắt kiệt năng lượng một đời của mình là để cho người khác đạt được mục đích, mà không phải để theo đuổi cuộc sống mà chúng ta mong muốn.
Hai: Vòng đời của “mỏ người” được chia thành ba giai đoạn – khai thác, sử dụng, giải quyết cặn và khí thải. Trong khoảng mười năm đầu tiên, mục đích của việc đầu tư vào giáo dục là để khai thác chúng ta, biến chúng ta thành một mỏ khai thác có thể sử dụng được. Mười năm tiếp theo là quá trình sử dụng và làm tiêu hao. Cuối cùng, khi không còn có thể sử dụng được nữa thì được loại bỏ theo cách ít gây ô nhiễm nhất có thể.
Ba: Năng lượng được sinh ra trong suốt cuộc đời của “mỏ người”, ngoài việc được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, một phần còn được sử dụng để khai thác các mỏ người mới. Do đó, “mỏ người” là một nguồn tài nguyên có thể tái sinh. Thích hợp với thời đại không ngừng phát triển này… khi quý vị ý thức được mình là “mỏ người”, chính là lúc sự tự nhận thức của quý vị đã thức tỉnh.
Khi một người nhận thức ra được mình là ‘mỏ người’ thì chắc hẳn sẽ rất đau khổ – nếu như anh ta không thể thay đổi được gì. Để giảm bớt đau khổ, anh ta chỉ có thể giả vờ bản thân vẫn còn ngủ, ngày qua ngày thiêu đốt bản thân. Cho nên, khi quý vị nhìn thấy một đám “mỏ người” trầm mặc, quý vị cũng không thể biết trong đó có bao nhiêu “mỏ người” thực ra là đã thanh tỉnh, mãi cho đến một thời điểm đặc thù nào đó.
Hôm 05/01/2023, thuật ngữ “Mỏ người” đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi của nhiều cư dân mạng trên Twitter:
“Sự xuất hiện của thuật ngữ ‘Mỏ người’ này nhất định đã đánh thức người dân trong nước lên một cấp độ mới…”
“Vừa nhìn thấy cụm từ này, chúng ta sẽ lập tức nghĩ – ai là mỏ? Ai đang đào?”
“Mỏ người đã chỉ ra đối tượng, địa vị và cách thức đối đãi, khiến cho mọi sự giả dối che đậy đều không còn chỗ che đậy.”
“Mỏ người, được hiểu con người là khoáng sản, bị thu thập, bị gia công, bị lợi dụng, bị tiêu dùng, bị loại bỏ. Đừng nghĩ con người có bao nhiêu ưu tú. Chẳng qua cũng chỉ là quặng giàu, quặng nghèo, khác nhau là chất lượng chênh lệch cao thấp mà thôi. Quý vị là mỏ quặng, thì cũng chính là hàng tiêu dùng, không nên theo đuổi bất cứ điều gì. Tác dụng lớn nhất của quý vị chính là không ngừng đầu tư vào việc tái sản xuất…”
Cựu Phó bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Cộng, ông Cao Chiêm Tường (Gao Zhanxiang) đã qua đời hồi cuối năm ngoái (2022), được tiết lộ rằng khi còn sống đã dựa vào cấy ghép nội tạng để kéo dài tính mạng. Điều này cũng đưa đến một cách giải thích khác về “mỏ người” của những người dùng Twitter.
Kỳ thực mỏ người còn có một sự thật tàn khốc hơn, đó là “những người bị thu hoạch nội tạng để giúp các quan chức cao cấp và những người giàu có kéo dài sinh mạng.”
“Nguồn nội tạng cung cấp cho hồng tặc của ĐCSTQ gắn liền với quyền lực. Quyền lực càng lớn, thì nội tạng được chọn chờ cấy ghép càng nhiều, mà chức vị càng cao, thì đồng nghĩa với việc càng có nhiều sinh mạng vô tội trở thành mỏ người của ĐCSTQ, bị họ tùy ý khai thác, cuối cùng chỉ còn lại xỉ quặng.”
“Dân thường là ‘mỏ người’, là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, là ‘mỏ người’ dùng để tạm thời lưu trữ nguồn nội tạng của các quan lại,” một người dùng viết.
“Cụm từ ‘mỏ người’ này dùng rất hay, nói rõ: tim, gan, lá lách, phổi, thận của người bình thường … đều là khoáng sản của kẻ quyền quý, chỉ cần phù hợp thì có thể ‘đào’ bất cứ lúc nào. Từ bia đỡ đạn đến rau hẹ, lại thăng cấp thành khoáng sản, tài nguyên quá phong phú, dùng mãi không cạn…”
Ông Cao Chiêm Tường qua đời vào ngày 10/12/2022, vào thời điểm đó sự việc này cũng không thu hút sự chú ý của dư luận. Cho đến đầu tháng 01/2023, có người dùng mạng xã hội phát hiện, ông Chu Vĩnh Tân (Zhu Yongxin), Phó chủ tịch Ủy ban Dân tiến Trung ương, từng tiết lộ rằng, ông Cao Chiêm Tường khi còn sống đã nhiều lần cấy ghép nội tạng, dựa vào nội tạng cấy ghép để kéo dài tính mạng, tin tức này sau đó đã khiến dư luận xôn xao.
Người dùng mạng bàn tán sôi nổi: “Cựu Phó bộ trưởng Bộ Văn hóa đã thay hết nội tạng trên cơ thể. Thử nghĩ xem các quan chức cấp trên bộ trưởng sẽ thay thế như thế nào? Toàn là ma quỷ!”, “Xem ra các cơ quan nội tạng của Tổng bí thư Giang [Trạch Dân] bị suy yếu, cũng chẳng phải là không có lửa thì sao có khói”, “Tôi rốt cuộc biết nhiều người mất tích như vậy là đi nơi nào rồi, đều là đi vào trong cơ thể quan viên ĐCSTQ cả rồi.”
Gần đây, tình hình dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, hàng loạt quan chức cao cấp của Trung Cộng, chuyên gia, học giả, và viện sĩ đều liên tiếp qua đời. Hôm 04/01/2023, trong một buổi phát sóng trực tiếp, người dẫn chương trình “Quan sát của Tần Bằng” cho biết, những việc mà ông Cao Chiêm Tường đã làm cũng đã giải thích một phần sự thật về những ca tử vong dồn dập gần đây của nhiều quan chức cao cấp và viện sĩ của ĐCSTQ.
Do Lý Vận thực hiện
Phương Minh biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ