Chính quyền Trung Quốc phạt công ty tọa đàm 2 triệu USD vì nhạo báng quân đội Trung Quốc
Tuần này (15-21/05), chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phạt một công ty tọa đàm của Hoa lục khoảng 2 triệu USD và đình chỉ vô thời hạn các chương trình của họ sau khi một diễn viên hài bị khán giả tố cáo là chế giễu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và khẩu hiệu quân sự của chính quyền này.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng những người chủ trì chương trình tọa đàm và diễn viên hài đang ngày càng khó tồn tại hơn ở Trung Quốc dưới sự kiểm duyệt ngày càng khắt khe của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một đoạn ghi âm của chương trình hôm 13/05 của diễn viên hài độc thoại Trung Quốc Lý Hạo Thạch (Li Haoshi) gần đây đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó diễn viên này nói:
“Tôi nhận nuôi hai chú chó lạc, chúng là những con chó hoang được nhặt từ vùng núi gần nhà tôi. Khi tôi nhìn thấy hai con chó này lần đầu tiên, chúng đang đuổi theo những con sóc nhanh như đạn súng thần công, vì vậy tám ký tự lớn hiện lên trong đầu tôi, ‘Tác phong ưu tú, bách chiến bách thắng’ — rất tốt.”
“Nghe lệnh đảng, tác phong ưu tú, bách chiến bách thắng” là khẩu hiệu mà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đưa ra năm 2013 để khuyến khích quân đội Trung Quốc.
Anh Lý, nghệ danh là “House”, đã thấy những lời của mình được một số khán giả đưa lên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo, với một số cư dân mạng bình luận rằng ngôn từ của anh là sự xúc phạm đối với PLA.
Cả anh Lý và công ty Tiếu Quả (Xưởng Tấu Hài) — chương trình tọa đàm mà anh làm việc — đã công khai xin lỗi vì câu nói đùa hôm 15/05. Tuy nhiên, kể từ đó, tài khoản mạng xã hội “Jun Zhengping” (Quân Chính Bình) của quân đội Trung Quốc, tài khoản chính thức của Lục quân Chiến khu Tây bộ, và các phương tiện truyền thông chính thống như Nhật báo Bắc Kinh, Nhân dân Nhật báo, và Tân Hoa Xã đã đăng các bài báo chỉ trích anh Lý vì đi quá giới hạn.
Hôm 17/05, Cục Văn hóa và Du lịch Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố trên tài khoản WeChat của mình, cáo buộc công ty hài kịch Thượng Hải Tiếu Quả và người chủ trì chương trình Lý Hạo Thạch thay đổi nội dung của chương trình biểu diễn mà không được sự cho phép trong buổi biểu diễn hôm 13/05, và tuyên bố người chủ trì chương trình này đã “xúc phạm nghiêm trọng” PLA.
Cục này đã tịch thu 1.325 triệu nhân dân tệ (188,700 USD) cho cái mà họ gọi là “lợi nhuận bất hợp pháp” và phạt công ty 13.35 triệu nhân dân tệ (1.9 triệu USD). Tất cả các buổi biểu diễn của Tiếu Quả ở Bắc Kinh đều bị đình chỉ vô thời hạn.
Trong khi đó, Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải cũng đình chỉ các buổi biểu diễn của công ty này ở Thượng Hải.
Cùng ngày, công an Triều Dương Bắc Kinh đưa ra một thông báo cho biết họ đang điều tra anh Lý Hạo Thạch vì “xúc phạm nghiêm trọng” PLA, gây “tác động xấu đến xã hội.”
Theo ấn bản Hoa ngữ của BBC, anh Lý đã bị công an bắt đi vào sáng thứ Năm, hôm 18/05.
BBC获悉,被指侮辱中国军队的脱口秀演员李昊石在周四(5月18日)上午被警方带走。此前,北京市朝阳区警方已宣布对该事件立案调查。
— BBC News 中文 (@bbcchinese) May 18, 2023
Tiếu Quả đưa ra một tuyên bố nói rằng họ sẽ điều chỉnh toàn diện hoạt động biểu diễn của mình trên toàn quốc, và chấm dứt hợp đồng với anh Lý.
Tất cả các buổi biểu diễn trên ứng dụng của Tiếu Quả đã bị xóa. Tài khoản của anh Lý trên các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc cũng đã bị xóa.
‘Khiêu vũ với gông cùm’
Hôm 16/05, ký giả công dân Hoàng Tử Nhân (Huang Ziyin) nói với The Epoch Times rằng dưới chính quyền độc đoán của ĐCSTQ, thì không thể có một nền văn hóa hài kịch thực sự trong các chương trình tọa đàm của Trung Quốc. “Đó là lý do tại sao các chương trình tọa đàm là một loại hình nghệ thuật khó tồn tại ở Trung Quốc. Bởi nếu không cẩn thận thì quý vị sẽ vượt qua lằn ranh đỏ của đảng.”
Hồi giữa tháng Hai, anh Trì Tử (Chi Zi), tên thật là Vương Việt Trì (Wang Yuechi), một diễn viên hài độc thoại nổi tiếng của đại lục, cũng bị Ban Tuyên truyền Trung ương của ĐCSTQ cấm vì châm biếm các chủ đề nhạy cảm — chẳng hạn như chính sách kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc — trong chuyến lưu diễn Bắc Mỹ của mình.
Bà Hoàng cho biết: “Dưới sự kiểm duyệt và tự kiểm duyệt, những diễn viên hài độc thoại này không thể tạo ra những câu chuyện hài vui nhộn, và hài độc thoại sẽ không phát triển. Điều này cũng đúng với các tác phẩm trong ngành truyền hình và điện ảnh Trung Quốc. Dù là nội dung hay hình thức thể hiện thì con đường đang ngày càng thu hẹp, bởi vì không gian do hệ thống chính trị mang đến đang thu hẹp dần.”
Hôm 16/05, ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), tổng biên tập của Mùa Xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), một nguyệt san ở ngoại quốc chuyên thúc đẩy nhân quyền, dân chủ, và công bằng xã hội ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng mặc dù anh Lý Hạo Thạch bị tố là xúc phạm quân đội, nhưng sơ suất thực sự của anh là vô tình chế giễu ông Tập Cận Bình. Sau đó, anh Lý bị “các Tiểu Phấn Hồng” (một thuật ngữ Trung Quốc chỉ những người trẻ Trung Quốc thân cộng) buộc tội xúc phạm nhà lãnh tụ vĩ đại này.
Ông Trần tin rằng ở Trung Quốc, các buổi biểu diễn nghệ thuật như các chương trình tọa đàm có thể khó thực hiện trong tương lai. “Dưới môi trường độc đoán của ĐCSTQ, sự phát triển của các chương trình tọa đàm ở Trung Quốc trong những năm gần đây giống như ‘đang khiêu vũ với gông cùm’, và các phương tiện truyền thông chính thống đã nhiều lần cảnh báo họ rằng ‘kể chuyện cười cần vừa phải.’”
‘Các Tiểu Phấn Hồng’ giúp ĐCSTQ kiểm duyệt
Hôm 16/05, ký giả công dân Ninh Tĩnh (Ning Jing) đã trao đổi với The Epoch Times. “Đáng sợ nhất chính là những ‘Tiểu Phấn Hồng’ lên tiếng về vấn đề này trên mạng xã hội,” bà Ninh nói. “Họ đâu biết là họ đang tước đoạt quyền được nói và bày tỏ quan điểm của người khác, đồng thời họ cũng đang tước đoạt quyền được lên tiếng của chính mình trong tương lai, cũng như tước đoạt quyền được nói một cách tự do của các thế hệ người Trung Quốc tương lai.”
“Họ cũng giúp ĐCSTQ tuần tra mọi ngóc ngách như cảnh sát mạng, và sau đó báo cáo về những người khác mà không chút e ngại. Cách mạng Văn hóa sắp quay trở lại, không chỉ trong đời thực, mà còn trên cả Internet. Thời kỳ khó khăn đang đến với người dân Trung Quốc, và họ có thể sớm quay trở lại thời kỳ giữ chặt những câu danh ngôn của Mao (Mao Ngữ Lục) và Tiểu Hồng Thư trong tay.”
Nghệ sĩ đại lục Đồng Nhất Mẫn (Tong Yimin) nói với The Epoch Times rằng dưới môi trường kiểm duyệt của ĐCSTQ, thì không chỉ những nghệ sĩ biểu diễn chương trình tọa đàm, mà tất cả các nghệ sĩ và giới trí thức đều thấy mình ở trong một môi trường đáng sợ, không có không gian sáng tạo lẫn tự do.
Trước đây, các công ty hoặc các nhóm như Tiếu Quả và công ty “cross talk” (hài kịch kép truyền thống) Đức Vân Xã (Deyun Club) đã liên tục bị chính quyền đàn áp.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Vận và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times