54 quan chức cao cấp bị thanh trừng trong đợt tái phân chia quyền lực mới của ông Tập Cận Bình
Trong khi chính quyền nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập Cận Bình sẽ được định hình vào tháng Ba tới tại hai cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị, thì một cuộc thanh trừng lớn đối với các quan chức cao cấp đã và đang mở rộng trên khắp cả nước. Các chuyên gia cho biết hành động này là một phần trong nỗ lực của ông Tập nhằm tái phân chia quyền lực trong nội bộ đảng.
Cuộc thanh trừng tập thể này đã tập trung vào các quan chức cấp tỉnh và thành phố của hệ thống tư pháp và hệ thống chính quyền trong các lĩnh vực hành chính và kinh tế, trải rộng trên 10 tỉnh thành. Theo dữ liệu từ Viện kiểm sát Tối cao Trung Quốc, tính đến hôm 07/02 năm nay, 54 quan chức cao cấp đã bị bắt giữ hoặc bị bị truy tố, trong đó có 18 quan chức tư pháp đã bị cách chức chỉ trong năm ngày.
Chủ yếu là về các cáo buộc kinh tế, một chiến thuật phổ biến được phe phái của ông Tập sử dụng trong cuộc tranh đấu nội bộ những năm gần đây.
Hôm 02/02, nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với The Epoch Times rằng một cảm giác hoang mang như ngày tận thế hiện đang bao trùm giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản khi phe của ông Tập bắt đầu thanh lọc các lực lượng bất đồng chính kiến địa phương, đồng thời sắp xếp và thúc đẩy các tổ chức liên đới của đảng này.
Cuộc khủng hoảng cầm quyền của ông Tập
Bước sang năm 2023, chế độ của ông Tập Cận Bình phải đối mặt với những biến động ngược chiều dữ dội hơn từ nền một nền kinh tế đang suy thoái, ngân sách nhà nước cạn kiệt, và các mối quan hệ bang giao với các nước phương Tây xấu đi.
Hơn nữa, ông Lý cho biết, đợt bùng phát COVID-19 này đã có một tác động nghiêm trọng đến chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Bởi các chính sách chống dịch bệnh phân cực của ĐCSTQ mà các ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID ở Trung Quốc đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Số ca tử vong ngày càng tăng, trong đó có một số lượng lớn người thuộc giới tinh hoa và những người bảo vệ chế độ này, cũng khiến ông Tập bị ngờ vực trong nội bộ đảng.
Tính hợp pháp của chế độ Cộng sản này chưa bao giờ bị thách thức như bây giờ, ngay cả bởi một bộ phận cán bộ quan chức. Chẳng hạn, trong chiến dịch Giấy Trắng chống lại chính sách zero COVID hồi cuối năm ngoái, một số quan chức địa phương đã không hợp tác với chính quyền trung ương và ngầm chấp thuận cho các cuộc biểu tình dân sự.
Cuộc ‘tự cách mạng’ của ông Tập
Hôm 31/01, tập san Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ đã cho đăng bài diễn văn của ông Tập tại một phiên họp toàn thể của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hồi năm ngoái, trong đó ông đã đưa ra cái gọi là “tự cách mạng” như là lời giải đáp cho câu hỏi liệu ĐCSTQ có thể vẫn nắm quyền trong một thời gian dài.
Lo sợ mất đi quyền lực và vị trí thống trị của ĐCSTQ, ông Tập khẳng định cái gọi là “tự cách mạng,” ám chỉ rằng ĐCSTQ nên tự làm cách mạng chính đảng này trước khi đợi quần chúng làm cách mạng cho ĐCSTQ, “nhưng đây là một điều sai lầm. Làm thế nào mà một chế độ lại có thể lật đổ chính mình?” ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), chuyên gia về các vấn đề thời sự của Trung Quốc cho biết trên chương trình YouTube của mình hôm 03/02.
Một tình huống tương tự đã xảy ra với ông Mao Trạch Đông, người đã nói “hãy để nhân dân giám sát chính quyền” trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền. Theo ông Chương, vào thời điểm đó, những lời của ông Mao đã lừa được nhiều người, nhưng nếu chế độ này chuyển sang dân chủ thì ĐCSTQ sẽ không duy trì được quyền lực, và nếu người dân Trung Quốc có thể bầu cử thì chính quyền này sẽ bị hạ bệ.
Do đó, ông Chương cho biết, “cuộc ‘tự cách mạng’ của ông Tập chỉ đơn thuần là để đe dọa các đối thủ chính trị của ông trong nội bộ đảng.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times