Bắc Kinh thực thi các chính sách mới để chuẩn bị cho chiến tranh, bảo toàn quyền lực
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đang thực thi các chính sách mới để chuẩn bị cho chiến tranh và bảo toàn quyền lực của mình tại Hoa lục trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền nước này đang tìm cách gia cường lòng trung thành giữa các thành viên quân đội và các công ty thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời tuyển dụng thêm công vụ viên.
Luật Quân nhân Dự bị sửa đổi
Hôm 30/12/2022, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã ký Sắc lệnh 127 của Chủ tịch ĐCSTQ, thông báo rằng Luật Quân nhân Dự bị sửa đổi của chế độ này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/03.
Luật này quy định rằng các sĩ quan và binh sĩ dự bị quân đội phải trung thành với ĐCSTQ, bảo vệ và gìn giữ chế độ xã hội chủ nghĩa. Giới hạn về độ tuổi phục vụ đã được nâng lên — tất cả công dân từ 18 đến 60 tuổi đều đủ điều kiện nhập ngũ, với thời gian phụng sự tối thiểu là bốn năm.
Hôm 09/01, trong khi đang trả lời câu hỏi của phóng viên, Trưởng ban Công tác chính trị Quân ủy Trung ương cho biết, mục đích sửa đổi Luật Quân nhân Dự bị là để chuẩn bị cho chiến tranh, cung cấp sự trợ giúp về mặt thể chế để người dân chuẩn bị sẵn sàng cho việc nhập ngũ và chiến đấu trong quân đội bất cứ lúc nào.
Hôm 13/01, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng luật này “được đề ra do nhu cầu quân sự cũng như hướng đến việc chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.”
Tăng cường tuyển dụng công vụ viên
Vì nhiều chính quyền địa phương đang đối mặt với khó khăn về tài chính, nên công chức ở một số khu vực phải cắt giảm lương. Tuy nhiên, trong một diễn biến song song, chính quyền địa phương cũng đang mở rộng việc tuyển dụng công vụ viên.
Hôm 14/02, cụm từ khóa “Việc tuyển dụng công chức vào năm 2023 sẽ được mở rộng hơn 50%” đã trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Theo dữ liệu chính thức, Cam Túc, tỉnh có quy mô mở rộng lớn nhất, đang gia tăng đội ngũ công nhân viên chức của mình lên gần 80%.
Cam Túc là một tỉnh tương đối lạc hậu và nghèo khó ở vùng tây bắc Trung Quốc.
Trong một chương trình video hôm 16/02, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) lưu ý rằng nguồn tài chính nhà nước của ĐCSTQ đã hỗ trợ hơn 80 triệu nhân viên vào năm 2021, điều đó có nghĩa là với tổng 747 triệu dân số đang làm việc, thì gần như là cứ 10 người đi làm thì sẽ có một người là công vụ viên (người nhận được hỗ trợ tài chính).
“Tại sao nhiều nơi trên cả nước tiếp tục mở rộng tuyển dụng công chức trong khi cắt giảm lương? Tại sao ĐCSTQ lại cần một bộ máy nhà nước to lớn như vậy?” người dẫn chương trình VOA đặt câu hỏi.
Hôm 15/02, một cư dân Thượng Hải họ Uông đã chia sẻ quan điểm của mình với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Đó là để duy trì sự ổn định,” ông nói. “Rất nhiều người đang thất nghiệp. Nếu chính quyền địa phương không tăng cường tuyển dụng, thì họ sẽ nổi dậy. Chế độ này vẫn đang không ngừng in tiền để cấp dưỡng cho những người này. Đó là một vòng luẩn quẩn. Chế độ này chỉ là đang ăn bữa nay lo bữa mai mà thôi.”
Trong năm 2023 này, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đại lục sẽ đạt khoảng 11.74 triệu người, so với 10.67 triệu người vào năm 2022.
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục, khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 vẫn chưa tìm được việc làm.
Ông Thái Xuân Lâm (Cai Chunlin), một cư dân đến từ tỉnh Giang Tây, nói với NTD rằng việc tăng cường tuyển dụng công vụ viên đang diễn ra trên khắp cả nước.
Ông cho biết, “Việc tuyển dụng công vụ viên đã làm gia tăng gánh nặng đối với khó khăn tài chính hiện có. Ở địa phương chúng tôi, chính quyền tuyển dụng rất nhiều cán bộ quản lý đô thị, rất nhiều công an.”
Vào ngày 16/02, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh, đã tiết lộ trong một bài đăng trên Twitter rằng khoảng một phần ba công chức của đất nước là công an.
Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một cư dân mạng nổi tiếng ở Trung Quốc, đã trả lời bài đăng của ông Hồ: “Nếu ông Hồ Tích Tiến không nói với chúng tôi con số này, hầu hết người Trung Quốc sẽ không biết hoặc không tin vào điều đó. Một quốc gia sở hữu lực lượng công an lớn như vậy là một nhà nước cảnh sát, có phải vậy không?
Nhồi nhét chính trị trong các doanh nghiệp nhà nước
ĐCSTQ đang siết chặt gọng kìm của mình đối với các doanh nghiệp nhà nước bằng cách tăng cường “công tác xây dựng Đảng,” một hình thức nhồi sọ chính trị.
Vào tháng 10/2016, ông Tập Cận Bình đã có bài diễn văn tại Hội nghị Quốc gia về Công tác Xây dựng Đảng trong Doanh nghiệp Nhà nước, nói rằng “việc tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường xây dựng Đảng là truyền thống vẻ vang của doanh nghiệp nhà nước nước ta, là ‘gốc rễ và linh hồn’ của các doanh nghiệp nhà nước, và cũng là những lợi thế đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.”
Cơ quan giám sát các công ty nhà nước, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, đã đưa ra một thông báo vào ngày 22/02 về việc tập huấn “xây dựng Đảng,” nói rằng khóa đào tạo này nhằm thực hiện mệnh lệnh của ông Tập để củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, vốn sẽ nâng cao hiệu suất làm việc của họ.
Ông Trần Khắc Long (Chen Kelong), chuyên gia hàng đầu về “xây dựng Đảng” của ĐCSTQ trong các doanh nghiệp nhà nước, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Trung Quốc Quan sát Doanh nghiệp hôm 31/01 rằng, việc “xây dựng Đảng” tự thân đã là “năng lực cạnh tranh cốt lõi” của các doanh nghiệp nhà nước, và kêu gọi các doanh nghiệp “kết hợp sự lãnh đạo của Đảng vào tất cả các khía cạnh của quản trị doanh nghiệp, sản xuất, và vận hành.”
Căng thẳng Mỹ- Trung
Gần đây, Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố của Hoa Thịnh Đốn rằng một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã đi vào không phận của Hoa Kỳ và bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm, chẳng hạn như các hầm chứa hạt nhân ở Montana.
Ví dụ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã cho nhiều vật thể không xác định bay vào không phận Trung Quốc hơn chục lần. Tuy nhiên, ĐCSTQ không cung cấp bất kỳ chi tiết nào để chứng minh cho những tuyên bố này.
Những nỗ lực nhằm bôi nhọ Hoa Kỳ và phương Tây của ĐCSTQ có thể bị phản tác dụng, đặc biệt là sau khi cộng đồng quốc tế chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn, hay còn gọi là phong trào “giấy trắng”, chống lại chính sách zero COVID hà khắc hồi tháng Mười Hai năm ngoái.
Nhà đầu tư tỷ phú George Soros đã có bài diễn văn trước Hội nghị An ninh Munich 2023 hôm 16/02, nói rằng: “Cách thức hỗn loạn mà ông Tập Cận Bình áp dụng để đạt được zero COVID đã làm lung lay lòng tin của người dân Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông Tập. Tình hình hiện tại đáp ứng tất cả các điều kiện tiên quyết để thay đổi chế độ hoặc một cuộc cách mạng.”
Ông Thạch Sơn, một chuyên gia truyền thông, tin rằng tình hình hiện tại của Trung Quốc giống với Liên Xô trước khi chế độ này sụp đổ: căng thẳng với Hoa Kỳ, tham gia vào các cuộc chạy đua vũ trang và công nghệ, và một triển vọng kinh tế ảm đạm.
Ông Thạch nói với The Epoch Times: “Người dân đang ở trong tình trạng khốn cùng và các hoạt động phản kháng diễn ra ở khắp mọi nơi.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times