Trung Quốc mất 15 viện sĩ trong 26 ngày, gồm cả các chuyên gia vũ khí quân sự
Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã khiến hàng triệu người trên cả nước bị nhiễm bệnh. Từ ngày 01/01 đến ngày 26/01, 15 viện sĩ đã qua đời, trong đó có một số chuyên gia vũ khí quân sự hàng đầu, chẳng hạn như chuyên gia vũ khí hạt nhân nổi tiếng Võ Thắng (Wu Sheng), chuyên gia hỏa tiễn phòng không Lương Tấn Tài (Liang Jincai), nhà thiết kế tàu ngầm hạt nhân Trương Kim Lân (Zhang Jinlin), và chuyên gia nổ mìn Lý Chiêu (Li Zhao).
Hôm 04/01, ông Võ Thắng, một chuyên gia vũ khí hạt nhân, qua đời ở Thành Đô, hưởng thọ 89 tuổi. Ông Võ đã tham gia phát triển bom nguyên tử và bom khinh khí cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào những năm 1960. Ông đã giành được nhiều giải thưởng hàng đầu về khoa học và công nghệ.
Cũng trong hôm 04/01, ông Từ Mễ (Xu Mi), một nhà công nghệ hạt nhân kiêm kỹ sư trưởng của Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, qua đời tại Bắc Kinh, hưởng thọ 86 tuổi. Nổi tiếng với danh xưng “Cha đẻ của Lò phản ứng Nhanh Trung Quốc”, ông Từ là một trong những người tiên phong và sáng lập ra công nghệ lò phản ứng neutron nhanh trong nước.
Hôm 09/01, viện sĩ Trương Kim Lân, kỹ sư trưởng của chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ ba của Trung Quốc và là cựu giám đốc Viện Nghiên cứu 719 của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc, đã qua đời tại Vũ Hán, hưởng thọ 87 tuổi.
Cổng thông tin NetEase của Trung Quốc đã ca ngợi ông Trương vì ông đã dành cả đời để cống hiến cho sự nghiệp phát triển tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ.
Bài báo cho biết: “Năm 1996, viện sĩ Trương Kim Lân, khi đó đã ngoài 60 tuổi, lẽ ra có thể an tâm về hưu, nhưng vì sự nghiệp hàng hải của chúng ta, ông cảm thấy mình mang trách nhiệm nặng nề và đã dẫn dắt quá trình phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094. … Ông đã có những đóng góp to lớn cho giấc mơ Trung Hoa, cũng như giấc mơ thành lập một quân đội hùng mạnh của Trung Quốc.”
Ông Trương là một trong những người nhận được khoản trợ cấp đặc biệt của chính phủ của ĐCSTQ, do Quốc Vụ viện cấp cho các chuyên gia, học giả, và nhân viên kỹ thuật có nhiều đóng góp nổi bật.
Hôm 17/01, ông Lương Tấn Tài, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu số 8 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực hỏa tiễn phòng không, đã qua đời, hưởng thọ 95 tuổi. Ông Lương chủ yếu tham gia vào nghiên cứu chung và nghiên cứu điều khiển tự động của hỏa tiễn phòng không, đồng thời đã đạt một số giải thưởng quốc gia về khoa học công nghệ.
Hôm 23/01, ông Hồ Quang Trấn (Hu Guangzhen), một chuyên gia về kỹ thuật điện tử và công nghệ truyền thông, đã qua đời, hưởng thọ 95 tuổi. Ông là nhà nghiên kỳ cựu tại Viện của Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân, và đã được nhà cầm quyền Trung Quốc trao tặng nhiều giải thưởng vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Hôm 24/01, ông Lý Chiêu, một chuyên gia phá mìn của Tổng cục Trang bị, đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là một nhà nghiên cứu kỳ cựu về thiết bị nổ mìn và đã giành được nhiều giải thưởng khoa học công nghệ của chính quyền ĐCSTQ. Ông Lý cũng mang quân hàm Thiếu tướng. Năm 1987, ông được bầu làm đại biểu của Đại hội Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ.
Các viện sĩ khác trong danh sách đã qua đời còn có: Ông Tiền Dật Thái (Qian Yitai), người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu nano ở Trung Quốc; ông Mao Trí (Mao Zhi), một nhà khoa học bảo tồn nước nông nghiệp; ông Dương Phúc Du (Yang Fuyu), nhà hóa sinh và là một trong những người tiên phong nghiên cứu màng sinh học ở Trung Quốc; ông Lục Hy Viêm (Lu Xiyan), một nhà hóa học hữu cơ; ông Cát Thu Nhuận (Ge Xiu-run), một chuyên gia về cơ học thạch học, người đã tham gia nghiên cứu địa chất sơ bộ cho dự án đập Tam Hiệp; ông Triệu Kỳ Quốc (Zhao Qiguo), một nhà khoa học về đất; ông Vương Vu (Wang Wei), một nhà khoa học về quang điện tử bán dẫn; ông Phương Trí Viễn (Fang Zhiyuan), một chuyên gia về nhân giống di truyền các loại rau; và ông Phạm Duy Đường (Fan Weitang), một kỹ sư kiêm chính trị gia từng giữ chức thứ trưởng Bộ Công nghiệp Than đá (phụ trách ngành công nghiệp than đá) từ năm 1993 đến năm 1995.
Số lượng người tử vong dường như tăng đột biến vào tháng 12/2022, khi chỉ riêng trong tháng này đã có 24 viện sĩ qua đời.
Hầu hết những cáo phó nói trên không đề cập đến nguyên nhân tử vong.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times