Quảng Châu: Người về hưu tổ chức các cuộc biểu tình lớn phản đối việc cắt giảm thanh toán bảo hiểm y tế
Theo một đoạn video về một cuộc biểu tình được đăng trực tuyến, hôm 11/01, đông đảo người dân đã tập trung bên ngoài một văn phòng an sinh xã hội và nguồn nhân lực địa phương ở Quảng Châu, để phản đối việc cắt giảm đột ngột các khoản thanh toán cho các tài khoản bảo hiểm y tế cá nhân của họ.
Đó là cuộc biểu tình gần đây nhất trong một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ ở thành phố này, vốn là một trung tâm thương mại ở miền nam Trung Quốc và là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Một số người tham gia nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng họ đã biểu tình kể từ khi việc cắt giảm thanh toán bắt đầu hồi tháng Mười Hai.
“Chính quyền [Quảng Châu] đã cắt giảm 2/3 khoản bảo hiểm y tế cá nhân của chúng tôi kể từ tháng Mười Hai năm ngoái, từ 484 nhân dân tệ (71.35 USD) mỗi tháng xuống còn 160 nhân dân tệ (23.59 USD) mỗi tháng,” ông Lâm, một cư dân Quảng Châu, nói với The Epoch Times.
Ông chỉ cho biết họ của mình vì sợ bị chính quyền Trung Quốc trả thù.
Bảo hiểm y tế cá nhân là một nguồn tài chính rất quan trọng đối với những người về hưu, những người sử dụng các khoản tiền này để thanh toán chi phí khám bệnh ngoại trú cùng một số phương pháp điều trị y tế, xét nghiệm, chụp chiếu, và thuốc men mà họ mua từ bệnh viện hoặc nhà thuốc, cùng các chi phí y tế khác.
Ông Lâm cho biết những người về hưu cũng biểu tình trước các tòa nhà chính quyền cấp tỉnh và thành phố hồi tháng Mười Hai.
“Tháng trước chúng tôi đã đến Cục Khiếu nại tỉnh Quảng Đông và Cục An ninh Y tế thành phố Quảng Châu, nhưng các quan chức đã không ra gặp chúng tôi,” ông Lâm phàn nàn về cách đối xử của chính quyền với những người về hưu.
Ông Lưu (bí danh), một nhân viên đã về hưu của Nhà máy Thép Hợp kim Quảng Châu, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng hôm 11/01, hơn 1,000 người về hưu đã tham gia một cuộc biểu tình trước Cục An ninh Y tế Quảng Châu.
Ông Lưu cho hay, “Hiện tại chúng tôi đến các văn phòng của Cục Khiếu nại hai lần một tuần, đồng thời yêu cầu chính quyền trả lại tiền cho chúng tôi.”
Chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng các văn phòng tiếp nhận thư từ và khiếu nại để giải quyết các đơn khiếu nại chống lại các cơ quan của nhà cầm quyền này. Luật sư nhân quyền Trung Quốc Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping) gọi những văn phòng này là “một cái bẫy có hệ thống” dành cho những người khiếu kiện, vì loại văn phòng này “thực tế là một chiến thuật để vắt kiệt cả thời gian lẫn tiền bạc của người dân.”
Như đã thấy trong các video trực tuyến về cuộc biểu tình ngày 11/01, các xe cảnh sát xếp hàng dài trên đường phố và giám sát chặt chẽ những người biểu tình. Nhiều cảnh sát hơn đã được nhìn thấy ngồi trong các xe buýt đậu gần đó. Cảnh sát đã phong tỏa địa điểm biểu tình bằng các hàng rào. Những người biểu tình đang đàm phán với một người đàn ông bên ngoài một tòa nhà chính quyền trong một trong những clip trực tuyến. Trong một video, một người về hưu được cho là đã bị cảnh sát đánh đập.
The Epoch Times không thể xác minh tính xác thực của các video trên.
Theo ông Lâm, ông đã viết các bài đăng về các cuộc biểu tình lên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, nhưng các bài đăng đã nhanh chóng bị cơ quan kiểm duyệt internet của chính quyền này xóa bỏ.
Những người về hưu: Cắt giảm thanh toán là bất hợp pháp
Theo những người hưu trí, các khoản thanh toán bảo hiểm y tế cá nhân có được từ khoản đóng góp của chính họ và những khoản đóng góp do chủ lao động nộp trước khi họ về hưu, nên những khoản này là tài sản riêng của họ.
Ông Lâm cho biết ông đã đóng góp vào quỹ bảo hiểm y tế của mình trong hơn 20 năm.
“Chính quyền không được chiếm đoạt số tiền trong tài khoản bảo hiểm y tế cá nhân của chúng tôi; đó là đóng góp của chính chúng tôi từ thu nhập hàng tháng của bản thân mình,” ông Lâm nói. “Việc chính quyền lấy tiền từ tài khoản cá nhân của chúng tôi là bất hợp pháp.”
Theo ông Lâm, cư dân Quảng Châu và các chủ lao động của họ được yêu cầu phải đóng lần lượt 2% và 8% lương cơ bản hàng tháng của nhân viên cho quỹ bảo hiểm y tế của thành phố. Những người về hưu đã nhận được khoản thanh toán 484 nhân dân tệ hàng tháng vào tài khoản bảo hiểm y tế cá nhân của họ trước khi chính quyền địa phương thay đổi chính sách để cắt giảm các khoản thanh toán trên.
Chính quyền tỉnh và thành phố lần lượt ban hành các văn bản bảo hiểm y tế mới vào năm 2021 và 2022, nhưng không đề cập đến những số tiền cụ thể phải trả cho người lao động hoặc người về hưu.
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh đã đăng lại một bản tin của một hãng thông tấn nhà nước địa phương vốn giải thích những thay đổi trong các chính sách bảo hiểm y tế. Bản tin này đề cập rằng những người về hưu được trả 169 nhân dân tệ (khoảng 35 USD) vào tài khoản y tế cá nhân của họ mỗi tháng theo các chính sách mới. Bản tin này cũng cho biết rằng chính quyền thành phố sẽ “hoán đổi” các quỹ bảo hiểm y tế cá nhân sang quỹ bảo hiểm y tế xã hội.
Ông Lưu nói rằng ông buộc phải trả hơn 100,000 nhân dân tệ (14,700 USD) dưới dạng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trước khi có thể về hưu với một khoản lương hưu và bảo hiểm y tế. “Đây là bảo hiểm tư nhân mà chúng tôi đã mua bằng tiền của mình,” ông Lưu cho hay.
Ông Lý (bí danh), một người về hưu ở Quảng Châu, chỉ trích chính quyền địa phương là vô lý và vi phạm pháp luật Trung Quốc.
“Các chính quyền cho rằng tiền [bảo hiểm y tế cá nhân] của chúng tôi là một khoản lãng phí vì khoản tiền này chỉ được gửi vào ngân hàng. Chính quyền nói rằng họ không cần phải trả cho chúng tôi nhiều như vậy vì chúng tôi không sử dụng hết tiền gửi của mình, không sử dụng hết có nghĩa là chúng tôi không cần nhiều như vậy,” ông Lý tức giận nói.
“Chính quyền cũng muốn lấy tiền tiết kiệm cá nhân của mọi người trong ngân hàng sao? Chính quyền có thể nói rằng họ sẽ không trả lương cho quý vị vì quý vị có tiền gửi trong ngân hàng không?”
Thâm hụt tăng lên
Ông Lâm tin rằng các khoản thanh toán đã bị giảm do các chính quyền địa phương đang bị thâm hụt tài chính vì các chính sách zero COVID trong ba năm qua.
“Nhiều doanh nghiệp đã phá sản trong 3 năm qua do các đợt phong tỏa. Làm sao chính quyền có tiền khi các doanh nghiệp phá sản?” ông Lâm nói.
Ngoài những thất bại về kinh tế, các chính quyền đã chi những khoản tiền đáng kể cho các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID. Tỉnh Quảng Đông được cho là đã chi tổng cộng 146.8 tỷ nhân dân tệ (21.65 tỷ USD) để duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong ba năm qua, chẳng hạn như xét nghiệm PCR hàng loạt và chích vaccine bắt buộc.
“Nói như vậy không phải có nghĩa là chính quyền có thể chỉ cứ thế mà cướp tiền từ những người dễ bị tổn thương như chúng tôi,” ông Lâm nói, đồng thời cho biết thêm rằng những người về hưu dựa vào các khoản thanh toán bảo hiểm để chi trả cho chi phí y tế hàng ngày của họ.
“Trong trường hợp bị bệnh nặng, ai sẽ trả tiền cho chúng tôi? Ngay cả với 484 nhân dân tệ được trả cho chúng tôi trong quá khứ, chúng tôi chỉ có thể tiết kiệm 58,080 nhân dân tệ (12,061 USD) trong mười năm với điều kiện chúng tôi không tiêu một đồng nào trong khoảng thời gian đó,” ông Lâm nói, “Giờ đây với 160 nhân dân tệ, chúng tôi có thể thậm chí còn không đủ tiền mua khẩu trang N95.”
Nhiều cuộc gọi của The Epoch Times tới các văn phòng hành chính của Cục An ninh Y tế thành phố và Cục An sinh Xã hội và Nguồn Nhân lực hôm 24/01 đều không được hồi đáp.
Nhưng một người đàn ông đã nhấc máy một cuộc gọi đến đường dây nóng của Cục An sinh Xã hội và Nguồn Nhân lực, người này từ chối nêu tên, xác nhận rằng 320 nhân dân tệ đã bị cắt giảm khỏi các khoản thanh toán bảo hiểm hàng tháng cho những người về hưu địa phương và số tiền này thuộc về các tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, anh cho biết hành động này không phạm pháp.
“Đó không phải là cắt giảm; đó chỉ là giảm khoản thanh toán hàng tháng cho các tài khoản cá nhân, vốn đã được phê chuẩn theo các văn bản của chính quyền,” anh cho hay.
Bản tin có sự đóng góp của Triệu Phượng Hoa và Hồng Ninh
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times