Tác giả cuốn sách Red Roulette: Ba bài học về kinh doanh với Trung Quốc
“Quy tắc kinh doanh chính là bất cứ điều gì mà Đảng cho đó là quy tắc ngay lúc đó.”
Ông Thẩm Đống (Desmond Shum), từng là một nhà tài phiệt gốc Hoa sống lưu vong ở Vương quốc Anh, vừa tới Hoa Thịnh Đốn để hiện diện trước Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Thẩm là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Red Roulette” (Canh Bạc Đỏ), một cuốn hồi ký được phát hành hồi năm 2021 phơi bày những vướng mắc về quyền lực và tiền bạc bí mật giữa các gia tộc đặc quyền nhất của ĐCSTQ và các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc.
Tối 13/07, ông Thẩm đã chia sẻ những trải nghiệm và trả lời câu hỏi của các thành viên Hạ viện Hoa Kỳ về những rủi ro mà các công ty Hoa Kỳ gặp phải khi làm ăn với Trung Quốc. Trong phần làm chứng của mình, ông đã kể lại ba câu chuyện cá nhân mà theo ông là “minh họa cho bản chất của việc kinh doanh ở Trung Quốc.”
Gà Mỹ ‘không ngon đối với khách hàng Trung Quốc’
Câu chuyện đầu tiên của ông Thẩm bắt nguồn từ mùa hè năm 1990. Khi đó, là một sinh viên đại học, ông làm thực tập sinh tại công ty Tyson Foods của cha mình. Công ty này xuất cảng gà Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Cha ông là nhân viên đầu tiên của Tyson Foods ở khu vực Hoa lục.
Ông Thẩm nhớ lại, “Công việc kinh doanh của cha tôi bị ảnh hưởng vào mùa hè năm đó.” Không phải là do bất kỳ vấn đề nào với con gà, hay là giá cả, mà là vì bang giao Mỹ-Trung đang gặp rắc rối.
Ông nhận ra rằng mỗi khi có một vấn đề nào đó phát sinh trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, thì cơ quan hải quan Trung Quốc đột nhiên sẽ moi ra chuyện này chuyện nọ với nghĩa vụ hải quan của công ty Tyson. Bằng sự cam chịu, cha ông từng kể cho ông nghe “rằng bất cứ khi nào mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc gặp trục trặc, thì gà Mỹ sẽ không phải là loại gà ngon đối với khách hàng Trung Quốc.”
“[ĐCSTQ] coi doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc là con tin để sử dụng cho mục đích riêng của mình,” ông Thẩm nói. “Đó là bài học đầu tiên của tôi về kinh doanh ở Trung Quốc: quy tắc kinh doanh chính là bất cứ điều gì mà Đảng cho đó là quy tắc ngay lúc đó.”
Sự trỗi dậy của Huawei
Ông Thẩm tiếp tục nói rằng vào năm 1997, ông làm việc cho một công ty cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ và đầu tư vào một công ty đang lắp đặt cáp viễn thông để giúp xây dựng mạng Internet của Trung Quốc. Đó là lần đầu tiên ông nghe nói đến Huawei và có thể tận mắt chứng kiến sự trỗi dậy nhanh chóng của công ty công nghệ này.
Theo ông Thẩm, lý do cho sự thành công vượt bậc của Huawei là do chính quyền Trung Quốc yêu cầu các công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước phải mua độc nhất từ các nhà sản xuất Trung Quốc, loại trừ tất cả các nhà cung cấp thiết bị quốc tế, “bất kể chi phí và tình trạng thiếu hụt thiết bị.”
Vào thời điểm đó, ông Thẩm cũng đã đến thăm các văn phòng của AT&T tại Trung Quốc. Công ty của Mỹ này đang dự định thâm nhập thị trường viễn thông ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù ĐCSTQ hứa sẽ mở cửa thị trường viễn thông khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng lời hứa này chưa bao giờ được thực hiện. Hơn 20 năm sau, không một công ty viễn thông ngoại quốc nào thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc.
Ông Thẩm nói với ủy ban, “Bài học của tôi [là], ở Trung Quốc, không có cái gọi là sân chơi bình đẳng cả. Hoặc là quý vị có thể thịnh vượng khi được chính quyền ưu ái hoặc quý vị sẽ diệt vong khi không được như vậy.”
Sự biến mất của bà Đoàn Vĩ Hồng
Tiếp đến, ông Thẩm kể lại câu chuyện thứ ba của mình, một “câu chuyện rất buồn và ảm đạm.”
Ở Trung Quốc, ông Thẩm và người vợ cũ của mình, bà Đoàn Vĩ Hồng (Whitney Duan), từng giao du với giới tinh anh qua những mối quan hệ chính trị và kinh doanh chặt chẽ. Hai vợ chồng đã sử dụng mối quan hệ sâu sắc của họ với các quan chức cao cấp của ĐCSTQ để xây dựng sự nghiệp thành công trong thế giới kinh doanh. Nhưng khi sự giàu có và địa vị xã hội của họ lên đến đỉnh cao, thì hiểm họa xuất hiện cùng lúc dàn lãnh đạo ĐCSTQ thay ngôi đổi chủ.
Ông Thẩm lo lắng rằng môi trường chính trị ở Trung Quốc đang trở nên quá thù địch đối với các doanh nhân. Ông muốn vươn ra hải ngoại, còn bà Đoàn thì lại không muốn như vậy. Hai vợ chồng đã xảy ra mâu thuẫn.
Năm 2015, hai vợ chồng ly hôn. Ông Thẩm chọn sang Vương quốc Anh, còn bà Đoàn ở lại Trung Quốc.
Hai năm sau, bà Đoàn đột ngột mất tích.
Ông Thẩm kể lại, “Vào tháng 09/2017, nhà cầm quyền ĐCSTQ đã làm cho Whitney biến mất. Trong bốn năm, không ai nghe được tin tức gì về cô ấy cả — ba mẹ cô ấy cũng không, tôi cũng không, các con của chúng tôi cũng không. Số điện thoại của cô ấy đã bị vô hiệu hóa. Mẹ của Whitney, trước khi qua đời hồi tháng 06/2021, từng có thói quen gọi điện cho con gái mình hàng ngày, không từ bỏ hy vọng một ngày nào đó Whitney có thể nghe điện thoại. Thế nhưng mong mỏi của bà không bao giờ thực hiện được. Bà qua đời mà không biết con gái mình còn sống hay đã mất.”
Ông tiếp tục nói rằng bà Đoàn chưa bao giờ bị buộc tội gì và không có lý do nào được đưa ra cho sự biến mất của bà.
Ông nói thêm, “Kỳ thực, nhà nước ĐCSTQ thậm chí chưa bao giờ thừa nhận rằng họ đã bắt cô ấy. Tôi cho rằng sự biến mất của cô ấy là do bối cảnh thay đổi với sự trỗi dậy của ông Tập Cận Bình.”
Chỉ vào đêm trước ngày xuất bản cuốn hồi ký của ông Thẩm, bà Đoàn mới xuất hiện trở lại. Bà gọi cho ông Thẩm, sử dụng số điện thoại đã không được sử dụng trong bốn năm qua, và yêu cầu ông Thẩm thu hồi việc xuất bản cuốn hồi ký Red Roulette.
Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Time hồi năm 2021, ông Thẩm đã thuật lại cuộc trò chuyện này: “Sau đó, cô ấy yêu cầu tôi dừng buổi ra mắt sách và nói: ‘anh sẽ cảm thấy thế nào nếu có điều gì đó xảy ra với con trai của chúng ta? Và điều gì sẽ xảy ra với con trai chúng ta nếu có chuyện gì xảy ra với em?’ Tôi xem đó là một lời đe dọa.”
Ông Thẩm đã trình bày với ủy ban Hạ viện, “Tinh thần của câu chuyện: quyền lực chính trị vượt trội hơn mọi thứ khác ở Trung Quốc. Không có pháp quyền; thay vào đó, Trung Quốc cai trị bằng luật. Ở Trung Quốc, [ĐCSTQ] đứng trên cả pháp luật, và Tập Cận Bình là hoàng đế thời hiện đại, đứng đầu ĐCSTQ và nhà nước.”
Bảo vệ trật tự kinh tế của thế giới tự do
Ông cho rằng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh với ĐCSTQ, người ta cần “phân biệt rõ ràng giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.”
Ông nói: “‘Điều gì tốt cho doanh nghiệp Mỹ là tốt cho nước Mỹ’ là một ảo tưởng đã được chứng minh là đáng ngờ.”
“Quản lý doanh nghiệp, như chủ nghĩa tư bản chỉ dẫn, được thúc đẩy bởi tư lợi và bản chất là ngắn hạn,” ông Thẩm tiếp tục. “Việc phi công nghiệp hóa của Mỹ và việc di dời hàng loạt chuỗi cung ứng sang Trung Quốc trong thập niên qua là một minh chứng cho điều đó.”
Kết thúc cho lời chứng của mình, ông Thẩm [gợi ý] việc đặt lợi ích kinh tế của Mỹ trong bối cảnh thế giới tự do:
“Trong các xã hội và quốc gia Dân chủ, các quan chức được bầu phải là những người bảo vệ thực sự cho lợi ích quốc gia và sự thịnh vượng lâu dài của người dân. Tôi tin rằng điều rất quan trọng là phải ghi nhớ điều đó khi quý vị được các giám đốc điều hành doanh nghiệp giới thiệu về sự ủng hộ tái cam kết, hàn gắn mối quan hệ. Tôi tin rằng lợi ích kinh tế là lợi ích quốc gia. Bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu là bảo vệ [trật tự] kinh tế của thế giới dân chủ.”
Một quyển sách bán chạy gây chấn động dư luận
Sinh năm 1968 tại Thượng Hải, Trung Quốc, ông Thẩm chuyển đến Hồng Kông cùng cha mẹ khi mới 10 tuổi. Năm 1989, ông sang Hoa Kỳ du học, lấy bằng của Đại học Wisconsin và Đại học Northwestern.
Năm 2001, ông gặp bà Đoàn, một doanh nhân vào thời điểm đó, tại Bắc Kinh. Hai người trở thành đối tác kinh doanh và kết hôn với nhau. Họ đã được giao một số dự án xây dựng đáng mơ ước nhất trong nước, chẳng hạn như Khách sạn Bulgari sang trọng và Trung tâm Tiếp vận Hàng hóa Hàng không Phi trường Quốc tế Bắc Kinh.
Ông Thẩm đã từng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) trong mười năm và đã được vinh danh là một doanh nhân kiểu mẫu.
Bà Đoàn rất giỏi giao thiệp với các quan chức ĐCSTQ. Mối quan hệ thân thiết mà bà xây dựng với nhiều quan chức cao cấp trong nhiều năm đã giúp bà trở nên rất thành công trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, vào một ngày tháng 09/2017, hai năm sau khi ông Thẩm rời Trung Quốc, bà Đoàn và ba nhân viên của bà đột ngột biến mất. Kể từ đó, ông Thẩm không thể tìm ra được bất cứ điều gì về tình hình hiện tại của bà Đoàn.
Nhiều người tin rằng sự biến mất của bà Đoàn có liên quan đến sự sụp đổ của Tôn Chính Tài, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ông Tôn bị bắt do một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, sau đó bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Ông này được coi là đối thủ chính trị của ông Tập, và bà Đoàn lãnh hậu quả thảm hại.
Sau khi bà Đoàn mất tích, ông Thẩm quyết định viết một cuốn sách. Thực ra, ban đầu ông không có ý định xuất bản, chỉ mong con trai hiểu được cha mẹ mình qua cuốn hồi ký này. Tuy nhiên, vì ông đã từng lớn lên ở Hồng Kông nên phong trào chống chính phủ hồi năm 2019 ở đó đã khiến ông cảm động sâu sắc.
Ông nói: “Khi tôi chứng kiến những người trẻ này hy sinh bản thân, [tôi cảm thấy rằng] mình nên có đủ can đảm để tiến lên một bước.”
Sau đó, ông quyết định phát hành cuốn hồi ký Red Roulette, dù cho hậu quả là gì đi nữa. Ông nói với Time: “Tôi đã phó thác tất cả khi quyết định phát hành cuốn sách này.”
Cuốn sách không chỉ kể câu chuyện ông Thẩm và bà Đoàn gặp gỡ và làm ăn cùng nhau như thế nào, mà còn mô tả chi tiết cách họ giao thiệp với giới quan chức hàng đầu của ĐCSTQ, bao gồm nhiều thân nhân của các quan chức chóp bu. Trong quá trình giao du với giới thượng lưu của ĐCSTQ, cả hai đã chứng kiến cận cảnh cuộc sống xa hoa của “tầng lớp quý tộc Đỏ” và cách họ sử dụng quyền lực của cha mẹ, thông tin nội bộ, và sự chấp thuận của cơ quan quản lý để phát tài.
Cuốn sách được xuất bản bằng Anh ngữ vào tháng 09/2021. Những câu chuyện có thật và những tình tiết hấp dẫn của cuốn hồi ký này đã làm rung chuyển thế giới phương Tây.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times