Thăm dò ý kiến: Các công ty Anh quốc cảm thấy bi quan về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc
Khảo sát cho thấy 60% các công ty Anh quốc cho biết hoạt động kinh doanh năm nay ở Trung Quốc khó khăn hơn năm ngoái, khiến nhiều công ty phải trì hoãn việc đầu tư.
Phần lớn các công ty của Anh quốc ở Trung Quốc đang bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù Trung Quốc đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến COVID kể từ cuối năm ngoái, nhưng nhiều thách thức và bất ổn vẫn tồn tại, góp phần tạo nên tâm lý tiêu cực này.
Theo một cuộc khảo sát được công bố hôm 12/12 của Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc, 60% doanh nghiệp Anh quốc cho biết hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc năm nay khó khăn hơn năm ngoái, và nhiều công ty đã trì hoãn đầu tư. “Trong số 60% doanh nghiệp nhận thấy kinh doanh khó khăn hơn, 78% trong số này cho rằng khó khăn gia tăng là do các yếu tố kinh tế.”
Trong khi mức độ bi quan đã giảm xuống còn 29% so với mức cao kỷ lục 42% từ năm ngoái khi Bắc Kinh còn áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chính sách zero COVID, các doanh nghiệp Anh quốc vẫn do dự về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc với “xu hướng lạc quan trở lại chậm chạp.”
Cuộc khảo sát cho thấy các điều kiện kinh tế hiện tại của Trung Quốc, những thách thức dai dẳng trong nền kinh tế toàn cầu và mối lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị đã dẫn đến một môi trường kinh doanh bất ổn. Sự bất ổn này tác động đến niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh quốc vào đất nước.
Cuộc khảo sát cho thấy, “Nhiều công ty ngần ngại tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, với phần lớn các doanh nghiệp Anh quốc tiếp tục áp dụng cách tiếp cận ‘chờ xem’ bằng việc duy trì mức đầu tư hiện tại cho năm tới.”
Các nhà đầu tư ngoại quốc đã không mấy hào hứng với Trung Quốc trong phần lớn thời gian của năm nay do các yếu tố như sự phục hồi sau đại dịch yếu hơn dự kiến, một loạt các cuộc đột kích văn phòng của các nhà chức trách, các chính quyền địa phương thiếu tiền mặt của Trung Quốc cung cấp ít ưu đãi đầu tư hơn, và lợi suất đầu tư cao hơn ở Hoa Kỳ.
Ông Julian Fisher, chủ tịch Phòng Thương mại Anh cho biết, “Trong những năm trước, 80% [số công ty được hỏi] đã đầu tư nhiều hơn vì tiềm năng thị trường, nhưng có vẻ như chúng ta hiện đang bước vào một giai đoạn thực sự rõ ràng.”
Các công ty Anh quốc cũng đang hạ thấp tầm quan trọng của nền kinh tế số hai thế giới trong hoạt động toàn cầu của họ. Năm ngoái, tỷ lệ doanh nghiệp xem Trung Quốc là ưu tiên đầu tư cao đã giảm xuống còn 31%, giảm từ mức 59% hồi năm 2021.
Các doanh nghiệp Anh quốc cho rằng sự bất ổn kinh tế ở Trung Quốc là lý do chính (75%) khiến họ giảm đầu tư. Căng thẳng địa chính trị được xếp vào yếu tố đứng thứ hai với 53%, tiếp theo là những thách thức kinh tế toàn cầu, đứng thứ ba với 38%.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Anh, thương mại giữa Anh quốc và Trung Quốc đã đạt tổng kim ngạch trị giá 140 tỷ USD vào năm ngoái, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Anh.
Giảm rủi ro liên quan đến Trung Quốc
Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc (EuroCham), trong báo cáo Khảo sát Niềm tin Kinh doanh năm 2023 của Trung Quốc, cũng nhấn mạnh môi trường kinh doanh đang ngày càng tồi tệ ở quốc gia này.
Báo cáo cho thấy 64% số người được hỏi cho biết việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn vào năm ngoái.
Báo cáo cho biết, “Sự sụt giảm tâm lý kinh doanh diễn ra trong ba năm qua là rất đáng kể và không thể đảo ngược chỉ sau một đêm.”
Báo cáo cũng ghi nhận một xu hướng, là giảm rủi ro liên quan đến Trung Quốc, “các khoản đầu tư bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc khi các chiến lược giảm rủi ro xuất hiện.”
11% các công ty Âu Châu đã chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc và 20% đã cân nhắc việc này. Ngoài ra, 38% đã quan sát thấy “khách hàng và nhà cung cấp Trung Quốc [cũng] chuyển đầu tư ra khỏi” quốc gia này.
Hơn nữa, 53% số người được hỏi cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 2023, tăng 15% so với một năm trước. 75% đã xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng của họ trong hai năm qua.
Báo cáo cho biết, “Do môi trường kinh doanh khó khăn và khó lường hơn của Trung Quốc, chiến lược đầu tư và hoạt động của các công ty Âu Châu đang được điều chỉnh cho phù hợp.”
Hai lý do hàng đầu khiến các doanh nghiệp Liên minh Âu Châu chuyển dịch hoặc cân nhắc việc rời khỏi Trung Quốc gồm việc giảm thiểu tác động của sự tách rời của Trung Quốc và việc tăng khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng này cho thấy các nhà đầu tư có ý định “giảm thiểu rủi ro và xây dựng khả năng phục hồi, chứ không phải vì lý do kinh doanh thuần túy.”