Bắc Kinh thiết lập Ban Nội vụ kiểu Liên Xô và Thủ tướng Lý Cường sẽ trở thành người yếu thế nhất
Gần đây, truyền thông Hồng Kông đưa tin Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc sẽ tách khỏi hệ thống của Quốc Vụ viện và được đặt dưới quyền của Ban Nội vụ Trung ương, một cơ quan mới trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cấu trúc mới này được mô phỏng theo hình thức của Liên Xô cũ. Các nhà phân tích nói rằng thủ tướng Trung Quốc mới được bổ nhiệm Lý Cường (Li Qiang) sẽ tiếp quản Quốc Vụ viện tại Kỳ họp thứ hai của ĐCSTQ vào tháng Ba, nhưng với việc hai cơ quan quyền lực này bị loại khỏi Quốc Vụ viện, ông Lý sẽ trở thành thủ tướng yếu thế nhất trong lịch sử của ĐCSTQ.
Tờ Minh Báo của Hồng Kông đã đưa tin trong một bài báo hôm 23/02 rằng mỗi khi có sự thay đổi về phòng ban, Quốc Vụ viện của ĐCSTQ sẽ tiến hành cái gọi là “cải cách” thể chế, và cuộc cải cách năm nay có thể sẽ rất quyết liệt.
Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia sẽ được tách khỏi hệ thống của Quốc Vụ viện và chuyển giao cho Ủy ban Nội vụ Trung ương mới thành lập. Bài báo trên cho biết, áp dụng theo khuôn khổ chức năng của Bộ Nội vụ Nga, ủy ban này sẽ tích hợp các chức năng về an ninh công cộng, nhập cư, ghi danh hộ khẩu, giao thông vận tải, chống khủng bố, chống gián điệp, và thậm chí là chức năng quản lý tổ chức xã hội của Bộ Dân chính.
Bài báo cũng tuyên bố rằng ủy ban nội vụ sẽ do ông Vương Tiểu Hồng, Bộ trưởng Bộ Công an đương nhiệm của ĐCSTQ lãnh đạo. Tuy nhiên, không rõ cơ quan này có liên hệ như thế nào với Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, hoặc liệu chức năng tình báo ở ngoại quốc của Bộ An ninh Quốc gia có được tích hợp vào cơ quan này hay không.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về Trung Quốc và nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ, gần đây đã nói trên một chương trình của đài truyền hình NTD rằng nếu tin tức về cuộc cải cách này là sự thật, thì Ban Nội vụ, trực thuộc Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ, “có điểm gì đó rất giống với Bộ Nội vụ của Liên Xô cũ.”
Ông Thạch nói, “KGB của Liên Xô cũ (tên đầy đủ là Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô) nằm dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ, vì vậy người ta ước tính rằng Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia sẽ mở rộng quyền hạn của mình và cũng sẽ biến thành một tổ chức tương tự như KGB, trở thành phiên bản KGB của ĐCSTQ.”
“Do đó, hệ thống công tác Đảng của ĐCSTQ đã tăng cường quyền hành pháp và không còn giới hạn trong việc quản lý công tác tư tưởng và ra quyết sách nữa. Điều này đồng nghĩa với việc ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát trực tiếp các lực lượng vũ trang, và Quốc Vụ viện không còn nắm giữ quyền sử dụng vũ lực, mà chỉ là một hệ thống hành chính.”
Người đứng đầu cơ quan mới
Ông Trương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một nhà phân tích và bình luận chính trị sống tại Hoa Kỳ, đã chỉ ra trong chương trình YouTube của mình hôm 23/02 rằng việc ĐCSTQ thành lập Ban Nội vụ có thể là một nỗ lực của Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình, nhằm kiểm soát chặt chẽ lực lượng vũ trang, và số phận tương lai của ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) là rất mơ hồ.
Ông Trương cho biết Liên Xô cũ cũng có Bộ Nội vụ, một cơ quan gồm các cơ quan như công an, an ninh, và tình báo, trong đó KGB là cơ quan trực thuộc của Bộ Nội vụ. Ban Nội vụ mới thành lập của ĐCSTQ dường như có nhiều quyền lực hơn Bộ Nội vụ của Liên Xô cũ, vì vậy Ban Nội vụ này chỉ đơn giản là một nửa của chính quyền, và Quốc Vụ viện lại tiến thêm một bước đến trạng thái tê liệt.
Ông cho hay, “Các chức năng của Ban Nội vụ thực tế đã bao hàm các chức năng của Ủy ban Chính trị và Pháp luật ban đầu, nhưng thậm chí còn có nhiều quyền lực hơn, vì Ủy ban Chính trị và Pháp luật trước đây không quản lý giao thông, sổ thông hành, v.v. mà chỉ quản lý các vấn đề liên quan chính trị.”
Trong khi tờ Minh Báo tin rằng ông Vương Tiểu Hồng, Bộ trưởng Bộ Công an đương nhiệm, sẽ đảm trách cơ quan mới, thì ông Trương chỉ ra rằng vai trò tương lai của ông Vương khá rõ ràng vào thời điểm này.
Ông nói, “Mối liên hệ giữa ông ấy và Ủy ban Chính trị và Pháp luật sẽ như thế nào? Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi này.”
Ông Trương tin rằng mặc dù cấp bậc chính thức của ông Vương không cao nhưng ông ta có mối liên hệ rất thân thiết với ông Tập Cận Bình. Do đó, ông Tập có thể giao cho ông ấy những nhiệm vụ quan trọng bất cứ khi nào.
Lý Cường: Vị thủ tướng yếu thế nhất
Nhà bình luận các vấn đề thời sự hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ Trần Phá Không (Chen Pokong) tin rằng ông Lý Cường sẽ là thủ tướng yếu thế nhất trong lịch sử 70 năm qua của ĐCSTQ, vào thời điểm ông tiếp quản Quốc Vụ viện vào tháng Ba này.
Trong chương trình truyền thông cá nhân hôm 24/02, ông Trần nói rằng cuộc cải cách thể chế của ông Tập Cận Bình sẽ diễn ra trước khi ông Lý Cường lên làm thủ tướng, và cuộc cải cách này hoàn toàn mô phỏng lại mô hình của chủ nghĩa Stalin, tức là kiểm soát các vị trí then chốt, sau đó đánh bại và thanh trừng đối thủ chính trị, và cuối cùng là độc chiếm quyền lực. Ông Tập Cận Bình cũng phải tìm một người có thể trở thành Beria thứ hai (cánh tay phải của Stalin), và người đó chính là ông Vương Tiểu Hồng.
Ông Lavrenty Beria là người lãnh đạo bộ máy an ninh và cảnh sát mật có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ ông Stalin cầm quyền. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong Cuộc Đại Thanh trừng của Stalin vào những năm 1930. Nhưng sau khi người kế nhiệm ông Stalin là ông Khrushchev lên nắm quyền, ông Beria đã bị xử tử vào tháng 12/1953.
Ông Trần nói rằng việc ĐCSTQ thành lập Ban Nội vụ có hai ý nghĩa: thứ nhất, để thiết lập mô hình Xô Viết; và thứ hai là tước bỏ quyền lực của ông Lý Cường với tư cách là thủ tướng.
“Cuộc cải cách lần này cũng giống như lần tái tổ chức lại lực lượng cảnh sát vũ trang trước đây. Cảnh sát vũ trang ban đầu trực thuộc cả Quốc Vụ viện lẫn Quân ủy Trung ương, nhưng sau đó, do tranh giành quyền lực, ông Tập Cận Bình đã tách Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ra khỏi Quốc Vụ viện và đặt cơ quan này dưới quyền quản lý của Quân ủy Trung ương do ông trực tiếp chỉ huy.” Ông Trần nói. “Bây giờ ông ấy tiếp tục tách Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Công an khỏi Quốc Vụ viện, sau đó cái gọi là Ban Nội vụ sẽ được thành lập để thiết lập theo mô hình Liên Xô.”
Ông nói, điều này khiến ông Lý Cường có rất ít quyền lực, đồng thời cho biết thêm rằng ông ấy sẽ chỉ có quyền hành với Bộ Nhân lực, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên hoặc một số bộ phận liên quan đến tài chính và kinh tế.
“Tất cả các bộ phận quyền lực sẽ được chuyển giao trước khi ông Lý nhậm chức, vì vậy ông ấy đã bị tước đoạt [quyền lực] từ trước. Ông ấy thực sự sẽ trở thành thủ tướng yếu thế nhất trong lịch sử của ĐCSTQ,” ông Trần cho biết.
Tuy nhiên, ông Trần cũng nói rằng cuộc cải cách này cũng báo trước một điều rằng một cuộc đấu tranh quyền lực mới trong phe nhóm của ông Tập sẽ phát sinh.
“Bởi vì hiện tại ông Trần Văn Thanh, cựu bộ trưởng an ninh quốc gia đang là bí thư của Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương,” ông nói. “Mà giờ lại có thêm một ban nội vụ nữa, thì ông Vương Tiểu Hồng rất có khả năng sẽ trở thành người dẫn dắt cơ quan này.”
“Hai hệ thống này sẽ phối hợp như thế nào và ai sẽ phụ trách việc gì?
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times