Ông Tập Cận Bình cảnh báo về khủng hoảng cầm quyền, lo sợ ĐCSTQ sẽ chịu chung số phận với Liên Xô
Hơn 415 triệu người Trung Quốc đã thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc
Hồi đầu tháng Bảy, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình cảnh báo rằng nếu các đảng viên đảng cộng sản mất niềm tin vào chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản thì ĐCSTQ sẽ sụp đổ và tan rã, chịu chung số phận với Liên Xô.
Hôm 04/07, ông Tập nói với các quốc gia thành viên tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) qua kết nối video rằng ông phản đối bất kỳ quốc gia nào “xúi giục các cuộc cách mạng màu” và “can thiệp vào công việc nội bộ” vì bất kỳ lý do gì.
Các cuộc cách mạng màu ám chỉ đến một loạt các cuộc biểu tình bất bạo động xảy ra ở các quốc gia hậu Xô Viết và Serbia vào đầu thế kỷ 21, mà cuối cùng đã giải phóng nhiều quốc gia Đông Âu khỏi sự thống trị của Xô Viết cộng sản.
“Chúng ta sẽ nắm chắc trong tay tương lai và vận mệnh phát triển cũng như sự tiến bộ của nước mình,” ông Tập nói, nỗ lực hội tụ Nga, Iran, và các thành viên SCO khác để chiến đấu chống lại các lực lượng phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Những lời lẽ của nhà độc tài này phơi bày mối lo ngại của ông về việc Trung Quốc cộng sản sẽ nối gót sự sụp đổ của Liên Xô do ảnh hưởng của nền dân chủ phương Tây và ngày càng nhiều người Trung Quốc không chấp nhận sự cai trị của cộng sản.
Sự phẫn nộ của công chúng đối với ĐCSTQ đã lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2022 sau nhiều năm bị phong tỏa và các chính sách zero COVID hà khắc, đất nước chịu tổn thất lớn về kinh tế, và sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. Ngày 24/11/2022, một vụ hỏa hoạn khiến nhiều người thiệt mạng tại một tòa nhà bị phong tỏa ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), Tân Cương, đã gây ra thương vong, châm ngòi cho một cuộc cách mạng “giấy trắng” phản đối các chính sách zero COVID hà khắc của chính quyền ở Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc với một số người biểu tình hô lên rằng, “Đả đảo ĐCSTQ!” “Đả đảo Tập Cận Bình!”
Ngày 01/07 năm nay là kỷ niệm 102 năm ngày thành lập ĐCSTQ, ngày này đã chứng kiến 415 triệu người Trung Quốc trên toàn thế giới công khai thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ — một phong trào toàn cầu bắt đầu vào tháng 11/2004 và gần đây mỗi ngày có trung bình 40,000 đến 50,000 người tuyên bố thoái ĐCSTQ.
Mặc dù số lượng đảng viên chính thức không cao như vậy nhưng phong trào thoái ĐCSTQ không liên quan đến số lượng đảng viên chính thức, mà liên quan đến những người dân Trung Quốc đã tuyên thệ với ĐCSTQ, và con số này liên quan đến hầu hết những người đã lớn lên ở Trung Quốc đại lục. Thoái xuất khỏi ĐCSTQ thực chất là từ bỏ lời thề mà một cá nhân đã tuyên thệ với ĐCSTQ, vì mọi người bị buộc phải làm vậy khi gia nhập Đảng Cộng sản, Đoàn Thanh niên Cộng sản, hoặc Đội Thiếu niên Tiền phong khi còn là học sinh tiểu học.
“Chế độ ĐCSTQ giống như đang ngồi trên một thùng thuốc súng, và nhận thức về ‘cuộc khủng hoảng diệt vong của đảng’ lan rộng trong nội bộ đảng,” bà Dịch Dung (Yi Rong), chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu, nói với The Epoch Times hôm 01/07.
Học thuyết cộng sản và chế độ cai trị độc đảng
Kể từ năm ngoái (2022), ông Tập và các cơ quan truyền thông ngôn luận đã đưa ra những cảnh báo về số phận của đảng cộng sản, đổ lỗi cho nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô là do đảng cộng sản “buông lỏng sự lãnh đạo đảng và công tác tư tưởng cộng sản.”
Trong một bài báo hôm 30/06, Cầu Thị (Qiushi), một tạp chí của đảng ĐCSTQ, đã trích dẫn bài diễn văn hôm 01/03 của ông Tập tại một lớp đào tạo các cán bộ trẻ ở Trường Đảng Trung ương rằng ĐCSTQ sẽ bị giải thể đột ngột như Đảng Cộng sản Liên Xô nếu các cán bộ ĐCSTQ mất niềm tin vào “chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản,” và “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.”
Ông Tập đã cố gắng diệt trừ tham nhũng nội bộ gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đảng bằng cách thắt chặt cái gọi là niềm tin của đảng viên vào chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ nghĩa cộng sản chỉ là một từ đồng nghĩa với quyền lực, bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, nói trong Diễn đàn Tinh hoa (Elite Forum), một chương trình bình luận tài chính và chính trị, rằng ĐCSTQ bị ám ảnh bởi quyền lực, không phải chủ nghĩa duy tâm ý thức hệ nào đó.
“Đối với ĐCSTQ, chủ nghĩa tư bản có thể khả quan, nhưng tự do phải trực tiệp loại bỏ, và đảng cộng sản sẽ không dung thứ cho bất cứ điều gì làm phân tán hoặc chia sẻ quyền lực xã hội.
“Trong ĐCSTQ, quyền lực là nguyên tắc cao nhất, và mọi thứ khác phải nhường chỗ cho mục tiêu tối cao này. Vì lợi ích độc quyền tuyệt đối và kiểm soát tuyệt đối quyền lực xã hội, ĐCSTQ có thể sát nhân và phá hủy nền kinh tế quốc gia,” bà Quách nói.
Ngoài ra, mức độ tập trung cao độ của ông Tập đã đẩy nhanh quá trình tích tụ rủi ro chính trị, khiến ông trở thành mục tiêu cả trong và ngoài nước, ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một nhà quan sát các vấn đề thời sự của Trung Quốc, nói với The Epoch Times.
Ông Lý lưu ý rằng chế độ cộng sản Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng sa lầy cả trong lẫn ngoài: nhà cầm quyền này phải đối mặt với sự bao vây của cộng đồng quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo. Trong khi đó, các cuộc khủng hoảng kinh tế, dân số học, và xã hội của Trung Quốc đang chồng chất lên nhau, có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về xã hội bất cứ lúc nào.
Ông Lý nói: “Xã hội Trung Quốc đang chuẩn bị những thay đổi rất lớn, và sự sụp đổ của chế độ cộng sản sắp xảy ra đến nơi.”
Trung Quốc Cộng sản so với Nga hậu Liên Xô
Bà Quách cho biết, so sánh 415 triệu người đã thoái ĐCSTQ — bao gồm ba tổ chức là đảng, đoàn thanh niên, và đội thiếu niên tiền phong — thì có 5 triệu người đã thoái Đảng Cộng sản Liên Xô (SCP) trước khi đảng này bị giải thể vào tháng 12/01991.
Vào thời điểm đó, Liên Xô vẫn có quân đội gồm bốn triệu người với các lực lượng hải quân, không quân, bộ binh, và hạt nhân hùng hậu. Nhưng khi Liên Xô tan rã, quân đội không chịu thi hành mệnh lệnh đàn áp nhân dân của những đầu sỏ chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô; điều này đã góp phần vào quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang chính phủ dân chủ ở các quốc gia thành viên cũ của Liên Xô, theo quan điểm của bà Quách.
Một đặc điểm chung của cả SCP và ĐCSTQ là chế độ cộng sản không ổn định, đầy rẫy những chia rẽ và mâu thuẫn nội bộ; Trong một môi trường như vậy, thì các lực lượng của tự do sẽ phát triển và cuối cùng dẫn đến sự kết thúc của hệ thống cộng sản: “sự tan rã của Liên Xô cũ và sự sụp đổ của các chế độ cộng sản cũ ở Đông Âu đã chứng thực quá trình này,” bà Quách nói.
Bà Quách chỉ ra rằng trong khi ở Trung Quốc, kể từ thời đại đầu sỏ chính trị gồm các cựu lãnh đạo ĐCSTQ là ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân, thì các lực lượng tự do đã nổi lên khắp đất nước, “ĐCSTQ đã phải đối mặt với hai lựa chọn: một là giải thể, tức là nhường quyền và đảng cộng sản thoái vị; Hai là quay trở lại giai đoạn lãnh đạo cá nhân và chủ nghĩa độc tài.”
Bản tin có sự đóng góp của Vương Giai Nghi
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times