Các chuyên gia: Những cuộc đấu đá chính trị của ĐCSTQ làm mất ổn định chính sách đối ngoại của Trung Quốc
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một chiến lược chính sách đối ngoại mới hồi năm 2018 với tên gọi “ngoại giao cường quốc.” Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau 5 năm, nền ngoại giao của Bắc Kinh đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, với mối bang giao Mỹ-Trung và Sáng kiến Vành đai và Con đường gặp trục trặc. Đồng thời, các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến chính sách đối ngoại của chính quyền này thêm bất ổn.
‘Ngoại giao cường quốc’ của ĐCSTQ trong tình trạng hỗn loạn
Nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 mới đây ở New Delhi, Ấn Độ. Thay vào đó, ông Tập giao cho Thủ tướng Lý Cường thay ông tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Một số nhà phân tích chính trị cho rằng việc ông Tập vắng mặt trong sự kiện quan trọng này là do tình hình chính trị trong nước bất ổn.
Hôm 13/09, nhà quan sát Trung Quốc Vương Hách (Wang He) nói với The Epoch Times rằng “ông Tập Cận Bình đã đi ra ngoại quốc trung bình 14 lần một năm trước khi COVID-19 bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình ‘tái đắc cử’ hồi đầu năm nay, thì tình thế đã nhanh chóng đảo ngược, ông ấy không dám đi ra ngoại quốc trừ khi cần thiết. Trên thực tế, sự tập trung vào chính trị trong nước của ông ấy vượt xa sự tập trung vào ngoại giao, đây là một tình huống chính trị gây lúng túng đối với ông ấy.”
Hôm 13/09, nhà bình luận chính trị Trung Quốc Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) nói với The Epoch Times rằng những thất bại của ĐCSTQ đã giúp Hoa Kỳ có được khởi đầu thuận lợi trong ngoại giao.
Ông Chương nói, “Thứ nhất, Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ở cấp cao nhất. Thứ hai, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, các nước Ả Rập, và Israel cùng chung tay thiết lập một phiên bản mới của Sáng kiến Vành đai và Con đường, khiến mối bang giao giữa châu Âu, Trung Đông, và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn. Thứ ba, ở Phương Nam (Global South), nơi bao gồm các lợi ích quan trọng của ĐCSTQ ở châu Phi, thì Ấn Độ đã nổi lên như một nhà lãnh đạo và hình mẫu mới.”
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cùng với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp, Đức, Ý, và Liên minh Âu Châu, đã đưa ra phiên bản Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của châu Âu và Mỹ, mà các quan chức Hoa Kỳ gọi là “Tuyến đường Gia vị thời hiện đại.” Sáng kiến này liên quan đến việc xây dựng một Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC). Tất cả các quốc gia tham gia sẽ họp trong vòng 60 ngày để xây dựng kế hoạch hành động và mốc thời gian.
Ông Chương tin rằng đây là một bước quan trọng để làm suy yếu ảnh hưởng của ĐCSTQ ở châu Á, châu Phi, và châu Mỹ Latinh.
Ông nói, “Trước đây, ĐCSTQ đã sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để xuất cảng hệ tư tưởng của mình và giành được quyền kiểm soát đối với các quốc gia ở Trung Á, Trung Đông, và tiểu lục địa Ấn Độ. Giờ đây, phiên bản Sáng kiến Vành đai và Con đường của châu Âu và Mỹ này là đối trọng với ĐCSTQ, và họ đã chọn cạnh tranh về cơ sở hạ tầng, lĩnh vực mà Trung Quốc chuyên sâu.”
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng nhân cơ hội này tại hội nghị thượng đỉnh G20 để nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường rằng Ý đang xem xét rút khỏi BRI.
ĐCSTQ đã chi 1 nghìn tỷ USD cho BRI của mình, và các chuyên gia cho rằng trụ cột này của chiến lược “ngoại giao cường quốc” của Trung Quốc hiện đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng.
Mối bang giao Mỹ-Trung là một trụ cột cốt lõi khác trong [chiến lược] “ngoại giao cường quốc” của ĐCSTQ. Tuy nhiên, sự đối đầu giữa hai nước đang gia tăng, qua việc Hoa Kỳ xây dựng vòng vây chống lại chính quyền Trung Quốc về công nghệ, thương mại, nhân quyền, và địa chính trị. Gần đây nhất, sau khi chính phủ Hoa Kỳ mở cuộc điều tra về các vi mạch điện thoại di động của Huawei, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo hôm 08/09.
Trong lịch sử, sau khi ĐCSTQ đề xướng các chính sách kinh tế “cải cách và mở cửa,” thì các chính quyền kế nhiệm đều coi mối bang giao với Hoa Kỳ là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu của họ. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, động lực thúc đẩy đằng sau “cải cách và mở cửa,” từng nói: “Sau Đệ nhị Thế chiến, các nước theo Liên Xô trở nên nghèo, còn các nước theo Hoa Kỳ trở nên giàu có.”
Trước hội nghị thượng đỉnh G20, Bắc Kinh đã công bố “Phiên bản 2023 của Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc.” Bản đồ mới này bao gồm cả Đài Loan, các đảo ở Biển Đông, và các khu vực tranh chấp dọc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Điều này làm dấy lên sự chỉ trích từ Đài Loan, các quốc gia khác có tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông, và Ấn Độ. Hoa Kỳ đã phản đối “những tuyên bố sai lầm về hàng hải” của ĐCSTQ.
Những cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ
Các chuyên gia cho rằng xung đột giữa các phe phái chính trị đã làm trầm trọng thêm những thất bại ngoại giao của ĐCSTQ.
Chẳng hạn, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, một người thân tín của ông Tập, bất ngờ bị cách chức hồi cuối tháng Bảy. Việc ông Tập có tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào tháng Mười Một và gặp Tổng thống Biden hay không vẫn là điều chưa ai rõ.
Ông Vương Hách, nhà bình luận chính trị, cho rằng ông Tập đã biết các đối thủ chính trị của ông bên trong Bộ Ngoại giao đã hạ bệ ông Tần.
Theo ông Vương Hách, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Vương Nghị dường như đã giành chiến thắng trong cuộc chiến nội bộ để thay thế ông Tần, nhưng tình thế của ông có vẻ cũng không lạc quan cho lắm.
Theo ấn bản Hoa ngữ của The Wall Street Journal, có tin đồn rằng ông Vương Nghị lẽ ra sẽ tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng này nhưng ông Tập đã cử Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính thay thế.
Ông Vương Hách tin rằng ông Tập không tin tưởng vào Bộ Ngoại giao kể từ khi các thế lực đứng sau ông Vương Nghị đã loại bỏ người được ông Tập bảo trợ là ông Tần. Ông Vương Nghị được cho là thân Nga và có thái độ thù địch với Hoa Kỳ hơn người tiền nhiệm. Ông Vương Hách cho biết bất chấp mối bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ xấu đi, ông Tập có lẽ sẽ không sẵn sàng áp dụng ngay một chính sách đối ngoại hung hăng với Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Jane Tao
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times